Trước những khó khăn của thí sinh và phụ huynh trong việc theo dõi thông tin, lựa chọn ngành học, trường học trong đợt xét tuyển thứ nhất này, trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” tối 16/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, trong thời gian qua Bộ cũng đáp tiếp thu và kịp thời hỗ trợ thí sinh bằng các giải pháp.
Với những học sinh ở vùng khó khăn, Bộ Giáo dục cũng đã đề nghị các trường THPT mở mạng, cập nhật thông tin tuyển sinh, xét tuyển của các trường đại học để thí sinh có điều kiện tham khảo.
Đánh giá về tổng thể của kỳ thi vừa qua, ông Luận cũng cho rằng việc chức thi cử vừa qua cũng có những nét tốt, nhẹ nhàng hơn, đơn giản hơn, tiết kiệm hơn, nghiêm túc, độ tin cậy cao hơn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Bây giờ các cháu lo và có thông tin để tính toán, để cân nhắc, để thay đổi, chúng tôi nghĩ đó là sự đổi mới, sự lo lắng cần thiết để các cháu có kết quả tương xứng với công sức, thành quả các cháu đạt được". |
Đối với công tác xét tuyển, xã hội vẫn còn những băn khoăn, lo lắng, thầy cô giáo trong ngành vẫn còn những phàn nàn, vất vả thêm.
“Chúng tôi một mặt đang theo dõi và tiếp tục xử lí tình hình, một mặt động viên các thầy cô giáo trong cả hệ thống chủ động nhận phần khó khăn, vất vả thêm về mình để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các cháu để các cháu có những quyết định, cân nhắc quan trọng cho những bước đầu đời” ông Luận cho biết.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, sau kỳ thi sẽ có những đánh giá, tổng kết và rút kinh nghiệm nghiêm túc về kỳ thi. Ông Luận cũng cho biết, do là năm đầu tiên triển khai nên cũng không thể “nuột nà”, không thể hoàn hảo được.
Trước băn khoăn, lo lắng của thí sinh và phụ huynh về việc rút hồ sơ, theo dõi thông tin các trường, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, thời ông còn đi học (45-46 năm), lúc đó không có thông tin, từng học sinh thi khối A, khối B, C, thi vào trường đại học nào thì đều do Hội đồng tuyển sinh trường đó quyết định.
Sau này, vào thời kỳ đổi mới đã cho học sinh quyền lựa chọn khối thi, lựa chọn trường dự thi. Để làm việc lựa chọn này thì học sinh phải tính toán xem khả năng của mình như thế nào.
Qua quá trình triển khai bằng những bước đó, ông Luận cho rằng dư luận xã hội trong nhiều năm vừa qua đều phàn nàn, những phàn nàn này là chính đáng. Việc này cũng là do thiếu thông tin từ học sinh và nhà trường, do đó có những em điểm cao nhưng trượt đại học, trong khi đó cũng có những thí sinh điểm thấp mà vẫn đỗ đại học.
Điều này xuất hiện tình trạng không công bằng với thí sinh, nhà trường cũng không chọn được những học sinh giỏi.
Tiếp nhận những băn khoăn, phản ánh đó từ xã hội, với sự phát triển của công nghệ thông tin, cũng quán triệt NQ29 mọi hoạt động cũng đều hướng vào việc hình thành phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, tạo thuận lợi cho học sinh.
Do đó, Bộ quyết định công bố kết quả thi, kết quả tập hợp các khối thi, cập nhật tình hình hồ sơ các trường để thí sinh biết mình đang ở tốp nào trong trường đăng ký.
Trước đây thí sinh không có công đoạn này, trước đây thí sinh nộp và chỉ chấp nhận kết quả dựa vào đăng ký lúc đầu. “Bây giờ các cháu lo và có thông tin để tính toán, để cân nhắc, để thay đổi, chúng tôi nghĩ đó là sự đổi mới, sự lo lắng cần thiết để các cháu có kết quả tương xứng với công sức, thành quả các cháu đạt được” ông Luận cho hay.