Tôi chưa bàn nhiều ít, nhưng phải quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm

01/02/2019 06:20
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Việc quy hoạch lại không chỉ giảm được số lượng nhân lực ở các trường sư phạm mà chúng ta sẽ có bớt được một nguồn kinh phí chi cho đào tạo hàng năm.

Với số nhân lực ngành sư phạm trong những năm gần đây đang dư thừa hàng chục nghìn người ở các trường phổ thông, cộng với số sinh viên sư phạm đang thất nghiệp trong những năm qua cho thấy nhân lực của ngành trong những năm tới đây không lớn.

Việc Bộ Giáo dục lên tiếng sẽ sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm cho những năm tới là điều hoàn toàn phù hợp với thực tế của ngành giáo dục hiện nay.

Bởi, nếu không sắp xếp lại thì sẽ dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường ngày càng thất nghiệp mà chất lượng đào tạo sư phạm của một số trường cũng nổi trôi không quản lý được.

Việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm là cần thiết (Ảnh minh họa: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam)
Việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm là cần thiết (Ảnh minh họa: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam)

Như chúng ta đã biết hiện nay mạng lưới trường sư phạm trong cả nước là rất lớn:

Theo thống kê của của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 8/2018, cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên.

Trong đó, có 14 trường đại học sư phạm, 40 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm” [1].

Điều này cho thấy, với số trường sư phạm như hiện nay thì cung đã vượt quá cầu. Đây là hệ quả của việc một thời gian dài các cơ quan chức năng dễ dãi cho thành lập hàng loạt các trường sư phạm ở các địa phương.

Chính vì số lượng trường sư phạm nhiều nên những năm qua các trường phải tìm mọi nguồn tuyển đầu vào. Chất lượng đầu vào sư phạm đã giảm rõ rệt và điều quan trọng là chúng ta thấy sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều.

Kéo theo đó là hàng loạt vụ việc tiêu cực trong tuyển dụng ở một số địa phương mà thời gian qua chúng ta đã thấy phản ánh rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Con số sinh viên thất nghiệp những năm qua không còn tính bằng con số hàng trăm, hàng nghìn mà đã lên đến hàng chục nghìn con người.

Trước khi bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục đại học đã đưa ra thông tin:

Qua điều tra, hiện còn khoảng hơn 40.000 cử nhân sư phạm chưa có việc làm, trong số đó có khoảng 50% (20.000) vẫn đang chờ cơ hội để vào ngành sư phạm, còn lại có thể đã chuyển ngành nghề khác” [2].

Tôi chưa bàn nhiều ít, nhưng phải quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm ảnh 2Tôi không đồng ý để cả nước chỉ có 10 trường sư phạm

Chính từ đầu vào các trường sư phạm thấp, dư luận lên tiếng nên việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương lấy điểm sàn đối với khối trường sư phạm theo chúng tôi là hoàn toàn hợp lý.

Bởi, nếu không quy định điểm sàn sẽ dẫn đến chất lượng đầu vào quá thấp như mấy năm trước đây. Chúng ta không thể chấp nhận những thầy cô tương lai chỉ có 3 điểm/môn mà vẫn có thể vào học ở các trường sư phạm.

Vì vậy, việc quy hoạch cả nước có khoảng 8 – 10 trường đại học sư phạm cho cả nước là điều cần thiết.

Chúng tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến đề xuất của ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “xây dựng hệ thống trường sư phạm theo hướng khu vực phía Bắc có 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên một.

Các cơ sở khác, trường cao đẳng sư phạm có thể quy hoạch thành phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng, trở thành nhân tố giúp phát triển giáo dục địa phương” [1].

Thực tế, chỉ cần như vậy là ổn thỏa, bởi hiện nay chúng ta thấy gần như tỉnh nào cũng có trường sư phạm. Có nhiều tỉnh có trường đại học và cả trường cao đẳng sư phạm thì rõ ràng lãng phí vô cùng.

Chức năng, nhiệm vụ đào tạo gần như nhau, chỉ khác là cao đẳng đào tạo giáo viên từ cấp trung học cơ sở trở xuống. Đại học thì đào tạo giáo viên từ cấp mầm non đến cấp trung học phổ thông.

Vậy, tại sao chúng ta không gộp lại là một để giảm được nhân lực ở các nhà trường và tận dụng đối đa cơ sở vật chất của các trường sư phạm?

Bởi, nhiều trường cao đẳng sư phạm không tuyển được sinh viên nên cơ sở vật chất gần như bỏ không. Trong khi, các trường đại học lại phải đầu tư, mua sắm mới.

Nếu chỉ còn 8 -10 trường đại học sư phạm thì chúng ta thấy nó vẫn đảm bảo được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Bởi, thực tế mấy năm gần đây thì chỉ có một số sinh viên ra trường xin được việc.

Nhiều môn học đã bị "đóng băng" thì đào tạo thêm để làm gì? Nói gì thì nói, để nuôi bộ máy giảng viên của hơn 100 trường (cơ sở) đào tạo sư phạm hiện nay sẽ tốn một khoản kinh phí khổng lồ.

Đó là chưa kể việc nhà nước phải cấp kinh phí đào tạo cho các trường sư phạm hàng năm. Sự lãng phí này còn được nhân lên khi sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm.

Ta chỉ cần làm một phép tính nho nhỏ như sau: 40 000 sinh viên sư phạm đang thất nghiệp, mỗi sinh viên đầu tư cho học tập 4 năm mất khoảng 100 triệu thì đã lên đến 4 000 tỉ đồng mà phụ huynh đầu tư lãng phí.

Tôi chưa bàn nhiều ít, nhưng phải quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm ảnh 3Bỏ miễn học phí sư phạm sẽ tránh lãng phí được hàng trăm tỉ đồng

Cộng với tiền lương cho giảng viên, đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học sẽ lãng phí đến chừng nào?

Đó là chưa kể đến rất nhiều hệ lụy trong việc sinh viên ra trường không có việc làm.

Mặc dù tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng thực tế chỉ có một số môn học là cần tuyển thêm nhân lực. Nhưng, mấy môn đó đa phần là những môn tự chọn nên việc tăng lên cũng không đáng bao nhiêu.

Đối với 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở thì Bộ đã chủ trưởng vẫn giữ nguồn giáo viên của 5 môn hiện tại để bồi dưỡng chuyên môn.

Vì thế, suy cho cùng chỉ tăng ở môn Nghệ thuật của cấp trung học phổ thông và một số ít giáo viên tiếng Anh, Tin học ở cấp Tiểu học mà thôi, cấp trung học cơ sở chắc không có sự thay đổi lớn về nhân sự.

Việc bồi dưỡng giáo viên cho thời gian tới thì Bộ đã chủ trương là sẽ tập huấn qua mạng Internet nên cũng đâu cần nhiều trường sư phạm địa phương làm gì.

Quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm hiện nay là chủ trương đúng đắn của Bộ bởi nó rất cần thiết. Việc quy hoạch lại không chỉ giảm được nhân lực ở các trường sư phạm mà chúng ta sẽ có bớt được một nguồn kinh phí chi cho đào tạo hàng năm.

Điều cốt lõi là ngành giáo dục sẽ chọn lựa được nhiều em học sinh có học lực tốt, đam mê với nghề để đào tạo thành những người thầy tương lai cho đất nước. Bởi, hàng chục năm nay, chúng ta đã "vơ bèo vạt tép" nên chất lượng, số lượng nhân lực của ngành chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế mà lãng phí vô cùng.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Toi-khong-dong-y-de-ca-nuoc-chi-co-10-truong-su-pham-post194957.gd

[2]https://laodong.vn/giao-duc/40000-cu-nhan-su-pham-that-nghiep-van-co-hang-nghin-thi-sinh-dang-ky-xet-tuyen-vao-nganh-su-pham-603896.ldo&usg

NGUYỄN CAO