Tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội: Nếu thi môn thứ 4 thì nên chọn Giáo dục công dân

21/02/2023 06:37
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Mỗi năm, Hà Nội có khoảng gần 90.000 - hơn 100.000 học sinh thi tuyển vào lớp 10 công lập, tuy nhiên các trường công chỉ đáp ứng được khoảng 60-70%.

Cuộc đua vào lớp 10 công lập ở Thủ đô luôn căng thẳng

Cuộc "chạy đua" vào lớp 10 công lập ở Hà Nội luôn trong trạng thái căng thẳng và cạnh tranh cực kỳ gay gắt.

Tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội năm học 2022-2023 là 1,54 - cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Năm nay, cuộc đua này cũng tiếp tục nóng dần lên khi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa kỳ thi sẽ chính thức bắt đầu, với những hồi hộp về việc có thi hay không môn thứ 4.

Hải An - hiện đang là học sinh lớp 9 ở một trường trung học cơ sở thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Mục tiêu của em là thi vào Trường Trung học phổ thông Yên Hòa - ngôi trường có tỷ lệ chọi cao nhất vào năm ngoái, căn cứ theo thống kê số lượng nguyện vọng và chỉ tiêu của trường do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố năm 2022, tỷ lệ chọi là 1/3,03.

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, Hải An ngoài học ở trường còn đăng ký học thêm bên ngoài, lịch học kín từ thứ 2 đến chủ nhật. Mỗi tối, em tiếp tục ôn tập và làm bài đến gần 1 giờ sáng mới nghỉ ngơi.

Học tập và ôn luyện suốt ngày đêm, tuy nhiên Hải An vẫn không tránh khỏi sự lo lắng. Tâm sự với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nữ sinh cho biết: “Trường Trung học phổ thông Yên Hòa là ước mơ của từ lâu của em. Điểm thi thử hiện tại của em vẫn còn chưa đạt so với điểm trúng tuyển năm vừa rồi của trường, nên em rất lo lắng và áp lực. Vì vậy em không dám lơ là việc học trong giai đoạn này. Nếu thi thêm môn thứ 4, em rất mong rằng sẽ thi trúng môn học mà khối lượng kiến thức nhẹ nhàng thôi vì 3 môn Toán, Văn, Anh đã chiếm quá nhiều thời gian học trong tuần của em rồi”.

Kỳ thi tuyển sinh vào 10 không chỉ là gánh nặng của học sinh khi muốn đậu vào trường top, đó còn là gánh nặng về kinh tế và sự lo toan của các phụ huynh, là áp lực giảng dạy của thầy cô giáo, là những chỉ tiêu thành tích

Đồng cảm với những áp lực của học sinh, một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 trên địa bàn Hà Nội thừa nhận với phóng viên: “Là giáo viên chủ nhiệm nhiều năm, tôi hiểu rất rõ những áp lực của các em trong kỳ thi này. Chỉ còn vài tháng nữa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 sẽ diễn ra, nên em nào cũng miệt mài ôn tập, nhiều em mắt cứ thâm quầng vì thức khuya. Tôi thấy thương lắm, nhưng chỉ biết động viên học sinh cố gắng vì đây là một kỳ thi rất quan trọng với các em”.

Nếu thi môn thứ tư, nhiều đề xuất chỉ nên dừng ở việc kiểm tra và đánh giá cơ bản

Đưa ra quan điểm về việc nên thi ba hay bốn môn vào lớp 10 ở Hà Nội, thầy Trịnh Hùng Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng nên bỏ môn thi thứ 4 để giảm bớt áp lực cho học sinh:

"Lứa học sinh này chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nhiều cả về thể lực và trí lực. Mà quan điểm của Nhà nước là giảm áp lực học tập cho học sinh, như vậy theo tôi cách tốt nhất chính là giảm các kỳ thi, hoặc giảm môn thi trong mỗi kỳ thi".

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Thầy Sơn cho biết, hiện nhà trường đang tập trung chỉ đạo học sinh học tập và ôn đều các môn. Tuy nhiên, thầy Sơn bày tỏ:

“Thi cử càng nhiều thì tình trạng học thêm lại càng tăng. Giáo dục phải mang tính chất công bằng, giải quyết vấn đề xã hội là cho học sinh có đầy đủ chỗ học, thay vì tạo ra nhiều kỳ thi áp lực, cuối cùng làm nảy sinh tình trạng dạy thêm học thêm, làm gánh nặng thêm cho xã hội; chưa kể, không phải tất cả học sinh đều có điều kiện để đi học thêm bên ngoài”.

Theo đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lý Thái Tổ đề xuất phương án nên bỏ môn thi thứ 4 và tiến tới xét tuyển thay vì thi, và muốn làm được điều đó, chúng ta cần tập trung vào việc dạy thật và học thật ngay từ đầu.

Tại trường Trung học cơ sở Trung Châu (Đan Phượng, Hà Nội), học sinh và thầy cô giáo cũng đang chờ đợi thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về kế hoạch thi hay không thi môn thứ 4. Trao đổi với phóng viên, thầy Trần Trung Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường nói:

“Áp lực thi vào 10 là có thật. Tuy nhiên, tại nhà trường, chúng tôi luôn động viên và định hướng học sinh, phụ huynh ngay từ đầu không quá đặt nặng tâm lý về việc băn khoăn thi 3 hay 4 môn. Kỳ thi là nhằm đánh giá kết quả học tập 4 năm bậc trung học cơ sở của học sinh, là một nhiệm vụ dài hạn đã biết từ trước.

Từ đầu năm học, nhà trường đã làm công tác định hướng, tư vấn, phân luồng cho học sinh để các em bước vào kỳ thi với tâm thế thoải mái và sẵn sàng nhất”.

Nếu tiếp tục thi môn thi thứ 4, thầy Hiếu cho rằng đề thi nên tiếp tục được giữ theo dạng bài thi trắc nghiệm khách quan, đồng thời khối lượng kiến thức trong đề thi chỉ nên giới hạn ở lớp 9, thay vì dàn trải, “vì việc thi môn thứ 4 phần nào cũng đã gây áp lực cho học sinh, nếu đề thi khó và phải ôn tập nhiều thì rất vất vả cho các em”.

Cũng đồng tình với ý kiến tiếp tục giữ nguyên dạng đề thi trắc nghiệm, thầy Lê Quang Hoa - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội) đề xuất có thể xem xét lựa chọn môn thi thứ 4 là Giáo dục công dân:

“Hiện tại nhà trường vẫn duy trì dạy và học theo chương trình và kế hoạch chung. Nếu thi môn thứ 4, tôi nghĩ rằng có thể chọn môn Giáo dục công dân - vừa đảm bảo khối lượng kiến thức nhẹ nhàng giúp thí sinh không quá áp lực trong quá trình ôn tập, lại vẫn đảm bảo chức năng giáo dục đời sống, thực hành kĩ năng sống, vận dụng vào xã hội cho học sinh”.

Ghi nhận tại một số tỉnh thành trên cả nước, nhằm giảm tải áp lực cho các cơ sở giáo dục và phụ huynh, học sinh, phù hợp với nguyện vọng xã hội, một số địa phương đã chọn hoặc dự kiến phương án thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho kỳ tuyển sinh vào 10 năm học 2023-2024 như Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh,...

Bắc Sơn