Trong khuôn khổ “Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam năm 2019” do Trường Đại học Hoa Sen và Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 12/4 vừa qua, nhiều giải pháp công nghệ mới đã được các chuyên gia đầu ngành đề xuất, nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch.
Diễn đàn với chủ đề “Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”. Một trong ba chủ đề tham luận thu hút sự quan tâm, đóng góp của hơn 300 đại biểu tham dự là việc “ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch”.
Du lịch 4.0
Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ – Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hoa Sen cho rằng:
“Cách mạng công nghiệp 4.0 đến gần đang tạo ra nhiều thay đổi mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Một số xu hướng đã xuất hiện tại Việt Nam như sử dụng robot dạy tiếng Anh, công nghệ thực tế ảo, dịch tự động, dạy học di động”.
Trường Đại học Hoa Sen ký kết thỏa thuận với các đối tác, tập đoàn lớn (ảnh: HSU) |
Các ứng dụng e-learning và gia sư trực tuyến, công nghệ di động như Internet vạn vật (IoT), các ứng dụng trên điện thoại di động thông minh…trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (Big Data), cũng được thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn.
Theo đó, việc sử dụng công nghệ mới để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng phát triển du lịch bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường là những giải pháp nổi bật.
Cụ thể: Phó Giáo sư Bùi Xuân An và Phó Giáo sư Lê Mai Uyên Phương – Trường Đại học Hoa Sen đã đưa ra giải pháp ứng dụng “Tiêu chuẩn khách sạn xanh Asean” cho các khách sạn tại Thành phố Đà Lạt.
“Hướng đến du lịch bền vững, hội nhập quốc tế, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho khách sạn, cộng đồng dân cư là mục tiêu của nhà trường.
Trong dự án, chúng tôi đã dựa trên các tính năng của “khách sạn xanh” như tiết giảm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước, quản lý chất thải, mua hàng xanh và trách nhiệm xã hội của các khách sạn” – Phó Giáo sư Bùi Xuân An cho biết.
Kết quả cho thấy, hầu hết các khách sạn trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã và đang áp dụng một số tiêu chuẩn quy định về bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý du lịch, quản lý tài nguyên môi trường, tuy nhiên, các áp dụng chưa thường xuyên và đồng bộ.
Toàn cảnh Diễn đàn Nguồn Nhân lực Du lịch Việt Nam năm 2019 do Trường Đại học Hoa Sen tổ chức (ảnh: HSU) |
Từ đó, Phó Giáo sư Bùi Xuân An đưa ra biện pháp: Tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực, để chuyển một khách sạn bình thường thành một khách sạn thân thiện với môi trường, giảm chi phí cho việc tiêu hao năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng các sản phẩm xanh địa phương, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho khách lưu trú.
Thay đổi môi trường giảng đường
Theo Giáo sư Benigno Glenn R.Ricaforte, Hiệp hội Nghiên cứu Du lịch và Khách sạn Philippine, các học phần về du lịch bền vững tại Philippines được các chuyên gia sư phạm đánh giá bài bản, hệ thống thông qua công cụ đọc trực tuyến miễn phí.
Đánh giá này là cơ sở để khuyến khích các nhà giáo dục, cơ sở đào tạo tích hợp mô hình học tập dựa trên yêu cầu – một phương pháp sư phạm “lấy người học làm trung tâm”.
Trong khi đó, Giáo sư Henri Magne, Vatel Bangkok đưa ra nhận định: Năm thử thách lớn nhất dành cho các đơn vị đào tạo trong kỷ nguyên mới, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, sự biến đổi trong hệ thống giáo dục, thế hệ học sinh được sinh ra trong thời đại kỹ thuật số, sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, nhu cầu ngày càng cao về kỹ năng mềm của doanh nghiệp.
Nhằm chinh phục những thử thách này, nhà trường cần tăng cường giảng dạy những kỹ năng mềm nhằm đáp ứng ngay những nhu cầu của doanh nghiệp, bên cạnh việc củng cố các kỹ năng cứng – vốn là thế mạnh của Vatel.
Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ - Trường Đại học Hoa Sen phát biểu (ảnh: HSU) |
Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm để chương trình mang tính cập nhật và thực tiễn.
“Cuối cùng, cần thống nhất chương trình đào tạo tại tất cả các cơ sở đào tạo trên thế giới, ứng dụng các công cụ mới và mở (MOOCs) vào giảng dạy, đồng thời cho phép sinh viên học tập và trải nghiệm ở mọi trường thành viên.
Bước đi đột phá này sẽ xây dựng cho sinh viên kho trải nghiệm đa văn hóa vô cùng quý báu cho sự nghiệp sau này.
Những cải tiến này hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả, phong phú trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch – một lĩnh vực đậm tính đa dạng văn hóa và nhân văn” – Giáo sư Henri chia sẻ.
Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ – Trường Đại học Hoa Sen cũng báo cáo, trình bày kết quả xây dựng một hệ thống trực tuyến, có tích hợp trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác dạy học tiếng Anh chuyên ngành du lịch tại trường.