Cách dạy con “thương cho roi cho vọt…”

23/10/2016 07:32
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Con trẻ như tờ giấy trắng, sẽ phản chiếu tất cả những gì người lớn làm.

LTS: Bàn về chủ đề dạy con như thế nào cho đúng cách, độc giả Trương Khắc Trà có bài viết đưa ra quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả! 

Nuôi dạy con sao cho tốt là nỗi lo của hầu hết các bậc phụ huynh, nhất là hiện nay chất lượng sống được nâng lên rõ rệt khiến nhiều người mạnh dạn đầu tư hơn cho con em mình.

Lướt qua các trang báo mạng có hằng hà sa số những bài báo chỉ cách nuôi dạy con sao cho khoa học, hướng dẫn cặn kẽ việc đối thoại với con sao cho con không bị ảnh hưởng tâm lý…

Tuy nhiên mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, những đứa trẻ được sinh ra trong hàng triệu gia đình khác nhau nên cách giáo dục cũng “tùy cơ ứng biến”, vậy nên không thể nào có một cẩm nang chung cho tất cả các gia đình.

Đặc tính bẩm sinh và cũng là điểm yếu chung giữa đa số các ông bố bà mẹ là “xót con”, vì vậy họ giáo dục con theo kiểu “nâng trứng”, “hứng hoa”, không thể cho rằng đó là sai nhưng hầu hết trẻ được nuôi dạy kiểu đó sau khi lớn lên đều mang tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và kém kỹ năng giao tiếp xã hội.

Dạy con như thế nào cho đúng cách? (Ảnh: vietnamnet.vn).
Dạy con như thế nào cho đúng cách? (Ảnh: vietnamnet.vn).

Ngược lại, câu chuyện dạy con của vợ chồng anh Hoàng và chị Hoa ở Đồng Nai là một ví dụ điển hình cho “trường phái” kỷ luật.

Hai vợ chồng anh Hoàng là công chức Nhà nước, lấy nhau được 12 năm, gia đình hạnh phúc viên mãn khi họ có hai mặt con, một cháu trai 11 tuổi và một cháu gái 10 tuổi.

Do đặc thù công việc nên anh chị thường xuyên vắng mặt ở nhà tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 7 và chủ nhật, tuy vậy hai đứa con của anh vẫn có thể tự chăm sóc bản thân như tắm rửa, nấu cơm, lau nhà…

Quan điểm của anh Hoàng là nghiêm khắc và kỷ luật với con cái, gia đình anh thuộc loại khá giả nên đồ ăn thức uống rất dồi dào trong tủ lạnh nhưng anh quy định mỗi ngày chỉ được uống 2 hộp sữa mỗi đứa, bánh kẹo ăn bao nhiêu cũng có số lượng hẳn hoi.

Anh tâm sự “không phải mình tiếc của mà không cho con ăn nhưng ăn nhiều đồ ngọt trẻ sẽ bị béo phì, sâu răng và quan trọng hơn khi trẻ ăn vặt nhiều sẽ bỏ bữa và tạo thành thói hư, lúc 4, 5 tuổi có lúc con không nghe lời anh cũng dùng roi, dần dần đi vào nề nếp, con mình dứt ruột đẻ ra ai mà không thương nhưng tôi thường lấy câu nói của ông bà “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” làm phương châm dạy con.

Mặc dù hiện nay nhiều ông bố, bà mẹ thoải mái cho con mình chơi smartphone như một xu hướng nhưng hai con anh không bao giờ “nhòm ngó” đến điện thoại của anh.

Dù trong nhà có máy tính nối mạng nhưng việc vào mạng và chơi gì anh đều quản lý về nội dung và giờ giấc, đã thành thói quen từ nhỏ cho dù khi anh chị vắng nhà hai con anh cũng không tự ý mở máy tính chơi game.

Việc xem tivi cũng được anh lên lịch tỉ mỉ, bắt đầu từ chiều thứ sáu đến chiều chủ nhật sẽ được xem thoải mái các chương trình thiếu nhi, ca nhạc và phim hoạt hình, còn tất cả các ngày trong tuần chỉ được xem các chương trình trước giờ ăn cơm tối của gia đình, ăn cơm xong tự giác về phòng học bài và ngủ, kể cả phụ làm việc nhà như giúp mẹ nấu cơm, lau nhà, những việc nhẹ nhàng đều được phân công rõ ràng.

Để tránh những câu hỏi cắc cớ kiểu như “tại sao ba không cho con xem tivi nhưng sao ba lại được xem, ba nói chơi máy tính nhiều không tốt nhưng sao ba lại chơi” nhiều lúc vì phải làm gương nên anh chị cũng hạn chế xem tivi hay mở máy tính khi con học bài.

Một cái hay của anh Hoàng nữa là biết cách làm gương cho con cái, đưa ra quy định cho con nhưng mình cũng phải nghiêm chỉnh thì con cái mới tuân theo mà không băn khoăn. Con trẻ như tờ giấy trắng, sẽ phản chiếu tất cả những gì người lớn làm.

Cách dạy con “thương cho roi cho vọt…” ảnh 2

Nhiều cử nhân chỉ biết học rồi ra trường ngồi chờ bố mẹ đi xin việc

Mặc dù không được tự do chơi game, thoải mái vòi vĩnh những gì mình thích so với những đứa trẻ cùng tuổi nhưng hai con anh không tỏ ra chống đối mà trái lại rất ngoan ngoãn và chững chạc hơn nhiều so với bạn cùng lớp, chúng biết không làm phiền ba mẹ khi nhà có khách, biết lễ phép với người lớn tuổi và xin phép ba mẹ khi làm những việc cần sự đồng ý của anh chị.

Chả vậy mà bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm của anh chị tấm tắc khen nhà anh có phúc vợ anh khéo đẻ mới có được hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi, chuyện phúc phận chẳng biết đúng sai nhưng cách “rèn” con của anh chị đã mang lại kết quả tốt.

Hai con anh chỉ việc tuân thủ “nội quy” do anh đặt ra còn trang bị học tập, phần thưởng khi có giấy khen cuối kỳ và những chuyến du lịch được anh “khuyến mãi” thường xuyên nhằm khuyến khích động viên.

Dân gian có câu “dạy con từ thuở lên ba…” quả đúng với trường hợp của gia đình anh Hoàng, chị Hoa, cái “dũng cảm” hơn của anh chị so với hầu hết ông bố bà mẹ là nhiều lúc “xót con” thấy con không được xem tivi, không được chơi game, ít được nuông chiều nhưng vẫn đặt sự nghiêm khắc lên trên hết vì tương lai con cái mình. 

Trương Khắc Trà