LTS: Chia sẻ câu chuyện của con gái mình với những sáng tạo thú vị trong học tập, tác giả Jenna An cho rằng khả năng sáng tạo trong mỗi đứa trẻ cần được gia đình và thầy cô khai sáng, phát triển, bồi dưỡng.
Theo đó, chỉ cần được lắng nghe, được yêu thương, được tôn trọng, được hạnh phúc, những đứa trẻ sẽ phát triển đúng con đường mà chúng đã tự lựa chọn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong đề án chương trình mới cho giáo dục phổ thông, từ cấp tiểu học, chúng ta dự kiến sẽ đưa hoạt động trải nghiệm sáng tạo [1] vào chương trình như một môn học riêng.
Vì tôi không phải là giáo viên tiểu học, cũng không có nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục sáng tạo, nên về mặt chuyên môn, tôi không dám nêu ý kiến.
Tôi chỉ muốn chia sẻ một vài câu chuyện nhỏ, rất nhỏ, của 18 năm con tôi đi học, và tôi đã học được ở cháu về tư duy sáng tạo trong học tập như thế nào.
Hy vọng những câu chuyện này có ích phần nào cho chương trình trải nghiệm sáng tạo ở Việt Nam.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã trở thành một môn học trong dự thảo chương trình phổ thông mới. (Ảnh: colourblindawareness.org) |
Chuyện của lớp chồi
Con gái tôi đi học từ rất sớm, sau 2 tháng tuổi bởi chúng tôi không có ai trợ giúp và do yêu cầu của công việc.
Có lẽ vì vậy nên vợ chồng tôi và cháu luôn trân quý những bà, những cô trông trẻ từ lớp nhỏ dưới 18 tháng (con tôi là trường hợp đặc biệt), như gia đình mình vậy.
Riêng cá nhân tôi biết ơn những cô giáo trông trẻ khi các cháu tuổi còn nhỏ, vì trông như vậy rất cực, mà nhà tôi lại hay đi công tác.
Một hôm, khi tôi đến đón cháu, cô giáo hồ hởi chạy ra khoe: “Mẹ, mẹ có biết hôm nay con gái mẹ đã là họa sỹ!”.
Tôi nghe, nhưng chưa hiểu gì, cô cười sung sướng và kể: “Em cho các cháu ngồi chơi với nhau, mang các đồ nghề ra tô vẽ suốt chiều. Đến lúc cuối, em hỏi, “Con vẽ gì đấy?”.
Cháu trả lời em: “Con đang vẽ màu ráng chiều!”. Cô giáo ngạc nhiên quá, vì chưa hiểu màu ráng chiều là màu gì nên hỏi lại con: “Thế màu ráng chiều là màu gì?”.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo khó thực hiện với học sinh nông thôn |
Con trả lời: “Là màu phối của tất cả các màu khác, là màu của chờ đợi bố mẹ đến đón, là màu của bữa xế trước khi tan lớp, là màu của niềm vui khi bọn con không ai khóc nhè!”.
Cô giáo cười kể tiếp, “Trời, em nghe mà hết hồn. Không ngờ con mẹ hay quá, biết vẽ và còn biết minh họa tranh”.
Tôi nghe xong, lòng thầm sung sướng cùng nỗi niềm chưa hiểu con mình hôm nay có chuyện gì mà tự dưng có tính nghệ sỹ thế.
Tối về ngồi chơi với con, rù rì hỏi nhỏ: “Con ơi, sao hôm nay con có màu ráng chiều vậy?”.
Con tôi cười cười trả lời: “Con không thích mấy màu sẵn ở trong bảng đâu. Đỏ, xanh, trắng, màu nào ra màu đó… Con thích quệt lung tung tất cả các màu vào nhau, nên nó không giống màu nào khác.
Mà không giống màu nào, thì mình được đặt tên cho nó, giống như em cún nhà mình, con được đặt tên. Thế nên có màu ráng chiều thôi mẹ”.
Tôi thực sự thích cái ý nghĩa màu sắc mà con tôi nói đến. Nó đơn giản chỉ là màu do cháu tưởng tượng, được đặt tên và được thể hiện ý muốn của chính mình.
Có lẽ nào, đây chính là tự do thể hiện trong sáng tạo, mà vẽ là một hình thức thúc đẩy sáng tạo?
Mặc dù gia đình tôi không có ai có năng khiếu về vẽ hay hội họa, nhưng sau thời gian đấy, dù học lên các lớp trên, cháu vẫn yêu thích hội họa, và rất lạ, cháu thích học viết chữ Trung Quốc cổ khi cháu lấy lớp tiếng Trung như một ngoại ngữ 2.
Nhưng khi cô giáo nói cháu tham gia học nâng cao hội họa, cháu từ chối vì chỉ muốn vẽ như một sở thích cá nhân, vẽ “tự do”.
Tất cả các tranh con tôi vẽ, từ khi còn nhỏ, mặc dù ngây ngô hay khá ấn tượng, tôi đều giữ gìn cẩn thận.
Tổng Chủ biên Nguyễn Minh Thuyết nêu 3 điểm mới trong dự thảo chương trình 2017 |
Thỉnh thoảng lôi ra xem lại tranh con vẽ, con tôi cứ cười tôi “hoài cổ”, nhưng tôi luôn nói với cháu rằng:
“Con sẽ thấy, vẽ không chỉ là thể hiện con đâu. Con đang có nhiều thứ hơn con nghĩ về vẽ đấy”.
Theo tôi hiểu, đấy chính là khả năng tưởng tượng, khả năng tách mình ra khỏi hiện thực và nghĩ về những gì đang ở thời tương lai, để được đặt tên, để được thể hiện chính bản thân mình.
Chuyện của lớp 4
Lớp 4 của con tôi có một yêu cầu đặc biệt. Đó là việc các phụ huynh được khuyến khích đến trường dự cùng tiết học và có thể tham gia sinh hoạt cùng với học sinh và nhà trường, miễn là phải đăng ký trước.
Hầu hết các cha mẹ đều khá bận rộn với việc mưu sinh, nên ít người thu xếp được. Riêng lớp con tôi thì các cháu muốn cha mẹ đều đến tham gia mỗi tháng một buổi hoặc mỗi tuần một tiếng với các con.
Tôi và chồng là những người làm việc tự do, nhưng do lịch đi công tác khá thường xuyên, khó thu xếp tham gia vào các sinh hoạt lớp. Tôi biết cháu có buồn, khi bố mẹ mình chưa tham gia.
Một hôm, cháu nói với tôi: “Mẹ mẹ, liệu mẹ có thể hát hay đọc truyện được không?”. Ở nhà tôi, đọc truyện hay sách là một thứ tôn giáo, vì tất cả chúng tôi đều yêu sách và thích đọc sách.
Tôi nói ngay là mẹ có thể đọc được, và cháu mang máy ảnh ra quay cảnh tôi đọc sách rất diễn cảm.
Tôi không hề biết điều này, cho đến hôm cuối tháng, nhà trường gửi giấy cảm ơn phụ huynh đã thu xếp đọc truyện cho các cháu nghe, mà làm nhiều cháu rất thích thú.
Nỗi khổ của giáo viên dạy nghề phổ thông, dạy hướng nghiệp, hoạt động ngoài giờ |
Hóa ra con gái tôi đã thu lại hình ảnh tôi đọc và phát tại lớp cho cô giáo và các bạn nghe, thay vì chúng tôi đến trường đọc sách cho các con…
Điều làm cháu rất tự hào là khi nghe mẹ đọc, nhiều bạn trong lớp đã thích đến nỗi buộc cháu phải mời mẹ đến lớp học một hôm.
Tôi nghe câu chuyện này cảm động quá, liền đăng ký một ngày trong tháng sau đến đọc sách ở lớp con mình.
Cả lớp và cô giáo tỏ vẻ thân tình vô cùng, như chúng tôi đã biết đến nhau, giao lưu với nhau lâu rồi, và tôi lại đọc sách cho các con nghe.
Từ đó trở đi, tôi là tình nguyện viên cho lớp của con tôi, và luôn nỗ lực tham gia vào tất cả các hoạt động mà các con tham dự ở trường.
Các bạn trong lớp và thầy cô giáo luôn hỏi ý kiến tôi trong mọi vấn đề sinh hoạt và học tập của lớp học.
Tôi như một học sinh lớn của lớp con tôi học, và tất nhiên, con tôi hạnh phúc khi tôi có thời gian dành cho các bạn và lớp học của nó.
Tôi học được ở con tôi một bài học rất lớn từ câu chuyện này. Không gì là không thể, nếu bạn thực sự muốn làm một việc gì đó.
Chuyện của lớp 10
Khi con tôi lên lớp 10 là thời điểm chúng tôi bắt đầu sang Mỹ học. Cả nhà đều vô cùng bỡ ngỡ và thú thật, không biết sẽ sống sót thế nào ở môi trường mới.
Điều tôi ngạc nhiên là khả năng thích nghi tốt nhất lại chính là con tôi, chứ không phải hai vợ chồng.
Khi tôi qua thăm hỏi trường lớp và thầy cô, mọi người đều khá hài lòng với cháu, mặc dù hệ thống chương trình học đã thay đổi rất lớn.
Bốn vấn đề trong mắt giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông thông mới |
Tôi hỏi con tôi về những vướng mắc hay khó khăn nào khi chuyển đổi sang một chương trình mới, một môi trường mới và một cách đánh giá mới.
Cháu nói với tôi như sau: “Toán con học lúc trước là học dần từ thấp tới cao, từ dễ tới khó và học lên dần hàng năm.
Toán bên này (Mỹ) lại học theo học phần, chia theo từng năm, năm nào học hết năm đó.
Nó không khác gì việc mình đã lựa chọn đi ăn ở nhà hàng nào, vào đó họ chỉ có từng đó món, muốn đổi món khác cũng đâu có mà đổi.
Thế nên, con đã nhờ thêm thầy dạy chỉ dùm thêm cho con những gì con chưa biết so với chương trình trước con đã học, rồi phải cố thôi. Không còn con đường nào khác!”
Tôi ngạc nhiên về khả năng chấp nhận sự thật và những khó khăn trong học tập, khi chuyển đổi môi trường học của cháu.
Tôi biết là không chỉ dừng ở việc học thêm giờ ở trường, hỏi thầy giáo về những gì cháu chưa học, cháu phải dành nhiều nhiều giờ tự học thêm để có thể theo kịp các bạn đã có nền tảng học tập trong hệ thống.
Nhưng giờ này, tôi không lo lắng về việc cháu học nữa, bởi tôi biết là con mình đã có được ý thức trách nhiệm với việc học bổ sung cho mình.
Cháu biết cháu cần phải học nhiều hơn nữa để đuổi kịp các bạn khác trong lớp.
Tôi thấy mừng cho tôi, khi con mình đã biết tự học, tự lo cho những công việc, mà dù cha mẹ có yêu thương đến đâu, cũng không thể học hộ, thi hộ được.
Là cha mẹ, tôi thấy thế là đủ để hạnh phúc, dù con mình cũng không phải giỏi giang xuất sắc gì.
Chúng tôi chóng mặt, học trò thêm gánh nặng vì các môn học mới |
Từ những trải nghiệm của mình, cá nhân tôi tin vào năng lực sáng tạo của mỗi đứa trẻ.
Nó như những mầm non, nhú lên theo năm tháng, mà trách nhiệm khai sáng, phát triển, bồi dưỡng, và để được là bản thân nó, thuộc về cha mẹ và giáo viên, trong một môi trường không cần tốn quá nhiều tiền.
Trẻ cần được lắng nghe, được yêu thương, được tôn trọng, được hạnh phúc, sẽ phát triển đúng con đường mà nó đã tự lựa chọn, và có lẽ sẽ là con đường đúng đắn nhất cho việc phát triển nhân cách và năng lực sáng tạo của trẻ.
Việc chúng ta, người lớn và hệ thống giáo dục, dù có tách ra là môn học riêng hay do phương pháp dạy con trẻ của cha mẹ và giáo viên, dù dưới tên gọi nào, mà không thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản trên của con trẻ, tự chúng ta đã đánh mất đi hạt giống sáng tạo trong mỗi trẻ thơ.
Và điều này không hề phụ thuộc vào bất kỳ đề án nào, bất kỳ số tiền nào, được mang tên cải cách giáo dục.
Chỉ duy nhất trẻ cần, là được quan tâm, đúng nghĩa của quan tâm với tình yêu thương, từ cha mẹ và thầy cô.
Tài liệu tham khảo: