LTS: Chia sẻ những suy nghĩ về giáo dục Việt Nam, tác giả Đất Việt mong ước một nền giáo dục nơi những đứa trẻ được sống trong sự tôn trọng sáng tạo chứ không phải là những áp đặt cố hữu.
Theo đó, tác giả cho rằng mọi điều cần nhìn theo hướng tích cực đa chiều, nhằm xây dựng tương lai tốt đẹp cho con em chúng ta.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Khi tôi còn nhỏ, đọc truyện về mẹ Mạnh Tử chuyển nhà 3 lần vì con… vì mong con mình được học gần những người tử tế, có chữ nghĩa, hòng mong còn mình sau này cũng lễ nghĩa được đôi phần.
Lòng tôi đầy cảm kích về những tấm lòng của cha mẹ, những người sẵn sàng hy sinh vì con mình, vì tương lai tốt đẹp của thế hệ sau này.
Sau đó, tôi cũng đọc được câu chuyện của mẹ của Tăng Sâm, học trò của Khổng Tử, khi nghe người nói con mình giết người, lần 1, rồi lần 2, bà mẹ đều không tin vì biết con mình là người đức độ, hiền lành, hiếu thảo.
Nhưng rồi nghe đến lần thứ 3, thì bà sợ quá bỏ chạy khỏi nhà… Câu chuyện này để nói lên sức mạnh của dư luận, của truyền thông, tác động đến con người, gia đình và xã hội, từ rất xa xưa.
Sáng tạo. (Ảnh: owlcation) |
Khi trưởng thành, điều đầu tiên một giám đốc marketing tập đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm, về việc “Hãy xây dựng thị trường, dựa trên niềm tin của người tiêu dùng, dù rằng đấy là niềm tin không hề có cơ sở”!
Trong quá khứ, nếu ai đó nói học tiếng Anh là thế này, chúng ta đều tin và nỗ lực học hỏi theo, dù không hề để ý đến việc, kinh nghiệm và thói quen học của người này hoàn toàn khác người khác…
Nhưng cứ thế thôi, xã hội thời nào cũng vậy, cứ hết người này lên sàn diễn hoặc trở thành “Idol”, rồi lại đến người khác, để dẫn dắt thị trường, thương hiệu, trào lưu, nhằm mục tiêu cuối cùng, là thu hút niềm tin của người tiêu dùng và qua đó, bán sản phẩm, dịch vụ mình cho tốt.
Thương trường là vậy, và nếu người xây dựng thị trường nào, biết rằng niềm tin của người tiêu dùng là có giới hạn, có thử thách, có điều chỉnh qua thời gian, họ buộc phải biết lấy lợi ích của người tiêu dùng là trên hết, vì có phụng sự tốt người tiêu dùng, mình mới kinh doanh tốt được, dù có dùng đến dư luận hay quảng bá gì đi nữa!
Dạy sáng tạo, chuyện từ lớp chồi cho đến lớp 10 |
Khi nhìn lại thị trường giáo dục Việt Nam, tôi thật sự bối rối…
Tôi không rõ cha mẹ sẽ dùng phương thức nào để xác định được đâu là nơi sẽ dạy tốt cho con mình, sẽ yêu thương con mình, sẽ là nơi con mình dành trọn mỗi ngày 6-8 tiếng ở đó.
Nếu lựa chọn trường công lập, hầu như trường nào có uy tín đều phải dựa vào giáo viên giỏi, giáo viên có học sinh đi thi hay đạt giải nọ giải kia, hoặc lại là lớp chọn trường chuyên.
Còn không, thì thôi, may rủi hên xui, con phải học theo tuyến dựa vào địa chỉ nhà ở. Vậy, nếu chúng ta rơi vào hoàn cảnh này, có cách nào cho con học hành tốt hơn? Vui vẻ hơn? Có ý nghĩa với đời học trò của con không?
Thời nay, nhiều báo chí và mạng xã hội đều đưa tin theo “một chiều”.
Có báo khá tên tuổi một thời, không rõ vì lý do gì, giờ này chuyển sang chuyên viết ca ngợi giáo dục Mỹ, thậm chí không dựa trên nghiên cứu khoa học hay tra cứu tham chiếu một số thông tin khác.
Có một số báo khác thì ca ngợi tất cả những gì là giáo dục ngoại, ngoại trừ giáo dục Việt Nam.
Ăn theo đó, các sách, truyện, hình ảnh “siêu nhân” của các học sinh anh hùng của Việt Nam cũng được xây dựng và đưa lên hình ảnh.
Vậy, với gần 20 triệu học sinh, mà hầu hết 99% học công lập, ở diện gia đình trung bình, năng lực học cũng trung bình, đối mặt hàng ngày với những thông tin rất tiêu cực về giáo dục Việt Nam,
Đồng thời với một hình ảnh nhiều sắc màu của giáo dục nước ngoài, liệu chúng ta có đang vướng phải tâm lý “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”… mà dù có biết Thụy Sĩ tốt hơn, nhưng cơ hội nào, phương tiện nào để mà đến Thụy Sĩ?
Thư thỉnh cầu 9 điểm gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
Hơn một năm trời đọc và ngẫm nghĩ kỹ về mục giáo dục ở hầu hết các báo Việt Nam, tôi cứ ước ao…
Ước gì, sau những mô tả về thư viện của Harvard, có ai đó chỉ ra danh sách các thư viện ở từng địa phương, từng khu vực, từng dòng họ, để mọi người có thể đến đọc sách hay có thể chia sẻ về phương pháp đọc sách, dù là sách giấy hay sách trực tuyến cho các em.
Ước gì, thay vì nghĩ đến phải nghỉ làm để dạy con tự học ở nhà, có cách gì những cha mẹ tự dạy con học chia sẻ kinh nghiệm học cùng con cho mọi người cùng tham khảo.
Học cùng con, nếu ai có điều kiện, là hạnh phúc nhất của đời làm cha mẹ, vì đó là chúng ta được quay lại với thời thơ ấu, tuổi học trò lần 2 của chúng ta!
Ước gì, thay vì những trò chơi game, chơi facebook, hay 30 triệu lượt chơi trò Elsa hở hang không hề phù hợp với con trẻ, có ai kể việc cùng con đi sinh hoạt cộng đồng, hay chơi trò chơi tập thể của những gia đình trong cùng khu.
Tôi cứ ước, sao cho những sách vở cũ, quần áo cũ, những đồ chơi cũ, ở những thành phố có điều kiện, được các bạn gom lại, phân loại lại và gửi lên cho các gia đình và em nhỏ khó khăn ở những vùng lũ, vùng khó khăn cao nguyên.
Tôi cũng ước sao, thay vì lên án giáo viên và chương trình tệ hại của giáo dục, mỗi lớp học, có được vài cha mẹ tình nguyện viên, hoặc vài học sinh đại học, tình nguyện xuống giúp đỡ các thầy cô, dẫn dắt các em tự học sau giờ học.
Những ước ao nhỏ bé đó, nếu cứ mỗi ngày, được làm, được lan tỏa, được trân quý bởi mọi người, liệu nó có giúp được phần nào cho xã hội tốt hơn lên?
Hãy cứ hình dung, nếu mỗi sinh viên đại học có thể làm được 1 việc tốt mỗi ngày, chúng ta đã có hơn 2 triệu việc tốt.
Mỗi ngày, từng học sinh phổ thông làm được một việc tốt, chúng ta có được gần 20 triệu việc tốt, và nếu tính ra trên đầu gia đình mỗi học sinh, chúng ta cũng có gần cả một dân tộc làm việc tốt…
Liệu điều này có khó quá không? Khi việc tốt chỉ đơn giản là giúp một người bên cạnh, chia sẻ một phần ăn mà mình không cần, hay gom lại sách vở cũ mà mình không dùng…
Việc tốt có khi chỉ là đừng làm việc xấu, đừng làm việc ác với người khác, đừng mong đợi ai đó sẽ thành “con lừa” để mình chăn dắt, đừng đưa ra những thông tin không đúng sự thật, đặc biệt về lĩnh vực giáo dục, ra cho cả xã hội đọc và lầm tưởng.
Việc tốt là gì? Là hãy làm đúng bổn phận và trọng trách của những người đang phải chịu trách nhiệm về tương lai của giáo dục, của con trẻ, của những chương trình mà cả người học lẫn người dạy đều đang “lụt” trong đó.
Họ muốn thay đổi, nhưng hãy thay đổi vì lợi ích của người học, vì tương lai của thế hệ lao động chính sau này, chứ đừng chỉ vì 80 triệu đô la đi vay làm dự án.
Hãy giúp tìm hiểu làm sao để chấm dứt những bệnh thành tích, bệnh dối trá, bệnh nhũng nhiễu, bệnh vô cảm,... trong giáo dục và trong xã hội.
Mọi người, ai cũng có tai nghe, ai cũng buộc phải nghe từ báo chí, từ truyền thông, từ gia đình và nhà trường.
Gen học làm người tử tế |
Xin hãy đảm bảo được sự trung thực, minh bạch và vì lợi ích của người học lên hàng đầu, để giúp con trẻ có được niềm tin vào giáo dục, thay vì lại bắt đầu học những thói hư tật xấu từ giáo dục.
Hãy làm sao, để nếu có ai đó gọi màu xanh là màu hồng, mọi người đều có thể mỉm cười cho một ý nghĩ thơ ngây, một cách nhìn mới lạ, thay vì hỏi lại “Bị mù màu sao?”.
Nhưng cũng xin với những ai làm giáo dục “sáng tạo”, rằng “quần áo không làm nên thầy tu”, nhưng con trẻ và xã hội mà chúng ta đang sống, lại là những thực thể sinh động của “animal attitude” (tạm dịch, “tâm lý bầy đàn”).
Hãy chia sẻ điều tử tế, điều tốt đẹp một cách chân thành, điều chân thành sẽ quay trở lại, dù là trong giáo dục hay trong kinh doanh.