Học sinh lớp 6 đọc chưa sõi vẫn được lên lớp hay “học sinh lớp 6 xuống lớp 1” là thực trạng báo chí đã phản ánh nhiều trong những năm qua. Tuy nhiên, Quảng Trị, một tỉnh còn nghèo khó nhưng có một câu chuyện khác.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Hương- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết, Sở đang thực hiện nhiều biện pháp và kiên quyết không để học sinh ngồi nhầm lớp.
Một trong những thành công trong việc không để học sinh ngồi nhầm lớp chính là việc thực hiện tốt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”.
Các em học sinh ở độ tuổi mầm non đã được tăng cường Tiếng Việt. Ảnh minh họa: LC |
“Tại Quảng Trị đã và đang thực hiện tốt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”.
Trong đó, ngoài kế hoạch chung của ngành giáo dục, các nhà trường đã có nhiều sáng tạo trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số”, bà Lê Thị Hương cho biết.
Các huyện như Gio Linh, Đakrông, Hướng Hóa… những địa danh gắn liền với chiến tranh, nghèo đói và sau hơn 40 năm chiến tranh qua đi, đời sống bà con dân tộc thiểu số trên những vùng đất này còn khó khăn. Tuy nhiên, công tác phổ cập giáo dục ở những địa bàn này đã có nhiều tiến bộ.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp từng cấp học, từng trường học và thực tiễn ở địa phương.
Từ đó giúp các em học sinh dân tộc thiểu số tại các huyện còn khó khăn có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức của cấp học tiếp theo, từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Từ thành công của đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, ngành giáo dục Quảng Trị đã không có tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp khi không biết đọc, biết viết.
Để phát huy hiệu quả đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với phụ huynh, các đoàn thể huy động nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để xây dựng môi trường tiếng Việt ở trong và ngoài lớp học theo quan điểm “Lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp theo từng độ tuổi với các hình ảnh, màu sắc đẹp, rõ ràng, dễ hiểu để phụ huynh cũng như trẻ dễ dàng tiếp cận, từ đó giúp trẻ phát triển tốt tiếng Việt.
Các trường sử dụng hiệu quả các không gian cho trẻ làm quen tiếng Việt; tích hợp lồng ghép trong các hoạt động giáo dục hằng ngày; xây dựng góc học tập, trang trí lớp học, tổ chức các trò chơi dân gian, ngày hội sách...qua đó để tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc và làm quen với tiếng Việt.
Tăng cường bồi dưỡng tiếng Việt cho cha mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số thông qua giao tiếp hằng ngày, qua các buổi sinh hoạt tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe cho trẻ…,giúp cha mẹ trẻ có nhiều cơ hội giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ tiếng Việt nhiều hơn.
Các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Gio Linh, Vĩnh Linh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền cho cha mẹ trẻ có con học tại trường, tranh thủ nguồn từ dự án và các câu lạc bộ tại cộng đồng để tuyên truyền cho hầu hết cha mẹ trẻ (kể cả trẻ chưa đến lớp) về tăng cường tiếng Việt như nhóm đọc sách 4-11 tuổi, nhóm trẻ vui chơi trẻ dưới 3 tuổi, câu lạc bộ dinh dưỡng...
Các đơn vị chủ động phối hợp với đoàn thanh niên, ban văn hóa xã tuyên truyền về công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ, tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ tham gia nhằm tăng cường thêm vốn tiếng Việt.
Tăng cường bồi dưỡng tiếng Việt cho cha mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số thông qua giao tiếp hằng ngày, qua sinh hoạt các buổi tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe cho trẻ…,phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và cộng đồng giúp cha mẹ trẻ có nhiều cơ hội giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ tiếng Việt nhiều hơn.
Phối hợp để tuyên truyền thông qua các buổi họp phụ huynh, loa phát thanh, tranh ảnh, biểu bảng tại nhóm lớp, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho trẻ, chế biến dinh dưỡng tại trường, phối hợp với y tế thôn bản nói chuyện với cha mẹ trẻ…, để phụ huynh có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt các thông tin để luyện cho trẻ nói tiếng Việt.
Ngoài ra còn kết nối, phối hợp với các chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh nhằm hỗ trợ cho cha, mẹ trẻ và cộng đồng trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.
Ngành Giáo dục Quảng Trị tạo điều kiện cho học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số học tập đạt kết quả cao nhất. Ảnh minh họa: Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa |
Cũng theo bà Lê Thị Hương: “Để giúp các em học sinh vùng dân tộc thiểu số, các thầy cô giáo vùng đồng bào miền núi cũng đã vượt qua nhiều vất vả, khó khăn, rất trách nhiệm trong quá trình công tác để làm tốt công tác giảng dạy, tăng cường tiếng Việt cho các em học sinh.
Ngay cả các hoạt động trong các ngày hội tiếng Việt tại các trường, các cụm các thầy cô cũng đã phát huy rất nhiều.
Khó khăn là chắc chắn, chỉ tính riêng năm 2020, ngành Giáo dục Quảng Trị gặp khó khăn kép khi tác động của dịch bệnh, thiên tai. Thời gian nghỉ học liên tục trong cả một thời gian dài gần 2 tháng.
Tuy nhiên, các thầy cô giáo đều rất nỗ lực khi phát huy tinh thần trách nhiệm giảng dạy trên lớp, cùng với đó là kết hợp với các đồn biên phòng để thực hiện các chương trình dạy học biên giới, dạy học hỗ trợ…”
Theo kết quả được báo cáo sau 4 năm thực hiện Đề án, công tác phổ cập Giáo dục Tiểu học đã có bước tiến mới, năm 2018 và năm 2019, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỉ lệ 99,66%; 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được đến trường, 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày hoặc 7 buổi/tuần; 99% học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình lớp học.
Môi trường sư phạm vùng núi được cải thiện rõ nét; hệ thống trường, lớp, cơ sở vật chất điểm trường chính, nhất là các điểm trường lẻ ngày càng được quan tâm đầu tư đầy đủ, khang trang và đạt chuẩn.
Một số địa phương như: huyện Đakrông đã quan tâm công tác xây dựng hoạt động tại các điểm trường lẻ, chọn đây là hoạt động điểm nhấn của Ngành với các tiêu chí đánh giá hoạt động rõ ràng, cụ thể. Chính điều này, đã tạo động lực giúp cán bô quản lý – giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi cảnh quan môi trường sư phạm, học sinh được tăng cường tiếng Việt nhiều hơn, tạo nên sự khởi sắc cho các đơn vị trường học có học sinh dân tộc thiểu số.