Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (16) – Phải biết lắng nghe ​

21/05/2018 06:06
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi đến độc giả những ghi chép trong cuốn sách “Just Listen” của tác giả Mark Goulston.

LTS: Tiếp tục chia sẻ cùng bạn đọc những kiến thức bổ ích mà mình đã đọc được, tuần này Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi đến độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam những ghi chép trong cuốn sách “Just Listen” của tác giả Mark Goulston.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Mark Goulston sinh năm 1948, ông là Tiến sĩ Tâm thần học hàng đầu nước Mỹ và là khách mời thường xuyên của các kênh truyền hình CNN, NPR, BBC, Fox News và nhiều tờ báo danh tiếng.

Ông hiện đang sống cùng vợ và ba con tại Los Angeles.

Cuốn Just Listen tiếng Việt được phát hành bởi Nhà xuất bản Lao động-Xã hội với bản dịch của Kim Diệu.

Mark Goulston tác giả cuốn sách Just Listen (Ảnh: tác giả cung cấp).
Mark Goulston tác giả cuốn sách Just Listen (Ảnh: tác giả cung cấp).

- Tiếp cận con người là một nghệ thuật, là một môn khoa học và nó dễ dàng hơn bạn tưởng.

- Đưa những cảm xúc của bản thân vào tầm kiểm soát là chìa khoá quan trọng nhất để tiếp cận người khác.

- Quy tắc đầu tiên và quan trọng nhất để nắm quyền kiểm soát trong một tình huống quan trọng là trước hết phải tự kiểm soát bản thân mình, hít thở từ tốn hơn, rồi bắt đầu suy xét thấu đáo những phương án của mình. Chỉ cần luyện tập bạn có thể làm điều đó chỉ trong vòng 2 phút.

- Bất kỳ ai cũng đều thực sự khát khao được thấu hiểu. Bạn hãy thoả mãn khát khao ấy và bạn sẽ biến đổi bản thân từ chỗ chỉ là một khuôn mặt trong đám đông trở thành một người bạn hay một đồng minh.

- Muốn trở nên hay ho, cuốn hút thì hãy quên hẳn việc tỏ ra hay ho, cuốn hút.

- Khi bạn càng gắng thuyết phục người ta rằng bạn thông minh, duyên dáng hay tài năng, thì họ sẽ chỉ càng thấy bạn nhạt nhẽo và tự phụ.

- Hãy lắng nghe những gì người khác đang nói với bạn chứ không phải chỉ chăm chú nghĩ về những thứ bạn sẽ nói sau đó. Bạn có thể hỏi thêm để thể hiện rằng bạn muốn biết nhiều hơn nữa.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (16) – Phải biết lắng nghe  ​ ảnh 2Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (12) - Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi

- Đừng hỏi diễn giả những câu nhằm khiến bạn có vẻ cừ khôi, thông minh, dí dỏm mà nên hỏi một câu giúp tạo điều kiện để diễn giả được thể hiện mình lôi cuốn trước thính giả.

- Hãy mang lại cho người khác điều họ muốn - thứ cảm giác rằng mình quan trọng, và họ sẽ mang lại cho bạn thứ bạn cần.

- Chúng ta có thể thay đổi được tương lai chứ không thay đổi được quá khứ.

- Đừng sợ phải chia sẻ về những điểm yếu của bạn. Nhược điểm không làm bạn yếu đi, nó có thể giúp bạn dễ tiếp cận hơn.

- Nên tránh xa những con người độc hại: những kẻ luôn đòi hỏi, những kẻ bắt nạt, những kẻ chuyên nhờ vả, những kẻ tự yêu bản thân và những kẻ tâm thần bất định. Tuy nhiên cũng cần gắng sức phân tích: nguyên nhân có phải do chính mình hay không?

- Hầu hết những điều đáng làm trên thế gian này đều bị tuyên bố là bất khả thi trước khi chúng được thực hiện.

- Hãy chọn đúng đối tượng và bảo: Nghe có vẻ bất khả thi thật, vậy làm thế nào khiến cho nó trở thành khả thi? Sau đó hãy giúp đỡ người ấy tìm ra các bước biến mục tiêu thành hiện thực.

- Khi bạn hành động như thể mục tiêu của bạn đối lập hoàn toàn với những gì bạn đang gắng sức hoàn thành, thì đó chính là Nghịch lý thần kỳ, đó là thứ phép thử đầy quyền năng. Đó là ngay lúc bắt đầu bạn cần phải dịch chuyển đối tượng của mình từ chỗ kháng cự sang lắng nghe và rồi đến chỗ lưu tâm.

- Khi bạn nói thật rành rọt rằng bạn biết anh ta cảm thấy không ai hiểu mình hết, bạn sẽ khiến anh ta nhận ra rằng bạn hoàn toàn hiểu.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (16) – Phải biết lắng nghe  ​ ảnh 3Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (11): Thay đổi cuộc sống

- Giận dữ và thấu cảm không thể tồn tại ở cùng một nơi, tại cùng một thời điểm. Hãy để thấu cảm tràn vào và sẽ buộc giận dữ phải ra đi.

- Nếu thấy sếp cộc cằn hơn thường ngày hãy tự hỏi: Sẽ ra sao nếu mình cũng phải gánh chịu tất cả những trách nhiệm cùng lo âu của ông ta trong ngày hôm nay. Càng làm như vậy bạn sẽ thấy ít căng thẳng hơn với người khác.

- Nhiều người vì không biết tha thứ nên ngày càng bất hạnh và đắng ngắt.

- Một lạng xin lỗi bằng cả một cân oán giận hay một tấn phản ứng bằng cách hành xử tồi tệ.

- Khi bạn đặt ra câu hỏi: “Anh thực sự tin là như thế?” với thái độ bình tĩnh và thẳng thắn sẽ làm người đó dừng lại và nhận ra rằng mình đang thổi phồng một cái đụn nhỏ thành quả núi to đấy. Chắc là mình lố bịch lắm!

Nhưng nếu người đó trả lời là “Vâng” thì có khả năng người ấy đang ấp ủ những vấn đề chính đáng và bạn cần giải quyết rốn ráo những vấn đề đó.

- Những người ít hài long nhất về bạn lại là nguồn học hỏi lớn lao nhất cho bạn.

- Phần lớn mọi người đều hành động sai lầm khi phải đương đầu với một người giận dữ hay buồn bã. Nên bình tĩnh trả lời: Vậy à? Bạn sẽ chuyển một người từ thái độ thù nghịch sang bối rối nhẹ nhàng.

- Nếu bạn biết có điều gì làm công chúng không thoải mái thì hãy tập dượt trước gương cho đến khi bảo đảm chắc chắn rằng có thể thực hiện một cách tốt đẹp hơn.

- Một giao tiếp kiểu giao dịch chỉ giống như tiếp xúc với máy rút tiền ATM, nó không hề mở ra tâm hồn hay trái tim, nó không tạo ra lực kéo cho một mối quan hệ, bởi vì nó phi cá nhân và nông cạn. Bạn phải vượt qua mức giao dịch để đạt tới mức liên kết.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (7) - Thất bại không đáng sợ

- Cách tiếp cận sát cánh bên nhau rất đơn giản, hãy cùng ai đó tham gia vào một hoạt động hay chỉ cùng ăn trưa với nhau cũng được và rồi đặt câu hỏi giúp bạn nhìn thấu được xem người đó đang làm gì, suy nghĩ ra sao, cảm giác thế nào…

- Lời cảm ơn không chỉ khiến người khác được mở mày mở mặt mà còn khiến chính bạn được mở mày mở mặt nhờ chứng tỏ rằng bạn khiêm nhường, thấu cảm và thực lòng quan tâm.

- Một lời xin lỗi chứng tỏ bạn thực lòng ăn năn, muốn tìm cách khắc phục thiệt hại, hứa rút kinh nghiệm và mong tha thứ.

- Những người kết nối thành công là những người liên tục đặt nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của mình.

- Một điều then chốt để tiếp cận người khác chính là làm cho bản thân mình có thể tiếp cận được.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng