Xét tuyển sớm tác động tiêu cực đến việc dạy và học ở học kỳ II của lớp 12

22/08/2024 06:13
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo lãnh đạo các trường phổ thông, nếu xét tuyển phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả học bạ thì chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học sẽ không đảm bảo.

Hiện tại, các trường đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đáng chú ý, nhiều ngành có mức điểm chuẩn cao chót vót, không ít thí sinh đạt hơn 27 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1. Nhiều ý kiến cho rằng việc điểm chuẩn xét tuyển theo phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng cao một phần do các trường đại học đã dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phát biểu tại Hội nghị Giáo dục đại học 2024, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lưu ý các trường đại học không nên có quá nhiều phương thức xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, tạo thuận lợi cho thí sinh và xã hội. Lãnh đạo Bộ chỉ ra xét tuyển sớm đang có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này.

Quá nhiều hình thức xét tuyển sớm gây mất công bằng và tốn kém

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Đình Phương, Tổ trưởng chuyên môn tổ Toán - Tin, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, song hành với thuận lợi, xét tuyển sớm cũng tồn tại không ít những mặt trái.

Xét tuyển sớm giúp các trường đại học chủ động hơn, thí sinh cũng có thêm lựa chọn vào trường đại học, ngành học yêu thích. Khi biết được kết quả trúng tuyển sớm, thí sinh giảm áp lực, có thể tập trung thời gian vào những việc khác.

Tuy nhiên, xét tuyển sớm từ trước khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có tác động tiêu cực đến việc dạy và học ở giai đoạn cuối của học kỳ II lớp 12. Bởi học sinh biết mình đỗ sẽ không còn động lực học, còn các em chưa đỗ sẽ hoang mang, ảnh hưởng đến tâm lý.

Đặc biệt việc đánh giá, cho điểm trong học bạ có thể xuất hiện mức độ chủ quan khác nhau theo đặc trưng từng vùng miền, trường học. Do vậy, nếu xét tuyển phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả học bạ, chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học sẽ không đảm bảo.

xts1.jpg
Ảnh minh họa: Minh Quân

Để giải quyết thực trạng trên, thầy Trần Đình Phương đưa ra đề xuất, thứ nhất, cần giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả học bạ.

Thứ hai, tất cả các phương thức xét tuyển đại học nên thông báo kết quả cùng một lúc. Điều này sẽ hạn chế việc học sinh sau khi biết kết quả sẽ bỏ bê, chểnh mảng việc học.

Thứ ba, cần có những nghiên cứu, số liệu, bằng chứng khoa học để chứng minh sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Các trường cần phân tích, đối sánh kỹ lưỡng giữa kết quả tuyển sinh của các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có sự điều chỉnh phù hợp.

Đồng tình với ý kiến trên, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tại Thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết, nhiều học sinh sẽ mất đi cơ hội vào đại học khi chỉ tiêu dành cho xét tuyển sớm ngày càng tăng lên. Bởi khi đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng ít hơn.

Đặc biệt, xét tuyển sớm tạo ra sự không công bằng đối với học sinh các vùng miền. Hiện nay khoảng 60% dân số Việt Nam sống ở vùng nông thôn.

Đối với phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ, học sinh ở thành phố thuận lợi hơn vì dễ dàng tiếp cận với trung tâm luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ. Ngược lại, học sinh dân tộc thiểu số sẽ gặp khó khăn trong việc ôn luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ. Muốn cạnh tranh suất vào đại học, thí sinh vùng sâu, vùng xa chỉ có thể thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt điểm thật cao vì cơ hội không còn nhiều.

Ngoài ra, kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chủ yếu tổ chức ở các thành phố lớn và có điều kiện đi lại thuận lợi. Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ tổ chức ở ba địa điểm là Hà Nội, Đà Nẵng và Quy Nhơn. Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung đa phần ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình... Các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc chỉ có điểm thi tại Thái Nguyên.

Thêm vào đó, lệ phí thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy không nhỏ, thường dao động từ 300.000-500.000 đồng/lần thi. Vì vậy, không phải học sinh nào cũng có điều kiện để dự thi, nhất là đối với học sinh vùng sâu vùng xa, học sinh có điều kiện khó khăn.

Vị hiệu trưởng này cho rằng, cần giảm tỉ lệ xét tuyển sớm lấy kết quả của những hình thức thi này vì chưa đảm bảo sự công bằng, khách quan với tất cả các thí sinh.

Các trường đại học nên xét kết hợp nhiều tiêu chí, và điểm học bạ chỉ là một điều kiện trong số tiêu chí đó. Việc này cần thiết để đảm bảo chất lượng đầu vào, tăng sự tin cậy và công bằng cho người học.

Kiểm soát chặt chẽ đầu vào song song với đầu ra

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết:

“Phải đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học tổng kết xem số học sinh xét tuyển bằng hình thức xét tuyển sớm có đúng với năng lực thực chất không. Bởi nếu phương thức tuyển đúng và phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vào đại học, tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, nếu các trường đại học tuyển sinh bừa bãi, cốt cho có đủ chỉ tiêu thì tôi không đồng tình”.

ts tung lam.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phạm Minh

Hiện nay có hai trường hợp chính khi xét tuyển bằng học bạ. Trường hợp thứ nhất, các trường đại học sẽ dùng xét học bạ kết hợp với các điều kiện khác như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thi năng khiếu, bài phỏng vấn, giải thưởng... Đơn cử như Trường Đại học Ngoại Thương xét tuyển học bạ nhưng kèm theo điều kiện thí sinh phải tham gia/đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Hay như phương thức xét kết hợp học lực, thành tích học tập, hoạt động văn - thể - mỹ ở Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có tiêu chí khá đầy đủ để đánh giá năng lực học sinh. Trong đó, kết quả học bạ chỉ chiếm 10% trong thành tố học lực.

Ở các trường hợp trên, phương thức xét học bạ có độ tin cậy cao hơn khi các trường có phương thức này chỉ duy trì tỷ lệ chỉ tiêu ở mức thấp và không phải phương thức chủ yếu của trường.

Tuy nhiên, nếu nhiều trường sử dụng điểm học bạ làm tiêu chí duy nhất khi tuyển sinh, phương thức này khó có thể khách quan, khả năng tiêu cực cao. Tình trạng này có xu hướng gia tăng ở các trường tốp giữa và tốp dưới trong những năm gần đây.

Theo thầy Tùng Lâm, xét tuyển sớm bằng học bạ sẽ là phương thức tiên tiến nếu đánh giá chính xác và thực chất năng lực học sinh. Tuy nhiên, kèm theo đó thì chất lượng đào tạo, kiểm tra, đánh giá phải đồng đều ở tất cả các địa phương và phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch ở các kỳ thi. Tuy nhiên trên thực tế, việc đánh giá, đào tạo học sinh đồng bộ ở các địa phương khó có thể đảm bảo được.

“Chất lượng đầu vào không phải là yếu tố quyết định tất cả, chất lượng đào tạo và đầu ra của các trường đại học mới quan trọng. Nhưng đầu vào cũng quyết định một phần, nếu chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo đều không tốt thì coi như bằng không. Một mặt các trường đại học thực hiện quyền tự chủ nhưng mặt khác phải kiểm soát quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Trước thực tế xét tuyển sớm đang bộc lộ một số mặt trái và có hiện tượng thiếu công bằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét điều chỉnh quy định về xét tuyển sớm từ năm sau. Qua đó bảo đảm cách xét tuyển phù hợp, khoa học và sự công bằng cho thí sinh.

“Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các trường đại học để nghiên cứu các phương thức tuyển sinh cho phù hợp, tôi cho là đúng. Không nên để tình trạng ‘học xong là có bằng tốt nghiệp’ mà phải đảm bảo sinh viên học tập nghiêm túc và có đủ phẩm chất để đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho hay.

Song song với việc kiểm tra đầu vào, thầy Lâm cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung vào việc kiểm tra và đảm bảo các trường đại học đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên và quy trình tuyển chọn sinh viên.

Bích Ngọc