AI sẽ thay đổi công việc kế toán nhưng không thay thế kế toán viên

07/07/2025 06:21
Trần Trang
Theo dõi trên Google News

GDVN -Đại diện các trường đại học cho biết, nhiều học phần công nghệ thông tin đã được cập nhật trong đào tạo ngành Kế toán.

Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Kế toán. Hiện nay, AI đã hỗ trợ nhiều công việc của Kế toán, như xử lý hóa đơn, đối soát chứng từ, phân tích dữ liệu. Điều này tạo áp lực khiến những người theo đuổi ngành Kế toán trong tương lai phải cập nhật công nghệ và nâng cấp kỹ năng.

Ngành Kế toán tương lai sẽ khác biệt với truyền thống

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thế Hùng – Phó Viện trưởng Viện Kế toán – Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, AI sẽ làm thay đổi ngành Kế toán và đây là một xu hướng không thể phủ nhận.

z6694336078352-9925befbc0fd90599da5896ea2d927e6.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thế Hùng – Phó Viện trưởng Viện Kế toán – Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC.

“AI, cùng với các công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa (RPA) và điện toán đám mây, đang thay đổi sâu sắc cách thức ngành kế toán vận hành. Những công việc mang tính lặp đi, lặp lại, mang tính kỹ thuật thuần túy như nhập liệu, kiểm tra đối chiếu, lập báo cáo cơ bản - sẽ ngày càng được tự động hóa.

Tuy nhiên, AI không thể thay thế hoàn toàn con người trong kế toán. Kế toán không chỉ là xử lý số liệu, mà còn là phán đoán, tư duy logic, tuân thủ quy định, và cả đạo đức nghề nghiệp. Các kế toán viên giỏi trong tương lai sẽ là những người biết sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực, để từ đó tập trung vào những nhiệm vụ mang tính phân tích, tư vấn và chiến lược cao hơn.

Nói cách khác, AI sẽ thay đổi công việc kế toán nhưng không thay thế kế toán viên. Người học kế toán ngày nay cần chuẩn bị tinh thần sẵn sàng thích nghi, học hỏi liên tục và phát triển kỹ năng tư duy phản biện, phân tích dữ liệu và hiểu biết công nghệ” - thầy Hùng chia sẻ.

Trước thách thức của AI, Tiến sĩ Phan Thị Anh Đào - Trưởng khoa Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng chia sẻ: “AI và công nghệ số đang tác động rất mạnh đến việc tổ chức công tác kế toán từ việc thu thập dữ liệu, ghi nhận giao dịch đến lập báo cáo tài chính. Nhận thức rõ sự tác động này, Khoa chúng tôi đã nhanh chóng triển khai hàng loạt các hoạt động.

Chương trình học đã được cập nhật, bổ sung các môn về năng lực số từ cơ bản đến chuyên sâu như môn năng lực số ứng dụng; môn tổ chức công tác kế toán trong môi trường công nghệ, kế toán trong môi trường số.

Bên cạnh đó, trong từng môn chuyên ngành, chúng tôi cũng đã bổ sung các nội dung về việc ứng dụng những công nghệ hiện đại trong công tác kế toán như bổ sung các tình huống ứng dụng AI, kỹ năng phân tích dữ liệu... giúp sinh viên nhận thức rõ và ứng dụng AI vào các công việc kế toán.

Sinh viên được tham gia các đợt thực tế tại các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong kế toán để làm quen với môi trường làm việc kế toán có ứng dụng AI. Những buổi tọa đàm và hội thảo về AI và chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán trang bị cho giảng viên và sinh viên tư duy đổi mới và khả năng thích ứng với những thay đổi hiện nay.

Chúng tôi cho rằng AI có ảnh hưởng lớn đến công tác kế toán nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người vì vậy người làm kế toán phải làm chủ công nghệ, biến công nghệ thành công cụ phục vụ hiệu quả trong công việc, muốn vậy sinh viên kế toán cần nắm vững chuyên môn nghiệp vụ cùng với thành thạo các kỹ năng công nghệ, kỹ năng phân tích và phối hợp công việc hiệu quả”.

z6674791686522-64ec1958f0748de045593aed38132e0f.jpg
Tiến sĩ Phan Thị Anh Đào (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang phải) cùng các giảng viên và sinh viên Học viện Ngân hàng đến tham quan, học tập tại trụ sở Tập đoàn Deloitte tại Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Sinh viên Kế toán phải thành thạo công nghệ

Cùng bàn luận về chủ đề này, Tiến sĩ Hồ Hữu Thụy - Trưởng khoa Khoa Kế toán – Kiểm toán, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, nhà trường đã chủ động cập nhật xu thế mới vào chương trình đào tạo.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa, chương trình học được thiết kế tích hợp công nghệ thông tin và ngoại ngữ nhằm trang bị cho sinh viên khả năng thích ứng với thị trường lao động hiện đại.

Do đó, về công nghệ thông tin, ngoài Tin học văn phòng nâng cao, sinh viên được học 3 cấp độ công nghệ thông tin: cấp 1 là sử dụng Excel để ghi sổ kế toán, cấp 2 là vận hành phần mềm lập báo cáo tài chính và cấp 3 là tiếp cận phần mềm ERP - hệ thống quản trị doanh nghiệp toàn diện.

Không chỉ dừng lại ở phần mềm kế toán, sinh viên còn được học các kỹ năng về cơ sở dữ liệu như SQL, tổ chức và phân tích dữ liệu kế toán - những kỹ năng ngày càng thiết yếu trong môi trường làm việc số hóa.

Theo thống kê, các môn học liên quan đến công nghệ thông tin chiếm tới 20% tổng số tín chỉ ngành Kế toán, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ trong lĩnh vực này.

492830795-1244611480998876-867498637389394285-n.jpg
Tiến sĩ Hồ Hữu Thụy - Trưởng khoa Khoa Kế toán – Kiểm toán, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Chương trình chất lượng cao của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt gây chú ý với việc giảng dạy 50% môn học bằng tiếng Anh. Chương trình thiết kế theo định hướng ứng dụng, sử dụng giáo trình của tổ chức nghề nghiệp quốc tế như ACCA.

Với định hướng mở rộng, sinh viên ngành Kế toán có thể lựa chọn nhiều hướng phát triển nghề nghiệp khác nhau như kế toán ngân hàng, kế toán trong các doanh nghiệp nước ngoài hoặc đơn vị hành chính sự nghiệp.

Theo cô Đào, chương trình đào đạo Kế toán tại Học viện Ngân hàng đã được kiểm định theo tiêu chuẩn của CPA Australia và tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, nội dung giảng dạy được tích hợp với các chứng chỉ nghề nghiệp kế toán quốc tế như ACCA, ICAEW. Vì vậy sinh viên được học các kiến thức kế toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS bên cạnh các quy định của kế toán Việt Nam.

“Chương trình đào tạo chú trọng đào tạo thực tiễn thông qua việc gắn kết chặt chẽ với các cơ sở thực tế và đội ngũ chuyên gia nhằm kết hợp đào tạo lý thuyết với thực hành. Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn vững vàng, khả năng nghiên cứu tốt và có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động thực tiễn nghề nghiệp.

Bên cạnh đào tạo kiến thức chuyên môn chúng tôi chú trọng phát triển các kỹ năng cần thiết cho sinh viên để sẵn sàng làm việc trong các môi trường chuyên nghiệp. Hàng năm có nhiều sinh viên tốt nghiệp và được các tập đoàn lớn, công ty kiểm toán lớn và các doanh nghiệp tiếp nhận và đánh giá tốt. Các thế hệ sinh viên ra trường đã phát huy được năng lực, có uy tín trong chuyên môn nghề nghiệp, đây chính là thành quả đào tạo và sự tự hào của chúng tôi” - Tiến sĩ Phan Thị Anh Đào bày tỏ.

Về phía Viện Kế toán – Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân, thầy Hùng cho hay, Viện đang lồng ghép kiến thức về công nghệ vào môn học chuyên ngành, như Kế toán số, Hệ thống thông tin kế toán, Phân tích dữ liệu tài chính. Viện cũng tăng cường học phần thực hành trên phần mềm thực tế như Excel nâng cao, Power BI, SAP, hoặc các phần mềm kế toán thông minh.

Các chuyên gia thực tế từ tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến giảng dạy hoặc chia sẻ kinh nghiệm, giúp sinh viên hiểu đúng về môi trường làm việc hiện đại. Bên cạnh đó, Viện khuyến khích sinh viên tham gia các cuộc thi chuyên môn (như ICAEW Business Challenge, ACCA Simulation…) để rèn luyện tư duy thực tế và kỹ năng mềm. Mục tiêu là không chỉ đào tạo ra những người “biết ghi sổ”, mà là những chuyên gia tài chính hiểu công nghệ, làm chủ dữ liệu và có tư duy toàn cầu.

z6694336110046-a888d0be82a208dbb8378546e84bf621.jpg
Chương trình đào tạo Kế toán của Viện Kế toán – Kiểm toán đạt chuẩn chất lượng kiểm định FIBAA của Châu Âu. Ảnh: NVCC.

Muốn thành công, người học phải có kỹ năng tổng hợp

Khi theo đuổi ngành Kế toán, ai cũng ước mơ sẽ có một vị trí trong các tập đoàn kế toán, kiểm toán hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho tương lai, đại diện các trường đại học có nhiều lời khuyên cho các bạn trẻ ngay từ khi giai đoạn bắt đầu.

Cô Phan Thị Anh Đào chia sẻ: “Big4 của ngành Kế - Kiểm (gồm Deloitte, PwC, EY, KPMG) là môi trường làm việc chuyên nghiệp mà các sinh viên kế toán mong ước được đầu quân, vì vậy tỷ lệ cạnh tranh rất cao đòi hỏi sinh viên cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng hành trang để chinh phục.

Hành trang đó trước hết là kiến thức chuyên môn vững vàng, được thể hiện thông qua kết quả học tập (GPA), bài thi tuyển dụng, phỏng vấn chuyên môn cũng như việc theo đuổi các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế như ICAEW CFAB, ACCA.... Những chứng chỉ này không chỉ bổ sung kiến thức chuẩn mực quốc tế mà còn cho thấy sinh viên có cam kết phát triển nghề nghiệp rõ ràng.

Bên cạnh đó, nghề kế toán đang bước vào thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ, các công ty kiểm toán hàng đầu ngày càng đề cao năng lực số, tư duy dữ liệu (data mindset) và khả năng làm việc với các hệ thống kiểm toán tích hợp công nghệ là những năng lực cần thiết và được đánh giá rất cao.

Ngoài ra, các kỹ năng mềm cũng đóng vai trò quyết định trong việc tạo dựng hình ảnh ứng viên toàn diện. Kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp, làm việc nhóm, quản lý thời gian, tư duy phản biện và khả năng thích ứng nhanh với áp lực công việc là những năng lực cần được rèn luyện liên tục trong suốt quá trình học đại học.

Các tập đoàn lớn không chỉ đánh giá năng lực, mà còn đặc biệt chú trọng thái độ làm việc, đạo đức nghề nghiệp và tinh thần cầu tiến, xem đó là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững của đội ngũ nhân sự.

Sinh viên cần xây dựng cho mình kế hoạch phát triển cá nhân rõ ràng theo từng giai đoạn. Trong 1-2 năm đầu đại học, nên tập trung vào nền tảng kiến thức, tiếng Anh và tham gia các câu lạc bộ học thuật. Các năm sau là lúc cần tiếp cận thực tiễn, tích luỹ kiến thức và kỹ năng, nghiên cứu khoa học,tham gia hoạt động học thuật chuyên sâu, các cuộc thi chuyên ngành, cũng như bắt đầu theo đuổi các chứng chỉ nghề nghiệp”.

z6674791678671-8d900ad7b87a07ab05fe6241b4256d84.jpg
Sinh viên Học viện Ngân hàng thực tập tại trụ sở Tập đoàn EY tại Việt Nam. Ảnh: NTCC.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thế Hùng chỉ ra, các tập đoàn lớn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng tổng hợp, không chỉ kiến thức chuyên môn. Sinh viên cần chuẩn bị một nền tảng kiến thức vững chắc về kế toán, kiểm toán, tài chính và luật thuế.

Bên cạnh đó, khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành, đặc biệt là kỹ năng viết báo cáo và thuyết trình, là yếu tố không thể thiếu. Tư duy logic, khả năng phân tích, giải quyết vấn đề cùng với kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả và quản lý thời gian tốt sẽ giúp các bạn nổi bật hơn trong môi trường cạnh tranh cao. Việc thành thạo các công cụ số như Excel, PowerPoint, phần mềm kế toán và các nền tảng BI là một lợi thế lớn.

Tinh thần kỷ luật, sự chăm chỉ, khả năng chịu áp lực và khát khao học hỏi liên tục cũng là những phẩm chất quan trọng. Ngoài ra, sinh viên nên chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập, tham gia các câu lạc bộ chuyên ngành, các cuộc thi học thuật và xây dựng một hồ sơ cá nhân thật ấn tượng.

Big4 luôn tìm kiếm những ứng viên vừa giỏi chuyên môn, linh hoạt trong tư duy, sử dụng tốt ngoại ngữ và có thái độ cầu tiến. Nếu bạn bắt đầu chuẩn bị từ sớm, cánh cửa bước vào môi trường mơ ước này sẽ hoàn toàn rộng mở.

Thầy Thụy chia sẻ: "Cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên ngành Kế toán là rất rộng mở. Những người làm việc lâu năm tại các tập đoàn nước ngoài, có thể đạt mức lương lên tới 10.000 đô la Mỹ (hơn 200 triệu đồng) mỗi tháng.

Tuy nhiên, nghề kế toán cũng đi kèm với áp lực không nhỏ. Tại Việt Nam, hệ thống quy định tài chính - kế toán liên tục thay đổi, đòi hỏi người làm nghề phải không ngừng cập nhật và học hỏi. Đây là thách thức, nhưng cũng chính là lợi thế cho các bạn trẻ - những người nhanh nhạy với cái mới, có thời gian và năng lực thích ứng với sự biến động của thị trường".

Trần Trang