LTS: Sau bài viết "Hiệu trưởng muốn 'không ăn hoa hồng' cũng chẳng dễ" của tác giả Sơn Quang Huyền, thẳng thắn cho rằng vẫn còn nhiều hiệu trưởng nói không với hoa hồng, cô giáo Đỗ Quyên đã có bài viết chia sẻ.
Tôn trọng những ý kiến đánh giá đa chiều của tác giả, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Đọc bài viết “Hiệu trưởng muốn 'không ăn hoa hồng' cũng chẳng dễ” của tác giả Sơn Quang Huyền đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam với lời khẳng định chắc chắn:
“Hiệu trưởng nào có thể hạ % hoa hồng xuống không? Xin thưa là không. Nếu làm vậy chẳng khác gì con quạ giữa bầy cò trắng, thằng ngay giữa đám gù”, tự nhiên tôi thấy buồn cho tác giả (cũng là một đồng nghiệp của chúng tôi).
Buồn vì chắc chắn thầy không may mắn được gặp những hiệu trưởng luôn nói không với hoa hồng nên mới có cái nhìn tiêu cực như thế.
Vẫn còn nhiều hiệu trưởng nói không với hoa hồng (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Hiệu trưởng không ăn hoa hồng! Chắc không có nhiều nhưng tuyệt đối vẫn không ít. Những vị lãnh đạo này xứng đáng được biểu dương lắm chứ.
Thế nhưng nói về gương người tốt việc tốt, tôi lại không dám nêu rõ họ tên, nơi công tác của họ. Bởi, đơn giản những hiệu trưởng ấy cho rằng “đây là những chuyện nhỏ chẳng đáng gì để nói”.
Người khác lại yêu cầu thẳng thừng “mình muốn sống bình yên vì mình không muốn ai biết những việc làm này”.
Tôn trọng lời gan ruột của các chị, tôi không nêu đích danh nhân vật. Nhưng cũng xin khẳng định những nhân vật trong bài của tôi, hoàn toàn là có thật.
Luôn công khai hoa hồng trước hội đồng
Chẳng nói thì ai cũng biết, bây giờ mua sắm bất cứ thứ gì cũng được trả tiền chiết khấu hay còn gọi là hoa hồng.
Bởi thế, giáo viên chẳng khó khăn gì để nhận ra hiệu trưởng của mình có ăn hoa hồng hay không?
Người không nhận hoa hồng là người ít bày vẽ chuyện sửa chữa, mua sắm khi chưa thật sự cần. Là người sẽ công khai các khoản hoa hồng trước tập thể.
Ví như lần ấy, trường tôi gọi xe hút hầm cầu. Gần hai chục năm mới phải gọi hút một lần. Thế mà họ vẫn trích lại hoa hồng như một quy định bất thành văn.
Hiệu trưởng đã công bố giữa hội đồng nhà trường khoản hoa hồng họ trích lại và mang số tiền ấy bỏ vào quỹ phúc lợi nhà trường.
Lần khác, nhà trường thu bảo hiểm vượt chỉ tiêu, ngoài % bảo hiểm trích lại công khai cho toàn trường, kế toán và hiệu trưởng còn được phía bảo hiểm bồi dưỡng riêng một khoản.
Trong cuộc họp hội đồng, hiệu trưởng của chúng tôi cũng đã công khai số tiền thưởng ấy và đề nghị bỏ vào quỹ khuyến học tặng bảo hiểm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Hiệu sách nơi nhà trường thường xuyên mua văn phòng phẩm. Cuối năm, họ có nhã ý gửi tiền bồi dưỡng cho hiệu trưởng. Nhưng chính hiệu trưởng đã đề nghị đổi sang vở để tặng cho học sinh nghèo của trường.
Hay việc mua quà bánh Trung thu cho học sinh, hiệu trưởng không tự mình “giành” lấy công việc này như một số vị hiệu trưởng khác.
Chị phân công vài thầy cô đi mua. Số tiền hoa hồng được trích lại cũng bỏ vào quỹ chung của nhà trường.
Gần đây, tôi chuyển về một ngôi trường gần nhà. Hiệu trưởng lần này là một phụ nữ đơn thân đang nuôi con nhỏ.
Có thể nói, gia cảnh chị khá khó khăn. Chị không sống trong căn nhà đẹp, không đi xe sang như nhiều vị hiệu trưởng khác.
Chúng tôi đều hiểu rằng, nếu chỉ bằng đồng lương thì lương hiệu trưởng cũng chưa đủ nuôi bản thân mình và một đứa con vào đại học.
Hiệu trưởng mà nhà lầu xe hơi, chắc chắn phải có một khoản thu nhập khủng ngoài lương.
Nhưng, nhìn chiếc xe máy cũ mèm của hiệu trưởng hàng ngày tới trường cũng đủ biết cuộc sống gia đình chị cũng chẳng hề dư giả.
Với cương vị là lãnh đạo nhà trường, chị luôn minh bạch trong các khoản thu chi. Đặc biệt, chị cũng luôn công khai khoản hoa hồng trước hội đồng.
Còn nhớ, khi nhà trường đăng kí hồ bơi cho học sinh hay mướn xe đưa đón các em đi học bơi. Theo quy định, những dịch vụ này đều trích 10% bỏ phong bì cho hiệu trưởng.
Thế nhưng, chị đọc công khai và dùng số tiền đó bồi dưỡng lại cho những giáo viên đã dùng thời gian nghỉ của mình đi hỗ trợ cho học sinh luyện tập.
Một người bạn của tôi (là doanh nghiệp luôn cung cấp bữa ăn cho học sinh bán trú) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã làm chúng tôi khâm phục vì kiểu “chê tiền” của một hiệu trưởng.
Bạn kể rằng, trong khi nhiều hiệu trưởng đòi trích phần trăm bữa ăn bán trú lên đến 17% (giá ổn định là 15%) thì có một hiệu trưởng nhất định không nhận hoa hồng. Chị chỉ ra điều kiện “học sinh phải được ăn đủ và chất lượng”.
Hiệu trưởng chê hoa hồng hoặc nhận mà xung vào công quỹ cũng không phải ít chỉ là đôi khi chúng ta chưa may mắn được gặp mà thôi. Cũng không vì thế mà ta khẳng định hay quy chụp một cách thiếu căn cứ.
Chúng ta hãy cứ tin rằng xung quanh ta vẫn còn rất nhiều những vị hiệu trưởng đáng kính như vậy.