LTS: Trước những lo lắng, băn khoăn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình mới, là một nhà giáo tâm huyết với nghề - tác giả Bùi Nam đã gửi đến các cấp lãnh đạo 10 thỉnh cầu.
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả.
Những ngày nghỉ cuối cùng của kỳ nghỉ tết xuân Mậu Tuất 2018 đã qua, giờ là lúc các cấp các ngành nhất là ngành giáo dục tập trung tối đa nhân lực, vật lực, trí tuệ cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang đến rất gần.
Theo như lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thì thời gian thực hiện chương trình mới sẽ thực hiện bắt đầu từ năm học 2019 – 2020 ở lớp 1, 2020 – 2021 ở lớp 2 và 6, 2021 – 2022 ở lớp 3,7,10,… như vậy là còn chưa đến 1 năm rưỡi để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình mới.
Những mong muốn đối với giáo dục trong năm mới (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Bản thân là nhà giáo trực tiếp đứng trên bục giảng, tôi cũng cảm nhận được sự khó khăn, vất vả, quyết tâm của các nhà làm chương trình, sách giáo khoa trong giai đoạn này.
Hiện tại chương trình vẫn còn đang tranh cãi, chưa được chính thức thông qua, nên công việc biên soạn sách giáo khoa chưa thể thực hiện, rồi còn thử nghiệm, cơ sở vật chất (phòng học, đồ dùng dạy học, sân chơi,…), giáo viên, đội ngũ quản lý,…nên tôi thấy “rất khó” để thực hiện theo đúng lộ trình đã công bố.
Để thực hiện chương trình mới, bản thân tôi và nhiều giáo viên khác rất băn khoăn, lo lắng khi chúng ta bắt đầu thực hiện chương trình mới.
Để thực hiện chương trình mới thành công, tôi xin được phép gởi đến Quốc Hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ban ngành liên quan 10 kiến nghị cũng như là những điều thỉnh cầu của giáo viên đến các cấp lãnh đạo:
Thứ nhất, tạm dừng các môn “tích hợp”
Trong điều kiện hiện nay, việc đưa vào 2 môn “tích hợp” ở bậc trung học cơ sở là một sự gò ép, khiên cưỡng trong khi điều kiện không cho phép.
Tôi kiến nghị cho tạm thời dừng các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Sử và Địa để có thời gian nghiên cứu thêm về tính khả thi, cũng như có thời gian thử nghiệm một cách khoa học, chính xác hơn.
Chúng ta không thể so sánh khập khiễng rằng một số nước trên thế giới tích hợp thì ta phải “tích hợp”.
Hãy nhìn về thất bại của chương trình VNEN mà làm bài học kinh nghiệm, nếu chưa nghiên cứu kỹ mà vội vàng triển khai có thể lặp lại việc ở một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh,…cả ngàn phụ huynh tập trung trước cổng trường phản đối việc học theo chương chương trình mới thì hậu quả khôn lường.
Lời thỉnh cầu đầu năm mới cho những giáo viên hợp đồng tại Hải Dương |
Thứ hai, tăng lương giáo viên và cấm dạy thêm
Tăng lương giáo viên cho giáo viên là một trong những vấn đề được quan tâm.
Việc tăng lương là việc làm cấp thiết, tăng lương phải đi kèm với tăng trách nhiệm, tăng thời gian làm việc, tăng nghiên cứu khoa học và tiến tới cấm dạy thêm trên toàn quốc trả lại thời gian vui chơi cho các em, trả lại sự tư duy, óc sáng tạo cho các em.
Chỉ có cấm dạy thêm mới có thể tạo môi trường học tập công bằng, lành mạnh giữa các học sinh, và giáo viên lúc này sẽ chuyên tâm vào giảng dạy thực chất, yêu thương học sinh mà không phải “yêu tiền”.
Thứ ba, giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện tại
Giáo viên có thể coi là những người làm các công việc nhiều khó khăn, áp lực,…tăng tuổi hưu đối với giáo viên đứng lớp sẽ kéo thêm sự trì trệ, ì ạch, giảm hiệu quả và đi kèm với sự kiềm hãm cơ hội tìm việc của tầng lớp giáo viên trẻ và trái với quy định về tinh giản biên chế là một việc làm rất nhân văn.
Thứ tư, tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên
Không thể áp dụng chương trình mới khi thiếu cơ sở vật chất như phòng học, đồ dùng, trang thiết bị dạy học,…và quan trọng là chưa có giáo viên cho các bộ môn mới.
Mong các các cấp hãy đổi mới khi đã đủ điều kiện, tùy tình hình thì “liệu cơm gắp mắm”, chứ đừng vội vàng áp dụng khi không đủ điều kiện kẻo “trèo cao té đau”.
Bây giờ, tạm thời đổi mới ở những cái mình đang có, có thể bắt đầu bằng việc dạy thật – học thật – thi thật và đổi mới ở bộ môn ngoại ngữ để tăng tính hội nhập.
Thứ năm, giao quyền tự chủ cho các trường
Hãy mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các trường, để hiệu trưởng là người có đầy đủ quyền hành, và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ của mình trong tất cả các lĩnh vực như bổ nhiệm hiệu phó, tuyển dụng, xét thi đua, chất lượng nhà trường,…
Thầy giáo Bùi Nam đề xuất giải tán Phòng giáo dục ở các quận, huyện |
Thứ sáu, thí điểm giải thể một số Phòng giáo dục ở các Huyện
Giai đoạn hiện tại trong cuộc cách mạng 4.0 tất cả quản lý bằng công nghệ thông tin, khi mà lực lượng quản lý như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được lựa chọn bài bản hơn thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục đã hết sứ mệnh lịch sử nên có thể thí điểm giải thể một số Phòng giáo dục ở một số nơi để đánh giá tính hiệu quả, xem xét lại chức năng của Phòng giáo dục.
Số lượng người làm việc ở các Phòng giáo dục phải được chuyển vào làm việc trong trụ sở Ủy ban nhân dân cấp Huyện, để tránh lãng phí trong việc xây dựng các Phòng giáo dục hoành tráng và cũng nhằm tiết kiệm quỹ đất cho nhà nước trong việc phát triển kinh tế, xã hội.
Thứ bảy, bỏ tiêu chuẩn có sáng kiến kinh nghiệm trong xét chiến sĩ thi đua cấp cơ sở
Việc xét thi đua trong nhà trường nên giao quyền cho hiệu trưởng kết hợp công đoàn xét các danh hiệu thi đua dựa trên các tiêu chí do nhà trường xây dựng và thông qua trong tập thể.
Việc xét các danh hiệu cao hơn như chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh, Bộ, Toàn quốc thì nên có tiêu chuẩn sáng kiến kinh nghiệm, còn việc xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (cấp trường) nên giao cho nhà trường xét và hiệu trưởng ký công nhận.
Số lượng chiến sĩ thi đua cấp cơ sở được xét hàng năm là 15% trên tổng số giáo viên được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến (Ví dụ nhà trường có 40 giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, thì sẽ có 6 giáo viên đạt chiến sĩ thi đua).
Cuối năm thông qua lãnh đạo, thông qua tập thể biểu quyết giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở dựa trên các tiêu chuẩn do nhà trường xây dựng mà không cần sáng kiến kinh nghiệm.
Làm như trên sẽ lựa chon được giáo viên đạt chiến sĩ thi đua là những người tiêu biểu, nổi trội về năng lực, phẩm chất và uy tín trong tập thể.
Thứ tám, thay việc bồi dưỡng thường xuyên hiện nay bằng việc bồi dưỡng trực tuyến (online)
Việc bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên hiện nay rất là hình thức, đối phó, một số mô đun không mang lại hiệu quả, tôi mong rằng việc bồi dưỡng thường xuyên được tổ chức trực tuyến, giáo viên nghiên cứu và làm trên phần mềm trực tuyến có đánh giá kết quả cụ thể, có thể lấy kết quả này để làm căn cứ xét các danh hiệu thi đua cho giáo viên.
Thứ chín, hạn chế các kỳ thi giáo viên giỏi, bỏ bớt các kỳ thi mang tính hình thức
Một số kỳ thi có quá nhiều tiêu cực, hình thức, nặng nề,…nên phải được xem xét lại tổ chức lại cho hiệu quả, tiết kiệm, tránh tiêu cực.
Cuối cùng, sát nhập các trường ở gần nhau
Để tinh giản biên chế, giảm bớt sự cồng kềnh phải sát nhập các trường ở gần tiểu học, trung học cơ sở ở khoảng cách gần nhau, có thể quy định mỗi xã tối đa chỉ 1 trường tiểu học, hoặc có thể thành lập trường tiểu học – trung học cơ sở chung.
Xử lý mạnh tay các đơn vị, làm việc không hiệu quả việc tinh giảm biên chế, không để tình trạng “trên nóng – dưới lạnh”.
Mong các nhà làm giáo dục chú trọng dạy làm người hơn dạy chữ
Việc dạy học theo hướng chú trọng dạy chữ kéo theo rất nhiều hệ lụy khôn lường, nhiều vụ bạo lực học đường hay thậm chí các vụ án thương tâm trong trường học cũng tăng lên, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan cũng tăng lên.
Khi làm chương trình mới mong lắm việc chú trọng vào đời sống giáo viên, chú trọng vào giáo dục nhân cách giáo viên và học sinh, để môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh.
Khi thực hiện chương trình mới mong lắm mỗi thầy cô giáo luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, làm việc hết mình vì học sinh, tâm huyết với sự nghiệp, sáng tạo và hiệu quả trong công việc.