LTS: Với mong muốn tiếp tục đưa ra những ý kiến đóng góp để xây dựng việc chi trả lương cho giáo viên được hoàn thiện, công bằng, phù hợp và thúc đẩy nền giáo dục phát triển toàn diện, hiệu quả, tác giả Nhật Khoa đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vấn đề tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức,…(hưởng lương từ ngân sách) là một vấn đề lớn nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo mọi tầng lớp trong xã hội.
Mới đây nhất Đề án cải cách chính sách tiền lương đã được báo cáo Bộ chính trị trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII trong năm 2018 dự kiến áp dụng chính sách lương mới bắt đầu từ năm 2021.
Đây chính là quyết tâm chính trị rất lớn không chỉ của Ban soạn thảo Đề án mà là quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo sự chuyển biến về chế độ tiền lương để tạo công bằng trong xã hội, để mọi người cùng phấn đấu đạt năng suất và hiệu quả cao nhất.
Vấn đề cải cách tiền lương mới cho giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Theo Đề án trên thì sẽ có hệ thống bảng lương mới, quy định mức tiền cụ thể theo vị trí việc làm, chức vụ và sẽ bãi bỏ hầu hết các khoản phụ cấp, đây là việc làm cấp thiết, quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.
Thang, bảng lương của những người hưởng lương từ ngân sách trong cả nước như hiện nay đã trải qua những lần cải cách khác nhau.
Nhưng, không khắc phục được việc trả lương theo vị trí việc làm mà chủ yếu trả lương bằng hình thức “cào bằng”, “sống lâu lên lão làng”, không cần biết vị trí, hiệu quả chỉ cần công tác lâu năm là lương cao, một bộ phận không nhỏ “30% công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” vẫn hưởng lương cao chót vót.
Nó không tạo được động lực để mọi người cùng cố gắng, phấn đấu mà chỉ làm cho cán bộ công chức thêm ì ạch, trì trệ, giãm sút ý chí phấn đấu vươn lên của những người ăn lương từ ngân sách.
Do đó cải cách lương để tạo công bằng xã hội thúc đẩy sự nỗ lực, phấn đấu và phát triển để tăng năng suất và hiệu quả là việc làm cấp thiết, là những việc cần làm càng sớm càng tốt.
Bộ Giáo dục muốn tăng lương nhà giáo thì phải làm được những việc dưới đây |
Bản thân tôi là giáo viên, tôi đồng tình cao với quyết tâm và những cố gắng của ban soạn thảo Đề án trên, cũng như của các cấp lãnh đạo, tôi thấy rõ tinh thần quyết liệt, sự sáng suốt, cẩn trọng, cố gắng rất cao của cả hệ thống chính trị.
Cải cách tiền lương đối với những người hưởng lương từ ngân sách trong đó có 1,24 triệu giáo viên là trong những cần làm ngay.
Những điểm mới về việc hưởng lương trong Đề án cải cách tiền lương mới dành cho giáo viên
Theo như hiểu biết của tôi thì trong bảng lương mới theo như Đề án trên giáo viên sẽ được cắt bỏ hoàn toàn các khoản phụ cấp thâm niên, ưu đãi, trách nhiệm,…để chuyển sang Bảng lương mới cho những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và bảng lương dành cho giáo viên.
Điều này là cần thiết, tôi hoàn toàn ủng hộ, tôi cũng đã từng có bài viết “Đề xuất tăng hệ số lương, bỏ phụ cấp ưu đãi, thâm niên nhà giáo” trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 18/01/2018.
Trong Đề án không dùng hệ số lương mà chi trả theo chức vụ, vị trí việc làm cũng là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trong các trường phổ thông hiện nay chỉ có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là lãnh đạo, quản lý do bổ nhiệm sẽ hưởng một bảng lương riêng, còn tất cả những giáo viên còn lại (kể cả tổ trưởng, tổ phó, tổng phụ trách đội,…) đều là giáo viên nên sẽ hưởng lương cùng một bảng lương “cứng” như nhau.
Đề xuất tăng hệ số lương, bỏ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên giáo viên |
Ví dụ như hiệu trưởng lương 12 triệu, phó hiệu trưởng lương 10 triệu, giáo viên lương 8 triệu (số lượng do tác giả tính dựa vào mức lương hiện hưởng trung bình của hiệu trưởng và giáo viên).
Điều này là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới về việc trả lương theo chức vụ, vị trí việc làm;
Tránh tình trạng có trường hợp lương Giám đốc Sở Giáo dục, Trưởng phòng Giáo dục (chỉ có phụ cấp công vụ 25%) thua lương giáo viên (có 2 khoản phụ cấp ưu đãi, thâm niên có người đến 70%);
Hay tình trạng giáo viên công tác càng lâu năm thì hưởng lương càng cao không phân biệt năng suất và hiệu quả làm việc.
Nhưng còn đó những băn khoăn…
Nhưng, việc một Đề án lương ảnh hưởng đến hàng triệu giáo viên trong cả nước, dù rất hoan nghênh và đồng tình nhưng bản thân tôi cũng còn vài băn khoăn xin gửi đến các cấp có thẩm quyền nghiên cứu và giải đáp.
Thứ nhất, tôi ủng hộ việc có bảng lương riêng cho Giám đốc/Phó giám đốc, Trưởng/ Phó phòng Giáo dục, Hiệu trưởng/ Phó hiệu trưởng (gọi chung là lãnh đạo) có một bảng lương riêng phù hợp.
Nhưng, việc này có tránh được việc chạy chức, chạy quyền hay việc bổ nhiệm người nhà vào các vị trí lãnh đạo như hiện nay (cán bộ trẻ được bổ nhiệm sẽ hưởng lương rất cao, cao hơn giáo viên sắp về hưu) hay có giải quyết được vấn đề các vị lãnh đạo không làm được việc như hiện nay.
Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất |
Thứ hai, việc toàn bộ giáo viên chung trường hưởng lương theo một bảng lương “cứng” chung giống như nhau giải quyết được vấn đề “sống lâu lên lão làng”.
Vẫn còn tình trạng “cào bằng” có giáo viên có thâm niên công tác nhiều năm, có rất nhiều cố gắng, hy sinh cả tuổi thanh xuân, công sức, trí tuệ cho công tác giảng dạy và có nhiều thành tích tốt nhưng lại bằng lương giáo viên mới nhận công tác.
Đây cũng là một vấn đề đau đầu và nan giải.
Tôi mong ban soạn thảo lưu ý 2 điều trên.
Vài đề xuất…
Với trình độ, nhận thức hạn hẹp của tôi và để giải quyết một phần vấn đề trong băn khoăn trên, tôi xin được mạn phép có ý như sau:
Đầu tiên: Phải nói rằng việc trả lương theo như hiện nay là lỗi thời, không kích thích sự phát triển, phấn đấu cố gắng của giáo viên nên thay đổi là hợp lý.
Nhưng nói gì thì nói, bản chất của việc chi trả lương phải hợp lý, hợp tình và có tính nhân văn, và có ghi nhận sự cố gắng, hy sinh của giáo viên (đã có nhiều giáo viên công tác lâu năm mắc các bệnh nghề nghiệp), do đó trả lương theo vị trí việc làm nhưng cũng chú ý một phần thâm niên.
Do đó tôi đề xuất mức lương giáo viên không phải hưởng chung một mức lương “cứng” như nhau mà chia làm 4 mức lương: Giáo viên công tác dưới 15 năm, Giáo viên công tác trên 15 năm, giáo viên công tác trên 25 năm, Giáo viên công tác trên 35 năm (đa số sắp về hưu).
Nhưng việc trả lương theo 4 mức theo trên lại vướng ở điểm sẽ có những giáo viên có thâm niên cao nhưng không có cố gắng hay thành tích gì nổi bật hưởng lương cao hơn các giáo viên trẻ giỏi, nhiệt tình, năng động, tích cực.
Để giải quyết vấn đề trên tôi xin đề xuất thưởng thêm một khoản tương xứng cho giáo viên đạt các danh hiệu, thành tích như giáo viên giỏi, Chiến sĩ thi đua, bồi dưỡng học sinh đạt giải cấp Huyện, Tỉnh,…điều này khuyến khích các giáo viên trẻ cố gắng phấn đấu hơn và các phong trào của nhà trường, của ngành cũng nâng lên.
Nhưng, một danh hiệu chỉ cho hưởng không quá 5 năm, sau 5 năm muốn hưởng tiếp phải thi hay bồi dưỡng học sinh đạt (tránh được tình trạng giáo viên giỏi cả đời, có người chỉ cần một lần đạt các thành tích là không cần phấn đấu nữa).