LTS: Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã chắt lọc nên những câu ca dao, tục ngữ, những câu nói tốt đẹp về tình thầy trò như: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”; “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Không thầy đố mày làm nên”…
Điều này cho thấy dù ở bất kỳ giai đoạn nào, thời đại nào thì vai trò của người thầy cũng rất quan trọng đối với học trò. Thầy giỏi sẽ đào tạo nên trò giỏi, thầy nhân từ, đức độ sẽ đào tạo nên những thế hệ học trò hiếu nghĩa, lễ phép, biết cư xử đúng mực với mọi người, với cuộc đời.
Và, cứ thế, thế hệ thầy trò này đến thế hệ thầy trò khác kế tục nhau làm đẹp cho tình thầy trò và tạo nên những lớp học trò có ích cho xã hội.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để lắng nghe quan điểm của ông về vai trò của người thầy trong công cuộc đổi mới giáo dục.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, trong nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục đều chỉ ra rằng nhà giáo chính là yếu tố có tính quyết định đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Theo ông, “người thầy” có vị trí, vai trò như thế nào trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Từ xưa tới nay công việc khai hóa văn minh cho dân tộc và xây dựng nhân cách cho các thế hệ tương lai luôn là công việc vĩ đại nhất, gắn với vai trò vô cùng quan trọng của người thầy.
Những năm gần đây, với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin, đã xuất hiện ý kiến cho rằng, vai trò của người thầy dần bị công nghệ thông tin thay thế và trở nên không còn quan trọng như trước.
Ý kiến đó cũng có lý do, vì công nghệ thông tin sẽ làm chức năng truyền thụ kiến thức là công việc chủ yếu của người thầy trước đây.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Ngân Chi) |
Nhưng về cơ bản thì ý kiến trên không đúng. Vai trò của người thầy chẳng những không giảm đi mà ngược lại còn tăng lên vì giáo dục truyền thụ kiến thức sẽ chuyển sang giáo dục phát triển năng lực, mà phát triển năng lực thì quan trọng và khó hơn nhiều so với truyền thụ kiến thức. Và ngay cả công nghệ thông tin thì cũng vận hành theo những chương trình và nội dung do người thầy lập ra.
Người thầy ở bất cứ thời đại nào cũng đều có một số điểm giống nhau về cơ bản vì họ đều là người thầy, làm cái nghề đặc trưng là "trồng người". Đồng thời, trong mỗi thời đại, ở mỗi quốc gia, người thầy có những đặc điểm riêng.
Phóng viên: Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị thế, vai trò của người thầy: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Theo ông, điểm chung nhất của người thầy ở mọi thời đại là gì?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Trước tiên, họ phải là tấm gương về nhân cách, trung thực, nhân ái, tận tâm, có bản lĩnh bảo vệ chính kiến và chân lý, bênh vực lẽ phải cho đời, không vướng bận tiền tài và danh vị.
Cũng chính vì lẽ ấy mà nhiều người ở các thế hệ khác nhau đã gọi Chu Văn An là người thầy của các thời đại, là thầy của những người thầy.
Kiến thức của người thầy đương nhiên là hết sức quan trọng nhưng rồi cũng có giới hạn và sẽ được bổ sung, thay thế bằng những kiến thức khác mới hơn, còn các giá trị về nhân cách mới là thứ bền lâu mãi.
Kiến thức của thầy để trang bị cho học trò, còn nhân cách của thầy thì tác dụng trực tiếp và mạnh mẽ vào sự nghiệp “trồng người”, truyền cảm các giá trị nhân văn sang nhân cách của người học.
Chúng ta thường nhìn thấy không ít những người thầy tâm huyết với công việc dạy người, muốn góp phần nhiều nhất có thể cho việc hình thành và phát triển nhân cách (kiến thức, năng lực và phẩm chất) của người học, luôn mong muốn học sinh trưởng thành.
Những người thầy lớn có ước muốn học trò sẽ vượt mình và vượt sách. Nói chung người thầy nào cũng cố gắng rèn luyện phẩm chất, nâng cao kiến thức và năng lực giảng dạy, giữ hình ảnh người thầy trong lòng học sinh.
Trong quan hệ với học trò, người thầy thường và cần đứng ở vị trí cao thượng, trong sáng, vị tha, khoan dung, và nghiêm khắc, tìm thấy niềm vui thật sự mỗi khi nhận thấy học trò tiến bộ.
Phóng viên: Theo cảm nhận của ông, người thầy ngày nay và thời đại trước có gì khác nhau?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Trước tiên, cần trao đổi về một số đặc điểm của thời đại ngày nay vì chính nó là lý do, nguyên nhân và cơ sở làm cho người thầy phải khác trước.
Trong thời đại của kỷ nguyên thông tin, thế giới thay đổi rất nhanh, các thành tựu khoa học công nghệ và kiến thức do loài người tích góp lại đã nhiều vô kể và nâng cao chất lượng, thông tin nhiều chiều, cách tiếp cận đa dạng và đa phương thức.
Ảnh minh hoạ: L.H |
Người thầy nếu tiếp tục làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức như trước kia thì sẽ không còn phù hợp vì không biết sẽ cập nhật thế nào cho hết và truyền thụ bao nhiêu cho đủ, để làm gì và cất giữ ở đâu trong đầu óc của học trò.
Công nghệ thông tin sẽ thay thế căn bản chức năng truyền thụ kiến thức của người thầy.
Và khi ấy người thầy sẽ có nhiều thì giờ hơn để chủ yếu là hướng dẫn cho học sinh cách học, phương pháp tiếp cận, tự tìm kiếm kiến thức, cách phân tích và tổng hợp, giới thiệu giá trị cốt lõi nhất để làm ngọn hải đăng cho học sinh trong quá trình tự học, tự tìm kiến thức trong đại dương mênh mông của tri thức nhân loại.
Nếu như trước đây người thầy là người truyền thụ kiến thức cho học sinh, thì nay là người giúp cho học sinh cách học để phát triển năng lực tự mình và tiếp tục tự học suốt đời.
Học sinh phải trở thành chính họ, với năng lực và nhận thức cao hơn. Chứ học sinh không phải là kết quả do ai nặn ra theo ý muốn chủ quan áp đặt của người “tạo mẫu”.
Và theo đó, người thầy là bạn đồng hành với học sinh trong quá trình đi tìm chân lý, chứ không phải là người nắm độc quyền chân lý và áp đặt cho học sinh, bắt phải thừa nhận và yêu cầu học sinh phải thuộc lòng, không được khác thầy, khác sách.
Người thầy cần giúp cho học sinh biết tự học, chuyển quá trình đào tạo sang tự đào tạo, có tư duy độc lập và bản lĩnh để bảo vệ các chân lý khoa học và chính kiến của mình;
Có thể khác thầy, khác sách, biết cách vượt thầy và vượt sách, chứ người thầy không phải là hình mẫu, thước đo và giới hạn để học sinh phải giống thầy, phấn đấu để gần bằng thầy.
Nếu vậy thì thế hệ sau sẽ không bằng thế hệ trước và cứ thế mà đứng đó hoặc thụt lùi. Theo đó, người thầy phải có nhiều hiểu biết về khoa học giáo dục hiện đại, tâm lý học, là nhà giáo dục, nhà văn hóa và người nghệ sĩ.
Ngày tôi còn nhỏ, có lần hỏi một ông bác lớn tuổi nhờ ông chỉ đường giúp để đi đến một địa danh cần đến.
Ông bác không bảo phải rẽ trái, rẽ phải, hay đi thẳng, mà chỉ nói là tôi đang ở phía đông-nam, nơi cần đến là phía tây-bắc, còn đường đi cụ thể thì nằm ở phía dưới mũi (tức là miệng - vừa đi vừa hỏi đường). Đó là cách dạy về phương pháp.
Một người thầy nữa, suốt 3 năm cuối của đại học, trong các buổi hướng dẫn khoa học, thầy không hề giảng cho chúng tôi bất kỳ kiến thức gì, mà chỉ đặt câu hỏi.
Thầy hỏi để chúng tôi tự tìm câu trả lời và chẳng thấy thầy nhận xét gì hay phản biện trực tiếp vào nội dung trả lời ấy mà lại tiếp tục hỏi.
Cứ thế, hỏi và hỏi… Nhưng đến cuối khóa học thì học trò nào cũng cảm thấy trưởng thành nhiều, tự tin hơn nhiều, kiến thức và phương pháp đều tốt hơn rất đáng kể. Thế là thầy đã thành công!
Biết hỏi là biết học. Biết hỏi cũng là biết dạy. Hỏi những câu hỏi gì là cả một ý tưởng, một dự định, một tư duy và phương pháp tiếp cận.
Một người thầy khác, khi viết cách giải bài toán lên bảng và bảo học trò chép lại đem về xem làm mẫu.
Một học sinh đứng lên thưa thầy cách giải ấy không phải tối ưu. Thầy hỏi, vậy theo em thì còn cách nào, em có thể viết lên bảng không?
Học sinh ấy đứng dậy, bước lên bục và trình bày cách giải của mình. Người thầy giáo xuống ngồi phía dưới nhìn lên xem học trò giải toán.
Cuối bài thầy xúc động khen người học trò giỏi sáng tạo và bảo cả lớp chép bài của bạn ấy về nghiên cứu (thay cho bài mẫu trước đó của thầy).
Nhiều năm sau, số học sinh trong lớp ấy vẫn thường kể lại cho mọi người về việc đó với một sự trân trọng và tự hào về người thầy lớn của mình.
Trong thực tế đời sống còn rất nhiều chuyện cụ thể kiểu như vậy, nói lên công việc và nhân cách cần có của nghề làm thầy.
Năng lực của từng cá nhân là rất quan trọng, nếu không có nó thì không thể có năng lực của một tập thể, một cộng đồng.
Không phải cứ có “tam ngu (thì) thành hiền”. Nhưng mặt khác lại phải thấy rằng, bản chất và quy luật của thế giới ngày nay là “kết nối”. Năng lực của một cộng đồng có thể là cấp số nhân, chứ không phải chỉ là phép cộng năng lực hiện thực của những cá nhân.
Biết cách tổ chức tốt thì sẽ (và mới) có sức mạnh đó. Vì vậy, người thầy ngày nay phải giúp và tổ chức cho học sinh biết cách làm việc nhóm, để từ đó mà chuẩn bị năng lực tổ chức công việc một cách hiệu quả cho học sinh, đồng thời khuyến khích, thúc đẩy sự động não và tương tác lẫn nhau giữa các thành viên để hoàn thiện tư duy của mỗi người và của một tập thể.
Mặt khác, cao hơn nữa, khó hơn nữa, là người thầy phải có tâm huyết và luôn tìm mọi cách để góp phần trực tiếp tạo nên những người trí thức chân chính trong hiện tại và tương lai chứ không chỉ là những người có bằng cấp cao (chưa chắc đã là trí thức đúng nghĩa). Và đương nhiên, muốn làm được điều đó thì bản thân người thầy phải xứng đáng là một trí thức chân chính luôn tự nâng cao và hoàn thiện phẩm chất cá nhân, yêu tự do và dân chủ, khiêm tốn và cầu thị, bình đẳng và lắng nghe ý kiến khác mình. Yêu cầu này không phải ngày nay mới có mà từ xa xưa đã như thế.
Chỉ có điều khác là ngày nay, thời đại của kinh tế tri thức và đối mặt với sự vận động rất nhanh của thế giới chung quanh, luôn cần có tinh thần phản biện khoa học, tiếp thu có chọn lọc thông qua phản biện, không một chiều rập khuôn máy móc, luôn cần sự đổi mới và sáng tạo liên tục, không bảo thủ, dừng lại, không ngừng tự phát triển và hoàn thiện trí tuệ trong môi trường tri thức mở, khoa học mở, giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở và mở rộng tự do cá nhân về kinh tế, tư tưởng và ngôn luận, vì vậy, yêu cầu về một đội ngũ trí thức trưởng thành trở nên quyết liệt và hết sức bức xúc đối với đất nước và dân tộc ta. Đó là yêu cầu bức bách đối với chúng ta trong thời đại này. Hoặc là phải như thế hoặc là chấp nhận sự tụt hậu, lạc hậu và đi dần đến bị diệt vong.
Dù không thể thay thế được vai trò của người thầy trong việc truyền cảm, nêu gương, phân tích và tổng hợp, lập trình sáng tạo khi dẫn dắt và xử lý tình huống, nhưng công nghệ thông tin thật quan trọng, đến mức nó sẽ làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của con người, kể cả hoạt động giáo dục, nhất là trong truyền thụ kiến thức.
Đồng thời, với quá trình ấy là những yêu cầu kết nối thông tin giữa các cộng đồng và trên toàn cầu.
Vì lẽ đó mà người thầy cần biết nhiều càng tốt về ngoại ngữ, công nghệ thông tin và số hóa, để có điều kiện liên tục cập nhật tri thức nhằm nâng cao năng lực bản thân và giúp cho học sinh trong quá trình học tập.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.