Thời báo Hoàn Cầu ngày 23/5 có bài xã luận hòng chống phá quan hệ Việt - Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama. Thời báo Hoàn Cầu đưa ra nhiều nhận định thiếu tử tế và những suy diễn xuyên tạc với mục tiêu chia rẽ quan hệ Hoa Kỳ với Việt Nam, một động tác thừa và tốn công vô ích.
Bài xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu hôm nay giật tít: "Xã luận: Obama chẳng có cách nào để biến Việt Nam thành Philippines". Mở đầu bài xã luận, Thời báo Hoàn Cầu viết:
"Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23/5. Quan hệ Việt - Mỹ được (Trung Nam Hải?) xem như một vấn đề nhạy cảm, nhân tố không xác định trong cục diện Biển Đông, bởi thế nên được dư luận rất chú ý. Việt Nam - Hoa Kỳ có thể đi bao xa, còn nhiều quan điểm khác nhau.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Hà Nội, ảnh: BBC. |
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam của ông Obama sau nhiều lần trì hoãn. Năm ngoái là dịp 2 nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 20 năm bình thường hóa quan hệ. Năm nay Obama mới sang, điều này chứng tỏ Việt Nam đối với Mỹ mà nói cũng chẳng quan trọng gì.
Nó cũng cho thấy mức độ quan trọng đối với Việt Nam về việc mời ông Obama trước lúc rời Nhà Trắng kiểu gì cũng phải thăm Việt Nam một chuyến.
Obama thăm Việt Nam tổng cộng 3 ngày, như vậy thời gian không ngắn. Dự kiến ông sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam về TPP, e rằng ông ấy không thể không nói đến Biển Đông.
Việt Nam cũng hy vọng Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí. Nhưng có thể khẳng định điều này không thể xảy ra. Ngoài ra dư luận Mỹ còn hy vọng ông Obama sẽ đề cập vấn đề nhân quyền khi thăm Việt Nam".
Một hoạt động đối ngoại hết sức bình thường cũng giống như ông Obama thăm Trung Quốc hay ông Tập Cận Bình thăm Mỹ, nhưng dưới con mắt tờ báo này lại là chuyện "nhạy cảm liên quan đến Biển Đông".
Phải chăng Thời báo Hoàn Cầu đang lo ngại trước khả năng Việt - Mỹ thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải, chống bành trướng, bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng, ngăn cản giấc mộng bá quyền của ai đó?
Còn việc Tổng thống Obama thăm Việt Nam thời điểm nào, sớm hay muộn, thiết nghĩ còn do bố trí của hai phía. Bởi lẽ người đứng đầu Nhà Trắng không chỉ thăm Việt Nam để đáp lễ chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chuyến thăm này với ông còn mang theo một trọng trách, một sứ mệnh nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ, khẳng định sức sống chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, vị thế, vai trò và lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực.
Do đó, nội dung kết quả chuyến thăm đối với cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, đều quan trọng hơn thời điểm chuyến thăm diễn ra.
Bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam là lợi ích của Mỹ |
Thời báo Hoàn Cầu nói ông Obama thăm Việt Nam trễ có nghĩa là Việt Nam đối với Mỹ "cũng chẳng quan trọng gì", vậy thì hà cớ gì Thời báo Hoàn Cầu lại cảm thấy chột dạ khi xem chuyến thăm này là "nhạy cảm" đến vậy? Thật lạ.
Vấn đề Mỹ có tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam hay không Thời báo Hoàn Cầu khẳng định như đinh đóng cột, cứ như tờ báo này mới là người quyết định chứ không phải ông chủ Nhà Trắng. Đó không phải cách ứng xử khôn ngoan, đặc biệt là khi người Mỹ vừa tuyên bố điều ngược lại.
"Chính vấn đề Biển Đông đã kéo Việt Nam và Hoa Kỳ xích lại gần nhau, nhưng chính ý thức hệ lại không ngừng đẩy hai nước ra xa nhau. TPP sẽ giúp Mỹ 'cải tạo' Việt Nam, trong khi Việt Nam lại rất cảnh giác với diễn biến hòa bình. Điều này có thể nói quan hệ Việt - Mỹ là một chỉnh thể đầy mâu thuẫn", Thời báo Hoàn Cầu viết.
Biển Đông khiến Việt Nam và Hoa Kỳ xích lại gần nhau, không sai. Nói đúng hơn là chính hành vi leo thang quân sự hóa, bành trướng phiêu lưu của Trung Quốc hòng nuốt trọn Biển Đông khiến các nước trong khu vực và Hoa Kỳ đoàn kết lại để bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông.
Còn vấn đề ý thức hệ mà truyền thông Trung Quốc, điển hình là Thời báo Hoàn Cầu rất thích dùng như một con bài để ly gián quan hệ Việt - Mỹ, Việt - Nhật đã chẳng còn giá trị.
Hãy nhìn lại chính Trung Quốc. Mao Trạch Đông phải bắt tay với Nixon, Đặng Tiểu Bình cũng phải mở cửa chơi với Mỹ, và bây giờ Tập Cận Bình tham vọng hơn, muốn có một "quan hệ nước lớn mô hình mới" ngang vai với Mỹ, sao không thấy Thời báo Hoàn Cầu can ngăn các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại, đừng chơi với Mỹ nữa?
Việt Nam chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, sẵn sàng làm bạn và đối tác tin cậy của các nước, nhất là các quốc gia lớn, có tiếng nói và có ảnh hưởng như Hoa Kỳ. Trung Quốc còn không thể không chơi với Mỹ.
Nói TPP giúp Mỹ "cải tạo" Việt Nam một cách đầy mỉa mai, Thời báo Hoàn Cầu dường như đang cố che giấu một sự thất vọng về việc Trung Quốc bị gạt khỏi TPP, thậm chí còn đang tìm cách trục lợi từ TPP qua các thành viên của hiệp định. Trung Quốc từng không muốn Việt Nam gia nhập WTO, nhưng chính Bắc Kinh lại tìm cách trở thành thành viên tổ chức này trước.
"Việt Nam hy vọng sức mạnh của Hoa Kỳ ở Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc, trở thành con cờ của Việt Nam trong xử lý tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, lại còn muốn thông qua quan hệ Việt - Mỹ để phát triển kinh tế trong nước.
Đối với Hoa Kỳ, nếu Việt Nam có thể dựa vào Mỹ như Philippines hay Singapore, nếu Mỹ có thể đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam như làm với Philippines hay Singapore, chắc chắn chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ sẽ có thế đứng khác.
Nhưng lo ngại về nhau từ hai phía là không thể khắc phục vì lý do nhân quyền cũng như cái nhìn của xã hội Mỹ với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam còn nhiều thiên kiến, đặc biệt là các Việt kiều sang Mỹ sau Chiến tranh. Họ hứng thú với việc lật đổ chính quyền Việt Nam hơn là bảo vệ Biển Đông".
Việc Thời báo Hoàn Cầu kích động chia rẽ quan hệ Việt - Mỹ vốn không có gì lạ, kể cả về vấn đề nhân quyền lẫn vấn đề ý thức hệ. Thực tiễn những gì đã và đang diễn ra, thiết nghĩ đã là câu trả lời.
Nhưng thật đáng buồn, đáng phẫn nộ khi một cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc lại có thể bất chấp thủ đoạn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước.
Dân tộc Việt Nam chỉ có một, Tổ quốc Việt Nam chỉ có một. Dù lịch sử trải qua nhiều bước thăng trầm và nhân dân Việt Nam phải gánh chịu nhiều hậu quả đau thương, chia cắt vì những toan tính của chính các nước lớn, nhưng chưa bao giờ, chưa khi nào người Việt Nam nguôi ngoai về một phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc đang bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp, đó là Hoàng Sa và một phần Trường Sa.
Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ? |
Có thể đây đó còn những quan điểm, nhận thức khác nhau do lịch sử để lại, nhưng độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, chống lại mọi kẻ thù xâm lược, chống lại đến cùng mọi thế lực bán nước và cướp nước luôn chảy trong huyết quản của mỗi người Việt Nam, con Lạc cháu Hồng, dù ở trong nước hay ngoài nước.
Cũng chính vì ý thức hệ, cũng chính vì những toan tính chính trị của các thế lực khác nhau mà Đài Loan và Trung Quốc từ một thành hai, và Bắc Kinh đang nỗ lực thống nhất từ 2 về 1.
Nhưng khi nhìn sang dân tộc khác, Thời báo Hoàn Cầu lại đang tuyên truyền những quan điểm ích kỷ, hẹp hòi, chia rẽ láng giềng chỉ nhằm mục đích thỏa mãn tham vọng bành trướng thì còn ai tin vào thiện chí của Trung Quốc? Mang tiếng là cơ quan ngôn luận chính thống, nhưng Thời báo Hoàn Cầu đang làm xấu mặt Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu viết tiếp: "Kỹ thuật internet của Việt Nam lạc hậu quá xa so với Trung Quốc, bởi vậy mạng xã hội Việt Nam tự nhiên sẽ tiếp thu các giá trị phương Tây. Hà Nội thừa biết, đối với một quốc gia trong lịch sử từng bị thực dân phương Tây đô hộ thì toàn cầu hóa đồng nghĩa với thách thức."
Mỗi quốc gia có một chính sách khác nhau đối với việc quản lý thông tin trên internet, và Việt Nam cũng khác với Trung Quốc do tình hình của mỗi nước.
Dù Thời báo Hoàn Cầu quá khôn khi chỉ nhắc đến Việt Nam từng bị thực dân phương Tây đô hộ, nhưng người Việt Nam chắc hẳn không ai quên lịch sử. Phương Tây đô hộ Việt Nam trên dưới trăm năm, nhưng người Việt đã từng phải chịu ách ngàn năm Bắc thuộc dài dằng dặc cùng những bài học cảnh giác bảo vệ Tổ quốc.
Phương Tây hay Hoa Kỳ hiện nay không chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam, cũng không đem giàn khoan khổng lồ cắm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Ngược lại, họ đang giúp Việt Nam chống lại các nguy cơ đe dọa độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia từ trên biển.
"Hà Nội không thể trở thành đồng minh của Mỹ giống như Philippines. Thái độ của Việt Nam với Mỹ luôn phải ngó trước ngó sau, nhìn trái nhìn phải, tâm lý đề phòng rất nặng. Quan hệ Việt - Mỹ do đó cũng không thể trở thành mục tiêu quốc gia ưu tiên mà Việt Nam theo đuổi.
Trung Quốc là đối thủ chủ yếu của Việt Nam trên Biển Đông, nhưng đồng thời giới tinh hoa chủ yếu ở Hà Nội vẫn cho rằng Trung Quốc là trụ dỡ cho sự ổn định của Việt Nam.
Công cuộc Đổi mới của Việt Nam chính là phiên bản Cải cách mở cửa của Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng quan hệ với đảng Cộng sản Trung Quốc, hai bên đều coi phát triển quan hệ hai Đảng có ý nghĩa đặc biệt với quan hệ hai nước.
Hà Nội thừa biết, Đảng Cộng sản Việt Nam dù có thúc đẩy một số mặt cải cách chính trị thì cũng còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu của phương Tây. Việt Nam có quy mô quá nhỏ, không thể trở thành một đơn nguyên độc lập về mặt ý thức hệ.
Tính hợp pháp trong vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ở mức độ nhất định chịu tác động bởi sự ổn định và phồn vinh lâu dài của chủ nghĩa xã hội tại Trung Quốc", Thời báo Hoàn Cầu bình luận.
Thời báo Hoàn Cầu cay cú bình luận xuyên tạc quan hệ Việt-Mỹ, Việt-Trung |
Có lẽ chính những tham vọng vĩ cuồng đang khiến một bộ phận truyền thông hiếu chiến của Trung Quốc như Thời báo Hoàn Cầu bị "tự kỷ nước lớn", lúc nào cũng thấy người khác đang chống lại mình, đe dọa mình.
Việt Nam nhất quán chủ trương đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế, không liên minh với nước này chống nước kia, không cho bất cứ nước nào sử dụng lãnh thổ của mình hay đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình chống lại một nước thứ 3.
Việt Nam và Philippines hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Úc có điều kiện khác nhau, nên không thể so sánh như kiểu Thời báo Hoàn Cầu đặt vấn đề.
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trải qua nhiều thăng trầm, ân oán, bạn thù, ngày nay đang đối mặt với nhiều thách thức là do tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông gây ra. Việt Nam đang nỗ lực tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Việt Nam không liên minh với bất cứ nước nào để chống lại một nước thứ 3.
Bởi vậy vừa hợp tác, vừa đấu tranh đã trở thành đặc điểm chủ yếu trong quan hệ giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Trung Quốc. Đó cũng là đặc điểm chung của quan hệ quốc tế thời hiện đại.
Việt Nam không muốn chiến tranh, Việt Nam không chống Trung Quốc, nhưng Việt Nam chống lại đến cùng mọi âm mưu xâm hại độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của mình.
Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với đảng Cộng sản Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với quan hệ hai nước, tạo kênh đối thoại, tạo bầu không khí hữu nghị về chính trị để có thể đàm phán giải quyết tranh chấp bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, xây dựng quan hệ hợp tác hữu nghị, lâu dài, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực.
Nhưng tuyệt đối không thể để Trung Quốc sử dụng mối quan hệ đặc biệt ấy như một thứ vũ khí có thể lợi dụng để cô lập Việt Nam về đối ngoại, hay muốn đưa Việt Nam vào vòng ảnh hưởng, kiềm tỏa như tuyên truyền của Thời báo Hoàn Cầu.
Việc các chính đảng, các chính phủ học tập lẫn nhau những bài học kinh nghiệm phát triển đất nước không có gì lạ. Điều đó mới thể hiện tính cầu thị và khoa học. Nhưng Việt Nam hòa nhập mà không hòa tan, hợp tác nhưng không đánh mất mình, trong quan hệ với bất cứ quốc gia nào cũng vậy, Trung Quốc hay Hoa Kỳ không khác.
Bởi thế, những bình luận nêu trên của Thời báo Hoàn Cầu chỉ làm xấu hình ảnh của Trung Quốc, vì nó thể hiện thái độ chiếu trên, trịch thượng, coi thường công pháp quốc tế, chà đạp công luận quốc tế cũng như mọi lý lẽ của nhân loại văn minh.
Về Hoàng Sa, Thời báo Hoàn Cầu viết: "Có thể nói Việt Nam không lòng dạ nào mà chống đối Trung Quốc về chiến lược. Bất đồng trên Biển Đông dường như là toàn bộ rào cản trong quan hệ giữa hai nước.
Hai nước đã đàm phán phân định xong biên giới trên đất liền và trong vịnh Bắc Bộ. Đồng thời Việt Nam cũng yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng Hoàng Sa thì đã sớm bị Trung Quốc khống chế, nên yêu sách của Việt Nam hầu như không có ý nghĩa thực tế. Việt Nam làm lớn chuyện ở Hoàng Sa chẳng qua là sách lược ứng phó để tranh thủ hợp pháp hóa những thực thể Việt Nam đang đóng giữ ở Trường Sa.
Ngoài ra, hiện nay các lô dầu khí Việt Nam đang khai thác hầu hết nằm trong đường 9 đoạn. Phạm vi tranh chấp giữa 2 nước không quá dài, nhưng cường độ cao.
Việt Nam rất coi trọng phát triển quan hệ với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, lúc Biển Đông căng thẳng Việt Nam sẽ nghiêng về Washington, lúc Biển Đông sóng yên biển lặng thì Việt Nam sẽ nghiên về Bắc Kinh. Do đó Việt Nam đích thị không phải Philippines, điểm này cả Bắc Kinh và Washington đều rõ", Thời báo Hoàn Cầu kết luận.
Hoàng Sa và Trường Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam mà Nhà nước Việt Nam qua các thế hệ đã xác lập chủ quyền một cách hòa bình, liên tục, hợp pháp từ khi còn là đất vô chủ, là nơi cha ông người Việt đã để lại biết bao mồ hôi và xương máu. Không có chuyện Việt Nam sẽ lãng quên hay từ bỏ những gì đang bị ngoại bang chiếm đóng.
Hành vi cất quân xâm lược Hoàng Sa và một phần Trường Sa mà Trung Quốc tiến hành không có bất cứ giá trị nào về mặt pháp lý. Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để đòi lại những gì cha ông mình đã khai phá, tạo dựng nên bằng xương máu, dù cuộc chiến này có kéo dài, khó khăn, gian khổ đến đâu đi nữa.
Còn cái gọi là đường 9 đoạn, hay đường lưỡi bò, hy vọng Tòa Trọng tài Thường trực PCA sớm ra phán quyết bác bỏ nó.
Đây sẽ là hành lang pháp lý cực kỳ quan trọng cho cả khu vực, đặc biệt là các nước ven Biển Đông trong đó có Việt Nam đấu tranh lật tẩy tham vọng, âm mưu bành trướng hàng hải qua đường lưỡi bò bất hợp pháp này, dù biết rằng đấu tranh với các thế lực cường quyền không bao giờ là một chuyện dễ dàng.