Vùng đồng bằng sông Hồng hiện đang thiếu hơn 20.000 giáo viên TH, THCS, THPT

16/06/2023 06:38
Phạm Linh
GDVN- Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 8/2022, toàn vùng đồng bằng sông Hồng còn thiếu hơn 20.000 giáo viên tiểu học, THCS và THPT.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020 - 2021, toàn vùng đồng bằng sông Hồng có 286.929 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 48.539 giáo viên so với năm học 2010 - 2011).

Cụ thể, cấp mầm non có 108.729 giáo viên (công lập 78.364 giáo viên, ngoài công lập 30.365 giáo viên), tăng 45.453 giáo viên so với năm học 2010 – 2011.

Cấp tiểu học có 80.929 giáo viên (công lập 76.823 giáo viên, ngoài công lập 4.106 giáo viên), tăng 11.470 giáo viên so với năm học 2010 – 2011.

Cấp trung học cơ sở có 64.149 giáo viên (công lập 61.966 giáo viên, ngoài công lập 2.183 giáo viên), giảm 5.356 giáo viên so với năm học 2010 – 2011

Còn cấp trung học phổ thông có 33.122 giáo viên (công lập 27.101 giáo viên, ngoài công lập 5.921 giáo viên), giảm 3.028 giáo viên so với năm học 2010 - 2011; giáo dục thường xuyên có 4.805 giáo viên.

Đến nay, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu và đã được chuẩn hóa theo yêu cầu của đổi mới giáo dục.

Về cơ bản đội ngũ giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học.

Trong đó, đáng chú ý là tình trạng thiếu giáo viên mầm non làm ảnh hưởng đến công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Thiếu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đặc biệt là thiếu giáo viên thực hiện môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 8 năm 2022, toàn vùng đồng bằng sông Hồng còn thiếu hơn 20.000 giáo viên (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 8 năm 2022, toàn vùng đồng bằng sông Hồng còn thiếu hơn 20.000 giáo viên (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 8 năm 2022, toàn vùng đồng bằng sông Hồng còn thiếu 11.459 giáo viên tiểu học, 6.055 giáo viên trung học cơ sở và 4.211 giáo viên trung học phổ thông.

Trong đó, đối với cấp tiểu học, các môn học chủ yếu do giáo viên đảm nhiệm chung, chỉ có môn Tin học và Ngoại ngữ (là các môn học mới bắt buộc học từ lớp 3) có giáo viên bộ môn. Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên được phân công giảng dạy theo từng môn, số lượng thừa thiếu giáo viên theo định mức giờ dạy của các môn học.

Theo cơ cấu các môn học cấp trung học cơ sở, các môn: Ngữ Văn, Toán thừa giáo viên còn các môn: Nghệ thuật, Lịch sử, Địa lý, Thể chất, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Tin học… thiếu nhiều giáo viên.

Đối với các môn thừa giáo viên, các trường thường bố trí giáo viên Văn dạy thêm Giáo dục công dân, giáo viên nhóm Toán dạy thêm môn Công nghệ, Tin học.

Đối với cấp trung học phổ thông, nhóm các môn bắt buộc đều thiếu giáo viên (chỉ có nhóm các môn lựa chọn hiện nay số thừa cục bộ tương đối lớn).

Cũng theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên tại vùng đồng bằng sông Hồng do nguồn tuyển giáo viên không đủ. Năm học 2022 - 2023 một số địa phương đã không tuyển đủ số biên chế giáo viên được giao.

Số lượng giáo viên bỏ việc, ra khỏi ngành có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn làm tăng thêm áp lực về vấn đề thiếu giáo viên.

Bên cạnh đó, còn thiếu chính sách đãi ngộ đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (do giáo viên phải làm việc theo thời gian ca, kíp, đón trẻ sớm, trả trẻ muộn, để phù hợp với giờ làm việc của cha mẹ trẻ em).

Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Thực tế, cơ quan chuyên môn là Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.

Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 – 2026 (Quyết định số 71-QĐ/TW của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026).

Trong đó, năm học 2022 - 2023, các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng được bổ sung 7.614 biên chế giáo viên các cấp.

Phạm Linh