Nghị định 88 sửa đổi không ảnh hưởng gì đến giáo viên

19/09/2017 06:49
Phan Tuyết
(GDVN) - Sau bao phản ánh, chờ đợi và hy vọng một sự sửa đổi có phần tích cực hơn thì mọi chuyện về sáng kiến kinh nghiệm vẫn nguyên như cũ.

LTS: Tiếp tục bàn về vấn đề viết sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục cùng với sự ra đời của Nghị định 88/2017/NĐ-CP, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết phản ánh thực trạng này.

Theo đó, tác giả cũng đưa ra giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này bằng kiểu thi vấn đáp chắc sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong và nội dung thể hiện quan điểm và góc nhìn riêng của tác giả.

Việc ra đời Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức đã làm hầu hết giáo viên vui mừng khôn xiết, ai cũng nghĩ từ nay mình sẽ thoát khỏi việc viết sáng kiến kinh nghiệm.

Bởi, Nghị định nêu rõ việc bỏ tiêu chí “Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận” khi phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ và phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, đội ngũ giáo viên đã không phải có sáng kiến mới được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ.

Đội ngũ giáo viên đã không phải có sáng kiến mới được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ (Ảnh: laodong.com.vn).
Đội ngũ giáo viên đã không phải có sáng kiến mới được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ (Ảnh: laodong.com.vn).

Nghị định là thế nhưng những quy định trong các hội thi giáo viên dạy giỏi của ngành thì vẫn còn.

Cụ thể, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường năm nào cũng tổ chức mà phần lớn 100% giáo viên trong trường phải tham gia. Một trong những điều kiện bắt buộc là giáo viên buộc phải có một sáng kiến kinh nghiệm.

Thế là sau bao phản ánh, chờ đợi và hy vọng một sự sửa đổi có phần tích cực hơn thì mọi chuyện về sáng kiến kinh nghiệm vẫn nguyên như cũ.

Như bao năm, giáo viên lại cậy nhờ anh “google” (trang tìm kiếm thông tin) hoặc một số đồng nghiệp ở các huyện thị khác giúp đỡ.

Bởi để viết được một cái sáng kiến kinh nghiệm đúng nghĩa chẳng phải là chuyện dễ.

Có người góp nhặt, tích lũy cả đời dạy học mới có được một ít kinh nghiệm cho riêng mình. Nay mỗi năm viết một cái thì biết lấy đâu ra?

Mới ngày hôm qua thôi, một đồng nghiệp của tôi ở tỉnh xa đã gọi điện hỏi xin bộ sáng kiến kinh nghiệm.

Nghị định 88 sửa đổi không ảnh hưởng gì đến giáo viên ảnh 2

Giáo viên đừng vội mừng về việc bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm

Bạn nói rằng “Trường tôi vừa họp hội đồng buổi đầu tiên đã nhắc nhở giáo viên chuẩn bị viết sáng kiến kinh nghiệm tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường năm nay.

Viết thì chẳng biết lấy gì mà viết vì sáng kiến đâu mà có nhiều thế? Tìm trên mạng cũng phải ghép “râu ông này với cằm bà kia” mới đỡ trùng với thiên hạ.

Bạn cho tôi một bộ để nộp vừa đỡ mất công tìm kiếm, lại không phải chỉnh sửa vì hai tỉnh cách nhau họ chẳng thể nào biết được”.

Rồi bạn hồ hởi khoe “cái sáng kiến năm ngoái bà cho tôi đạt giải B cấp huyện hẳn hoi đấy nhé”.

Tôi chợt nhớ ra đó là cái sáng kiến kinh nghiệm viết chung cùng một đồng nghiệp trong tổ.

Hai chị em tâm đắc vô cùng vì cả năm trời chuẩn bị rất kĩ, viết rồi thử nghiệm, đối chứng cụ thể trên tiết dạy, còn chau chuốt từng chữ, từng câu cho mạch lạc, chặt chẽ và dễ hiểu.

Dù sáng kiến ấy được cả hội đồng khoa học nhà trường chấm loại A nhưng mang lên Phòng Giáo dục lại bị đánh trượt.

Trong khi không ít những sáng kiến khác chỉ là sự sao chép, cóp nhặt chỗ này một đoạn, chỗ kia ít dòng lại được ban giám khảo chấm đỗ.

Nghĩ thấy oan ức vì “của thiệt” lại bị rẻ rúng còn “đồ lô” thì được ghi nhận. Thế nên nói đến viết sáng kiến kinh nghiệm chẳng ai mặn mà cũng vì lẽ đó.

Nghị định 88 sửa đổi không ảnh hưởng gì đến giáo viên ảnh 3

Vẫn chưa hết lo âu vì ...sáng kiến kinh nghiệm

Bởi thế, câu hỏi vẫn luôn được nhiều người thắc mắc “liệu có nên quy định trong hội thi giáo viên dạy giỏi cần phải có sáng kiến kinh nghiệm không?”.

Chúng ta có thể thay đổi quy định này bằng kiểu thi vấn đáp chắc sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Chẳng hạn, ban giám khảo có thể đặt câu hỏi về các giải pháp của giáo viên để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nâng cao giờ dạy, kèm cặp học sinh yếu sao có kết quả, hỗ trợ học có hoàn cảnh khó khăn, hay chuyện làm gì để bồi dưỡng học sinh giỏi hiệu quả, giáo dục một học sinh cá biệt…

Điều này rất thiết thực với công tác giảng dạy hằng ngày của thầy cô.

Thông qua việc trả lời vấn đáp như thế, ban giám khảo cũng trực tiếp kiểm tra được năng lực, sự hiểu biết và khả năng giao tiếp của chính giáo viên ấy.

Và khi đó, cái danh hiệu đạt được của thầy cô cũng xứng đáng hơn nhiều kiểu thi cho có như bây giờ.

Được thế, chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm bằng sao chép sẽ không còn nữa. Thầy cô sẽ tự học hỏi để nạp thêm kiến thức, kinh nghiệm cho chính mình.

Như thế sẽ tác dụng hơn nhiều những điều được in ra trên những trang giấy mà kiến thức lại của một ai khác.

Phan Tuyết