Máy bay tuần tra săn ngầm mạnh nhất của Mỹ và Nhật Bản (nguồn mạng sina TQ) |
Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 3 tháng 2 dẫn hãng Kyodo, Nhật Bản đưa tin, liên quan đến việc Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ trông đợi Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tham gia hoạt động tuần tra mang tính thường xuyên ở Biển Đông, ngày 3 tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani trả lời phỏng vấn báo chí cho biết sẽ thảo luận vấn đề này.
Theo bài báo, ông Gen Nakatani cho hay, khu vực cảnh giới theo dõi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản chưa xác định phạm vi địa lý, ứng phó thế nào là vấn đề sau này.
Gen Nakatani đồng thời chỉ ra, hiện nay Nhật Bản còn chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các nước từng bước gia tăng, ảnh hưởng của tình hình Biển Đông đối với Nhật Bản cũng đang mở rộng.
Gần đây, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Thomas cho rằng, hoan nghênh Nhật Bản mở rộng phạm vi tuần tra trên không tới Biển Đông để tiến hành cân bằng/kiềm chế đối với lực lượng hạm đội không ngừng tăng cường của Trung Quốc.
Thomas còn cho rằng, các đồng minh và đối tác trong khu vực ngày càng xem Nhật Bản là nhân tố quan trọng bảo vệ ổn định khu vực, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trong tương lai hoạt động ở Biển Đông là điều có ý nghĩa.
Đối với vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 30 tháng 1 cho rằng: Tình hình Biển Đông "ổn định", Trung Quốc và ASEAN có ý nguyện và cũng có năng lực cùng bảo vệ tốt hòa bình và ổn định của khu vực Biển Đông.
Các nước ngoài khu vực nên tôn trọng những nỗ lực bảo vệ hòa bình, ổn định của các nước trong khu vực này, không làm những việc chia rẽ quan hệ nước khác, gây ra tình hình căng thẳng.
Máy bay tuần tra săn ngầm mạnh nhất của Mỹ và Nhật Bản (nguồn mạng sina TQ) |
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hành động vũ lực và đe dọa vũ lực của Trung Quốc đã đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, cụ thể như vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014 hay dùng vũ lực ăn cướp các đảo đá của Việt Nam vào các năm 1956, 1974, 1988, 1995...
Dư luận có quan điểm cho rằng, Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vi phạm DOC, bất chấp luật pháp quốc tế, có thể vì mục đích ngoài hòa bình, có thể chặt đứt tuyến đường năng lượng của Nhật Bản... Đọc báo chí điện tử Trung Quốc thì thấy Trung Quốc tỏ ra đặc biệt "hung hăng" với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 30 tháng 1 cũng có bài viết cho biết, ngày 29 tháng 1, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Robert Thomas kêu gọi Nhật Bản mở rộng khu vực tuần tra của không quân tới Biển Đông, nguyên nhân là Trung Quốc có tàu cá, tàu cảnh sát biển và hải quân mạnh hơn các nước láng giềng ở Biển Đông.
Sĩ quan chỉ huy hải quân cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ công khai kêu gọi Nhật Bản kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông như vậy được báo Trung Quốc cho là điều rất hiếm có.
Theo báo "Hoàn Cầu", Nhật Bản luôn "rất hứng thú" (quan tâm) phát huy vai trò ở khu vực Biển Đông, nhưng bài báo muốn Nhật Bản kiềm chế "dục vọng", "suy nghĩ kỹ rồi mới hành động".
Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản |
Bài báo thừa nhận, Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng của Nhật Bản, nhưng nhấn mạnh rằng, Nhật Bản là "nước ngoài khu vực... không có tư cách can thiệp tranh chấp Biển Đông".
Gần đây, Trung Quốc luôn tuyên truyền cho rằng, tự do hàng hải ở Biển Đông không gặp trở ngại (kể cả khi hung hăng kéo lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ vào dọa nạt Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam năm 2014), theo đó, cho rằng, Nhật Bản không có lý do gì điều Lực lượng Phòng vệ Trên không tới đây, rằng, Nhật Bản "đừng hòng làm thay đổi cục diện địa-chính trị Biển Đông, làm một người chơi của tranh chấp Biển Đông". Trung Quốc dùng truyền thông buông lời đe dọa như vậy, song có tí hiệu quả nào không thì chưa rõ.
Bài báo cho rằng, Mỹ đã hiện diện quân sự ở Biển Đông, đây là một sự thực lịch sử. Nhưng, cho rằng: "Biển Đông không phải là nơi người Mỹ định đoạt, Mỹ không có quyền lôi kéo ai vào thì lôi kéo, tùy ý làm tăng căng thẳng quân sự Biển Đông". Đằng sau những lời đe dọa đối với Nhật-Mỹ này của báo Trung Quốc là một mối lo ngại thực sự mà Trung Quốc đã để lộ ra.
Trong lòng không yên, nhưng báo Trung Quốc vẫn nói cứng rằng: Khu vực Biển Đông sẽ không cho phép Nhật Bản trở thành "nước Mỹ thứ hai", cũng không cho phép khu vực này xuất hiện hình bóng đồng minh quân sự Mỹ-Nhật. Sự ủng hộ của "quốc gia cá biệt" không đại diện cho thái độ của toàn bộ khu vực, ý kiến của Trung Quốc phải được tôn trọng.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản |
Cụ thể hơn, báo Trung Quốc dọa: Nếu Nhật Bản cưỡng ép điều Lực lượng Phòng vệ Trên không đến Biển Đông tuần tra, Trung Quốc sẽ sử dụng biện pháp đáp trả nghiêm khắc, có thể sẽ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông, đẩy nhanh, đẩy lớn xây dựng căn cứ ở Biển Đông (bất hợp pháp). Trung Quốc có thể tăng cường hợp tác quân sự với Nga ở Đông Bắc Á, kiềm chế đồng minh Mỹ-Nhật.
Những lời đe dọa này đã rất cụ thể, thể hiện Trung Quốc có thể hành sự một cách bất chấp luật pháp quốc tế cũng như bất chấp chủ quyền, quyền lợi chủ quyền của Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Bài báo nói về Nga như đã là đồng minh của Trung Quốc - điều này thì cũng chỉ là nói vậy thôi. Nga có đồng ý tăng cường quan hệ với Trung Quốc để kiềm chế Mỹ-Nhật hay không và làm như thế nào thì cũng đáng hoài nghi.
Theo bài báo, Mỹ khuyến khích Nhật Bản triển khai lực lượng quân sự ở Biển Đông cho thấy Mỹ hơi "lực bất tòng tâm" trong thúc đẩy thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, muốn để Nhật Bản hỗ trợ khắc phục.
Bài báo cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản nếu vào Biển Đông theo lời kêu gọi của Mỹ thì giống như đồng minh Mỹ-Nhật chính thức đến Biển Đông. Điều này "nghiêm trọng hơn" so với Mỹ-Nhật tuyên bố đồng minh này áp dụng cho đảo Senkaku. Điều này cũng được coi là ngang nhiên thách thức đối với Trung Quốc, là hành vi công khai coi Trung Quốc là "đối tượng giả tưởng". Trung Quốc sẽ đáp trả "nghiêm khắc chưa từng có".
Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản |
Báo Trung Quốc "khuyên" Nhật Bản phải biết giới hạn là gì, không được tự ý tùy tiện trong việc chống Trung Quốc, để mình trở thành kẻ thù số 1 của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cho rằng, trở thành kẻ thù của Trung Quốc không phù hợp với lợi ích của Nhật Bản trong bất cứ tình huống nào.
Bài báo còn tâng bốc bản thân Trung Quốc trong so sánh với Mỹ, cho rằng: Trung Quốc và Mỹ là "nước lớn" châu Á-Thái Bình Dương, hai nước sẽ không dễ dàng lật mặt. Yêu cầu Nhật Bản biết lựa sức mình, không được hồ đồ, đùa bỡn với 2 "người khổng lồ" Trung-Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc có phải là “nước lớn”, là “người khổng lồ” hay không thì cũng chỉ là một thành viên của cộng đồng quốc tế, không phải thích làm gì thì làm, không thể coi thường luật pháp quốc tế và cũng chẳng thể dọa dẫm được ai. Nước to nước nhỏ thì cũng có mạnh, yếu khác nhau. Quả quýt dày có móng tay nhọn.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Hải quân Mỹ |
Máy bay chiến đấu F-15J của Nhật Bản |