Hai ngày cuối tuần qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có 2 bài viết:
Bộ Y tế chưa hề cấp phép công thức sữa học đường "chuyên biệt" nào cho Hà Nội; Hà Nội tạm hoãn đấu thầu sữa học đường, tiếp tục làm khó Bộ Y tế.
Cả chương trình Sữa học đường của Chính phủ lẫn đề án triển khai chương trình sữa học đường của Hà Nội, đều không yêu cầu, không đòi hỏi sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình này phải có gì "chuyên biệt" mà sữa tươi đang bán trên thị trường không có.
Nhưng Hà Nội vẫn cứ mải miết đi tìm.
Sở Giáo dục Hà Nội quan tâm đến bán hàng nhiều hơn là mong muốn của trẻ em?
Ngày 25/9 trao đổi với báo chí trong cuộc giao ban của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thầy Phạm Xuân Tiến đã trả lời những thắc mắc của dư luận về khả năng sữa cận hạn sử dụng hoặc hết hạn sử dụng bị nhà thầu "tuồn" vào nhà trường.
"Đừng nghĩ nhà tôi giàu có, uống gì loại sữa đấy, nhầm hết" |
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định:
"Mỗi ngày trên 1 triệu hộp sữa thì làm gì có sữa tồn? Với các trường lớn, chúng tôi còn yêu cầu cung cấp sữa từng ngày."
Về thắc mắc tại sao Hà Nội lại chốt tỉ lệ "hỗ trợ" của doanh nghiệp trúng thầu cung cấp sữa học đường cho Hà Nội là 20% trên giá bán lẻ của sản phẩm, trong khi doanh nghiệp trúng thầu nếu bán qua kênh truyền thống sẽ phải mất từ 23% đến 32% cho chi phí bán hàng, thầy Tiến trả lời:
“Ví dụ như một trường tiểu học ở Hà Nội có số học sinh lớp 1 kỷ lục. Trường này có hơn 4.000 học sinh.
Với 4.000 vỏ hộp sữa xả ra một ngày nếu không xử lý thì rác bay ngập trường. Việc xử lý rác rất quan trọng.
Chúng tôi phải tập huấn giáo viên cách ép, đóng. Sau đó hãng sữa đến thu gom và xử lý. Chứ không phải như đại lý bê sữa vào cửa hàng là xong.” [1]
Báo Đại biểu Nhân dân ngày 29/9 có bài "Mục tiêu tốt, sao phụ huynh vẫn băn khoăn?" của tác giả Duy Anh, đăng trên mục Góc nhìn. Tác giả cho biết:
"Đóng 600.000 đồng mỗi năm để uống sữa học đường không phải là vấn đề quá lớn đối với các gia đình ở thành thị.
Thực ra, việc nhiều bậc phụ huynh băn khoăn, do dự là bởi nó trực tiếp liên quan đến sức khỏe của con em họ."
"Các con có được chọn sữa có đường hoặc không đường để uống không? Sữa mà nhà trường cung cấp có phù hợp với thể trạng, thói quen của trẻ?
Ảnh minh họa, nguồn: milknet.com.br |
Bởi cơ địa của từng em và khả năng hấp thụ sẽ khác nhau nên sữa có thể tốt nhưng không phù hợp với tất cả trẻ em.
Hiện trong cơ cấu bữa ăn hiện tại, các trường đã duy trì đủ 2 bữa sữa/ngày, Hà Nội nên chăng tính toán lại việc tổ chức thực hiện, không nên đồng loạt đại trà mà có tính phân loại, nơi nào đã đáp ứng tốt cơ cấu dinh dưỡng bữa ăn thì không nhất thiết triển khai thực hiện." [2]
Về băn khoăn của tác giả Duy Anh rằng sữa mà nhà trường cung cấp có phù hợp với thể trạng, thói quen của trẻ hay không, thì thầy Phạm Xuân Tiến đã có câu trả lời rõ ràng và dứt khoát ngày 25/8:
"Không thể giao quyền cho các trường tự chọn sữa học đường vì không thể đủ năng lực (?!). Đồng thời, chương trình cần có tính thống nhất trên địa bàn toàn thành phố." [3]
Từ những thắc mắc của dư luận và các giải đáp, trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chúng tôi nhận thấy dường như điều Hà Nội quan tâm nhiều nhất không phải là trẻ em Thủ đô cũng như gia đình các em cần gì và mong muốn điều gì từ chương trình sữa học đường.
Sở đã đấu thầu là các em không có quyền lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình. Không phải gia đình nào cũng vì sữa học đường được trợ giá, chi phí uống sữa 1 tuần chỉ tương đương 2 bát phở mà tặc lưỡi đồng ý cho con tham gia khi những băn khoăn chưa có lời giải đáp.
Ngược lại, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có vẻ rất hứng thú với những con số.
1,3 triệu học sinh mẫu giáo và tiểu học, chỉ cần 90% uống sữa học đường đã được 1 triệu hộp / ngày, lấy đâu ra cận hạn hay quá hạn sử dụng? Đó là giải thích của thầy Tiến.
Hà Nội nên thận trọng, tránh làm biến tướng chương trình sữa học đường |
Thậm chí vấn đề kịch tính và trầm trọng nhất của giáo dục phổ thông Thủ đô năm nay là quá tải sĩ số, nhưng nhìn ở góc độ kinh doanh thì lại là cơ hội vàng cho doanh nghiệp nào trúng thầu.
Nếu không phải là trường học, có siêu thị nào tiêu thụ được hơn 4000 hộp sữa tươi 180ml mỗi ngày, 5 ngày / tuần đều đặn trong suốt 3 năm?
Trường tiểu học có sĩ số đông kỷ lục hơn 4000 học sinh mà thầy Phạm Xuân Tiến nhắc đến, lâu nay vẫn nhiều em ăn bán trú, và thông thường khẩu phần đã có 2 hộp sữa mỗi ngày, đã ai thấy rác bay ngập trường bao giờ?
Nay chỉ có 1 vỏ hộp sữa học sinh uống xong bỏ vào thùng rác chờ thu gom, mà Sở lấy đó là lý do ấn định tỉ lệ "hỗ trợ" của doanh nghiệp trúng thầu 20%, thấp hơn rất nhiều so với chi phí bán hàng cho 1 triệu đến 1,3 triệu khách hàng sử dụng ổn định, liệu có lọt tai?
Dường như sĩ số quá tải với Thủ đô chẳng phải vấn đề gì cấp bách đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Bởi chúng tôi không thấy Sở phải tham mưu cho lãnh đạo thành phố lập ban chỉ đạo đầy đủ các cơ quan ban ngành để giải quyết triệt để vấn đề quá tải, nhưng lại sốt sắng trong việc triển khai vấn đề uống sữa hàng ngày của trẻ em Thủ đô, thậm chí phải chỉ đạo, giám sát đến từng em.
Không thi đua uống sữa, nhưng đã có tuyệt chiêu bán sữa?
Trước băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ học sinh về việc họ bị ép phải cho con tham gia uống sữa tại trường mặc dù chưa biết sẽ uống sữa gì, của nhà cung cấp nào, ngày 25/9 thầy Phạm Xuân Tiến khẳng định:
“Tôi khẳng định, hoàn toàn không có việc ép thi đua trong việc vận động chương trình sữa học đường, không biết đưa xét vào mục nào.
Bởi đến cả môn học, hiện giờ còn không đưa vào chỉ tiêu thi đua thì việc uống sữa nên đưa vào mục nào?
Do đó, giáo viên không ép, không “xui” phụ huynh đừng tham gia mà giải thích để phụ huynh rõ.” [4]
Không ép thi đua là đúng, bởi không ai lại ấu trĩ đến mức ra văn bản dọa cắt thi đua trường nào tỉ lệ học sinh uống sữa thấp, nếu không muốn hứng búa rìu dư luận.
Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu cung cấp sữa học đường, thanh tra toàn bộ đề án |
Nhưng Hà Nội đã đặt chỉ tiêu trên 90% học sinh tham gia và Phó giám đốc Sở đã tự tin khẳng định, học sinh Thủ đô tiêu thụ trên 1 triệu hộp sữa 1 ngày thì lấy đâu ra sữa tồn, quá hạn hay cận hạn.
Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình một cách bài bản, rộng khắp, thì chẳng cần phải dùng hạ sách xét thi đua, các trường cũng như giáo viên cũng tự hiểu mình phải làm gì.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông được Báo Dân trí dẫn lời, cho biết:
"Tôi đã từng nghe có giáo viên tâm sự, nếu trong lớp có 40 cháu mà 30 cháu được uống sữa, vậy 10 cháu còn lại không được uống vào giờ đó thì sẽ ra sao? Nhiều học sinh chắc chắn sẽ buồn.
Nên tôi nghĩ, có thể họ vận động học sinh tham gia đồng đều trong lớp vì điều đó chứ không phải vì thành tích".
Chính cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tạo ra tình huống "lớp có 40 cháu mà 30 cháu được uống sữa còn 10 cháu ngồi nhìn", thì dù có no sữa ở nhà, cha mẹ các cháu có thể không đăng ký chăng?
Cách làm này không rõ vô tình hay hữu ý, đã và đang tạo ra những "đòn cân não" với cha mẹ học sinh, mà ngay cả công cụ "xếp thi đua" không thể sánh kịp.
Bởi vậy, tự nguyện hay không còn phải xem cách làm của Sở, chứ không chỉ cứ lãnh đạo tuyên bố, khẳng định là người dân tin ngay.
Cha mẹ học sinh đã có quá nhiều bài học về "tự nguyện" trong giáo dục, cấp quốc gia thì có VNEN, Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, cấp trường thì có dạy thêm buổi 2 và các khoản đóng góp, nay có thêm "tự nguyện" cấp sở nữa.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trương phải giám sát việc giao nhận, uống sữa, của học sinh tại nhà trường.
Giả sử lớp có 40 học sinh, 30 cháu uống sữa còn 10 cháu ngồi nhìn sẽ nghĩ sao? |
Thầy Phạm Xuân Tiến cũng yêu cầu, sữa học đường thì phải được uống ở trường, bởi theo Phó giám đốc Sở, nếu đem về nhà, trẻ vứt vào thùng rác thì sao?
Giáo viên phải giải thích như thế nào với cha mẹ học sinh khi trong tay không có thông tin cụ thể nào mà cha mẹ học sinh đang quan tâm? Thầy Phạm Xuân Tiến hướng dẫn:
"Tôi có đến một số trường tiểu học sau khai giảng, tôi hỏi hiệu trưởng là, em có biết cái sữa này, sữa học đường này, nó khác cái gì không? Hiệu trưởng không nói được.
Tôi bảo, đấy, tại vì họp em không chịu nghe. Sữa này nó khác cơ bản là gì? Nó được bổ sung một số vi lượng và khoáng chất giúp cho trẻ trong độ tuổi phát triển.
Thế nó mới gọi là sữa học đường, chứ không nó gọi là sữa tươi có đường hoặc sữa tươi không có đường, chứ ai gọi là sữa học đường? Đúng không ạ? Rõ ràng là như thế."
Bây giờ đã rõ, Bộ Y tế chưa hề cấp phép bất kỳ công thức chuyên biệt nào cho sữa học đường Hà Nội, thầy Phạm Xuân Tiến cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tập huấn cho các thầy cô hiệu trưởng, giáo viên phải truyền thông thế nào để thuyết phục cha mẹ học sinh đây?
Chúng tôi xin nhắc lại rằng, chương trình sữa học đường rất nhân văn và thiết thực nếu được triển khai một cách khoa học, minh bạch và hiệu quả.
Với Hà Nội, 1,3 triệu học sinh sử dụng sữa học đường sẽ còn là một động lực để thúc đẩy kinh tế xã hội Thủ đô phát triển, chứ không dừng ở việc uống sữa của trẻ em;
Bởi nếu chỉ hướng tới mục tiêu cung cấp sữa cho trẻ em thì có lẽ Hà Nội đang chở củi về rừng, bài viết của tác giả Duy Anh trên Báo Đại biểu Nhân dân đã lột tả chính xác thực tế ai cũng thấy.
Cha mẹ học sinh Thủ đô không phải tiếc 2 bát phở mỗi tuần để dành tiền cho con uống sữa, mà nhiều người thực sự đang rất băn khoăn và không thể yên tâm với cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Không ai quan tâm và lo lắng cho trẻ em hơn cha mẹ chúng, gia đình chúng. Cho nên, nếu ví von sự quan tâm lo lắng ấy với 2 bát phở một tuần, với nhiều người là điều khó chấp nhận.
Nguồn:
[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dung-nghi-nha-toi-giau-co-uong-gi-loai-sua-day-nham-het-post191184.gd
[2]http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=411300
[3]https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/lanh-dao-so-gddt-ha-noi-truong-hoc-khong-duoc-tu-quyet-chon-sua-hoc-duong-20180927142812104.htm
[4]https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/sua-hoc-duong-so-gddt-ha-noi-khang-dinh-khong-co-chuyen-ep-tu-nguyen-201809251725414.htm