Từ khi tự chủ theo Nghị quyết 77, nguồn thu của trường ĐH tăng trung bình 126%

02/09/2022 06:45
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nguồn thu các trường được tăng lên đáng kể, giai đoạn sau tự chủ (năm 2019) tăng trung bình 126% so với giai đoạn trước khi tự chủ (năm 2015).

Trong tham luận “Thực hiện quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập”, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã nêu cụ thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.

Cụ thể, để tạo đột phá về đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ.

Trong đó, các đơn vị được thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ như: Quyết định mức học phí bình quân (của chương trình đại trà); được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà trường và các nguồn hợp pháp khác do nhà trường tự huy động. Các trường đại học đã và đang thực hiện đúng theo quy định của Luật Giáo dục đại học với rất nhiều chế độ chính sách, học bổng và giảm học phí cho các đối tượng chính sách.

Các khoản được tính trích lập vào Quỹ hỗ trợ sinh viên bao gồm:

Quỹ học bổng khuyến khích học tập theo mức 8% trên tổng thu học phí chính quy;

Trích Quỹ hỗ trợ sinh viên từ chênh lệch thu chi;

Sử dụng toàn bộ tiền lãi của khoản học phí và các khoản thu sự nghiệp khác gửi ngân hàng thương mại để lập Quỹ hỗ trợ sinh viên.

Đồng thời, với cơ chế tự chủ, các trường có cơ hội kêu gọi tài trợ học bổng từ các tập đoàn kinh tế lớn để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ: L.H

Ảnh minh hoạ: L.H

Ngoài ra, các trường được chủ động trong việc trích lập, sử dụng các quỹ tạo nguồn để chi trả thu nhập cho người lao động, thu hút giảng viên giỏi, các nhà khoa học trong và ngoài nước đến giảng dạy, nghiên cứu và làm việc. Các trường được quyết định việc sử dụng nguồn thu của đơn vị để chi cho các hoạt động thường xuyên, bảo đảm đạt chuẩn chất lượng đầu ra theo đúng cam kết.

Đơn vị được chủ động trích lập các quỹ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và các Quỹ hỗ trợ sinh viên, để phát triển nhà trường tăng thu nhập cho cán bộ nhưng vẫn đảm bảo chế độ chính sách cho học sinh, để không làm mất cơ hội cho học sinh nghèo học giỏi.

Một số kết quả đạt được

Tính đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo Nghị quyết số 77/NQ-CP cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc các bộ, ngành Trung ương (trong đó, 11 trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 12 trường thuộc các bộ ngành khác).

Theo báo cáo của các trường thì sau khi chuyển sang cơ chế thí điểm tự chủ, nguồn thu tài chính của các trường tăng lên đáng kể, thu nhập của người lao động được cải thiện, các đơn vị có thêm tích lũy để tái đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo; cụ thể như sau:

Nguồn thu các trường được tăng lên đáng kể, giai đoạn sau tự chủ (năm 2019) tăng trung bình 126% so với giai đoạn trước khi tự chủ (năm 2015).

Thu nhập của cán bộ viên chức được từng bước cải thiện, theo báo cáo của các trường chuyển sang thí điểm cơ chế tự chủ tại thời điểm năm 2017, thu nhập tăng thêm tăng từ 0,5-1 lần lương ngạch bậc, đơn cử một số đơn vị như:

Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội tăng 0,7 lần;

Trường Đại học Hà Nội trước khi thí điểm tự chủ là 0,67 lần so với lương ngạch bậc, sau khi thực hiện tự chủ là 1 lần;

Trường Đại học Tôn Đức Thắng thu nhập tăng thêm của cán bộ, giảng viên so với năm trước tăng khoảng 15%;

Trường Đại học Kinh tế quốc dân tăng 0,6 lần so với lương ngạch bậc;

Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,75 lần so với lương ngạch bậc;

Học viện Nông nghiệp Việt Nam tăng 0,49 lần so với lương ngạch bậc.

Các trường tăng tích lũy cho đầu tư phát triển nhà trường từ việc trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, tạo điều kiện cho các trường có thêm nguồn đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo tổng hợp số liệu quyết toán của các trường thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tổng số trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp sau khi tự chủ (năm 2019) tăng bình quân 321% so với thời điểm trước khi tự chủ (năm 2015).

Một số khó khăn vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai Nghị quyết 77 cũng gặp phải một số bất cập, hạn chế như:

Cơ cấu nguồn thu thiếu bền vững: Nguồn thu của các trường tự chủ đại học hiện nay đa phần (trên 80%) nhờ vào tăng học phí và tăng quy mô đào tạo; các khoản thu từ nghiên cứu khoa học, dịch vụ hay chuyển giao công nghệ, tư vấn doanh nghiệp còn chiếm tỷ trọng nhỏ.

Mức tăng học phí phải tính toán tăng ở mức hợp lý để bảo đảm tính cạnh tranh giữa các trường và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng phải đáp ứng điều kiện quy định về đảm bảo chất lượng nên nguồn thu từ học phí sẽ không bền vững khi việc tuyển sinh gặp khó khăn.

Nghị quyết số 77/NQ-CP là quyết định thí điểm cho các trường được tự chủ toàn diện, nhưng hiện cơ chế tự chủ của các trường vẫn đang gặp khó khăn do vẫn phải tuân thủ các quy định về luật pháp (Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công,…). Do một số Luật chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, nên còn khó khăn về tuyển dụng, bổ nhiệm chuyên gia lớn tuổi, chuyên gia nước ngoài làm quản lý chuyên môn trái với Luật công chức, viên chức; không thể tự quyết định chi tiêu, đầu tư mua sắm khác với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…

Việc thực hiện tự chủ của các trường chưa gắn với trách nhiệm giải trình, vì vậy, khi các trường mở ngành, xác định và thực hiện chỉ tiêu, liên kết đào tạo trong và ngoài nước, tuyển dụng đội ngũ giảng viên ngoài độ tuổi lao động,… chưa báo cáo đầy đủ, kịp thời tới cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý ngành; việc thành lập Hội đồng trường tại một số trường còn chậm trễ.

Linh Hương