Phụ huynh cũng ứng xử bạo lực, làm sao dạy nổi con mình

16/07/2020 09:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phải xem lại những giải pháp đưa ra đã giải quyết tận gốc của vấn đề hay chưa, tất cả xã hội, gia đình, nhà trường và các cơ quan liên quan đã thực sự vào cuộc?

Bạo lực học đường luôn là một trong những vấn đề nhức nhối, đặc biệt thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

Các vụ bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều, vụ này chưa xong, lại tiếp tục có vụ khác, nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang, lo lắng cho con em mình khi đến trường.

Chuyện không chỉ dừng lại ở cái tát nhẹ nữa, mà các em học sinh đánh nhau theo nhóm với người thì đánh, người xé quần áo của bạn, người thì dùng điện thoại để quay Video tung lên mạng xã hội.

Trong thời giang vừa qua, hàng loạt vụ bạo lực giữa học sinh với nhau xảy ra ở khắp các tỉnh, thành như Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ninh, Phú Yên, Thanh Hóa... Bạo lực xảy ra ngay trên bục giảng, trong lớp học, cổng trường và nhiều nơi khác.

Gần đây nhất là ngày 11/7, Công an xã Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã phải làm việc với Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Bình Châu về vụ nữ sinh lớp 7 bị bạn cùng trường đánh hội đồng.

Em T. nạn nhân của vụ đánh hội đồng này cho biết do bị các bạn dọa đánh nên không dám báo nhà trường, báo với giáo viên cũng như gia đình.

Nếu các em có niềm tin vào thầy cô giáo, nhà trường, bố mẹ và luật pháp thì chắc chắn các em đã không hành xử như vậy. Ảnh minh họa: Quang Anh.

Nếu các em có niềm tin vào thầy cô giáo, nhà trường, bố mẹ và luật pháp thì chắc chắn các em đã không hành xử như vậy. Ảnh minh họa: Quang Anh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Theo thống kê tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với sự tham dự của tất cả các bộ ngành liên quan và 63 tỉnh thành thì mỗi năm, tại Việt Nam xảy ra gần 2.000 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học.

Trung bình mỗi ngày, ở Việt Nam vẫn còn khoảng 5 vụ học sinh đánh nhau, chủ yếu ở lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Các nghiên cứu dịch tễ cho biết tỷ lệ bạo lực học đường có xu hướng trẻ hóa từ 10 đến 15 tuổi và so với 10 năm trước, số vụ bạo lực học đường đã tăng hơn 10 lần.

Các vụ việc bạo lực trên thực tế hiện nay đang trở nên phức tạp hơn dưới ảnh hưởng của phim ảnh trên mạng, game bạo lực và nhiều hình thức bắt nạt trên mạng xã hội.

Trong khi Bộ giáo dục có nhiều Thông tư và chỉ thị chỉ đạo về vấn đề chống bạo lực học đường nhưng vấn nạn này vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng.

Tuy nhiên chúng ta cần phải xem lại những giải pháp đưa ra đã giải quyết đến tận gốc của vấn đề hay chưa, tất cả xã hội, gia đình, nhà trường và các cơ quan liên quan đã thực sự cùng vào cuộc?

Hiện nay những vấn đề biến động của xã hội liên tục thay đổi, sự phát triển của Internet, mạng xã hội truyền tải nhiều sự việc bạo lực trong xã hội cũng góp phần tạo ra nguyên nhân dẫn đến hành vi xấu này của trẻ.

Có thể nói việc giải quyết tình trạng bạo lực học đường không phải là việc riêng của nhà trường hay mỗi gia đình, mà cần có sự nhất quán trong phương pháp dạy dỗ, quan tâm, chăm sóc phát triển nhân cách cho trẻ.

Đặc biệt cần tăng cường dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để thích ứng với xã hội hiện nay, việc này có thể đào tạo đan xen trong những tiết học chính khóa hoặc thông qua những lớp dạy kỹ năng trong 3 tháng nghỉ hè.

Dạy trẻ kỹ năng sống, kỹ năng lên tiếng, kỹ năng tự bảo vệ và cung cấp thông tin, kỹ năng hỗ trợ can thiệp đối với bạn bè và xã hội, giáo viên và những người làm công tác giáo dục cũng cần được đào tạo những kỹ năng này”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc "Trong nhiều trường hợp, nếu các em không có kỹ năng, chưa được hướng dẫn tiếp cận phù hợp, để can ngăn những vụ bạo lực như vậy, thì rất có thể chính các em sẽ bị lôi kéo vào, hoặc có thể phải chịu hậu quả của bạo lực". Ảnh: Tùng Dương.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc "Trong nhiều trường hợp, nếu các em không có kỹ năng, chưa được hướng dẫn tiếp cận phù hợp, để can ngăn những vụ bạo lực như vậy, thì rất có thể chính các em sẽ bị lôi kéo vào, hoặc có thể phải chịu hậu quả của bạo lực". Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hà Nội), chia sẻ quan điểm:

“Nhiều nghiên cứu chỉ ra, lứa tuổi có hành vi bạo lực nhiều nhất là Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, ở lứa tuổi đó thì nhu cầu kết bạn của các em rất là lớn.

Với nhu cầu thích khẳng định bản thân, vì không thể khẳng định mình bằng những mặt tích cực như học tập, thể thao hay những việc có ích…thì các em sẽ thể hiện bằng cách tiêu cực, hay bắt nạt những bạn yếu hơn.

Các em có sự thay đổi tính tình thất thường, do trưởng thành và hệ thần kinh hoạt động mạnh mẽ, trong khi năng lực tâm lý lại không theo kịp, dẫn đến nhiều khi hành vi đi kèm với cảm xúc tiêu cực mà nó nảy sinh bột phát ngay tại thời điểm đó.

Đặc điểm lứa tuổi này lòng tự trọng rất cao nên sẵn sàng phản ứng lại một cái gì đó rất nhỏ, rất nhạy cảm với những phản ứng của người xung quanh.

Thậm chí cho rằng bạn kia nhìn mình là có ý coi thường, hoặc bạn đó không nghe lời mình…chỉ cần như vậy là các em có thể tìm cách “dạy” cho bạn kia một trận, những suy nghĩ rất con trẻ nhưng lại vô cùng nguy hiểm”.

Gia đình, nhà trường và các cơ quan liên quan đã thực sự vào cuộc?

Việc các bạn không can ngăn đánh nhau, không thông báo với thầy cô mà lại còn cổ vũ, quay phim đưa lên mạng xã hội, thầy Ngọc lý giải: “Trong nhiều trường hợp, nếu các em không có kỹ năng, chưa được hướng dẫn tiếp cận phù hợp, để can ngăn những vụ bạo lực như vậy, thì rất có thể chính các em sẽ bị lôi kéo vào, hoặc có thể phải chịu hậu quả của bạo lực.

Mấu chốt ở chỗ kĩ năng này nhà trường không dạy, mà trong gia đình lại càng không.

Nhóm khác lại tỏ ra thích thú, có thể những em đó thấy đây là sự việc rất lạ, ở lứa tuổi này cái không bình thường lại rất kích thích thu hút các em.

Ở trong nhà trường, giáo viên dặn học sinh không được đánh nhau, nếu thấy thì phải căn ngăn hoặc thông báo với ban giám hiệu… nhưng những lời dặn đó theo kiểu bao quát, chung chung nên trẻ sẽ nghĩ không nhất thiết phải làm theo.

Còn bố mẹ ở nhà thì dặn rất cụ thể, rằng con tuyệt đối không được tham gia, thấy đánh nhau thì phải tránh thật xa, đấy không phải việc của con.

Lời dặn này như là mệnh lệnh ngầm, được nhắc đi nhắc lại hàng ngày nên đã ngấm vào tư duy của trẻ, lâu dần thành thói quen, cứ thấy những việc không hay xảy ra thì chúng chỉ đứng nhìn hoặc bỏ đi.

Cũng khó có thể thể trách lớp trẻ, mà chúng ta nên xem lại từ suy nghĩ và lối hành xử của người lớn. Nhiều người đang làm hỏng con cái bằng lối sống ích kỷ, chỉ muốn những điều tốt, những gì có lợi cho mình.

Một điểm nữa cũng làm gia tăng hành vi bắt nạt, đó là ứng xử của một số giáo viên chưa phù hợp, khi phát hiện ra học sinh có hành vi bạo lực đối với bạn, giáo viên chưa tìm hiểu kĩ nguyên nhân vì đâu?

Nếu giáo viên tiếp cận, chia sẻ, tìm hiểu học sinh đó có bức xúc, tâm tư gì mà dẫn đến sự việc bạo lực…như vậy cũng sẽ giảm bớt rất nhiều hành vi bạo lực của các em, thay vì khiển trách, hoặc gọi điện thông báo cho gia đình.

Có trường hợp, một số giáo viên đẩy trách nhiệm xử lý vấn đề này cho một bên khác… hoặc việc các em đánh nhau ngoài cổng trường nên nhà trường không liên quan.

Đó cũng là một phần nguyên nhân đẩy các em vào hành vi bạo lực học đường, trong khi lứa tuổi này rất cần sự ân cần, giải tỏa tâm lý, dẫn dắt để đi đúng hướng”.

Mỗi giáo viên như một nhà tâm lý học thực hành, góp phần phòng ngừa những sự cố học đường. Ảnh minh họa: Mỹ Hà.

Mỗi giáo viên như một nhà tâm lý học thực hành, góp phần phòng ngừa những sự cố học đường. Ảnh minh họa: Mỹ Hà.

Thầy Ngọc nói: “Để có cái nhìn toàn cục xã hội hiện nay thì việc các em học sinh đánh nhau có thể nói là theo kiểu hằn thù, tiêu diệt nhau, giật tóc, đấm đá vào mặt, vào bụng, xé quần áo nhất là học sinh nữ… điều đó chứng tỏ các em thiếu tình thương đồng loại.

Việc các em đánh nhau thể hiện sự coi mọi việc, các em cho mình quyền tự giải quyết theo cách riêng mà không cần tôn trong luật lệ nào cả, không tin vào luật đã có, hoặc có thể nói cách khác là các em không có niềm tin.

Nếu các em có niềm tin vào thầy cô giáo, nhà trường, bố mẹ và luật pháp thì chắc chắn các em đã không hành xử như vậy.

Và cũng chính vì thế mới có hiện tượng cùng một học sinh đó bị bạn đánh tới vài lần trong suốt thời gian dài mà không giám nói ra với ai.

Theo tôi nên tổ chức đưa chương trình kỹ năng sống vào nhà trường, đẩy mạnh công tác tâm lý học không nên dừng lại ở tư vấn tâm lý học sinh, mà phải góp phần giúp cho giáo viên có thêm kiến thức về tâm lý học.

Mỗi giáo viên như một nhà tâm lý học thực hành, góp phần phòng ngừa những sự cố học đường.

Nên tăng cường thêm giáo viên tâm lý tại các cơ sở giáo dục mà vấn đề này hiện nay theo tôi được biết thì vẫn còn chưa được các nhà trường chú trọng.

Mọi hành vi của người lớn, thầy cô giáo và cha mẹ là những tấm gương để các em soi vào học tập, nó gây ảnh hưởng rất nhiều từ suy nghĩ, đến hành vi lối sống của các em.

Điều đó chỉ được bù đắp lại bằng nhiều hệ thống như giáo dục, thầy cô, gia đình… mà không thể nói thuyết giảng chung chung là hãy thương yêu nhau".

Theo thầy Ngọc :"Ngay như chuyện hai học sinh lớp 1 ở Hòa Bình nảy sinh mâu thuẫn trên lớp, vì bênh con nên ngày 10/7 vừa qua 1 phụ huynh đã vào tận trường đánh bạn của con đến mức phải nhập viện.

Thời điểm trên cháu Kh. học sinh lớp 1 đang ở trường, ông Đức (bố của học sinh khác) đã lôi cháu Kh. ra ngoài rồi đấm vào mặt cháu trước sự chứng kiến của nhiều người, tay và mặt em Kh. chảy nhiều máu.

Tại cơ quan Công an Thành phố Hòa Bình, ông Đức thừa nhận hành vi hành hung cháu Kh. nguyên nhân xuất phát từ việc bé Kh. và con trai ông Đức có xảy ra tranh cãi khi chơi với nhau tại lớp học”.

“Như vậy có thể nói là hành vi bạo lực của vị phụ huynh kia cũng đã trực tiếp gây ảnh hưởng đến suy nghĩ của các em, người lớn còn hành xử như vậy thì làm sao mà dạy bọn trẻ được, cứ như vậy bảo sao bạo lực học đường gia tăng.

Hàng động đó là quá coi thường pháp luật, coi thường nhà trường và xã hội, lối hành xử không còn tính người như vậy cần phải được xử lý nghiêm theo pháp Luật để làm gương”, thầy Ngọc nhấn mạnh.

Tùng Dương