Dự thảo Thông tư mới giúp tránh hiện tượng chọn sách giáo khoa theo số đông

10/11/2023 06:37
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo lãnh đạo trường phổ thông, việc trường thành lập Hội đồng lựa chọn SGK sẽ giúp tăng cường vai trò của tổ chuyên môn và giáo viên trực tiếp đứng lớp

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Dự thảo dự kiến sẽ thay thế cho Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT.

Theo chia sẻ của một số lãnh đạo trường phổ thông, điểm mới của dự thảo Thông tư so với Thông tư 25 là Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông sẽ do hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Các trường lập hồ sơ gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông). Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông do sở giáo dục và đào tạo trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục tại địa phương.

Ảnh minh hoạ: Thuỷ Tiên

Ảnh minh hoạ: Thuỷ Tiên

Góp ý cho dự thảo, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đồng Văn Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý (tỉnh Bắc Giang) cho biết, về bản chất, dự thảo Thông tư mới và Thông tư 25 không có nhiều sự khác biệt.

Theo thầy Hương, khi lựa chọn sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 và 11, nhà trường phổ biến cho giáo viên ở từng tổ chuyên môn tiến hành đọc, nghiên cứu các bộ sách giáo khoa. Mỗi tổ sẽ bỏ phiếu để lựa chọn sách giáo khoa của từng bộ môn. Sau đó, nhà trường lập danh sách các loại sách giáo khoa được tổ lựa chọn để gửi báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo.

“Việc mỗi trường phổ thông được thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa sẽ giúp cho quyền và trách nhiệm của cơ sở giáo dục, tổ chuyên môn rõ ràng hơn.

Hơn nữa, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do hiệu trưởng cơ sở giáo dục thành lập cũng phần nào tránh được tình trạng nhiều trường trong cùng một địa bàn sử dụng chung một bộ sách”, thầy Hương chia sẻ.

Cũng theo thầy Hương, từ năm học 2023-2024, khối lớp 4, 8 và 11 triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để đảm bảo chất lượng, điều kiện giảng dạy, giáo viên của trường đã được nghiên cứu sách và tham gia tập huấn sách giáo khoa đầy đủ.

"Theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ. Do vậy, tôi cho rằng, quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư 25 có hạn chế nhất định trong quyền lựa chọn sách giáo khoa của mỗi cơ sở giáo dục", thầy Hương cho biết.

Cùng chỉ ra ưu điểm của dự thảo, thầy Nguyễn Văn Hanh – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, việc mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập 01 Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cùng với quy trình lựa chọn sách theo dự thảo sẽ góp phần đề cao, tăng cường vai trò của cơ sở giáo dục, tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên bộ môn.

Thầy Nguyễn Văn Hanh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Yên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thầy Nguyễn Văn Hanh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Yên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Theo tôi, quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông theo dự thảo Thông tư được quy định khá chặt chẽ, không mất nhiều thời gian, giấy mực trong việc tổ chức họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa mà giáo viên đã lựa chọn.

Việc cơ sở giáo dục phổ thông được thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa vẫn sẽ dựa trên các tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học tại các cơ sở giáo dục phổ thông", thầy Hanh chia sẻ.

Chia sẻ về thực tế công tác lựa chọn sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 và 11, theo thầy Hanh, căn cứ vào danh mục sách giáo khoa mà các tổ chuyên môn đề xuất, nhà trường sẽ tổ chức họp và đánh giá sách giáo khoa. Thành phần tham gia họp gồm: lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm lựa chọn ra 01 sách giáo khoa cho mỗi môn học. Sau đó, trường làm báo cáo gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để hội đồng cấp trên lựa chọn.

"Với cách lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư 25, ưu điểm lớn nhất là có thể thu hút toàn giáo viên, những phụ huynh quan tâm cùng tham gia vào lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, hạn chế của cách lựa chọn này là vai trò của cơ sở giáo dục và người trực tiếp giảng dạy chưa được đề cao, việc lựa chọn sách giáo khoa khó thay đổi đối với khóa học sau", thầy Hanh chia sẻ thêm.

Ở cấp tiểu học, chia sẻ về điểm mới của dự thảo, cô Lưu Thị Nghĩa - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cho biết, việc mỗi cơ sở giáo dục được thành lập 01 Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa sẽ giúp công tác lựa chọn sách giáo khoa của trường sâu sát hơn.

"Theo tôi, nếu dự thảo được ban hành, mỗi cơ sở giáo dục sẽ chủ động hơn, dễ dàng lựa chọn các loại sách giáo khoa sao cho phù hợp đối với học sinh, điều kiện hoàn cảnh, đội ngũ giáo viên của trường theo từng năm học. Đặc biệt là rút ngắn thời gian, giảm sự tác động của cấp quản lý đến hiệu quả chọn sách", cô Nghĩa chia sẻ.

Cô Nghĩa cũng cho hay, với dự thảo Thông tư mới, nhà trường sẽ lấy ý kiến của giáo viên, phụ huynh học sinh để chọn ra các loại sách phù hợp nhất, sau đó làm hồ sơ để gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo, chờ Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định phê duyệt.

Còn khi Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa như Thông tư 25 sẽ khó tránh được việc chọn sách giáo khoa theo “hiệu ứng đám đông”.

Cụ thể, theo cô Nghĩa, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập có thể dẫn tới việc chọn sách giáo khoa theo phần lớn các đầu sách mà nhiều trường báo cáo; hoặc chọn sách phù hợp với các trường ở khu vực đồng bằng nhưng lại chưa phù hợp với các cơ sở giáo dục ở vùng núi, vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Ngọc Mai