Từ lâu, việc tuyển sinh của các trường sư phạm cũng như tuyển dụng nhân lực cho ngành giáo dục đang có nhiều điều bất cập.
Khi tuyển sinh thì không chọn được học thí sinh giỏi để đào tạo. Khi ra trường thì sinh viên lại thất nghiệp nhiều, hoặc có nhiều trường hợp nếu xin được việc cũng phải qua nhiều “cửa ải gian nan” khác nhau.
Trong đó, có nhiều địa phương để xảy ra tiêu cực trong tuyển dụng mà trong thời gian qua đã được báo chí phản ánh rất nhiều lần.
Vì vậy, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/2 vừa qua có một số ý kiến đề xuất, góp ý cho việc đào tạo sư phạm và sử dụng nhân lực ngành giáo dục như quân đội.
Đây là một đề xuất rất hay nhưng thực tế thì ngành giáo dục có rất nhiều điểm khác với quân đội nên có lẽ việc này rất khó thành hiện thực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ( Ảnh: Quochoi.vn) |
Nói thật, khi đọc được những thông tin này, chúng tôi mừng vô cùng nếu điều này thực hiện được. Nhất là những đề xuất này là của những lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến “Đã đi học sư phạm thì khẳng định luôn sẽ được bố trí công việc, nơi nào có nhu cầu thì phân công anh đến đó sau khi tốt nghiệp, nhưng điểm đầu vào phải cao.
Được như thế thì người học yên tâm và coi việc đi học sư phạm là niềm mơ ước, khi ra trường sẽ có điều kiện công tác”.[1]
Còn ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thì đề xuất: “Tôi cho rằng ngành giáo viên là một nghề đặc thù, là vấn đề đặc biệt cần quan tâm và cần ưu tiên ngang lực lượng vũ trang.
Việc tuyển sinh theo quân đội là tốt nhất, cần bao nhiêu tuyển bấy nhiêu, ra trường là sắp xếp công việc, không có chuyện phải thi công chức. Để giáo viên yên tâm đã đi học sư phạm là nhất thiết phải có việc làm”.[2]
Thực tế, việc tuyển sinh sư phạm của các trường đại học và các địa phương trong những năm qua rối rắm và bết bát vô cùng. Chúng ta có quá nhiều trường sư phạm ở thời điểm hiện nay.
Có những trường được thành lập từ ngay những năm đầu nước nhà độc lập, có những trường thành lập sau khi nước nhà thống nhất. Những trường đó đã có bề dày đào tạo và tạo được thương hiệu cho riêng mình.
Lý tưởng nhất là tuyển sinh sư phạm, ưu đãi giáo viên như lực lượng vũ trang |
Tuy nhiên, những năm gần đây thì các địa phương đều thành lập các trường đại học sư phạm hoặc khoa sư phạm khoa cho riêng địa phương mình.
Từ đó dẫn đến tình trạng dư thừa trong việc sử dụng nhân lực. Khi đã dư thừa thì dẫn đến những tiêu cực gây nên sự chán ngán cho nhiều sinh viên đã và đang học ngành sư phạm.
Và, tất nhiên là nhiều sinh viên thất nghiệp sẽ có tác động đến việc định hướng nghề nghiệp của nhiều em học sinh lớp 12. Không ai lại muốn học xong đại học rồi …thất nghiệp.
Vì thế, đề xuất đào tạo sư phạm và tuyển dụng nhân lực cho ngành giáo dục giống quân đội thì có lẽ chúng ta chưa, thậm chí là không thể thực hiện được bởi các lý do sau:
Thứ nhất: Quân đội chủ yếu đào tạo sĩ quan là nam giới nên khi ra trường dù được phân công công tác ở đâu thì họ cũng có thể đến được.
Đặc thù của ngành giáo dục thì nữ giới lại đang chiếm số lượng nhiều hơn. Trong khi, nữ giới họ rất ngại đi xa và gia đình họ cũng không muốn việc này xảy ra.
Thứ hai: Bộ Quốc phòng đang tự chủ về nhân sự từ khâu sơ tuyển, đào tạo và phân công công tác. Ngành giáo dục thì lại hoàn toàn ngược lại.
Thí sinh thích học đâu thì thi đó, khi ra trường thì các Phòng, Sở Nội vụ phối hợp với ngành giáo dục tuyển dụng nhưng người chủ trì và kí quyết định phân công nhiệm sở lại là các Ủy ban Nhân dân huyện, tỉnh.
Chính sự tuyển dụng, phân công công tác của ngành giáo dục có liên quan đến nhiều ban ngành nên chúng ta chưa thể “tự chủ” như bên quân đội được.
Thứ ba: Các trường quân đội thường tuyển với số lượng ít hơn rất nhiều ngành sư phạm và họ có một chế độ đãi ngộ rất đặc biệt hàng tháng như: nhà ở, quân tư trang, tiền phụ cấp hàng tháng...
Nếu ngành sư phạm mà cũng thực hiện như vậy thì gánh nặng ngân sách sẽ rất lớn.
Bởi, chúng ta nhìn vào số liệu tuyển sinh mấy năm gần đây, dù Bộ Giáo dục đã giảm chỉ tiêu nhưng mỗi năm vẫn đào tạo số lượng gấp nhiều lần các trường quân đội.
Thứ tư: Hệ số lương giữa sĩ quan quân đội và giáo viên mới ra trường rất khác nhau.
5 vấn đề Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục xin ý kiến Thường vụ Quốc hội |
Giáo viên mới ra trường hưởng lương hệ số là 2.34, Sĩ quan mới ra trường được hưởng hệ số 4.20, (tương đương gần bằng lương bậc 7 của giáo viên).
Hệ số lương của hạ sĩ quan (Hạ sĩ) là 3.20 gần bằng lương bậc 4 của giáo viên (3.33).
Như vậy, nếu chế độ lương của giáo viên được xếp ngang với lực lượng vũ trang thì ngân sách hiện nay của nhà nước ta không thể nào kham nổi.
Nên nhớ, giáo viên đang chiếm 51% tổng số biên chế nhà nước.
Thứ năm: Quân đội khác xa với các ngành còn lại. Họ làm việc ở một ngành nghề đặc biệt. Vất vả trong tập luyện, hy sinh nhiều thứ và quan trọng hơn là họ đang gánh trên vai mình một nhiệm vụ thiêng liêng với tổ quốc.
Cho nên, dù giáo viên cũng có một vai trò quan trọng nhưng có lẽ sẽ không thấm tháp gì với môi trường quân đội bởi họ luyện tập hàng ngày trên thao trường, luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu- Họ xứng đáng được hưởng những chế độ tốt nhất mà nhà nước có thể làm được.
Vì thế cho nên, theo chúng tôi thì điều quan trọng nhất để có thể nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo và sử dụng lao động ở ngành giáo dục là khâu dự báo nhân lực của ngành cần chính xác.
Không nên đào tạo những ngành học mà đã và đang thừa giáo viên.
Chúng ta có kế hoạch đào tạo, sử dụng hiệu quả nhân lực ngành sư phạm bằng hình thức phân công hoặc thi tuyển nghiêm minh, công bằng, tránh tình trạng đào tạo tràn lan rồi để sinh viên thất nghiệp.
Hàng năm đánh giá giáo viên chính xác, cương quyết luân chuyển, thậm chí tinh giản những môn mà nhân lực đang thừa. Những giáo viên không còn động lực phấn đấu, cống hiến thì nên cương quyết đào thải.
Trả lương cho giáo viên theo năng lực và vị trí việc làm. Tránh cào bằng và chênh lệch phi lý như hiện nay. Tạo được môi trường thân thiện, dân chủ, bình đẳng trong công tác.
Chỉ cần thế thôi là sẽ kéo được người giỏi đến với ngành sư phạm. Còn để được bằng và như quân đội e là xa xôi lắm.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vov.vn/chinh-tri/tuyen-sinh-vien-su-pham-nen-nhu-tuyen-sinh-quan-doi-878427.vov
[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ly-tuong-nhat-la-tuyen-sinh-su-pham-uu-dai-giao-vien-nhu-luc-luong-vu-trang-post195877.gd