Nền giáo dục Việt Nam hình như đã bỏ rơi bậc Trung học cơ sở từ rất lâu rồi!

31/05/2016 09:04
Nhóm tác giả Việt Cường
(GDVN) - Chúng tôi rất băn khoăn: Không hiểu những người quản lý giáo dục ở nước ta suy nghĩ thế nào, đổi mới thế nào mà lại bỏ rơi bậc THCS lâu đến thế vậy?

LTS: Nhóm tác giả Việt Cường đã nhìn nhận trong sự nghiệp “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà” mà Bộ GD&ĐT đang tích cực và ráo riết chỉ đạo nhưng bậc THCS vẫn không được chú ý tới.

Vấn đề này đã được các thành viên nhóm suy nghĩ từ lâu, nay, với hy vọng vào sự cách tân, quyết liệt của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhóm quyết định đi đến công khai các băn khoăn của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này với mong muốn góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục toàn diện hơn. 


Đây là điều nhức nhối mà chúng tôi đã ngẫm ngợi nhiều năm tháng.

Hiện nay, đứng trước sự nghiệp “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” như Nghị quyết của Đảng đã vạch ra, Bộ GD&ĐT đang tích cực và ráo riết chỉ đạo đổi mới giáo dục ở tất cả các khâu như: Chương trình, Sách giáo khoa, Kiểm tra đánh giá, Mô hình dạy học, Chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên…

Chúng tôi nhận thấy cần phải đánh giá lại một cách thật nghiêm túc việc đào tạo giáo viên dạy Trung học cơ sở (THCS) ở nước ta. 

Việc đào tạo giáo viên THPT có trình độ Đại học đã thành truyền thống và có nề nếp từ sau 1954. 

Nền giáo dục Việt Nam hình như đã bỏ rơi bậc Trung học cơ sở từ rất lâu rồi! ảnh 1
Nền giáo dục Việt Nam hình như đã bỏ rơi bậc học THCS từ rất lâu rồi! (Ảnh minh họa từ tuoitre.vn)

Còn việc đào tạo giáo viên có trình độ Đại học ở bậc Mầm non và bậc Tiểu học cũng đã được tiến hành gần 30 năm, tính từ khi Trường Đại học sư phạm Hà Nội thành lập hai khoa này, rồi đến hàng loạt các Trường Đại học sư phạm khác. 

Hiện nay, nhiều Trường Đại học sư phạm đã có hệ Thạc sĩ giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học. 

Vậy mà điều kì lạ nhất là hiện nay bậc học THCS lại không có một trường Đại học sư phạm nào đào tạo.

Không hề có một giáo viên THCS có trình độ Đại học được đào tạo chính quy ở bất kỳ trường Đại học sư phạm nào trên đất nước ta.

Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, Trường Đại học sư phạm Hà Nội có Khoa Cấp 2, chuyên đào tạo giáo viên THCS hệ cử nhân Đại học sư phạm.

Nhưng không hiểu sao, mấy năm sau, Khoa này bị giải thể, không tiếp tục tuyển sinh nữa.

Năm 1991, Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc sáp nhập vào Trường Đại học sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học sư phạm – Đại học Thái Nguyên) trở thành Khoa Cao đẳng, sau đó đổi tên thành Khoa Giáo dục Trung học cơ sở. 

Nhưng phải đến năm học 2005 – 2006 mới chính thức tuyển sinh đào tạo giáo viên THCS có trình độ Đại học dạy hai môn như: Toán – Lý, Văn – Sử, Văn – Địa, Sinh – Hóa…
 
Tuy nhiên, thật đáng tiếc là tháng 10/2015, Trường Đại học sư phạm – Đại học Thái Nguyên đã ra quyết định giải thể Khoa THCS. 

Nền giáo dục Việt Nam hình như đã bỏ rơi bậc Trung học cơ sở từ rất lâu rồi! ảnh 2

Những hạn chế khi áp dụng mô hình VNEN ở bậc Trung học cơ sở

(GDVN) - Hy vọng những hạn chế sau sẽ được cải thiện dần trong thời gian tới để nâng dần chất lượng dạy và học của cả thầy và trò.

Điều này chủ yếu là do quy định của Bộ GD&ĐT không có mã ngành đào tạo cử nhân Đại học sư phạm hai môn. 

Trong quãng thời gian từ 2005 đến 2014, số lượng giáo viên THCS có trình độ Đại học chính quy do Trường Đại học sư phạm – Đại học Thái Nguyên đào tạo ra chỉ rất là khiêm tốn.

Như vậy, tính từ năm 1954 đến năm 1980, 100% giáo viên THCS đều được đào tạo từ các trường Sư phạm 10+2, SP 10+3 và một số ít Trường Cao đẳng Sư phạm. 

Còn từ năm 1980 đến nay, ước tính trên 95% giáo viên THCS đều được ra lò từ các trường Cao đẳng Sư phạm.

Tất nhiên, có một bộ phận giáo viên tốt nghiệp các trường Đại học sư phạm, được đào tạo ra để dạy THPT do nhiều nguyên nhân đã phải dạy THCS.

Đây là điều hết sức kỳ quái, có lẽ chỉ tồn tại ở nền Giáo dục Việt Nam. Bậc học Mầm non, Tiểu học, THPT đều đã có hệ Đại học, Thạc sĩ, thậm chí có nơi đã đào tạo Tiến sĩ Giáo dục Tiểu học nhiều năm như Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam…

Vậy mà, bậc THCS vẫn hoàn toàn bỏ trống, chỉ được đào tạo ở các trường Cao đẳng sư phạm địa phương.

Điều này dẫn tới một hệ lụy: Các thầy cô giáo dạy THCS muốn có bằng Đại học, bắt buộc phải đi học Chuyên tu (khoảng những năm 80 của thế kỷ trước) hoặc học Tại chức mà nay gọi là hệ Vừa làm Vừa học. 

Những người này học Cao đẳng sư phạm hai môn nhưng học Đại học hệ Vừa làm Vừa học lại chỉ học một môn. 

Do đó, nền kiến thức cơ bản để tiếp nhận trình độ Đại học sư phạm vừa rỗng lại vừa thiếu. Năng lực học viên Vừa làm Vừa học như thế thì chất lượng đào tạo Tại chức làm sao mà cao được; yếu kém, qua loa, bằng giả là cái chắc.

Chương trình đào tạo hệ Vừa làm Vừa học một môn có đặc trưng riêng, được biên soạn dựa theo chương trình Chính quy để đào tạo giáo viên THPT một môn. 

Giáo viên dạy Đại học phải theo chuẩn của THPT, chẳng ai dại gì lại theo chuẩn của THCS. Áp chương trình ấy vào đối tượng này thì đúng là… cười ra nước mắt.

Nền giáo dục Việt Nam hình như đã bỏ rơi bậc Trung học cơ sở từ rất lâu rồi! ảnh 3

Tái cấu trúc hệ thống, giáo dục sẽ bật lên

(GDVN) - Phân luồng sau trung học phổ thông (thường diễn ra ở các nước phát triển) và phân luồng học sinh từ sau trung học cơ sở (diễn ra ở các nước đang phát triển).

Bậc THCS từ lớp 6 đến hết lớp 9, học sinh từ 11 tuổi đến 16 tuổi. Đây là nhóm tuổi đặc biệt, bắt đầu bước vào lúc dậy thì; tâm lý, tính cách, cách ứng xử rất phức tạp, khó lường, dễ đổi thay. 

Hầu hết các bậc cha mẹ đều rất lo ngại và dành nhiều thời gian, công sức để đặc biệt quan tâm đến lứa tuổi này. 

Đa phần học sinh yếu kém, quậy phá, hư hỏng,… đều bắt đầu từ lứa tuổi 14,15,16.

Lên đến lớp 10, lớp 11 rồi thì mọi thứ sẽ ổn định dần, các bậc cha mẹ đỡ lo hơn nhiều.

Đặc biệt, nội dung chương trình sách giáo khoa, phương pháp giáo dục ở lứa tuổi này cũng hoàn toàn khác biệt với THPT. 

Cần phải có một đội ngũ các nhà khoa học, các nhà giáo ở các trường Đại học sư phạm, các Viện nghiên cứu giáo dục dành thời gian và tâm huyết nghiên cứu chuyên sâu mọi vấn đề của bậc học này thì chất lượng giáo dục mới đảm bảo được.

Giao hết trách nhiệm ấy cho các trường Cao đẳng sư phạm với cơ sở vật chất, nề nếp nghiên cứu, đội ngũ giảng viên còn nhiều hạn chế, thậm chí yếu kém quả là một gánh nặng gẫy lưng mà Bộ GD&ĐT đã giao cho các trường Cao đẳng sư phạm mấy chục năm nay.

Ở Đại học sư phạm, sinh viên đi kiến tập, thực tập chỉ đến các trường THPT, không bao giờ đến các trường THCS. 

Vì vậy, nhiều thầy cô giáo tốt nghiệp Đại học sư phạm, có bằng chính quy hẳn hoi, khi nhận công tác ở các trường THCS vẫn không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, thiếu cả kĩ năng và tri thức giáo dục, phải tự mình mày mò, học tập, thay đổi. Điều này thật là lãng phí và phản giáo dục.

Chúng tôi rất băn khoăn: Không hiểu những người quản lý giáo dục ở nước ta suy nghĩ thế nào, đổi mới thế nào mà lại bỏ rơi bậc THCS lâu đến thế vậy? 

Chúng tôi còn nhớ cuối năm 2014, Trường Đại học sư phạm Hà Nội tổ chức một Hội thảo Khoa học về đổi mới chương trình đào tạo Đại học sư phạm, có sự tham gia của tất cả các trường Đại học sư phạm toàn quốc; một số nhà khoa học, nhà giáo tâm huyết đã phát biểu trước Hội thảo về việc cần thiết phải mở Khoa THCS ở các trường Đại học sư phạm. 

Buổi Hội thảo đó có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì.

Thế nhưng những ý kiến ấy đã bị chìm đi, bị rơi vào quên lãng, đến bây giờ không một trường Đại học sư phạm nào quan tâm.

Nền giáo dục Việt Nam hình như đã bỏ rơi bậc Trung học cơ sở từ rất lâu rồi! ảnh 4

Bộ trưởng đâu rồi? Bộ trưởng ơi!

(GDVN) - Tôi và rất nhiều người trong và cả ngoài ngành giáo dục rất mừng về luồng gió mới sẽ đến với ngành khi nghe tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhậm chức, nhưng...

Đáng buồn hơn nữa, tháng 10/2015, Trường Đại học sư phạm – Đại học Thái Nguyên còn ra quyết định giải thể nốt Khoa giáo dục THCS của mình.

Để “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”, việc cấp thiết đầu tiên là phải đổi mới chương trình, phương pháp và định hướng đào tạo giáo viên.

Không có giáo viên giỏi, tất cả mọi đổi mới đều thất bại.

THCS là một bậc học riêng, kéo dài những 4 năm, với những đặc trưng tâm lý lứa tuổi riêng, với chương trình và phương pháp giảng dạy riêng, không thể lồng ghép với chương trình đào tạo giáo viên THPT được và cũng không thể chỉ là nhiệm vụ của các trường Cao đẳng sư phạm địa phương được.

Điều đó chứng tỏ ngành giáo dục Việt Nam đã bỏ rơi bậc học này từ rất lâu rồi.

Hiện nay, đang áp dụng chương trình VNEN từ lớp 6 ở các địa phương, đội ngũ giáo viên như thế, việc tập huấn thì lởm khởm, cơ sở vật chất thì thiếu thốn, trình độ và điều kiện kinh tế văn hóa xã hội ở các vùng miền trên đất nước ta rất khác nhau, việc đổi mới giáo dục kiểu này không khéo sẽ trở thành một thảm họa.

Chương trình đào tạo giáo viên ở các trường Cao đẳng sư phạm và Đại học sư phạm chưa hề có hiểu biết gì hoặc định hướng gì về những môn này, chưa có giảng viên, nhóm giảng viên hoặc công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về những môn này ở các trường Đại học sư phạm...

Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Bộ GD&ĐT, Chính phủ và Quốc hội xem xét, yêu cầu các trường Đại học sư phạm trên cả nước phải thành lập Khoa Giáo dục THCS. 

Thậm chí thành lập các cơ quan nghiên cứu chuyên biệt về bậc học này để tạo ra sự đồng bộ và khoa học trong đào tạo giáo viên, góp phần thực hiện thiết thực và hiệu quả sự nghiệp đổi mới giáo dục theo đúng Nghị quyết 29 của Đảng.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn, cách hành văn của riêng nhóm tác giả.

Nhóm tác giả Việt Cường