Với những thông tin phản ánh về cách giải thích nghĩa có phần thiếu chính xác, thậm chí sai sự thật trong bài viết “Từ điển Tiếng Việt: “Đền là Chỗ vua ở”, có ai tin được không?, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với chuyên gia ngôn ngữ PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) để tìm hiểu thêm về những bất cập trong cuốn Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1,2,3 của hai tác giả Khắc Trí và Trọng Tấn do NXB Đồng Nai phát hành.
Nói một cách tổng quát, PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng nội dung của cuốn từ điển thiếu tính hệ thống, chọn lựa bảng từ tùy tiện, nhiều từ chỉ là tổ hợp tự do chứ không phải là từ (không có tính định danh). Định nghĩa tùy hứng, theo kiểu gán ghép cơ học mà quên rằng nghĩa các từ ghép không chỉ là các cộng thô thiển giữa các yếu tố.
PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng nội dung của cuốn từ điển thiếu tính hệ thống, chọn lựa bảng từ tùy tiện... |
Ví dụ, từ “bắc thang” không phải là một từ, chỉ là một kết hợp tự do, trong đó “bắc” là động từ, “thang” là bổ ngữ cho từ “bắc”.
Đi vào cụ thể một số từ, PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết: “Với từ “ếch” phải định nghĩa dựa trên đặc điểm của con vật này, chẳng hạn như “Ếch là Loài động vật có xương sống, không đuôi, thân ngắn, da trơn, màu sẫm, sống ở ao đầm, thịt ăn được” chứ không ai định nghĩa ếch thịt ngon bao giờ”, hoặc từ “Nhái là Động vật thuộc loài ếch nhái, đầu ngón chân nở rộng, sống ở trong các bờ ruộng, bụi cây”.
Ông cho biết thêm, ếch và nhái là hai con cùng họ nhưng không phải là một. Cách định nghĩa “Ếch là Loài nhái mình lớn, thịt ngon” và “Nhái là Loại ếch lớn” là cách định nghĩa vòng quanh, mà trong định nghĩa từ điển học người ta kỵ. “Có thể dùng từ “bao” với nghĩa bao hàm trong định nghĩa một số từ, chẳng hạn trâu là gia súc... hoặc bò cũng là gia súc... không ai lấy trâu để định nghĩa bò, lấy bò định nghĩa trâu bao giờ”.
Từ điển tiếng Việt: "Đền là Chỗ vua ở", có ai tin được không?
Không chỉ có Từ điển Tiếng Việt của Vũ Chất, trên thị trường còn xuất hiện nhiều cuốn từ điển tương tự với cách giải thích khó hiểu, thậm chí sai sự thật...
Với từ “Đền”, PGS.TS Phạm Văn Tình giải thích, có hai nghĩa “nơi vua ngự ngày trước, ví dụ Đền Rồng” và “nơi thờ thần thánh, thần linh”. Tuy nhiên, nghĩa “Đền là Nơi vua ngự ngày trước” có từ lâu rồi, giờ ít dùng hoặc không dùng nữa. Khi giải thích cho học sinh hiểu, phải dùng nghĩa hiện nay đang dùng, nghĩa cơ bản, phổ biến “Đền là Nơi thờ thần thánh, thần linh”, còn những nghĩa xa chỉ để biết thôi.
Với từ “anh chị” khi giải nghĩa và đưa vào từ điển dành cho học sinh nên lấy nghĩa gần gũi với các em “Anh chị là Anh và chị trong gia đình; thường dùng để chỉ những người cùng thế hệ, ở hàng trên, có quan hệ gần gũi, thân thiết (nói khái quát)” chứ không nên đưa nghĩa "Anh chị là Đàn anh sừng sỏ trong bọn lưu manh”, không phù hợp với đối tượng sử dụng.
Do đó, theo PGS.TS Phạm Văn Tình, đối với các từ có nhiều nghĩa, việc lựa chọn các nghĩa phải cân nhắc, là phải căn cứ vào nghĩa phổ biến mà cộng đồng đang sử dụng, đầu tiên phải ưu tiên nghĩa chính, cơ bản, sao mới đến nghĩa phái sinh.
Cuốn từ điển đã lựa chọn một nét ghĩa để giải nghĩa cho từ nhưng chưa phù hợp với đối tượng sử dụng |
Ở đây, “đọc từ điển này các tác giả chỉ giới thiệu duy nhất một nghĩa, không có nhiều nghĩa trong những từ cần phải “chiết” ra các nghĩa khác nhau” – ông cho biết thêm. Chẳng hạn như các từ “anh chị”, “anh em”,... chỉ có một nghĩa trong khi những từ này có thể có nhiều hơn 1 nghĩa, thậm chí hàng chục nét nghĩa.
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Tình, đối với những sai sót của cuốn từ điển này, trước hết lỗi thuộc về tác giả. Tác giả thiếu thận trọng, thậm chí không có tri thức từ điển học. Về phía nhà xuất bản đã chủ quan, đơn giản hóa, không có sự giám định, biên tập cẩn thận. Về phía cơ quan quản lí xuất bản đã buông lỏng công việc thẩm định, lưu chiểu...
PGS.TS Phạm Văn Tình cũng đưa ra một số lưu ý khi làm từ điển cho học sinh, đối với cuốn từ điển cỡ lớn cần đưa nhiều nét nghĩa, nhưng với đối tượng học sinh cần chọn nghĩa tiêu biểu, cơ bản, thân thuộc, xã hội đang dùng. Chọn bảng từ thích hợp cho trẻ em, phù hợp với khả năng lĩnh hội của các em, không cần thiết phải đưa các từ quá khó vào. Đối với trẻ em, đưa nhiều từ vào các em cũng khó lĩnh hội, sau này lớn lên các em sẽ dần dần tìm hiểu thêm các nét nghĩa khác.
Ông cũng lưu ý thêm rằng, từ điển dành cho học sinh phải có thêm các ví dụ. Ví dụ có thêm giúp học sinh hiểu hơn về nghĩa của từ. Giải nghĩa chỉ là bộ xương, còn ví dụ làm nên cơ cấu một cuốn từ điển, giúp trẻ em hiểu đúng trong ngữ cảnh cụ thể. Một ví dụ tốt nhất là ví dụ trong văn học, trong đời sống.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, đối với phụ huynh khi lựa chọn từ điển cho con thường tin vào các nhà xuất bản, nghĩ ấn phẩm nhà xuất bản tốt rồi, sử dụng một thời gian mới phát hiện ra lỗi sai đó, còn học sinh cứ tra cứu dẫn tới hệ lụy lan tỏa bởi từ điển là sách công cụ lại được sử dụng nhiều năm.
Do đó, PGS.TS Phạm Văn Tình lưu ý các phụ huynh khi lựa chọn từ điển cho con nên chọn nhà xuất bản, trung tâm nghiên cứu từ điển uy tín.