Vì sao tiếng Anh được nhiều địa phương chọn làm môn thứ 3 ở kỳ thi tuyển vào 10?

10/02/2025 09:33
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Những địa phương đã công bố môn thi tuyển sinh 10 đều lựa chọn môn thi thứ 3 là tiếng Anh không phải là điều bất ngờ đối với giáo viên và học sinh.

Hàng chục năm qua, khi thực hiện Chương trình 2006 thì kỳ thi tuyển sinh 10 ở đa phần các địa phương thường lựa chọn có 3 môn thi: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, rất ít địa phương lựa chọn các môn thi khác. Năm học 2025-2026 tới đây, các địa phương sẽ thực hiện tuyển sinh vào 10 khóa đầu tiên học Chương trình 2018 ở bậc trung học cơ sở.

Nhìn chung, đến thời điểm này, những địa phương đã công bố phương án tuyển sinh 10 vẫn tiếp tục lựa chọn phương án bằng các môn thi như trước đây. Ngoài môn Toán và Ngữ văn là môn thi bắt buộc, những địa phương đã có phương án thi tuyển sinh 10 vẫn lựa chọn môn thứ 3 là tiếng Anh.

Thực tế cho thấy, khi triển khai Chương trình 2018, việc lựa chọn môn thứ 3 có phần khó khăn hơn Chương trình 2006 vì ngoài môn tiếng Anh ra, các môn học đơn môn đang thực hiện đánh giá bằng điểm số còn lại không nhiều. Vì thế, môn tiếng Anh vẫn là môn thi thứ 3 tối ưu nhất.

gdvn-4-7489-1728.jpg
Ảnh minh họa

Kỳ thi tuyển sinh 10 từ năm 2025 trở đi có nhiều thay đổi so với trước đây

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông được tổ chức theo 01 (một) trong 03 (ba) phương thức: xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Đối với hình thức thi tuyển, tại điểm a, b, Khoản 1, Điều 13, Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT đã hướng dẫn số môn thi, bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn 01 (một) trong 02 (hai) phương án sau:

a. Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 (ba) năm liên tiếp;

b. Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.

Đối với các trường trung học phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi hoặc bài thi thứ ba do Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí lựa chọn.

Môn thi hoặc bài thi thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kì I nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 3 hằng năm”.

Ngay sau khi Bộ ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT, một số địa phương đã chính thức công bố các môn thi tuyển sinh 10 cho năm học 2025-2026, như: Hải Dương; Bà Rịa - Vũng Tàu; Cần Thơ; Thành phố Hồ Chí Minh; Nghệ An; Quảng Nam; Tiền Giang; Khánh Hòa; Thái Bình…và đều lựa chọn môn thứ 3 là tiếng Anh.

Việc những địa phương công bố môn thi thứ 3 là tiếng Anh ngay sau khi Bộ ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT giúp cho học sinh, phụ huynh và các nhà trường yên tâm hơn để sớm có kế hoạch ôn thi và ban hành kế hoạch giáo dục cho đơn vị mình.

Vì sao các địa phương đã công bố môn thi tuyển sinh 10 đều lựa chọn môn tiếng Anh là môn thi thứ 3?

Thực ra, những địa phương đã công bố môn thi tuyển sinh 10 cho năm học 2025-2026 đều lựa chọn môn thi thứ 3 là tiếng Anh không phải là điều bất ngờ đối với giáo viên và học sinh.

Bản thân người viết cho rằng đa phần những địa phương chưa công bố môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh 10 có thể vẫn sẽ lựa chọn môn tiếng Anh cho địa phương mình trong kỳ thi tuyển sinh năm học 2025-2026.

Việc lựa chọn môn tiếng Anh đảm bảo tính kế thừa từ các kỳ thi của những năm trước đây, không gây ra những xáo trộn lớn cho các nhà trường và học sinh lớp 9 năm nay. Bởi, học sinh lớp 9 năm nay là khóa đầu tiên thi tuyển sinh vào 10 theo Chương trình 2018 nên các em gặp những khó khăn nhất định.

Hơn nữa, theo hướng dẫn của Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT về việc lựa chọn môn thứ 3 như sau: “Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở” thì lựa chọn môn tiếng Anh sẽ phù hợp hơn cả.

Bởi lẽ, trừ môn Toán và Ngữ văn là môn thi bắt buộc, những môn tính điểm còn lại gồm các môn sau: Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh); Giáo dục công dân; Công nghệ; Tin học; Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí.

Trong đó, các môn: Giáo dục công dân; Công nghệ; Tin học mỗi tuần chỉ có 1 tiết. Môn Giáo dục công dân dễ tổ chức thi hơn nhưng có lẽ môn học này vẫn khá “nhẹ ký” nên khó được các địa phương tổ chức năm đầu tiên.

Môn Công nghệ ở lớp 9 chủ yếu học về điện; may mặc, thời trang- nghiêng nhiều về kĩ năng thực hành nên cũng không thích hợp làm môn thi thứ 3.

Môn Tin học sẽ khó tổ chức vì nếu có thực hành thì việc bố trí phòng máy cho thí sinh không hề đơn giản bởi mỗi trường trung học phổ thông thường chỉ có 1-2 phòng máy tính. Nếu chỉ thi mình lý thuyết thì e là chưa thể bao quát kiến thức môn Tin học.

Các môn tích hợp: Khoa học tự nhiên (4 tiết/ tuần) ; Lịch sử và Địa lí (3 tiết/ tuần) có số tiết nhiều nhưng đây vẫn đang là 2 môn học còn nhiều khó khăn trong quá trình dạy và học. Nếu lựa chọn môn thi thứ 3 là Khoa học tự nhiên sẽ khá nặng cho học sinh vì thực tế môn học này có tới 3 phân môn: Hóa học; Sinh học; Vật lí.

Hiện nay, môn Khoa học tự nhiên đa phần các trường đang bố trí 3 giáo viên dạy, mỗi giáo viên 1 phân môn nên dẫn đến việc ôn thi tương đối phức tạp. Ngay cả việc ra đề cũng không phải là điều dễ dàng đối với cấp tổ chức.

Vì vậy, môn Khoa học tự nhiên, cũng như môn Lịch sử và Địa lí sẽ khó để tổ chức ngay kỳ thi năm đầu tiên nên có thể các địa phương sẽ lựa chọn cho các kỳ thi sau là một giải pháp phù hợp hơn cả.

Từ những phân tích ở trên cho thấy, các địa phương lựa chọn môn thi thứ 3 là tiếng Anh cũng là điều dễ hiểu bởi đây là một trong các môn học đang được phụ huynh và học sinh đầu tư nhiều nhất, lên cấp trung học phổ thông thì môn ngoại ngữ 1 vẫn tiếp tục là môn học bắt buộc.

Chính vì thế, các địa phương đã và sẽ lựa chọn môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh 10, năm học 2025-2026 tới đây cũng dễ lý giải.

Việc lựa chọn môn thứ 3 là tiếng Anh không chỉ đối với kỳ thi tuyển 10 cho năm học 2025-2026 mà có thể tiếp tục duy trì môn thi này thêm 1-2 năm nữa theo tiêu chí: “không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 (ba) năm liên tiếp”.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN