Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học

02/12/2020 06:00
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong 6 nước tham gia đánh giá năm 2019 thì học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học.

Đây là thông tin được phân tích từ kết quả báo cáo tại Hội nghị trưc tuyến của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) về Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu họccác nước Đông Nam Á (SEA PLM), tổ chức ngày 01/12.

Hội nghị được tổ chức tại 7 đầu cầu trực tuyến đặt tại 7 quốc gia gồm Việt Nam, Lào, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Phillippine và trụ sở Ban thư ký tổ chức SEAMEO tại Bangkok - Thái Lan. Lãnh đạo Bộ Giáo dục các nước chủ trì tại các đầu cầu trực tuyến.

Các đại biểu tham dự tại đầu cầu Việt Nam (ảnh: Bộ giáo dục và Đào tạo)

Các đại biểu tham dự tại đầu cầu Việt Nam (ảnh: Bộ giáo dục và Đào tạo)

Đầu cầu Việt Nam có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo- Nguyễn Văn Phúc; lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trưởng Chương trình Giáo dục của Unicef tại Việt Nam - bà Simone Vis.

Dự Hội nghị tại trụ sở Ban Thư ký SEAMEO tại Thái Lan có Giám đốc khu vực phụ trách về giáo dục của UNICEF - bà Karin Hulshof; Giám đốc toàn cầu phụ trách giáo dục của Ngân hàng thế giới (WB); Giám đốc Unesco tại Bangkok; Giám đốc ban Thư ký SEAMEO; Trưởng ban chương trình SEA PLM; Tham vấn giáo dục khu vựccủaUnicef.

Tại Hội nghị trực tuyến, tổ chức SEAMEO đã cung cấp kết quả Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019. Trong 6 nước tham gia đánh giá năm 2019 gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipine, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học.

Cụ thể ở lĩnh vực Đọc hiểu, bài khảo sát của SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 6 mức độ, thì học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình cao nhất là 6/6. Tỷ lệ học sinh Việt Nam đạt được mức năng lực thứ 6 là 82%.

Malaysia đứng thứ hai với 58% học sinh đạt được mức năng lực thứ 6. Các nước còn lại tỷ lệ đều dưới 10%.

Ở lĩnh vực Viết, bài khảo sát của SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 8 mức độ. Học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình là 6/8. Tỷ lệ học sinh đạt mức năng lực thứ 8 là 20%. Tỷ lệ này ở các nước còn lại là 2-4%.

Ở lĩnh vực Toán học SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 9 mức độ. Học sinh Việt Nam có mức năng lực trung bình là 8/9. Tỷ lệ các em đạt được mức năng lực cao nhất (mức 9) là 42%. Các nước còn lại, tỷ lệ này đều dưới 10%.

Phân tích kết quả chi tiết của Việt Nam cho thấy, kết quả học tập của học sinh nữ Việt Nam tương đương với học sinh nam ở lĩnh vực Toán học và Đọc hiểu nhưng ở lĩnh vực Viết, học sinh nữ thành thạo hơn học sinh nam, sự khác biệt khá lớn theo thống kê ở các mức điểm cao nhất (mức 5, 6 và 7).

Trình độ học vấn của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của con em. Cụ thể, cha mẹ có trình độ học vấn càng cao thì kết quả học tập của các con càng tốt.

Khoảng cách học tập của học sinh thành phố và nông thôn theo đánh giá của SEA PLM đã thu hẹp, gần như không còn sự khác biệt. Tuy nhiên, học sinh miền núi, vùng sâu xa vẫn còn khoảng cách khá xa với kết quả học tập của học sinh của các vùng khác.

Năm 2019, Việt Nam khảo sát chính thức SEA PLM với tại 150 trường với 832 giáo viên, 4837 học sinh và 4160 phụ huynh học sinh.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam - Nguyễn Văn Phúc, đánh giá cao sáng kiến xây dựng một chương trình đánh giá kết quả học tập chung cho các nước ASEAN (SEA PLM).

Chương trình này không chỉ mang đến cho các quốc gia một thang đo đánh giá chất lượng giáo dục khách quan, công bằng, mà còn tạo cơ hội để các quốc gia tìm hiểu lẫn nhau, chia sẻ những kinh nghiệm, chính sách chiến lược để phát triển giáo dục nước mình và cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam - Nguyễn Văn Phúc, đánh giá cao sáng kiến xây dựng một chương trình đánh giá kết quả học tập chung cho các nước ASEAN (SEA PLM). (ảnh: Bộ giáo dục và Đào tạo)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam - Nguyễn Văn Phúc, đánh giá cao sáng kiến xây dựng một chương trình đánh giá kết quả học tập chung cho các nước ASEAN (SEA PLM). (ảnh: Bộ giáo dục và Đào tạo)

Từ kết quả đánh giá và phân tích dữ liệu đánh giá của SEA PLM, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam xác định các chính sách, chiến lược trước mắt và lâu dài để phát triển giáo dục Tiểu học.

Trong đó, một số giải pháp dài hạn trọng tâm là tiếp tục các chính sách đầu tư cụ thể, thiết thực để phát triển giáo dục cho học sinh miền núi, vùng sâu xa; hỗ trợ trẻ em dân tộc, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sẽ xây dựng chiến lược nâng cao trình độ học vấn cho cha mẹ học sinh một cách bài bản; xây dựng các tài liệu và các chương trình tập huấn cho phụ huynh học sinh để họ có phương pháp giáo dục con trong gia đình tốt hơn. Hoạt động này sẽ ưu tiên các bậc cha mẹ miền núi, vùng sâu xa, hoàn cảnh khó khăn.

Việt Nam cũng sẽ có chính sách đầu tư nhiều hơn đến học sinh nam, để các em được tăng cường kỹ năng sống và cải thiện kỹ năng viết. Việc trang bị cho đội ngũ Hiệu trưởng, giáo viên các phương pháp, kỹ năng quản lý nhà trường, lớp học; các phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá giáo dục hiện đại cũng sẽ được chú trọng để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam.

Cùng với các giải pháp lâu dài và ngắn hạn khác, Việt Nam tin tưởng sẽ nâng cao hơn chất lượng giáo dục Tiểu học và tiếp tục tham gia SEA PLM trong những năm tới.

SEA-PLM (The Southeast Asia Primary Learning Metrics) là chương trình đánh giá cấp khu vực do ASEAN khởi xướng năm 2011nhằm hỗ trợ các nước thành viên SEAMEO đo lường tốt hơn và hiểu sâu hơn tình hình học tập của học sinh Tiểu học theo tổng thể chung và từng nhóm riêng; từ đó giúp các nước nâng cao chất lượng giáo dục.

Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng những công dân được trang bị tốt và tích cực hòa nhập vào thế giới.

Chương trình SEA-PLM đánh giá mức độ mà học sinh cần phải đáp ứng được theo mục tiêu của chương trình giảng dạy chung của khu vực. Các lĩnh vực được đánh giá gồm: Đọc hiểu (tiếng mẹ đẻ); Viết (tiếng mẹ đẻ); Toán học và các kỹ năng của công dân toàn cầu thế kỷ 21.
Thùy Linh