Cuối năm giáo viên lại chạy thi đua bở hơi tai

21/03/2018 07:02
Mai Hoa
(GDVN) - “Cuộc chiến” chỉ tiêu trong các trường nói riêng trong ngành giáo dục nói chung sẽ chưa có hồi kết trừ khi một số Thông tư phổ cập, chuẩn quốc gia được bãi bỏ

LTS: Giáo viên là người nắm rõ nhất lực học của học sinh thì lẽ ra họ phải là người có quyền quyết định em nào lên lớp, em nào ở lại. Thế nhưng dù bất bình thì thầy cô vẫn không thể làm trái lệnh cấp trên.

Theo đó, nhằm chia sẻ những góc khuất trong việc dạy học và cho điểm học sinh ở các nhà trường hiện nay, cô Mai Hoa đã có bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Thời điểm này các trường học đang bước vào đợt kiểm tra đánh giá chất lượng học tập giữa kì 2. Nhiều giáo viên ở các bậc học nói với nhau đây là giai đoạn nước rút để hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Song song với việc tổ chức ôn tập cho học sinh thì nhiều thầy cô cũng bận rộn rà soát lại kết quả học tập, rèn luyện của học sinh mình để kịp thời “ứng phó” khi trò thi đạt kết quả không tốt.

Giáo viên bở hơi tai với chạy thi đua (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).
Giáo viên bở hơi tai với chạy thi đua (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).

Giáo viên buộc “ứng phó” và giải quyết hậu quả khi trò học chưa tốt. Vì đầu năm học, các trường thường lên chỉ tiêu học tập, rèn luyện áp về các tổ. Tổ đưa chỉ tiêu đăng kí qua từng lớp.

Nói là tự đăng kí nhưng giáo viên chỉ được phép nâng chỉ tiêu cao hơn quy định chứ tuyệt nhiên không được đăng kí thấp hơn.

Chỉ tiêu trên giao đã cao đôi khi vẫn chưa thể bằng chỉ tiêu của từng trường đưa ra. Nhiều trường muốn chắc ăn và muốn chứng tỏ đẳng cấp của mình nên áp chỉ tiêu về các lớp cao chót vót, thậm chí một cách vô lý.

Ví như lớp có sĩ số 45 em nhà trường chỉ cho phép học sinh nghỉ học 1%, lưu ban 1%, hạnh kiểm chưa đạt…1% trong tổng số học sinh của lớp.

Ai chẳng biết chỉ cần 1 em trong lớp chưa đạt thì tỉ lệ đã chiếm hơn 2%. Thế nên cái quy định 1% kia chẳng khác nào không có.

Học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông còn phải đăng kí chất lượng môn học. Đặc biệt học sinh khối 9 và khối lớp 12 liên quan đến việc thi vào 10 và xét tốt nghiệp. Vì thế, chuyện điểm số với các em thời điểm này vô cùng quan trọng.

Cuối năm giáo viên lại chạy thi đua bở hơi tai ảnh 2Dưới mái trường có những con số phi thường đến khó tin

Đã có hiệu trưởng hùng hồn tuyên bố “để học sinh điểm thấp là lỗi của các thầy cô”. Việc đưa chỉ tiêu cao không phù hợp với chất lượng thực tế trong lớp học.

Nhà trường nói rằng dù không muốn ép giáo viên nhưng cũng không thể làm khác những chỉ tiêu quy định trong các Thông tư như Thông tư số: 59/2012/TT-BGDĐT, Thông tư số: 47/2012/TT-BGDĐT, Thông tư 36/TT-BGDĐT…

Những Thông tư này, đưa ra các chỉ tiêu về phổ cập đúng độ tuổi, tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng, hiệu quả sau 5 năm đào tạo, tỉ lệ học sinh khá, giỏi, tỉ lệ duy trì sĩ số, tỉ lệ học sinh lưu ban thường cao ngất ngưỡng. 

Đã từng có lần, tôi mạnh dạn cho 5 học sinh học lực yếu (mới ở học kì 1) thì Phó hiệu trưởng nhà trường đã tuyên bố rằng:

"Từ học kì này, chị phải thường xuyên dự giờ lớp em. Xem em dạy dỗ thế nào mà nhiều học sinh yếu như thế?”. Và rồi hàng tuần, khi nào rảnh vị hiệu phó ấy lại xách sổ vào ngồi ngay cuối lớp.

Nếu là giáo viên, ai cũng cảm thấy chẳng thoải mái gì khi trong tiết dạy cứ có người ngồi dưới lớp nhìn chòng chọc và xăm soi mình.

Có đồng nghiệp của tôi vì cương quyết xếp 2 học sinh yếu ở lại lớp cũng bị hạ bậc thi đua vì chưa hoàn thành nhiệm vụ. Khốn khổ không kém là việc học sinh bỏ học. Cứ bỏ một em, giáo viên bị hạ một bậc thi đua…

Người ta cứ đánh thẳng vào việc xếp loại giáo viên. Chẳng thầy cô nào lại mong muốn mình bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong khi chính bản thân đã nỗ lực hết mình suốt cả năm học.

Giáo viên chủ nhiệm xin điểm, thầy cô bộ môn tăng cường “gieo xạ”

Thế nên để tự cứu mình, giáo viên phải làm đủ mọi cách để đạt chỉ tiêu một cách hợp lệ.

Thường thì sau khi rà soát những học sinh có nguy cơ lưu ban vì đạt điểm quá thấp. Những thầy cô chủ nhiệm đi xin đồng nghiệp nâng điểm hoặc tự mình điều chỉnh điểm số cho những em đang có kết quả học tập thấp.

Việc xin điểm cho trò cũng dễ dàng không kém việc mình tự nâng điểm. Bởi chẳng khác gì chuyện nợ đồng lần lẫn nhau.

Cuối năm giáo viên lại chạy thi đua bở hơi tai ảnh 3"Hoá ra từ dưới lên trên đều cố gắng lừa dối nhau vì bệnh thành tích"

Anh xin cho em này, tôi lại xin cho em khác…lần này chưa xin thì lần khác sẽ có. Bởi thế, trước yêu cầu của đồng nghiệp cũng rất ít người từ chối.

Điểm số trong tay thầy cô muốn cho trò bao nhiêu điểm mà chẳng được. Thôi thì đủ cách cấy, xạ nhưng có lẽ an toàn nhất vẫn là điều chỉnh điểm miệng, điểm 15 phút.

Điểm ưu việt nhất của biện pháp này là không để lại bằng chứng của việc nâng hạ điểm. Ví như giáo viên sẽ thưởng điểm vì học sinh trả lời câu hỏi đúng (một câu hỏi quá dễ để lấy cớ ghi điểm chẳng hạn), vì em ấy tích cực trong giờ học…

Thường điểm kiểm tra 15 phút thầy cô có thể không phát và không cần lưu giữ. Nên cho bao nhiêu điểm cũng “chỉ mình thầy biết thầy hay”.

Không chỉ học sinh yếu mà học sinh khá giỏi cũng phải nâng điểm. Ví như khá lên giỏi, giỏi sẽ đạt xuất sắc.

Giáo viên phải xem lại kết quả chất lượng giáo dục lớp mình đạt được ở cuối kì 1 để dựa vào đó nâng chất lượng nhích dần lên theo đúng tinh thần “kết quả lần sau phải cao hơn kết quả lần trước”.

Vì thế, “cuộc chiến” chỉ tiêu trong các trường học nói riêng trong ngành giáo dục nói chung sẽ mãi chẳng có hồi kết trừ khi một số Thông tư về phổ cập, chuẩn quốc gia…được bãi bỏ.

Mai Hoa