Chùa to, Tháp lớn là hưng thịnh, lợi ích của doanh nghiệp?

10/03/2019 07:19
Tùng Dương
(GDVN) - Giáo sư Trương Quốc Bình: "Do những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường, kinh doanh gắn tâm linh thiếu sự kiểm soát".

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam đã chia sẻ: “Một đất nước có phát triển đến bao nhiêu ở khía cạnh kinh tế thì khi đánh giá người ta vẫn soi chiếu vào những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị con người phải được tôn vinh thì mới được nhìn nhận là xã hội phát triển.

Một xã hội được coi là phát triển thì nó phải tổng hòa được nhiều giá trị, nhiều yếu tố như đời sống, kinh tế tăng trưởng, giáo dục phát triển, y tế chất lượng cao, văn hóa và đặc biệt là hành vi cộng đồng, ý thức công dân…

Những điều đó mới khẳng định giá trị bền vững của một xã hội phát triển chứ không phải ở những cái danh hão”.

Siêu chùa là hưng thịnh hay chỉ là sự khuếch trương của doanh nghiệp? Ảnh: Tùng Dương.
 Siêu chùa là hưng thịnh hay chỉ là sự khuếch trương của doanh nghiệp? Ảnh: Tùng Dương.

Thật đáng tiếc khi mà đời sống vừa khấm khá chưa được bao nhiêu thì người ta lại đua nhau để giành bằng được nhiều kỉ lục thế giới từ chai rượu khổng lồ được bày tại Đền Hùng, chiếc bánh tét to nhất, cái bánh chưng vài trăm người mới khiêng nổi nhưng lại bỏ đi vì không ăn được, cốc cà phê được cẩu bằng máy bay trực thăng và giờ là hàng loạt siêu chùa đang thi nhau mọc lên.

Chùa to, Tháp lớn là hưng thịnh, lợi ích của doanh nghiệp? ảnh 2

Đại gia Xuân Trường bán vé dân đi lễ Phật, sao lại đóng dấu Giáo hội Phật giáo?

Xây những ngôi chùa to kỷ lục theo kiểu hiện đại liệu có phải là thước đo sự lớn mạnh của một quốc gia, sự hưng thịnh hay chỉ là những chuyện khuếch trương của doanh nghiệp, để phục vụ cho mục đích khác?

Những dự án du lịch ở nơi có chùa, có yếu tố tâm linh được cấp đất lên đến hàng nghìn héc-ta, nhưng cũng không rõ cấp cho doanh nghiệp sử dụng trong bao lâu? Hết thời hạn cấp đất sẽ thế nào? Mức thuế ra sao?

Kinh doanh thu lợi nhuận thế nào thì hoàn toàn không được công khai, minh bạch cho nhân dân biết.

Rất khó minh bạch bởi vì thực chất đó là những dự án du lịch kèm các dịch vụ như bể bơi, sòng bài, khách sạn, nhà hàng, sân golf… với mục đích kinh doanh. Chỉ có một phần đất nhỏ trong những dự án đó người ta xây thêm vào đó một ngôi chùa hay bảo tháp để gắn mác tâm linh, mà đã là tâm linh thì sẽ đi kèm rất nhiều lợi thế.

Nhiều người vẫn cố gắng hối lộ thần phật cầu xin lợi lộc, thăng tiến. Ảnh: Tùng Dương.
Nhiều người vẫn cố gắng hối lộ thần phật cầu xin lợi lộc, thăng tiến. Ảnh: Tùng Dương.

Phải chăng vì nếu không xây chùa to gắn vào kỷ lục nào đó thì  khó mà thu hút được du khách, bởi văn hoá của người Việt luôn coi tâm linh là một phần của đời sống?

Chùa to, Tháp lớn là hưng thịnh, lợi ích của doanh nghiệp? ảnh 4

Xuân Trường có lợi gì khi xây chùa Bái Đính?

Chùa thì nhận đây là giáo sản của giáo hội nhưng tư nhân lại đứng ra thu dịch vụ với giá cao và gần như khách hành hương không thể không dùng dịch vụ đó.

Thí dụ điển hình là kiểu bố trí bãi đỗ xe lên chùa Bái Đính gần 4km, và khó có ai đi nổi nên buộc phải trả tiền xe điện 60 nghìn/1 người.

Thậm chí vào bảo tháp lễ phật cũng phải mua vé 50 nghìn đồng/1 người, nhưng lại được giải thích là để trả tiền điện duy trì thang máy.

Chưa hết, nhiều quảng cáo du lịch gắn với yếu tố tâm linh quá mức khiến cho nhiều người bị cuốn vào mê muội, tin vào thần phật, dâng sao giải hạn, cầu tài cầu lộc, hối lộ thần thánh... mong thăng quan tiến chức mà quên mất muốn đạt được những việc đó thì bản thân mỗi cá nhân phải cố gắng lao động, học tập và không ngừng phấn đấu.

Giáo lý nhà Phật đã dạy rằng: “Phật không nhận gì của ai và cũng không ban phát, cho ai cái gì vậy cho nên đừng có cố gắng hối lộ thần phật mà lại còn mang thêm nghiệp nặng.

Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.

Nghiệp có thể thay đổi. Con người hoàn toàn có thể làm chủ vận mạng của mình, thông qua những nỗ lực chuyển hóa bản thân mà không phải cầu xin một vị thần thánh, hay phụng cúng một vì tinh tú nào”.

Một ngành kinh doanh mới với sự nhập nhèm của doanh nghiệp. Ảnh: Tùng Dương.
Một ngành kinh doanh mới với sự nhập nhèm của doanh nghiệp. Ảnh: Tùng Dương.

Hiện nay xu thế thương mại hoá đang tấn công rất mạnh vào các chùa chiền trên cả nước và những gì đang diễn ra ở khu vực chùa Bái Đính mới xây cho thấy doanh nghiệp đã can thiệp sâu vào đời sống tâm linh bằng vô số dịch vụ.

Doanh nghiệp muốn triển khai được dự án trước hết phải tranh thủ được sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Và tất nhiên địa điểm mà doanh nghiệp lựa chọn đầu tư khai thác phải gắn với di tích lịch sử, di tích quốc gia, để dễ quảng bá, thu hút du khách.

Những ngôi chùa quá to, chiếm nhiều không gian quá mức cần thiết với kiến chúc lai căng đang đua nhau mọc lên, đứng trước những công trình như vậy con người ta cảm thấy quá nhỏ bé, xa lạ chứ không gần gũi như những ngôi chùa cổ nhỏ bé tọa lạc ở làng, xã nhưng mang đậm nét văn hóa hồn Việt.

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Hiện nay cũng có rất nhiều khu tâm linh được xây dựng với quy mô rất lớn, hoành tráng, nhưng chùa chỉ chiếm một phần diện tích rất nhỏ, còn kèm theo đó là các khu vui chơi, khách sạn, nhà hàng... Vậy thì bản chất đúng là trục lợi tâm linh chứ không phải Hoàng dương Phật pháp.

Chùa to, Tháp lớn là hưng thịnh, lợi ích của doanh nghiệp? ảnh 6

Xây chùa to là phúc hay là nghiệp?

Các ngôi chùa của Việt Nam là các công trình tôn giáo, tín ngưỡng hòa nhập với thiên nhiên, người đi lễ Phật có cảm giác được hòa mình vào đất Phật chứ không phải thấy mình nhỏ bé trước một thứ đồ sộ nhưng không có bề dày văn hóa”.

“Danh lam thắng cảnh là tài nguyên của quốc gia nhưng người dân sử dụng lại bị thu tiền.

Vào chùa Hương phải trả tiền, lên Yên Tử cũng phải trả tiền, vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng trả tiền... và bây giờ thậm chí muốn vào lễ Phật cũng phải trả tiền. Tất cả những nơi là tài sản quốc gia mà sao người ta mang ra bán vé?", ông Bình nói.

Cho đến nay liệu đã có một đơn vị nào đứng ra kiểm tra, thanh tra, báo cáo tổng thể doanh thu từ những di tích, danh lam thắng cảnh? Doanh nghiệp đã đầu tư bằng con đường nào và thu được bao nhiêu, nộp về ngân sách liệu có tương xứng với những gì họ đang được khai thác?

“Do những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường, kinh doanh gắn với tâm linh thiếu sự kiểm soát, đã và đang trở thành vấn nạn ở Việt Nam. Đáng tiếc là rất nhiều người dân không hề hay biết gì, hành động theo tâm lý đám đông và tự biến mình thành đối tượng khai thác của doanh nghiệp.

Có nhiều người đi lễ nhưng không biết nơi đó là thờ ai, thế nào là thờ Phật, Thiên Chúa giáo, Đạo giáo là gì, không hiểu văn hóa truyền thống dẫn đến ứng xử không phù hợp, vì vậy mà nhiều người đang bị lợi dụng mà không hề biết”, Giáo sư Bình chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

http://danviet.vn/van-hoa/gsts-truong-quoc-binh-kinh-doanh-tam-linh-thieu-kiem-soat-dang-thanh-van-nan-956648.html

Tùng Dương