Xã thoát nghèo, chế độ bán trú không còn, bữa cơm học sinh trở nên 'tối giản'

21/11/2021 07:13
MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bữa cơm trưa bán trú của học trò vùng cao Kon Tum chỉ có cơm trắng với ít nhọng đất khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Có một nghịch lý “buồn” đang xảy ra ở một số tỉnh Tây Nguyên mà Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam từng phản ánh là hàng ngàn học sinh vùng cao có nguy cơ thất học vì… xã đã thoát nghèo.

Theo đó, Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ “quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn” đã hỗ trợ cho nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Tây Nguyên có cơ hội đến trường.

Bữa cơm trưa bán trú với nhọng đất và cơm trắng của học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Bên cạnh là một ít cá khô do các cô giáo tự bỏ tiền túi mua hỗ trợ cho các em. Ảnh: MT

Bữa cơm trưa bán trú với nhọng đất và cơm trắng của học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Bên cạnh là một ít cá khô do các cô giáo tự bỏ tiền túi mua hỗ trợ cho các em. Ảnh: MT

Tuy nhiên, khi bước sang năm học 2021-2022, nhiều khu vực ở Tây Nguyên đã chính thức “thoát nghèo”, nhiều xã hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới và được đưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn khiến nhiều học sinh không còn được thụ hưởng chính sách theo Nghị định này.

Cũng bởi những bất cập đó mà suốt nhiều tháng qua, bữa cơm bán trú của học sinh ở điểm trường Kon Du (thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) trở nên “tối giản” với nhọng đất, cơm trắng, vài mớ rau rừng.

Bữa cơm trưa với nhọng đất

Mặc dù chỉ nằm cách Trung tâm huyện Kon Plông (Kon Tum) chưa đến 7 cây số nhưng phải vượt qua nhiều con dốc đèo ngoằn ngèo, khúc khủy, chúng tôi mới đến điểm trường Kon Du.

Cô Hoa chia phần thức ăn do các thầy cô, mạnh thường quân hỗ trợ cho các em học sinh ở điểm trường Kon Du sau khi bị ngắt chế độ hỗ trợ bán trú theo Nghị định 116. Ảnh: MT

Cô Hoa chia phần thức ăn do các thầy cô, mạnh thường quân hỗ trợ cho các em học sinh ở điểm trường Kon Du sau khi bị ngắt chế độ hỗ trợ bán trú theo Nghị định 116. Ảnh: MT

Trong cái rét lạnh, kèm mưa lâm thâm của mảnh đất Tây Nguyên, những đứa trẻ Ca Dong kéo vội chiếc áo khoác đã cũ sờn. Tiếng trống trường vừa dứt, từng nhóm nhỏ học sinh bắt đầu trải chiếu dọc theo hành lang để ăn cơm trưa.

Không bàn, không ghế, những hộp cơm nhỏ được chuẩn bị sẵn từ tối hôm trước đã nguội lạnh. Ngại ngùng lấy ra hộp cơm nhựa màu đỏ đã cũ, Y Liên (học sinh lớp 5) bẽn lẽn nói: “Do nhà ở xa, buổi trưa em không về nhà được nên mẹ nấu sẵn cơm để hai chị em ăn trưa tại trường, chiều học tiếp”.

Y Liên vừa mở nắp hộp, bên trong chỉ có phần cơm trắng và vài con nhọng đất màu trắng nhợt đã chế biến qua. Em cho biết, đây là món ăn quen thuộc của hai chị em (em là Y Liu, học lớp 2 cùng trường).

“Nhọng đất này do cha em đào ở trên rẫy mang về nấu ăn. Có hôm mẹ đi rẫy thì có thêm ít rau, cũng có hôm có ít cá sông”, Y Liu cho hay.

Nhìn bữa cơm đạm bạc của hai chị em, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nhưng khi nhìn sang các bạn bên cạnh thì cũng không khá hơn là bao. Hầu hết, đồ ăn các em mang đi học là do cha mẹ kiếm được từ rừng, từ suối.

Gắp một ít măng rừng chia sẻ cho các bạn, Y Lan nhận lại mấy con cá khô nhỏ đã nguội lạnh để bổ sung thêm chất đạm. Với học trò xứ này thì cá khô cũng thuộc dạng hàng hiếm, chỉ lâu lâu mới có bạn mang đi.

Thầy cô bỏ tiền túi mua thực phẩm cho học trò

Cô giáo Phan Thị Hoa (giáo viên điểm trường Kon Du) cho hay, trước đây khi xã Măng Cành (nơi trường đóng chân) còn thuộc diện khó khăn thì học sinh được hỗ trợ gạo, thực phẩm theo Nghị định 116.

Khi học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ, các giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành đã tự nguyện quyên góp, cùng chung tay mua thực phẩm cho các em. Ảnh: MT

Khi học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ, các giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành đã tự nguyện quyên góp, cùng chung tay mua thực phẩm cho các em. Ảnh: MT

Nhờ đó, bữa cơm của học trò xứ này cũng đủ đầy hơn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Nhưng mấy tháng nay, khi chế độ dành cho học sinh bán trú bị cắt thì phụ huynh phải tự lo cơm nước cho các em.

“Hầu hết học sinh của trường thuộc diện khó khăn nên khi cắt chế độ bán trú thì nhiều phụ huynh muốn cho con ở nhà vì không đủ gạo nuôi. Chúng tôi phải đến từng nhà vận động cha mẹ các em cùng lời hứa sẽ lo đủ bữa trưa cho các em học bán trú. Thuyết phục mãi, những người như cha mẹ của Y Liu, Y Liên mới đồng ý”.

San sẻ từng con cá khô kho nhạt với nước mắm cho học trò, cô Hoa cho biết, đó là số thực phẩm do các giáo viên trong trường gom góp để mua.

“Số tiền quyên góp không được nhiều, rồi tiền quỹ khuyến học, tiền vận động các mạnh thường quân… Tất cả cùng chung vào để lo bữa ăn bán trú cho các em. Nếu thầy cô không lo, không san sẻ thì nhiều em phải bỏ học giữa chừng”, cô Hoa bùi ngùi nói.

Học trò vùng cao ở các tỉnh Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng vì... xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: MT

Học trò vùng cao ở các tỉnh Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng vì... xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: MT

Thầy Trần Thông – Hiệu trường Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành cho biết, 100% học sinh của nhà trường là người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn nên việc vận động các em đến trường là cả một quá trình gian khó.

Cứ vào đầu năm học mới là các thầy cô phải băng rừng, vượt suối đến từng bản, gõ cửa từng nhà để đón các em trở lại trường.

“Giờ các em bị cắt bữa ăn bán trú, gánh nặng lại đặt lên vai phụ huynh nên việc níu chân các em với trường lớp càng khó khăn hơn bội phần. Nhà trường vận động các mạnh thường quân, rồi các thầy cô cũng đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình.

Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn, khó có thể lo đủ đầy cho các em. Việc chạy lo từng bữa ăn cho học sinh đang là vấn đề nan giải của nhà trường”, thầy Thông cho hay.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông cho biết, trong năm học 2021-2022 toàn huyện có gần 1.000 em học sinh bị ngắt chế độ bán trú.

Khó khăn của Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành cũng là tình cảnh chung của nhiều trường học trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cần có sự xem xét điều chỉnh, hỗ trợ từ Nhà nước.

MINH THẢO