Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham gia trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường.
Sau Kỳ họp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, trong đó giao ngành Giáo dục tập trung thực hiện tốt 04 nhóm vấn đề.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai và đến đầu tháng 10/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kết quả thực hiện Nghị quyết 33 liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo như sau:
Vấn đề 1: Về rà soát Luật Giáo dục; các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; công tác thi và tuyển sinh; định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên.
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, phân tích những tác động tích cực và hạn chế của Luật Giáo dục hiện hành; tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Giáo dục; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhân dân một cách nghiêm túc để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục;
Phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tổ chức các cuộc hội thảo để lấy ý kiến các cơ quan quản lý, các sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục phổ thông, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Luật; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiệp hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học |
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thừa ủy quyền của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật Giáo dục (sửa đổi).
Thứ hai, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động và chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng, triển khai 14 đề án (04 đề án có điều chỉnh không ban hành).
Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành đã hoàn thành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 10/14 đề án, 04 đề án đã trình Thủ tướng Chính phủ (trong đó 01 đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 01 đề án của Bộ Lao động Thương binh và xã hội đang hoàn thiện theo hướng tiếp cận các văn bản ban hành mới).
Việc ban hành và triển khai các đề án như Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; Đề án đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề;
Đề án đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo;
Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2016 - 2020; Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề;
Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông... đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học.
Thứ ba, xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu kế thừa được những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục các bất cập của kỳ thi “3 chung” trước đây, đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, tác động tích cực lại với việc đổi mới dạy-học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và với xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Qua 4 năm thực hiện, Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Bất cập, sai phạm trong tổ chức thi ở một số địa phương đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục trong Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng đảm bảo quyền tự chủ của các trường theo quy định của pháp luật.
Công tác xét tuyển đại học đảm bảo được các tiêu chí an toàn, hiệu quả; áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển, xác nhận thí sinh nhập học lên hệ thống để đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa số thí sinh ảo…
Điểm trúng tuyển cũng đã phản ánh được chất lượng đầu vào và thể hiện được sự phân hóa chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường...
Sách giáo khoa mới do Bộ Giáo dục biên soạn sẽ có phiên bản điện tử |
Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông chuyển sang học nghề có xu hướng tăng.[1]
Thứ năm, đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập.
Hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên được các địa phương quan tâm phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, học suốt đời của mọi đối tượng là học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, đội ngũ giáo viên, người lao động và mọi người dân trong cộng đồng. [2]
Hệ thống Hội khuyến học được thành lập ở hầu hết các đơn vị cấp xã trong cả nước, trên 99% các xã có trung tâm học tập cộng đồng.
Phong trào gia đình hiếu học, cộng đồng khuyến học phát triển mạnh đã tác động tích cực trong việc xây dựng xã hội học tập.
Vấn đề 2: Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đánh giá toàn diện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, mô hình trường học mới (VNEN), quản lý chặt chẽ dạy thêm, học thêm.
Thứ nhất, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành xây dựng chương trình tổng thể và các chương trình môn học;
Tổ chức thực nghiệm những điểm mới về nội dung và phương pháp dạy học theo chương trình mới; chỉ đạo chuẩn bị tài liệu hướng dẫn và kế hoạch tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Theo quy định của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa; tổ chức thẩm định sách giáo khoa đảm bảo khách quan, công bằng (gồm bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc tổ chức biên soạn và các sách giáo khoa khác do tổ chức, cá nhân biên soạn); phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Bộ sách giáo khoa do Bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, trong đó có phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng.
Bộ đang thực hiện các thủ tục theo quy định để ban hành Thông tư Chương trình giáo dục phổ thông trong tháng 10 năm 2018.
Bộ đã ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương tiến hành rà soát, bổ sung, sắp xếp, bồi dưỡng giáo viên;
Xây dựng Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông mới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời đã tích cực phối hợp và đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Thứ hai, chỉ đạo đánh giá toàn diện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025.
Ảnh chụp màn hình chương trình Vấn đề hôm nay ngày 30/8/2017 của Đài truyền hình Việt Nam (VTV.vn). |
Mô hình trường học mới (VNEN) đã được Ngân hàng thế giới và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động và công bố năm 2017.
Kết quả đánh giá cho thấy, thực chất đây là một phương thức dạy học mới, theo hướng tổ chức cho học sinh tự học, tự chủ, tự quản; chuyển từ việc truyền thụ kiến thức của giáo viên sang việc tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học; lấy hoạt động học sinh làm trung tâm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, đáp ứng định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Trên cơ sở các đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 3459/BGDĐT-GDTrH ngày 08/8/2017 hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả mô hình này.
Để quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm sai quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp như rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải nội dung các môn văn hóa;
Tăng thêm giờ học và hoạt động giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm;
Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh;
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra...
Vấn đề 3: Về rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức rà soát mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học để đảm bảo phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Luật Quy hoạch, trong đó chú trọng sử dụng các công cụ quản lý chất lượng để điều chỉnh và hoàn thiện mạng lưới.
Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai các hoạt động nhằm tăng cường quản lý quy hoạch mạng lưới và gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội như:
Định kỳ công khai minh bạch kết quả kiểm định chất lượng trên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo; rà soát các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học rà soát, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, làm căn cứ cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh;
Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh muốn độc quyền về hoạt động ngoại khóa? |
Từng bước siết chặt chất lượng đào tạo theo hướng quản lý chất lượng đầu ra, tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội;
Yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học báo cáo tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm nhằm đề cao yêu cầu đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động và làm cơ sở cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Thứ hai, ban hành một số văn bản để nâng cao chất lượng giáo dục đại học như: Quy chế đào tạo vừa làm vừa học trình độ đại học; Quy chế về liên kết đào tạo trình độ đại học; Quy chế về đào tạo tiến sĩ;
Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo theo hướng gắn với điều kiện đảm bảo chất lượng và nhu cầu xã hội; đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ; Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học.
Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2018 - 2025 tầm nhìn 2030.
Đồng thời đẩy mạnh thực hiện Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, khuyến khích đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp; cho phép các cơ sở đại học được đào tạo bằng hai cho sinh viên chưa tìm được việc làm vào học các ngành có nhu cầu nhân lực cao như công nghệ thông tin, du lịch...
Để có định hướng, cơ sở cho việc phát triển hệ thống giáo dục đại học của nước ta trong dài hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trình Quốc hội và đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2035.
Vấn đề 4: Về chính sách cử tuyển và hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số.
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan rà soát, tổng kết, đánh giá thực trạng, vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số;
Nghiên cứu, đề xuất giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số.
Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất sửa đổi quy định về việc thực hiện chính sách cử tuyển trong Luật Giáo dục (sửa đổi) theo hướng: Nhà nước dành riêng chỉ tiêu cử tuyển đối với các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Có chính sách tạo nguồn tuyển sinh trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để học sinh các dân tộc này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ vào nhu cầu của địa phương, có trách nhiệm đề xuất chỉ tiêu cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề phù hợp, cử người đi học cử tuyển theo đúng chỉ tiêu được duyệt và tiêu chuẩn quy định.
Cơ sở giáo dục có trách nhiệm hỗ trợ cho người đi học theo chế độ cử tuyển để bảo đảm chất lượng đầu ra.
Người được cử đi học theo chế độ cử tuyển được ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức.
Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển, việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển, việc tuyển dụng người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Chú thích:
[1] Năm 2017: Số lượng thí sinh đến nhập học thực tế là 366.250 học sinh được tuyển vào đại học, chiếm 42% trong tổng số 865.975 thí sinh đăng ký dự thi. Như vậy, còn khoảng 500 ngàn học sinh, chiếm khoảng 58% tổng số học sinh không được tuyển vào đại học, tham gia giáo dục nghề nghiệp và các hình thức lập nghiệp khác.
Năm 2018: Có khoảng 336 ngàn học sinh được tuyển vào các ngành của giáo dục đại học và cao đẳng, trung cấp sư phạm, chiếm khoảng 36% tổng số khoảng 926 ngàn học sinh đăng ký dự thi trung học phổ thông quốc gia. Như vậy, còn khoảng 590 ngàn học sinh, chiếm khoảng 64% tổng số học sinh không được tuyển vào đại học, tham gia giáo dục nghề nghiệp và các hình thức lập nghiệp khác.
[2] Hiện nay, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: 695 trung tâm giáo dục thường xuyên (74 trung tâm cấp tỉnh, 621 trung tâm cấp huyện (32 trung tâm giáo dục thường xuyên và 589 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên); 11.019 trung tâm học tập cộng đồng, 2.854 trung tâm ngoại ngữ tin học do các sở giáo dục và đào tạo quản lý.
Từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã có hơn 100 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng; gần 5 triệu người học ngoại ngữ và hơn 1 triệu người học bồi dưỡng tin học ứng dụng; hơn 2 triệu người tham gia học nghề ngắn hạn; hơn 235.000 người theo học lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.