Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục dẫn đầu các trường đại học tại Việt Nam

14/08/2015 07:03
Ngọc Diệp - Xuân Trung
(GDVN) - Năm 2015 Đại học Quốc gia Hà Nội giữ vị trí số 1 của Việt Nam trong bảng xếp hạng QS, Scimago, URAP, Webometrics.

Thông tin trên được Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức cho biết. Ông Đức cũng cho rằng, bộ tiêu chí đại học nghiên cứu mà Đại học QGHN vừa ban hành chính là cơ sở để trường, các đơn vị đào tạo, nghiên cứu thành viên và trực thuộc phân tích, đánh giá, định vị hiện trạng, xác định đúng kế hoạch phát triển để ưu tiên đầu tư; thúc đẩy các đơn vị từng bước phát triển đạt chuẩn đại học nghiên cứu của khu vực và quốc tế. 

Xung quanh thông tin này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn với Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức về một số nội dung liên quan đến xếp hạng đại học.

PV: Các bảng xếp hạng đại học quốc tế đều nở rộ kết quả vào độ hè thu mỗi năm hẳn có lí do, thưa ông?

Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức: Đúng như vậy, trong tháng 6 vừa qua bắt đầu là bảng xếp hạng QS, tiếp theo là Scimago, URAP, Webometrics… đều đã công bố kết quả xếp hạng của mình. Ngoài thông tin xếp hạng, họ cũng thông báo các thông tin cơ bản về các trường đại học, các lĩnh vực, chương trình đào tạo và cả mức học phí. Có vẻ như đó là các thông tin rất cần thiết để hỗ trợ cho việc lựa chọn học tập. 

Nếu đoán nhận của tôi đúng thì dịp hè thu cũng là thời điểm tất cả các trường đại học chuẩn bị cho một mùa tuyển sinh mới. Đây là lúc đông đảo phụ huynh và học sinh tìm kiếm các thông tin liên quan đến cơ sở đào tạo để xác định chọn trường cho con em mình chuẩn bị bước vào năm học mới. 

Phó giám đốc Nguyễn Hữu Đức trao đổi với phóng viên. Ảnh Xuân Trung
Phó giám đốc Nguyễn Hữu Đức trao đổi với phóng viên. Ảnh Xuân Trung

Do vậy, các tổ chức xếp hạng đại học quốc tế đã chọn lúc này để công bố kết quả xếp hạng cập nhật trong năm. Trên thế giới, nhiều trường tuyển sinh mỗi năm 2 kỳ, kỳ mùa xuân và kỳ mùa thu. Phù hợp với đó, có bảng xếp hạng cũng xếp hạng mỗi năm hai lần. 

Đại học Quốc gia Hà Nội nằm ở đâu trong các bảng xếp hạng quen thuộc trên?

Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức: Dùng từ “quen thuộc” là đúng đấy. Trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng đại học lắm, vừa quốc tế, vừa quốc gia. 

Việt Nam ta mới biết nhiều, quan tâm nhiều và có tên nhiều trong 4 bảng xếp hạng thế giới, cụ thể là xếp hạng chung về đại học của QS; xếp hạng năng lực công bố quốc tế của Scimago Lab; xếp hạng cả về mức độ số hóa các thư tịch khoa học trên website năng lực công bố quốc tế của Webometrics Lab; và xếp hạng về chất lượng học thuật URAP của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bảng xếp hạng QS năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội duy trì là đại học Việt Nam thuộc top 200 đại học hàng đầu Châu Á (kể từ năm 2014) với thứ hạng trong nhóm 191-200, đồng thời duy trì vị trí số 1 Việt Nam trong bảng xếp hạng này (kể từ năm 2009).

Cũng trong năm 2015, trong bảng xếp hạng Scimago, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có vị trí số 1 của các đại học Việt Nam về tổng số bài báo khoa học (công bố trong giai đoạn 2010 – 2014), thứ 1895 thế giới - tăng 88 bậc trong bảng xếp hạng thế giới, từ 1983 lên 1895, tiếp theo là Đại học Quốc gia TP. HCM và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Xếp hạng này dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu khoa học Scopus của Tập đoàn Elsevier – Hà Lan. 

Mới đây, Bộ Khoa học - Công nghệ có đánh giá và công bố 20 tổ chức có năng lực công bố tốt nhất Việt Nam. Nhưng bảng này chỉ xếp hạng các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có trên 100 bài báo xuất bản trong năm trước đó. Do vậy, tên các trường đại học Việt Nam còn rất ít.

Trong bảng xếp hạng URAP, Đại học Quốc gia Hà Nội vươn lên ngôi vị số 1 của Việt Nam và đứng thứ 1196 trong hệ thống các trường đại học trên thế giới, tiếp theo là Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Cần Thơ và Đại học Y Hà Nội.

Tại bảng xếp hạng Webometrics 2015 vừa đây, Việt nam có mặt 122 trường, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội đứng thứ 1 Việt Nam, 1133 thế giới. Đứng tiếp theo là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, xếp thứ 2181. 

Nếu chỉ quan tâm đến quy mô tài nguyên số, nhiều đại học Việt Nam cũng đã rất mạnh. Nhưng vì bảng xếp hạng này cũng tính đến cả số lượng công bố của các trường trong cơ sở dữ liệu Scopus (tức là có kết hợp thông tin như xếp hạng của Scimago), nên thứ hạng của Việt Nam rất hạn chế.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tham khảo thêm bảng xếp hạng 4ICU. Bảng này chỉ quan tâm xếp hạng mức độ quan tâm của cộng đồng đối với các trường đại học thể hiện thông qua website của trường. Năm 2015, cũng thấy có 58 trường đại học của Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục giữ ngôi vị số 1 của Việt Nam trong bảng xếp hạng này.

Mỗi bảng xếp hạng một mục tiêu, một bộ chỉ số riêng; từ đơn giản đến toàn diện; nhưng để có thứ hạng tốt trong từng bảng này cũng cần nỗ lực rất nhiều.

Thông qua các bảng xếp hạng này, ông đánh giá thế nào về vị trí của giáo dục đại học Việt Nam nói chung và của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng so với thế giới?

Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức: Cũng cần thấy sự nỗ lực lớn của các trường đại học Việt Nam. Chúng ta chưa có đại học lọt vào top 10, top 100, nhưng trong tổng số 25.000 trường đại học tham gia xếp hạng ở trên thế giới, với đầu tư như hiện nay, lot được vào nhóm 1.000 cũng thuộc nhóm 4% rồi. 

Tương tự như vậy, vị trí nhóm 200 châu Á của Đại học Quốc gia Hà Nội so với hơn 6.000 trường hiện có thì cũng đã vào nhóm 3%. 

Mặt khác, cũng cần biết rằng, 5 năm trước, xếp hạng đại học là vấn đề còn xa lạ với các đại học Việt Nam, nhưng một khi chúng ta hội nhập, tham gia cuộc chơi thì thứ hạng xuất hiện được ngay. Điều này có nghĩa là, nếu quan tâm đầu tư đầy đủ, đến ngưỡng chúng ta cũng có khả năng xây dựng được các đại học hàng đầu.

Theo cách tiếp cận quản trị đại học tiên tiến, Đại học Quốc gia Hà Nội rất quan tâm đến việc phân tích nội bộ, quản trị mục tiêu và quản trị hệ thống thông qua các chỉ số của mình. Mục tiêu là hướng đi, còn chỉ số là sự định vị. 

Bộ tiêu chí đại học nghiên cứu mà Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ban hành chính là cơ sở để Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị đào tạo, nghiên cứu thành viên và trực thuộc phân tích, đánh giá, định vị hiện trạng, xác định đúng kế hoạch phát triển để ưu tiên đầu tư; thúc đẩy các đơn vị từng bước phát triển đạt chuẩn đại học nghiên cứu của khu vực và quốc tế. 

Bộ tiêu chí gồm nhiều nhóm tiêu chí được lượng hoá như nhóm tiêu chí về thành tích nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức; nhóm tiêu chí về chất lượng đào tạo; nhóm tiêu chí về mức độ quốc tế hoá, nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

Cuối cùng, tôi cũng muốn nói thêm rằng, trong các bảng xếp hạng, ngoài sự có mặt của các đại học truyền thống của ta, một số trường đại học mới thành lập, nhưng đã có cách tiếp cận quản trị đại học tốt theo các bộ chỉ số của đại học hiện đại như các trường đại học Hoa Sen, Duy Tân, Quảng Bình, Tôn Đức Thắng… nên đã có thứ hạng quốc gia tốt trong bảng xếp hạng Webometrics. 

Kết quả xếp hạng quốc tế của Đại học QGHN năm 2015

Bảng xếp hạng

Thứ hng Vit Nam

Thứ hng quốc tế

QS

1

190 - 200 (châu Á)

Scimago

1

1893 (thế giới)

URAP

1

1196 (thế giới)

Webometrics

1

1133 (thế giới)

Ngọc Diệp - Xuân Trung