Bãi cọc Cao Quỳ - Chứng tích của "hào kiệt công danh đất ấy từng"

25/01/2020 07:09
Lê Văn Thành
(GDVN) - Việc phát hiện được bãi cọc lớn nhất từ trước tới nay tại địa bàn Hải Phòng là một phát hiện rất quan trọng của ngành khảo cổ học Việt Nam.

LTS: Ngày 21/12/2019, tại Hải Phòng đã diễn ra Hội thảo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Đây được xem là một phát hiện lớn có thể làm thay đổi nhận thức về trận Bạch Đằng năm 1288 chống quân xâm lược phương Bắc của cha ông ta.

Nhân dịp này, ông Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã có bài viết rất ý nghĩa về chứng tích lịch sử hào hùng.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

“Quan hà hiểm yếu trời kia đặt”

Hải Phòng - vùng đất cửa biển miền Đông Bắc Tổ quốc, luôn giữ vị trí chiến lược trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Các triều đại phong kiến nước ta đều xác định vùng đất này chính là “yết hầu của Kinh thành”.

Ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hải Phòng.
Ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hải Phòng.

Ngày nay, nói đến Hải Phòng là chúng ta nói về thành phố Cảng, thành phố Hoa Phượng Đỏ, một thành phố đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ.

Nhưng chúng ta – trong ký ức của các thế hệ người dân Việt Nam, không thể nào và không bao giờ lãng quên những chiến thắng vĩ đại, oanh liệt của cha ông trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Sông Bạch Đằng chảy giữa huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng và thị xã Quảng Yên – Quảng Ninh, là hợp lưu của nhiều nhánh sông tính từ thượng lưu nối với sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu. Đoạn chảy qua địa phận Hải Phòng dài khoảng hơn 20 km, có lòng sông rộng, nước sâu.

Từ cửa biển Nam Triệu – cửa biển lớn nhất nước ta thời phong kiến vào sông Bạch Đằng, tàu thuyền sẽ ngược Lục đầu giang và thẳng tiến kinh thành Thăng Long.

Phía hữu ngạn sông Bạch Đằng thuộc địa phận huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng có dãy núi đá Tràng Kênh hùng vỹ, với nhiều hang động, sông lạch, thung lũng, trước đây là những rừng cây rậm rạp, đặc biệt thuận lợi cho việc bố trí trận địa phòng thủ quốc gia.

Trong sách “Dư địa chí” viết vào thế kỷ 15, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã nêu rõ: “Sông Bạch Đằng rộng 345 trượng, núi cao, nước rộng, sóng gió ngất trời, thực là một nơi hiểm yếu”.

Trong bài thơ “Bạch Đằng Hải Khẩu”, sông Bạch Đằng tiếp tục được Nguyễn Trãi ca ngợi: 

“Quan hà hiểm yếu trời kia đặt, Hào kiệt công danh đất ấy từng” (theo lời dịch của Nguyễn Đình Hồ).

Các nhà khoa học sẽ khảo cổ bãi cọc cổ trên sông Bạch Đằng thế nào?
Các nhà khoa học sẽ khảo cổ bãi cọc cổ trên sông Bạch Đằng thế nào?

Vào thế kỷ thứ 10, thế kỷ thứ 13, trên dòng sông Bạch Đằng đã diễn ra 3 trận thủy chiến ác liệt nhất chống quân xâm lược phương Bắc trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam.

Một số nhà sử học cho rằng, đó cũng là 3 trong số những trận thủy chiến chống ngoại xâm lớn nhất trong lịch sử cổ trung đại thế giới.

Với ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, với thiên tài quân sự của 3 vị Anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo và với sự hùng vỹ, hiểm yếu thiên định của sông Bạch Đằng, 3 trận chiến đó đều có ý nghĩa quyết định đến việc kết thúc chiến tranh mà chiến thắng vĩ đại đều thuộc về dân tộc ta.

Trên cùng một dòng sông, diễn ra 3 trận quyết chiến chiến lược chống ngoại xâm và dân tộc chính nghĩa đều chiến thắng, có lẽ đây là điều hiếm có.

Những kỳ tích đó càng làm cho dòng sông Bạch Đằng trở nên linh thiêng, huyền bí và thu hút sự quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và các nhà sử học Việt Nam từ xưa tới nay.

Chúng ta đều biết rằng, các sử gia nổi tiếng thời phong kiến và hầu hết các sử gia nổi tiếng của thời đại Hồ Chí Minh, thời đại chúng ta đang sống, đều đã có sự nghiên cứu, có những công trình khoa học, tác phẩm sử học công phu về 3 trận chiến trên sông Bạch Đằng.

Với sự phát hiện mới về bãi cọc tại khu vực sông Đá Bạc, Hải Phòng đã mời các nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa đầu ngành nghe và cho ý kiến về kết quả quá trình khai quật di tích bãi cọc Cao Qùy, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên; đồng thời hội thảo về lịch sử hào hùng của dân tộc trên dòng sông Bạch Đằng.

Đây cũng là cơ hội để hậu thế tiếp nối quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, làm sáng tỏ những điều còn ẩn giấu trong lòng đất; nhằm khẳng định hơn nữa vai trò của dòng sông Bạch Đằng, của vùng đất Hải Phòng, của con người Hải Phòng trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc. 

Thực địa bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Ảnh: Lã Tiến
Thực địa bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Ảnh: Lã Tiến

Vẽ lối về chốn xưa

Dựa trên các khảo cứu, kiến thức lịch sử và thực tế, tôi xin nêu hai vấn đề cốt lõi của sự kiện và mong nhận được ý kiến, trao đổi của các nhà khoa học như sau:

Thứ nhất: Các nguồn sử liệu, các tài liệu, thần tích, thần phả hiện còn được lưu giữ tại Hải Phòng và các địa phương khác cho thấy, vùng Đông Bắc Tổ quốc, trải dài từ Kinh Môn đến cửa biển Nam Triệu (thuộc thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương ngày nay) là khu vực diễn ra các trận đánh quyết định trong các cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán, chống quân Tống và chống quân Nguyên Mông xâm lược.

Địa phận Thành phố Hải Phòng ngày nay là địa bàn trung tâm, trọng yếu của cả 3 trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng.

Trải dài phía hữu ngạn sông Bạch Đằng, chính là những trận địa cọc, là nơi đóng đại bản doanh, tích trữ lương thảo, bài binh bố trận, là địa bàn chủ yếu diễn ra các trận đánh của Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo.

Người dân Hải Phòng đã đóng góp rất nhiều sức người, sức của trong các chiến thắng đó.

Đã có nhiều tướng giỏi vốn là những nông dân, ngư dân được Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo trọng dụng và đã lập công lớn, được lưu danh cùng sử sách, sau này được nhân dân tôn vinh là những Vị thần, Thành hoàng trên hầu hết khắp các làng quê của Hải Phòng.

Trước hết, về chiến thắng Bạch Đằng năm 938 gắn liền với tên tuổi của Anh hùng dân tộc Ngô Quyền – người sáng tạo trận địa cọc gỗ: Các tài liệu sử học từ xưa tới nay đều thống nhất xác định, toàn bộ trận quyết chiến chiến lược chống quân Nam Hán của quân, dân ta năm 938, đều diễn ra trên vùng hữu ngạn sông Bạch Đằng, thuộc địa bàn Hải Phòng ngày nay.

Đại bản doanh của Vị chủ soái Ngô Quyền đóng ở Từ Lương Xâm (thuộc khu vực phường Nam Hải, quận Hải An ngày nay).

Các giáo sư sử học Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc trong tác phẩm “Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và năm 1288” xác định các bãi cọc được Ngô Quyền chỉ đạo cắm từ khu vực Từ Lương Xâm kéo ngang cửa biển Nam Triệu sang địa phận Quảng Ninh.

Trong trận chiến Bạch Đằng năm đó, bên cạnh các vị tướng như Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Xương Ngập, Nguyễn Khoan, Kiều Công Hãn…, Ngô Quyền đã chiêu mộ, tuyển dụng, sử dụng kinh nghiệm sông nước của rất nhiều người con Hải Phòng.

Trong đó, nhiều người đã trở thành tướng tài của Đức Vương Ngô Quyền như Nguyễn Tất Tố, Đào Nhuận - người làng Gia Viên (thuộc quận Ngô Quyền ngày nay); 3 anh em nhà họ Lý (Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả) ở Hoàng Pha (xã Hoàng Động), Nguyễn Minh ở Lâm Động (đều ở huyện Thủy Nguyên ngày nay); Vũ Quận Quyến Hoa được Ngô Quyền nhận làm con nuôi, giúp trông nom việc lương thảo.

Chứng tích về những người Hải Phòng có công lao to lớn đó còn lưu giữ trong các đền thờ trải trên nhiều quận, huyện của Hải Phòng ngày nay.

Về chiến thắng Bạch Đằng năm 981 gắn liền với tên tuổi của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn: Ngày nay, lịch sử đã làm sáng tỏ, trận chiến Bạch Đằng năm 981 diễn ra ác liệt tại đoạn giữa của dòng sông Bạch Đằng.

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng các nhà khoa học, chuyên gia khảo sát thực địa bãi cọc Cao Quỳ vào ngày 20/12/2019. Ảnh: Lã Tiến.
Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng các nhà khoa học, chuyên gia khảo sát thực địa bãi cọc Cao Quỳ vào ngày 20/12/2019. Ảnh: Lã Tiến.

Nhà sử học Lê Văn Lan xác định, trung tâm của trận chiến là tại vùng núi U Bò – Tràng Kênh.

Vùng Thiên Hương, Thủy Đường, Hòa Bình – huyện Thủy Nguyên là những địa danh dừng chân, tập trung quân sỹ.

Sau những khó khăn ban đầu của cuộc kháng chiến, Lê Hoàn đã chọn sông Bạch Đằng là trận địa quyết định để thay đổi cục diện.

Lê Hoàn đã vận dụng phương pháp trận địa cọc của Ngô Quyền, nhưng ông cho tổ chức ở khúc sông rộng nhất – khu vực Tràng Kênh, giết được chủ tướng của giặc, giành chiến thắng quyết định, nhanh chóng đánh đuổi hoàn toàn quân xâm lược Tống ra khỏi bờ cõi Đại Cồ Việt.

Trong trận chiến Bạch Đằng năm 981, bên cạnh các vị tướng như Phạm Cự Lạng, Trần Công Tích, Đào Công Mỹ, nhiều người con của Hải Phòng đã được Lê Hoàn trọng dụng, trở thành tướng tài.

Đó là 4 anh chị em nhà họ Phạm (Phạm Quang, Phạm Nghiêm, Phạm Huấn, Phạm Thị Cúc Nương) ở xã Thủy Đường – huyện Thủy Nguyên; là 3 anh em họ Đào (Đào Tế, Đào Lai, Đào Độ) ở làng Trinh Hưởng – Thiên Hương – Thủy Nguyên; là Hồng Đức Cư Sỹ ở Trung Lập – Vĩnh Bảo; là 5 anh em họ Đặng ở Toàn Thắng – Tiên Lãng; là Chu Xích Công ở Đông Phương – Kiến Thụy…

Các vị tướng lĩnh người Hải Phòng có công trong trận chiến năm 981 đó được nhân dân nhiều địa phương ở Hải Phòng lập đền thờ, lưu giữ chứng tích và hương khói trong suốt ngàn năm qua.

Về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 gắn liền với tên tuổi Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo: Các tài liệu lịch sử đã cho thấy, trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 là một trận thủy chiến vô cùng ác liệt, hùng tráng, thể hiện thiên tài quân sự của Trần Hưng Đạo.

Phát hiện bãi cọc Bạch Đằng rất ý nghĩa, nhưng việc bảo tồn còn cần hơn nhiều!
Phát hiện bãi cọc Bạch Đằng rất ý nghĩa, nhưng việc bảo tồn còn cần hơn nhiều!

Ông đã cho bố trí một trận địa phục kích lớn, tái tạo trận địa cọc gỗ của Ngô Quyền, Lê Hoàn trên sông Bạch Đằng trước đây, đón đường tháo chạy của đoàn thủy quân Nguyên Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy.

Phần lớn cọc gỗ được chuẩn bị tại vùng Trúc Động, Lưu Kiếm, Lưu Kỳ – huyện Thủy Nguyên bây giờ.

Trần Hưng Đạo chỉ đạo cho đóng cọc giăng khắp các cửa sông, tổ chức đánh đuổi giặc liên tục, buộc chúng phải chạy ra cửa biển Nam Triệu qua sông Bạch Đằng.

Các địa danh được sử sách ghi nhận dấu tích về trận chiến năm 1288 còn đến nay như Trúc Động, Liên Khê nơi diễn ra chiến thắng đầu tiên trong trận chiến; là Núi U Bò – Tràng Kênh – nơi Trần Hưng Đạo đứng trên đỉnh núi chỉ huy, là Hang Lương – nơi đặt kho lương thảo; là Lưu Kiếm – Lưu Kỳ - nơi Trần Hưng Đạo trao kiếm, trao cờ lại cho nhân dân khi cuộc chiến kết thúc thắng lợi.

Cũng giống như 2 trận chiến trước, trong trận chiến Bạch Đằng năm 1288, bên cạnh hai Vua Trần và các danh tướng Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Bảo, Yết Kiêu, Dã Tượng, Đỗ Hành, Trần Hưng Đạo đã sử dụng nhiều tướng lĩnh người Hải Phòng, như Lương Toàn ở Giang Biên – Vĩnh Bảo; là Vũ Hải – người Du Lễ - Kiến Thụy; là Hoa Duy Thành ở Đồng Minh – Vĩnh Bảo; là Trần Nhội, Trần Phương, Nguyễn Chính – người Văn Đẩu – Kiến An; là Vũ Chí Thắng – người thôn Nam – Hàng Kênh; là Vũ Nguyên, Lý Hồng, Trần Hộ, Trần Độ, Lại Văn Thanh ở Thủy Nguyên; là Hoàng Công Thản ở Hồng Thái – An Dương, là bà Bùi Thị Tự Nhiên người phụ trách quân lương ở Đông Hải - Hải An ngày nay.

Các vị tướng lĩnh có công nói trên đều được nhân dân các địa phương lập đền thờ phụng từ sau cuộc kháng chiến năm 1288 đến ngày nay.

Như vậy, trong cả 3 trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng thế kỷ thứ 10, thế kỷ thứ 13, nhân dân Hải Phòng thời kỳ đó đều đã có những đóng góp xứng đáng.

Điều đặc biệt là, từ ngàn năm qua trên hầu hết các địa phương thuộc Hải Phòng, nhiều làng quê, khu phố đều có Đền thờ 3 vị anh hùng dân tộc và các tướng lĩnh người Hải Phòng.

Các cọc gỗ cổ có thể được chôn/đóng xuống qua lớp bùn đen có niên đại khoảng nghìn năm. Ảnh: Lã Tiến
 Các cọc gỗ cổ có thể được chôn/đóng xuống qua lớp bùn đen có niên đại khoảng nghìn năm. Ảnh: Lã Tiến

Toàn Thành phố Hải Phòng hiện nay có 49 di tích thờ Đức Vương Ngô Quyền và các tướng sỹ của ông, trong đó có 15 di tích xếp hạng cấp Quốc gia.

Có 12 di tích thờ Đức Vua Lê Đại Hành cùng các tướng sỹ, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp thành phố.

Có 81 di tích thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các tướng sỹ, trong đó có 19 di tích cấp Quốc gia và 44 di tích cấp thành phố.

Đặc biệt, từ năm 2008 tới nay, Hải Phòng đã quan tâm đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang với hệ thống đền, chùa, tượng đài tôn nghiêm tại ngã ba sông Bạch Đằng khu vực có dãy núi đá Tràng Kênh hùng vỹ – trung tâm của chiến trường xưa, nơi có núi U Bò lịch sử.

Di tích Bạch Đằng Giang là địa chỉ duy nhất trên cả nước có đền thờ, tượng đài cả 3 vị anh hùng dân tộc đã làm nên những chiến thắng vĩ đại trên dòng sông Bạch Đằng.

Có thể nói, ít có địa phương nào trên đất nước ta lại có hệ thống đền thờ Đức Vương Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn nhiều và phong phú như Hải Phòng.

Điều đó một lần nữa khẳng định, 3 vị Anh hùng dân tộc đã đi vào tâm thức sâu xa của các thế hệ người dân Hải Phòng, vượt qua mọi biến chuyển của thời gian.

Vấn đề thứ hai: Các chiến thắng của dân tộc ta trên dòng sông Bạch Đằng gắn liền với một trận địa độc đáo, có 1 không 2 trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, đó là trận địa cọc gỗ, vận dụng linh hoạt quy luật lên xuống của con nước thủy triều vùng cửa biển, đều dùng nước triều lập trận, đều vót cây rừng làm cọc chống quân thù. 

Chính vì vậy, việc phát hiện được các bãi cọc - chứng tích một phần của các trận địa năm xưa có ý nghĩa rất quan trọng về mặt khoa học quân sự và văn hóa lịch sử.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua việc tìm thấy được những bãi cọc như vậy vẫn chỉ là niềm khao khát của các thế hệ lãnh đạo, người dân Hải Phòng.

Trên thực tế, tại địa bàn Hải Phòng đã nhiều lần phát hiện được các cây cọc Bạch Đằng, kể cả 3 cọc được xác định từ thời Đức Vương Ngô Quyền, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng, nhưng về cơ bản chưa đủ điều kiện để đặt ra vấn đề khai quật khảo cổ học.

Từ phát hiện của người dân tại địa bàn xã Liên Khê cạnh sông Đá Bạc – huyện Thủy Nguyên, tháng 10/2019, Hải Phòng đã đề nghị và Viện khảo cổ học Việt Nam đã về địa phương khảo sát kỹ càng.

Được sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngày 27/11/2019, Viện khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng đã tiến hành khai quật khu vực cánh đồng Cao Quỳ - xã Liên Khê - huyện Thủy Nguyên và đã phát hiện được 27 cọc gỗ.

Viện khảo cổ học đã khẳng định, bãi cọc là một phần trận địa của trận Bạch Đằng năm 1288 được Trần Hưng Đạo sử dụng để ngăn chặn quân Nguyên Mông, không cho chúng đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy, buộc địch phải đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của quân, dân ta. Thực tiễn trận chiến diễn ra sau đó đều đúng với tính toán thần kỳ của Trần Hưng Đạo.

Rõ ràng, việc phát hiện được bãi cọc lớn nhất từ trước tới nay tại địa bàn Hải Phòng là một phát hiện rất quan trọng của ngành khảo cổ học Việt Nam, mang lại niềm phấn khởi, tự hào cho các tầng lớp nhân dân Hải Phòng.

Để có được kết quả đó, được sự đồng ý rất kịp thời của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các chuyên gia khảo cổ đến từ Hội khảo cổ học, Viện khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc, thể hiện niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cũng như tinh thần trách nhiệm rất cao trước lịch sử dân tộc.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hải Phòng, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Viện khảo cổ học, các chuyên gia, các nhà khoa học cùng các cộng sự đã giúp đỡ thành phố Hải Phòng để chúng ta có được kết quả công bố ngày hôm nay.

Đồng thời, tôi cũng xin bày tỏ lòng cảm ơn tới các nhà nghiên cứu lịch sử, trong đó có các nhà sử học đầu ngành của nước ta về những đóng góp quan trọng của quý vị trong việc nghiên cứu, làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến các chiến thắng vĩ đại của cha ông ta trong 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.   

Bảo tồn cho tương lai 

Việc phát hiện, khai quật được bãi cọc Bạch Đằng tại địa bàn xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là vô cùng có ý nghĩa, song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều.

Đây chính là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng trước lịch sử của dân tộc và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau.

Để hoàn thành được trách nhiệm đó, tôi đề nghị các cấp, các ngành của thành phố quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Uỷ ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thiện các thủ tục để tổ chức công bố, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các diễn đàn khoa học cả trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Uỷ ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; sớm xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc Bạch Đằng tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Uỷ ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức để lập quy hoạch và xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các các di tích trong khu vực.

Trong đó yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại.

Chúng ta cần xác định rõ: Đây là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống rất to lớn cả trước mắt và lâu dài; làm tốt sẽ góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển Hải Phòng, không chỉ vững mạnh về kinh tế xã hội mà còn là điểm sáng trong việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc.

Lê Văn Thành