Theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có đổi mới phương pháp dạy học, năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục khuyến khích giáo viên dạy học theo hướng tích hợp, liên môn. Vậy tại sao phải dạy học tích hợp, đào tạo giáo viên dạy tích hợp thế nào cũng như thế giới dạy học tích hợp ra sao?
Mời độc giả cùng xem chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Chương trình phổ thông: môn học riêng rẽ, mang tính hàn lâm
PGS.TS Trần Trung Ninh – Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, các môn học được thiết kế riêng rẽ, các môn Toán, Khoa học, Nghệ thuật... mỗi môn đi theo một hướng khác nhau, hình dung như một bầy kiến đang tha một hạt cơm nhưng mỗi con đi một hướng, không tạo ra sự đồng bộ.
GS Jean Paul Bel chia sẻ quan điểm của mình về dạy học tích hợp tại Pháp. Ảnh: Hồng Nhung |
Chương trình kết cấu thành các môn tách biệt, các môn học còn mang tính hàn lâm, chưa coi trọng thực hành, chú trọng nội dung mà chưa quan tâm phát triển năng lực người học cũng như chưa chú trọng việc vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn cuộc sống.
Đưa ra một dẫn chứng “đáng buồn” về chỉ số sáng tạo, cụ thể là số bằng sáng chế được cấp năm 2006 của Việt Nam chỉ là con số “0”, trong khi các nước khu vực Châu Á, thậm chí Đông Nam Á rất nhiều: Hàn Quốc có hơn 100 nghìn bằng, Trung Quốc có hơn 26 nghìn bằng, và Thái Lan có158 bằng, thậm chí Philippines có 76 bằng... để thấy rằng Việt Nam chưa theo kịp tình hình chung của thế giới và khu vực. (Mặc dù từ năm 2006 đến nay có tiến bộ)
Bỏ chấm điểm tiểu học, không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học
Điểm số chỉ là động cơ bên ngoài để kích thích chứ không phải là bản chất để phát triển năng lực học sinh nên không ảnh hưởng đến chất lượng....
Do đó, theo PGS.TS Trần Trung Ninh, việc dạy học tích hợp cần phải được thực hiện ngay, đặc biệt sau năm 2015 có thay đổi chương trình sách giáo khoa.
PGS.TS Trần Trung Ninh có đưa ra một số ưu điểm của việc dạy học tích hợp như tiết kiệm thời gian cả thầy và trò, giảm sự trùng lặp, tăng hứng thú cho người học, rèn khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống... Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ một số khó khăn sẽ gặp phải trong dạy học tích hợp như việc đào tạo giáo viên phải đồng bộ, bồi dưỡng thường xuyên, cần có sự hợp tác tốt giữa các giáo viên, học sinh tốn nhiều thời gian làm việc hợp tác hơn...
Để có thể dạy học tích hợp, PGS.TS Trần Trung Ninh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đổi mới công tác đào tạo giáo viên, bởi “chất lượng giáo viên quyết định chất lượng toàn bộ hệ thống giáo dục hiện nay”.
Vai trò của thực tập sư phạm và mô hình xương cá
Chung quan điểm về đào tạo giáo viên với PGS.TS Trần Trung Ninh, GS Jean Paul Bel - Chuyên gia Didactic (Lý luận và Phương pháp dạy học) các môn Khoa học Pháp, Cộng hòa Pháp chia sẻ: “Trong quan niệm của tôi về đào tạo giáo viên, quá trình thực tiễn phải được gắn chặt chẽ với lý thuyết”. Do đó, theo GS Jean Paul Bel thì vai trò của thực tập sư phạm là vô cùng quan trọng.
Đừng cố ấn "chiếc chìa khóa" vào bộ não học sinh
Mỗi học sinh là một sự khác biệt, còn người phụ đạo kém là người chỉ dùng một "chiếc chìa khóa" để mở bộ não, khi không mở được lại tìm cách cố ấn cho ra.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Hương Trà – Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra bốn câu hỏi cần trả lời cho việc đào tạo giáo viên dạy tích hợp: Nội dung dạy là gì, Quy trình như thế nào, Phương pháp đào tạo, Đánh giá như thế nào?
Theo PGS.TS Đỗ Hương Trà, mô hình đào tạo giáo viên thực chất là mô hình xương cá. Trên một môn học, kiến thức phải đi trên một trục, không phải tất cả nội dung kiến thức đều có thể tích hợp, những nội dung kiến thức thích hợp ở thời điểm thuận lợi sẽ tích hợp với các môn học khác, sau đó lại quay về cái trục đó để vun đắp thêm cho kiến thức. Nhìn trên một môn học là mô hình xương cá, nhưng nếu nối tất cả các môn học với nhau thì thực chất là sơ đồ mạng nhện.
Trong dạy học, giáo viên phải chú trọng đến hai việc tích hợp và phân hóa. Theo PGS.TS Đỗ Hương Trà, hai cái này bao giờ cũng đi một cặp với nhau, không thể tách rời nhau. Nội dung kiến thức càng phân hóa sâu thì đảm bảo kiến thức tích hợp càng tốt, ngược lại kiến thức tích hợp càng tốt giúp cho quá trình phân hóa càng hiệu quả hơn. Khi nào tích hợp, khi nào phân hóa, hai cái này không thể tách rời nhau.
Chiều ngày 6/10/2014, tại Hội trường 401 nhà G7, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội diễn ra chương trình seminar "Dạy học tích hợp: Từ xác định năng lực của giáo viên đến xây dựng chương trình đào tạo" với sự tham dự của GS Jean Paul Bel - nước Cộng hòa Pháp cùng các thầy cô giáo đến từ Trường Đại học Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.