Tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 140: Có nên thay đổi các tiêu chuẩn?

10/09/2022 06:43
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều địa phương ở Quảng Ngãi đang được khuyến khích sử dụng Nghị định 140 để tuyển giáo viên nhưng không thể tuyển được vì các quy định khắt khe.

Đã có nhiều luồng ý kiến cho rằng, có nên thay đổi một số quy định của Nghị định 140/2017/NĐ-CP cho phù hợp với từng khu vực, để có thể tuyển chọn được những giáo viên giỏi. Tránh tình trạng quy định quá khắt khe khiến việc lựa chọn “nhân tài” cho ngành giáo dục gặp khó.

“Không có hồ sơ nào dự tuyển theo Nghị định 140…”

Trong kế hoạch tuyển dụng hơn 1.000 giáo viên cho năm học mới 2022-2023 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải ưu tiên tuyển dụng giáo viên theo chính sách thu hút của Nghị định 140.

Nhiều ý kiến cho rằng nên điều chỉnh Nghị định 140 theo từng khu vực để có thể phát huy hết những ưu điểm của chính sách thu hút nhân tài này. Ảnh: AN

Nhiều ý kiến cho rằng nên điều chỉnh Nghị định 140 theo từng khu vực để có thể phát huy hết những ưu điểm của chính sách thu hút nhân tài này. Ảnh: AN

Trong đó, nếu không tuyển dụng được giáo viên theo Nghị định này thì các cơ quan nói trên mới tổ chức thi tuyển theo hình thức thông thường như mọi năm.

Đánh giá về kế hoạch này, Sở Giáo dục Quảng Ngãi cũng như lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã đều cho rằng, đây là chính sách đãi ngộ để lựa chọn giáo viên giỏi về các trường giảng dạy.

Tuy nhiên, để tuyển được giáo viên theo Nghị định này ở bậc từ mầm non đến trung học cơ sở không phải là điều dễ dàng.

“Ở các trường trực thuộc Sở thì chúng tôi tuyển dụng 16 giáo viên cho Trường trung học phổ thông chuyên Lê Khiết. Hiện cũng đã có một số hồ sơ gửi về để xem xét.

Tuy nhiên, Nghị định 140 có những quy định rất ngặt nghèo, không phải dễ tuyển được giáo viên theo diện này”, ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho biết.

Ông Thái phân tích thêm, Nghị định 140 quy định sinh viên tốt nghiệp phải loại xuất sắc, chỉ cần một học kỳ không đạt cũng không qua được vòng sơ tuyển.

Trong thời gian học trung học phổ thông, thí sinh phải có học lực loại giỏi, phải đạt các giải thưởng từ giải ba trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia… Những quy định khắt khe như vậy thì rất ít thí sinh đạt được.

Được giao 103 chỉ tiêu giáo viên các bậc học từ mầm non đến trung họ cơ sở, ngày 19/7, Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã ra thông báo tuyển dụng viên chức giáo viên huyện Bình Sơn năm 2022 theo chính sách thu hút theo quy định tại Nghị định số 140.

Tuy nhiên, đến ngày 8/9, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đinh Hùng Cường - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết:

“Mặc dù kế hoạch của tỉnh đặt ra là ưu tiên tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 140 nhưng đến nay không có bất kỳ một hồ sơ nào tham gia ứng tuyển. Nghị định 140 đặt ra quy chuẩn rất cao đối với thí sinh nên cả huyện không có hồ sơ nào gửi về”.

Ông Cường cũng chia sẻ thêm, hiện nay việc tuyển dụng giáo viên rất khó khăn bởi lượng hồ sơ nộp về dự tuyển còn ít hơn chỉ tiêu đặt ra. Nguyên do là quy định mới của Luật yêu cầu giáo viên bậc tiểu học phải có bằng đại học trở lên.

“Hiện số lượng hồ sơ nộp về dự tuyển giáo viên năm học 2022-2023 thì tôi chưa rõ nhưng năm ngoái, số lượng hồ sơ nộp về dự tuyển chỉ bằng một nửa số chỉ tiêu cần tuyển.

Những giáo viên có trình độ cao đẳng thì phải chấp nhận đi học lên đại học, vừa tốn kém lại vừa không biết khi tham gia thi tuyển có đậu hay không.

Trong khi đó, nhiều người lựa chọn đi làm ở các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn với mức lương cao thay vì chọn làm giáo viên”, ông Cường nói.

Tương tự, tại huyện Trà Bồng cũng tuyển dụng 135 giáo viên theo Nghị định 140. Tuy nhiên, đến nay, Phòng Nội vụ huyện này xác nhận không có hồ sơ dự tuyển nào đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Do đó, với tình hình thực tế trên thì các địa phương này phải chuyển sang hình thức thi tuyển như các năm trước đây để đảm bảo đội ngũ cho việc dạy học.

Nghị định 140 có nên thay đổi?

Ông Nguyễn Công Thành – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết, Nghị định 140 ra đời từ năm 2017 và cũng chỉ mới được triển khai rộng rãi một vài năm trở lại đây nên chưa thể đánh giá hết ưu – nhược điểm của chính sách này.

Tuy nhiên, với một chính sách ưu tiên, đãi ngộ để thu hút “nhân tài” thì những quy định, chọn lọc khắt khe là điều tất yếu.

“Phải hiểu rằng đây là một chính sách ưu tiên cho những người giỏi, người có năng lực. Trên thực tế, để tuyển dụng được đội ngũ này cho ngành giáo dục thì cũng rất hiếm và khó khăn.

Những đãi ngộ quy định trong Nghị định này đã giúp cho ngành giáo dục tuyển chọn được những người giỏi. Hơn nữa, nó cũng trở thành động lực cho các em học sinh phấn đấu vào ngành sư phạm ngay từ khi còn ngồi trên ghế trung học phổ thông (quy định 3 năm cấp ba phải là học sinh giỏi và đạt các giải thưởng từ giải ba trở lên ở các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia)".

Nhận xét về ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi một số quy định của Nghị định này để tuyển chọn người giỏi cho ngành sư phạm, ông Thành nói: “Nếu thay đổi như vậy thì chúng ta sẽ không lựa chọn được những người giỏi nhất. Còn tuyển dụng giáo viên đại trà thì có thể tổ chức thi tuyển như thông lệ”.

Còn theo quan điểm của ông Đinh Hùng Cường - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) thì bên cạnh những ưu điểm, Nghị định 140 vẫn còn nhiều điểm được xem là “quá khắt khe”.

“Nếu có thí sinh nào đạt được những điều kiện này (tốt nghiệp loại xuất sắc) thì họ sẽ chọn các trường ở trung tâm thành phố chứ không gửi về huyện. Theo quan điểm của tôi thì muốn tuyển được giáo viên theo Nghị định này thì cần phải có sự thay đổi, điều chỉnh.

Thứ nhất, đó là nên giảm một số tiêu chuẩn xuống để phù hợp với nhu cầu tuyển dụng giáo viên giỏi hiện nay.

Thứ hai, cần phải phân loại thành từng vùng. Tức là, quy chuẩn đặt ra ở các khu vực trung tâm, thành phố lớn phải khác với quy chuẩn của những khu vực miền núi, huyện nghèo, xa trung tâm.

Tương tự như vậy thì những thành phố lớn đòi hỏi quy chuẩn cao, còn các tỉnh sẽ có quy chuẩn bớt khắt khe hơn. Lúc đó, chúng ta sẽ tận dụng được nguồn nhân lực giỏi của địa phương để phát triển giáo dục”, ông Cường nói.

AN NGUYÊN