Theo Nghị quyết 29/NQ-TW của Hội nghị TW 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện.
Và đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục – đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học.
Hai vấn đề cốt lõi trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, đó là chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang bồi dưỡng nhân cách, phát triển năng lực của người học; xây dựng nền giáo dục mở, tạo cơ hội học tập cho mọi đối tượng.
Có thể nói, Nghị quyết 29 như một luồng gió mới thổi vào nền giáo dục – đào tạo đang còn rất nhiều tồn tại, bất cập, trì trệ, kìm hãm sự phát triển để mở ra một hướng đổi mới toàn diện cho hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của TS.Lê Viết Khuyến - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) về chặng đường sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 29 bên cạnh những thành tựu đạt được thì giáo dục vẫn còn một số điều chưa thực hiện được theo đúng tinh thần của Nghị quyết.
Giáo dục chưa mang tính chất “mở” đúng nghĩa
TS.Lê Viết Khuyến chỉ ra, trong Nghị quyết 29 có nêu, hệ thống giáo dục phải mang tính chất mở.
“Tính chất mở là đảm bảo theo xu hướng của thế giới hiện nay, có nghĩa là dù học theo cách nào nhưng nếu có quyết tâm, có năng lực thì mọi người vẫn có thể đạt trình độ cao nhất mà họ mong muốn chứ không phải là vào lối này thì thông, còn vào lối kia lại cụt đường không học tiếp lên được”, TS.Khuyến phân tích.
Chặng đường 3 năm thực hiện Nghị quyết 29 vẫn còn những tồn tại cần sớm giải quyết (Ảnh: Báo Phú Thọ) |
Hơn nữa, ở hầu hết các nước, học sinh học hết THCS sẽ được hướng theo luồng trung học phổ thông và luồng trung học nghề (chứ không phải trung cấp), hai luồng đó tương đương với nhau.
Trong trung học nghề, kiến thức văn hóa chiếm khoảng 50% và phải có thời gian học ít nhất 3 năm để khi các em tốt nghiệp trung học nghề học lên cũng được hoặc đi làm nghề cũng được. Ở bên trên phải có luồng khác để đón họ, đó là hướng đại học ứng dụng.
“Cả hai hướng hàn lâm và ứng dụng đều có thể học lên nhưng ở nước ta hiện nay đang tồn tại một thực tế, sau THCS, ngoài luồng vào THPT chúng ta lại đưa vào trung cấp nghề”, TS.Lê Viết Khuyến chỉ rõ.
Bởi theo ông Khuyến, trung cấp nghề có thời gian đào tạo ngắn chỉ đảm bảo tiêu chuẩn tay nghề chứ không đảm bảo tiêu chuẩn học vấn nên nhiều người không học lên được.
“Học trung cấp nghề lại không phù hợp nhu cầu của người muốn học. Học những nghề không phục vụ cho kinh tế gia đình thì họ không học, vì vậy, sau THCS chủ yếu các em vào THPT còn trung cấp nghề rất ít, bất đắc dĩ các em mới học.
Và phân luồng rồi phải khơi luồng cho người học, hiện nay chúng ta chưa làm được điều này”, ông Khuyến cho hay.
Chưa khắc phục được một số tính chất để hội nhập quốc tế
Cũng theo ông Khuyến, Nghị quyết 29 chỉ rõ, Việt Nam cần xây dựng hệ thống giáo dục mang tính chất hội nhập quốc tế, có nghĩa là tương đương với thế giới.
Để tương đương với thế giới có một tiêu chuẩn mà UNESCO đưa ra và tất cả các thành viên đều phải thực hiện trong đó có Việt Nam.
Mà trong phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED 2011 của UNESCO nêu rõ, phân loại đào tạo phải theo trình độ học vấn chứ không phải theo trình độ tay nghề.
“Theo trình độ học vấn tức là nếu có THPT thì phải có trung học nghề chứ không phải bên này là THPT bên kia là trung cấp nghề thì không được. Ví dụ, học THPT 3 năm thì trung học nghề cũng phải 3 năm”, ông Khuyến lý giải.
Tuy nhiên, theo ông Khuyến, ở nước ta hiện nay chưa khắc phục được điều này. Khi hội nhập quốc tế cũng vậy, chúng ta chưa khẳng định được mình ở trình độ nào so với thế giới, không quy định được các bậc học tương đương với các cấp độ học vấn.
“Đào tạo nhân lực cho mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đòi hỏi cơ cấu bậc học phải khác chứ không phải như đào tạo cho việc phục vụ xuất khẩu lao động giản đơn như hiện nay”, TS.Khuyến nhấn mạnh.
13 tiêu chuẩn của một Hiệu trưởng tốt và tử tế(GDVN) - Hiệu trưởng không chỉ là đóng vai trò thủ lĩnh dẫn dắt hội đồng sư phạm mỗi nhà trường mà còn là người biết truyền lửa, khích lệ đội ngũ. |
Hơn nữa, hệ thống chính sách về giáo dục của ta cũng còn nhiều bất cập dẫn đến phá vỡ cơ cấu nguồn nhân lực, không đảm bảo thực hiện được công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Trong nền kinh tế của thế giới hiện nay, tỷ lệ lao động có trình độ đại học có thể phải chiếm trên 70%. Các nước muốn phát triển, người thợ phải có trình độ cao.
“Hiện nay, tôi thấy văn bản nào của các Bộ cũng nói dựa trên Nghị quyết số 29 của Trung ương, thực ra đó phần lớn chỉ là câu chữ trên văn bản còn việc thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết cần phải nghiên cứu lại”, vị chuyên gia giáo dục này nêu quan điểm.
Vì vậy, giải pháp mà ông Khuyến đưa ra là nên thành lập một nhóm nghiên cứu tập hợp các chuyên gia bám sát vào Nghị quyết, phân tích thật kỹ để thấy điều gì trái với Nghị quyết thì phải sửa, chứ không phải chỉ căn cứ vào các bản trình do các Bộ đưa lên.
“Tôi thấy rằng, Nghị quyết số 29 đưa ra những mục tiêu phát triển rất tốt nhưng để Nghị quyết đi vào cuộc sống thì phải làm quyết liệt mới thay đổi được toàn diện, căn bản nền giáo dục đất nước”, ông Khuyến khẳng định.
Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 1- Thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể là: Đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa. Số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010; đang tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; củng cố và nâng cao kết quả xoá mù chữ cho người lớn. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo. |