Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đang đối mặt nhiều thứ "thiếu" trong giáo dục

24/12/2022 06:32
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Phát triển giáo dục và đào tạo, giải quyết vấn đề nhân lực là giải pháp thúc đẩy sự phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Ngày 23/12, tại tỉnh Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được tổ chức tại tỉnh Sơn La. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được tổ chức tại tỉnh Sơn La. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Dự Hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông; Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; lãnh đạo 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn phòng Chính phủ; một số bộ, ngành; cùng đại diện một số đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số cơ sở giáo dục đại học.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương Đảng đã đặc biệt quan tâm tới việc phát triển vùng, đề ra đường lối chủ trương và giải pháp phù hợp để phát huy thế mạnh chung của các vùng trong sự phát triển chung của đất nước. Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết để phát triển 6 vùng, trong đó Nghị quyết 11 phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là một trong những Nghị quyết được ban hành đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đều đã có kế hoạch triển khai chiến lược để thực hiện Nghị quyết 11 và chương trình hành động của Chính phủ. Hội nghị phát triển giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc bộ do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm bàn sâu, đánh giá tình hình giáo dục và đào tạo nhằm mục tiêu phát triển giáo dục của vùng, định hướng quan trọng để triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có tầm chiến lược quan trọng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, cũng là vùng còn nhiều khó khăn, mức sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội đang còn cần cải thiện rất nhiều, phát triển và phát triển bền vững khu vực là vấn đề lớn cần đặt ra trong trước mắt và lâu dài.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Trong các giải pháp thì phát triển giáo dục và đào tạo, giải quyết vấn đề nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao dân trí có thể xem là giải pháp của giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của vùng".

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, những ưu điểm, thành tựu, nhận thức hết, đánh giá sâu về những khó khăn và đề ra các giải pháp phát triển giáo dục của vùng, vì mục tiêu phát triển chung của cả nước.

Nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học, thư viện, nhà vệ sinh

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Diện tích toàn vùng chiếm 35% diện tích cả nước, dân số chiếm hơn 15% cả nước, đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của nước ta. Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56,2%, địa hình phần lớn khó khăn, trắc trở, đến nay, đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Năm học 2021-2022, 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có trên 3,3 triệu trẻ em mẫu giáo và học sinh các cấp. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6%, đứng thứ nhất toàn quốc.

Tỷ lệ học sinh Tiểu học đến trường đạt 99,9%, tương đương so với mức bình quân chung cả nước và tương đương với các vùng khác. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở cao hơn trung bình chung cả nước và chỉ đứng sau Đồng bằng Sông Hồng. Đến nay, về cơ bản toàn vùng đã đạt được mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có 10.900 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trong đó có 979 trường nội trú, bán trú. Hiện toàn vùng không còn xã trắng về giáo dục, mọi thôn bản đều có lớp mầm non, tất cả các xã đều có trường tiểu học. Các điểm trường, lớp ghép được mở ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đi học.

Các địa phương trong vùng đã chủ động rà soát quy hoạch và xóa các điểm trường lẻ, sắp xếp lại trường tiểu học, trung học cơ sở có quy mô nhỏ theo hướng thành lập các trường liên cấp, liên xã, dựa trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo số liệu thống kê, năm học 2020 - 2021, toàn vùng còn 13.017 điểm trường, giảm 2.793 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông so với năm học 2010-2011.

Mặc dù thu ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của vùng tăng dần qua các năm. Năm 2021, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ tăng 40,2% so với năm 2011. Trong đó, tổng chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 88,5%.

Nhìn chung, dù đã có nhiều nỗ lực, song vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước, giáo dục và đào tạo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp của vùng thấp nhất cả nước.

Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn còn thiếu phòng học, phòng học đã xuống cấp và quá tải, phải học 2 ca, học nhờ, học tạm; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu.

Tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp thấp nhất cả nước; tỷ lệ giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn thấp nhất trong các khu vực. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học. Việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn do nguồn tuyển không đủ.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục của các địa phương còn nhỏ bé; công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế do đời sống nhân dân ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, một số địa phương không có cơ sở giáo dục ngoài công lập…

Giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đặt mục tiêu đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Cũng tại Hội nghị, đại diện các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã có những trao đổi, chia sẻ, kiến nghị đầu tư cho phát triển giáo dục của vùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, sau Hội nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ, ngành liên quan để cụ thể hóa các chủ trương lớn mà chưa có chính sách. Đi liền với rà soát, là sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp, nhất là các chính sách cho người dạy, người học, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

Phạm Minh