Tại Hội thảo Giáo dục năm 2017, do Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức (22/9), nhiều học giả đã gửi đến các tham luận hiến kế giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, để giáo viên yêu nghề hơn.
Trong đó có tham luận “Kinh nghiệm quốc tế về chính sách đối với đội ngũ giáo viên phổ thông và đề xuất cho Việt Nam” của Giáo sư, tiên sĩ Đinh Quang Báo và tham luận “Tăng cường động lực làm việc cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” của ông Hoàng Gia Trang (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông.
Nhiều giáo viên hiện nay có thu nhập thấp không đủ để duy trì cuộc sống (ảnh Baotintuc.vn). |
Theo Giáo sư, tiến sĩ Đinh Quang Báo, đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho phát triển nền giáo dục là quốc sách hàng đầu đó là chiến lược có tính triết lí.
Sách lược hàng đầu, cốt lõi có tính chìa khóa theo bài học của các nước thành công trong phát triển chất lượng giáo dục là giải quyết vấn đề giáo viên.
Để phát triển đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục có nhiều giải pháp được giải quyết đồng bộ, trong đó có những giải pháp cốt lõi.
Giáo sư, tiến sĩ Đinh Quang Báo đã chỉ ra 5 giải pháp tiên quyết cần phải được thực hiện để nâng cao đội ngũ giáo viên phổ thông cụ thể:
“1. thu hút người giỏi, giỏi nhất vào sư phạm để đào tạo thành giáo viên giỏi bằng cách khảo sát, qui hoạch lại số lượng, cơ cấu các loại giáo viên phổ thông để xác định, điều chỉnh cân bằng cung – cầu.
Tiếp đó điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm bảo đảm đầu ra có việc làm.
2. Khi cân bằng cung cầu được thiết lập thì các trường sư phạm không phải gồng mình chạy theo số lượng sẽ có điều kiện đổi mới phương thức đào tạo theo tiếp cận gắn đào tạo với thực tiễn tác nghiệp tại nhà trường phổ thông cả trong giai đoạn đào tạo ban đầu, giai đoạn hành nghề ở phổ thông.
Có thầy cô giáo nào đồng ý bỏ quy định viết tay trong hồ sơ giáo viên? |
3. Quy hoạch lại mạng lưới sư phạm để xây dựng các cơ sở đào tạo giáo viên với qui mô đảm bảo đào tạo chất lượng cao mọi chuyên ngành, mọi trình độ đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học nhờ có đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ giảng viên.
4. Chế độ với đội ngũ giáo viên: Trước hết thu nhập của giáo viên phải đủ sống ở mức trung bình khá trong tương quan xã hội sao cho họ toàn tâm, toàn ý, toàn sức cho nghề giáo dục.
Cùng với yếu tố vật chất là tạo môi trường làm việc sao cho giáo viên vừa có động lực tự do sáng tạo, vừa được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp.
5. Mỗi đơn vị trường học là một “công trường” thi công trực tiếp nhân cách học sinh theo bản thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông vì vậy phải là một môi trường tự do sáng tạo của giáo viên và học sinh”.
Làm sao để giáo viên yêu nghề hơn là chủ đề được nhiều học giả quan tâm tại Hội thảo giáo dục năm 2017 (ảnh Trinh Phúc). |
Qua tham luận của Giáo sư, tiến sĩ Đinh Quang Báo có thể thấy, muốn chất lượng giáo dục phổ thông nâng cao cần phải có giáo viên giỏi, phải được đào tạo bài bản, chế độ đãi ngộ tốt và tôn trọng sự tự do sáng tạo của giáo viên và học sinh.
Đồng quan điểm với thầy Đinh Quang Báo, ông Hoàng Giao Trang cho rằng, sự nghiệp đổi mới giáo dục trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giáo viên phổ thông.
Để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông thì trước hết cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Ngoài trình độ đào tạo thì động lực làm việc cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào chất lượng dạy và học.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Hồ Ngọc Đại lo lắng về chương trình mới |
Theo ông Hoàng Gia Trang: “Trước hết phải tăng cường chế độ phúc lợi cho giáo viên vì so với mức sống chung của xã hội thì một bộ phận không nhỏ giáo viên còn gặp khó khăn.
Kết quả khảo sát yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của giáo viên đối với công việc cũng cho thấy "chế độ tiền lương và phúc lợi” là yếu tố thứ 3 tác động đến mức độ hài lòng của giáo viên đối với công việc.
Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất thì cũng cần chú ý tới đời sống tinh thần cho giáo viên thông qua những hoạt động tham quan, giao lưu để làm giàu thêm vốn sống, tri thức cho các "kĩ sư tâm hồn”.
Ông Hoàng Gia Trang cũng cho rằng: “Ngoài vấn đề nâng cao thu nhập thì việc tạo môi trường làm việc tích cực cho giáo viên mang đến ý nghĩa lớn giúp họ yêu nghề.
Do đó, cần quan tâm, chú trọng xây dựng văn hóa trường học tích cực để tạo ra môi trường thuận lợi và thúc đẩy động lực làm việc cho giáo viên.
Tạo điều kiện cho các giáo viên phát huy khả năng sáng tạo của bản thân.
Đồng thời, tạo ra sự gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau của các giáo viên nhằm phát triển chuyên môn.
Bộ Giáo dục đã xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới |
Có sự ghi nhận, đánh giá công bằng, công khai, dân chủ đối với các thành tích của giáo viên.
Tạo môi trường làm việc tích cực còn được thể hiện qua việc tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia xây dựng chiến lược phát triển nhà trường, được trao đổi, bàn bạc công khai các hoạt động của trường học nhằm giúp họ hiểu rõ và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sắp xếp thời gian giảng dạy hợp lí, tạo môi trường cảnh quan sư phạm thân thiện... để người giáo viên thêm gắn bó với nhà trường và tạo điều kiện để họ có thể nâng cao chất lượng giáo dục học sinh”.
Một yếu tố nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đó là phải tăng cường chính sách bồi dưỡng giáo viên theo vị chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam là:
“Công tác bồi dưỡng giáo viên là hoạt động thường xuyên của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, hoạt động này thường do cấp trên đưa xuống mà đôi khi không xuất phát từ nhu cầu của các trường học và giáo viên...
Chính vì thế, cần xây dựng các quy định về bồi dưỡng giáo viên.
Có những hoạt động do cơ quan quản lí giáo dục cấp trên tổ chức, nhưng cũng có thể có những nội dung giao cho các trường, hoặc cụm trường thực hiện dựa trên nhu cầu của giáo viên và định hướng phát triển của các nhà trường.
Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính để giáo viên tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn và bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Một vấn đề quan trọng được ông Hoàng Gia Trang là cần thiết phải giảm áp lực thành tích đối với giáo viên.
Theo chuyên gia này: “Nghề giáo được coi là có nhiều áp lực trong công việc. Đôi khi vấn đề thành tích làm cho họ trở nên quá tải, mệt mỏi, giảm động lực làm việc.
Các cuộc thi, thao giảng chuyên đề, sáng kiến kinh nghiệm, luyện thi học sinh giỏi, chỉ tiêu học sinh khá, giỏi, danh hiệu thi đua của cá nhân và tập thể, tổ chức các phong trào, tỉ lệ học sinh chuyển cấp, học sinh tốt nghiệp... khiến cho giáo viên mất nhiều thời gian, tâm sức và đôi khi phải làm những việc không mong muốn để đạt thành tích đã đăng kí.
Cần hạn chế hơn nữa những hoạt động thi đua mang tính hình thức, không cần thiết để giảm áp lực cho giáo viên và tạo động lực tốt hơn cho họ trong dạy học”.