Vụ nữ sinh THPT Đa Phúc quỳ khóc: Nghĩ về 2 phiếu không đồng ý kỷ luật cô giáo

22/12/2023 06:44
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không ai dám nhận mình là người hoàn hảo, giáo viên cũng vậy, nhưng giáo viên được nhắc nhở, giúp đỡ, giáo dục sẽ trưởng thành, hôm nay tốt hơn hôm qua.

Theo báo cáo gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, Hội đồng sư phạm Trường Trung học phổ thông Đa Phúc tổ chức kiểm điểm giáo viên N.T.P. - cô giáo liên quan đến vụ "nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp" gây xôn xao mạng xã hội thời gian qua. Hội nghị kết luận cô N.T.P. vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng.

Ngoài ra, cô P. đã thu tiền học thêm và học tiếng Anh bổ trợ từ đầu năm học 2022 - 2023, đến cuối năm học thừa 26,5 triệu đồng nhưng không thông báo cho cha mẹ học sinh và học sinh.

Theo báo cáo, nhà trường không có chủ trương tổ chức học sinh đi thực tế, cô P. đã tự thu 715.000 đồng/học sinh tiền đi thực tế.

Hội đồng sư phạm nhà trường cũng đã lấy phiếu kín xem xét kỷ luật cô P., kết quả số phiếu đồng ý kỷ luật là 81/83 phiếu (chiếm 96%), số phiếu không đồng ý kỷ luật là 2/83 (chiếm 4%).

Kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến hình thức kỷ luật giáo viên, có 4/82 phiếu đồng ý kỷ luật khiển trách (chiếm 5%), cảnh cáo 63/82 (chiếm 77%), buộc thôi việc là 15/82 phiếu (chiếm 18%).[1]

Nhiều giáo viên khi đọc thông tin trên, có thắc mắc: Thứ nhất, với những vi phạm được chỉ ra của cô giáo này, tại sao vẫn có giáo viên không đồng ý kỷ luật?

Vậy 02 giáo viên của trường Trường Trung học phổ thông Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội có biết Quy định về Đạo đức nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Thứ hai, đã có 02 giáo viên không đồng ý kỷ luật, tại sao lại có 82/82 giáo viên bỏ phiếu ý kiến hình thức kỷ luật giáo viên? Đã không đồng ý kỷ luật vậy mà vẫn bỏ phiếu đồng ý hình thức kỷ luật?

Thứ ba, tại sao chỉ khi xảy ra “nữ sinh quỳ khóc đến kiệt sức” nhà trường mới biết đến chuyện cô P. đã thu tiền học thêm và học tiếng Anh bổ trợ từ đầu năm học 2022 - 2023, đến cuối năm học thừa 26,5 triệu đồng nhưng không thông báo cho cha mẹ học sinh và học sinh? Cô P. đã tự thu 715.000 đồng/học sinh tiền đi thực tế, dù nhà trường không có chủ trương?

Công tác quản lý, đánh giá, giáo dục, giúp đỡ đồng nghiệp của lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Đa Phúc, của Ban Thanh tra nhân dân, Công đoàn, Chi bộ... đã thực hiện nghiêm túc?

Nữ sinh nằm bệt trước cửa lớp và khóc đến kiệt sức, co giật, sau đó nữ sinh được cô giáo chủ nhiệm túm áo lôi vào lớp. Ảnh: Cắt từ clip

Nữ sinh nằm bệt trước cửa lớp và khóc đến kiệt sức, co giật, sau đó nữ sinh được cô giáo chủ nhiệm túm áo lôi vào lớp. Ảnh: Cắt từ clip

Với những băn khoăn trên, người viết là một nhà giáo đã làm một cuộc thăm dò nhỏ trong nhóm giáo viên trên mạng xã hội.

Nội dung thăm dò là: Các bạn giáo viên có ai biết Quy định về Đạo đức nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Trong phạm vi giáo viên tham gia khảo của người viết, chỉ có hơn 75% giáo viên biết đến Quyết định Số: 16/2008/QĐ-BGDĐT về Quy định về Đạo đức nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo người viết, nếu tất cả giáo viên biết Quyết định Số: 16/2008/QĐ-BGDĐT về Quy định về Đạo đức nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hạn chế được phần lớn các hành vi tiêu cực, vì Điều 4. Đạo đức nghề nghiệp đã ghi rõ :

1. Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.

2. Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành.

3. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.

3. Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Thực tế hiện nay, trong các cơ sở giáo dục có nhiều khẩu hiệu, … nhưng rất ít cơ sở có trích dẫn Điều 4. Đạo đức nghề nghiệp của Quyết định Số: 16/2008/QĐ-BGDĐT.

Đôi điều kiến nghị:

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục có bảng trích dẫn Điều 4. Đạo đức nghề nghiệp của Quyết định Số: 16/2008/QĐ-BGDĐT treo trong phòng nghỉ giáo viên, ngoài sân trường, … để nhắc nhở, giáo dục giáo viên mọi lúc mọi nơi, cũng như để học sinh, phụ huynh giám sát.

Thứ hai, khi có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, giáo viên đó phải có một quá trình hình thành, biểu hiện hành vi nhưng thiếu sự nhắc nhở, giáo dục, của lãnh đạo nhà trường, của Thanh tra nhân dân, Công đoàn, Chi bộ …, vì vậy phải xem xét có hình thức kỉ luật các tổ chức, cá nhân này.

Thứ ba, đồng nghiệp trong tổ, trong nhóm, trong trường thừa biết hành vi không đạt chuẩn của đồng nghiệp mình, vì vậy cần có chế tài thi đua với giáo viên trong trường, ít nhất là hạ thi đua với giáo viên trong tổ, trong nhóm.

Không ai dám nhận mình hoàn hảo, giáo viên cũng vậy, nhưng giáo viên được nhắc nhở, giúp đỡ, giáo dục sẽ trưởng thành, hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua.

Giáo viên cần lắm sự quan tâm của đồng nghiệp, của lãnh đạo nhà trường, của Thanh tra nhân dân, Công đoàn, Chi bộ … giáo viên tốt lên, giáo viên sẽ hạnh phúc, người hưởng lợi đầu tiên là học trò.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/96-giao-vien-nhat-tri-ky-luat-co-giao-tum-ao-loi-nu-sinh-quy-khoc-truoc-cua-lop-2023121923133035.htm

[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-16-2008-QD-BGDDT-quy-dinh-ve-dao-duc-nha-giao-64951.aspx

Nguyễn Nhật Minh