Ngày 25/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo phương án xử lý đối với cơ sở nhà, đất nơi tọa lạc trường mầm non Tuổi Thơ Thanh Chương – vốn được dư luận biết đến vụ việc cô giáo quỳ.
Theo quyết định này, đất trường mầm non Tuổi Thơ Thanh Chương hiện vẫn là đất của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Thanh Chương.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hình thức bán đấu giá đối với cơ sở nhà đất tại địa chỉ khối 3 thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Thanh Chương (trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp Thanh Chương cũ) theo đúng quy định hiện hành.
Ngôi trường Tuổi Thơ Thanh Chương Nghệ An là ngôi trường tư thục đầu tiên và hiện đại nhất ở huyện Thanh Chương nhưng trong mắt Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An là không có giá trị (ảnh tư liệu) |
Giao Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với cơ sở nhà đất tại địa chỉ khối 3 thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Thanh Chương (Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp Thanh Chương cũ).
Cũng theo quyết định này, tài sản đã được tạo lập trái quy định trên khu đất thì Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An không bồi thường đối với tài sản được tạo lập trái quy định trên khu đất (theo như ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 6272/BTNMT – TCQLĐĐ ngày 14/11/2018).
Đối xử với nhà đầu tư giáo dục như vậy, Nghệ An muốn nhận lấy điều gì? |
Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phương án xử lý tài sản đã được tạo lập trái quy định trên khu đất theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo thông tin nắm được, giá khởi điểm thuê đất trả tiền một lần của khu đất khoảng 2,3 tỉ đồng.
Được biết, nhà đầu tư đã bỏ số tiền 7 tỷ đồng để xây trường mầm non Tuổi Thơ khi được huyện Thanh Chương mời gọi về đầu tư.
Tuy nhiên, thủ tục pháp lý thì nhập nhằng, nhà đầu tư đã cố gắng hết mức nhằm hoàn thành nhưng từ tỉnh đến huyện giải quyết không thấu đáo dẫn đến nhà đầu tư tiền mất tật mang.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 5/9, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được tâm thư của các giáo viên mầm non trường Tuổi Thơ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An bày tỏ niềm mong mỏi được mở lại trường để dạy học.
Trước đây, những giáo viên này đã từng phải quỳ lạy, van khóc mong chính quyền không đóng cửa trường học nhưng bất lực.
Cứ tưởng, sau khoảng thời gian nghỉ hè, mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa nhưng khi cả nước tưng bừng khai giảng năm học mới 2018-2019 thì trường của các cô vẫn đóng cửa im lìm.
Trong tâm thư, các cô giáo chia sẻ về cảm xúc của mình cho rằng: “Chúng tôi – những cô giáo mầm non vừa được tạo cơ hội làm việc ở một ngôi trường mầm non khang trang, hiện đại, tình cảm cô trò đang ngày càng yêu thương gắn bó, bỗng dưng phải chia lìa, buồn lắm, đau đớn lắm”.
Các thầy cô từng quỳ lạy, khóc lóc nay bất lực nhìn trường tiếp tục đóng cửa! |
Cũng trong tâm thư, các cô giáo mầm non Tuổi Thơ kể về sự ra đời của trường mầm non Tuổi Thơ, cụ thể: “Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương đã mời Tiến sĩ Đặng Minh Chưởng – người có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với giáo dục mầm non về Thanh Chương đầu tư xây dựng trường.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, Tiến sĩ Đặng Minh Chưởng về huyện miền núi Thanh Chương xây trường mầm non Tuổi Thơ trên phần đất dành cho giáo dục.
Đó là một rẻo đất trên một ngọn đồi, xa đường quốc lộ, ngổn ngang tường gạch đổ nát, nghĩa là nó không phải đất vàng để đầu tư vào bất động sản để kiếm lời.
Trước đây, hàng chục năm không ai ngó ngàng gì tới mảnh đất ở huyện miền núi này, nay Tiến sĩ Đặng Minh Chưởng đầu tư gần chục tỷ đồng và sức lao động của tập thể chúng tôi để xây dựng một ngôi trường mầm non khang trang hiện đại chưa từng có trên địa bàn huyện nhà.
Trường trang bị camera giám sát từng lớp học, máy điều hòa nhiệt độ, sân chơi, bếp ăn đồng bộ,…
Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi làm việc trong môi trường như vậy, được ký hợp đồng, trả lương thỏa đáng, đóng bảo hiểm đầy đủ, được bồi dưỡng thêm tiếng Anh.
Mỗi lớp học có 3 cô giáo phụ trách, chương trình giáo dục có nhiều khác biệt, phong phú, đa dạng so với trường công, theo kịp xu hướng giáo dục tiến tiến.
Kiên quyết đóng cửa trường Tuổi Thơ, mặc dù các cô đã quỳ lạy cầu xin |
Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều phụ huynh đã tin tưởng mang con em tới trường mầm non Tuổi thơ nhập học, trong đó có nhiều phụ huynh là lãnh đạo huyện Thanh Chương.
Ông Nguyễn Văn Vinh – Chủ tịch Thị trấn – ra lệnh đóng của trường cũng là người đã gửi con đẻ và 1 cháu ở đây”.
Khi cả nước tưng bừng khai giảng năm học mới nhưng trường mầm non Tuổi Thơ vẫn bị đóng cửa nên các cô khẩn thiết: “Nếu chỉ vì một vài thủ tục mà Công ty Minh Sang mở trường chưa đầy đủ, thì chẳng lẽ sau một năm mà vẫn không xong hay sao;
Khi mà Nhà nước đang chỉ đạo cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo? thì Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương hay Lãnh đạo thị trấn Thanh Chương có nghĩ đến quyền lợi của các cháu, của người dân, của các phụ huynh không?
Và kể cả quyền lợi của những người bị mất việc làm như chúng tôi? Việc đình chỉ một cơ sở giáo dục có chất lượng, được người dân tin tưởng tuyệt đối có thật sự hợp tình, hợp lý không?”.
Cũng trong tâm thư, các cô kể rằng: “Chúng tôi đã khóc, đã quỳ gối nhưng trường vẫn phải đóng cửa để “hoàn thiện thủ tục”.
Hơn hai tháng nay, mặc dù trường đóng cửa nhưng chúng tôi vẫn lặng lẽ đến trường chăm sóc vườn hoa cây cảnh, dọn dẹp vệ sinh trường lớp, bồi dưỡng chuyên môn.
Sân trường hoa vẫn khoe sắc, cửa lớp hằng ngày vẫn mở nhưng vắng bóng trẻ thơ.
Đâu rồi? Những tiếng cười đùa trong trẻo giòn tan, những ánh mắt ngây thơ hồn nhiên đầy tinh nghịch.
Nhớ lắm những cái ôm hôn vô cùng ấm áp, những bàn tay nhỏ nhắn xinh xinh ôm chặt lấy cô, những giờ học sôi động đầy hứng thú, những bữa ăn, giấc ngủ ngon lành…những điều đó sao mà hạnh phúc bình yên đến thế!”.
Các cô cho rằng: “Chúng tôi thực sự phẫn nộ và đang cảm thấy tuyệt vọng! Chúng tôi phải làm gì bây giờ! Chẳng lẽ chúng tôi phải quỳ nữa, phải khóc nữa! Nếu phải quỳ nữa, phải khóc nữa mà trường mở của, chúng tôi vẫn sẵn lòng.
Chưa bao giờ chúng tôi thấy sợ hãi hai từ “thủ tục” đến như vậy.
Theo tâm thư: “Thật cay đắng và xót xa khi biết năm học này, nhiều phụ huynh làm việc trên địa bàn thị trấn mà không có hộ khẩu thì con của họ không được đăng ký vào trường mầm non công lập thị trấn Thanh Chương.
Trong khi đó trường Mầm non tư thục Tuổi thơ – ngôi trường đẹp nhất trên địa bàn huyện lại phải đóng cửa bỏ không và chúng tôi, những cô giáo tâm huyết với nghề sẽ có thể bị mất việc vô hình trung chúng tôi đã trở thành gánh nặng cho người thân”.
Qua tâm thư gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, các cô bày tỏ nguyện vọng: “Mong mỏi các cấp, các ngành hãy lắng nghe và có những quyết định thấu tình đạt lý để trả lại cho các em quyền được học, trả lại cho chúng tôi quyền được đi dạy, trả lại cho nhà đầu tư sự công bằng cần có trong một xã hội pháp quyền, chứ không chỉ một vài dòng trên tờ A4 có thể tước đoạt quá nhiều thứ đi ngược với lương tâm và tinh thần Chính phủ kiến tạo”.