Ngày 26/9, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có văn bản phản ánh kiến nghị của nhân dân tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, văn bản này gửi tới Ban Thường trực Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đó nêu rõ:
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận công văn số 5435/MTTW-BTT đề ngày 04/9/2018 về việc báo cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV.
Liên hệ chức năng của Hiệp hội, trong báo cáo này, Hiệp hội xin tập trung phản ánh một số vấn đề liên quan đến giáo dục và gắn với việc chuẩn bị Luật Giáo dục sửa đổi (Luật Giáo dục sửa đổi), chuẩn bị Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật Đại học sửa đổi) theo tinh thần các Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, XII và Hiến pháp 2013 của đất nước.
Với tinh thần đó, Hiệp hội xin có một số ý kiến dưới đây.
Thứ nhất, về vấn đề hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân
Nghị quyết của Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29) chỉ rõ phải hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Tuy nhiên, những gì hiện có (bao gồm luật và những dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi và Luật Đại học sửa đổi) đều chưa hoàn toàn phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng.
Cụ thể: (i) Chưa “kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển nhân tố mới”; đã loại hệ cao đẳng (một kết quả của 30 năm đổi mới giáo dục đại học) ra khỏi hệ thống giáo dục đại học;
(ii) Việc trên còn biểu hiện chưa tiếp thu tốt “kinh nghiệm của thế giới” khiến hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam không hợp chuẩn ISCED do UNESCO ban hành ;
(iii) Cũng chưa thể hiện rõ việc “phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông” như tinh thần Nghị quyết 29.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi mới chỉ chung chung: “giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở, giáo dục trung học phổ thông”.
Liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân (từ mầm non đến đại học) Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi đến các cấp có thẩm quyền. Xin gửi kèm văn bản này Công văn số 100/HH-VP của Hiệp hội.
Quan điểm của Hiệp hội là sửa Điều 4 Luật giáo dục theo tinh thần sau:
“1. Hệ thống giáo dục quốc dân phải là một hệ thống giáo dục mở, gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
2. Các phân hệ và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
a) Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo;
b) Giáo dục tiểu học;
c) Giáo dục trung học có trung học cơ sở và trung học toàn phần. Trung học toàn phần lại bao gồm hai luồng: trung học phổ thông và trung học hướng nghiệp.
d) Giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp.
e) Giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.”
Thứ hai, về Kỳ thi công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học
Nhìn chung xã hội coi việc thi công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học/ cao đẳng là hai vấn đề riêng biệt, cho dù tốt nghiệp trung học phổ thông là điều kiện để tuyển sinh đại học.
Việc thi công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông không chỉ là đánh giá kết quả học tập của người học ở giai đoạn giáo dục phổ thông mà còn giúp cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đánh giá chương trình giáo dục phổ thông 12 năm của quốc gia có căn cứ để định hướng phát triển tiếp.
Tấm bằng công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông là hành trang để người sở hữu nó đến với những cơ sở giáo dục mới, các chương trình giáo dục đại học hoặc cơ hội việc làm kể cả của nước ngoài.
Điều này càng phấn khích đối với lớp trẻ, bởi vì việc trên diễn ra vào dịp họ kết thúc giai đoạn “vị thành niên”.
Nước ta từ trước đến nay thi tốt nghiệp trung học phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho cả nước, nhìn chung đã đáp ứng được nhu cầu trên, cần phát huy.
Về tuyển sinh đại học được Luật Giáo dục đại học quy định tại Điều 34. Theo đó, phương thức tuyển sinh là “thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển”.
Cơ sở giáo dục đại học “tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.
Như vậy, việc có tổ chức chọn lọc hay không là tùy từng trường hợp và tùy từng cơ sở giáo dục đại học.
Mới đây, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã bộc lộ sự gian lận trong quá trình tổ chức thi ở một số địa phương, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đưa ra những đề nghị xem xét lại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Vệt Nam và nhiều người dân, nhà giáo dục, nhà khoa học luôn cho rằng: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết. Kỳ thi này cần được quản lý tốt ở tầm quốc gia cho đến cơ sở. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước nên khẳng định kỳ thi kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông và cấp bằng cho người dự thi (nếu đạt).
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chỉ đạo chung, chuẩn bị đề thi chung, còn việc tổ chức thi, cấp bằng giao cho các sở Giáo dục và Đào tạo. Việc tuyển sinh đại học là việc của mỗi trường đại học, quy định như Điều 34 ở Luật Giáo dục đại học hiện hành là phù hợp.
Thứ ba, về vấn đề chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa
Gần đây xã hội ồn ào về lãng phí sách giáo khoa. Sự ồn đến mức có một số ý kiến cho rằng “không thể có sách giáo khoa tự chọn được”, “không thể có kiểu làm sách giáo khoa mà mỗi trường một kiểu sách, một kiểu học”.
Luật Giáo dục sửa đổi lần này đã chuẩn bị theo hướng một chương trình, nhiều sách giáo khoa mà Nghị quyết 88 của Quốc hội đã thông qua. Dư luận chung của xã hội cũng như Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ủng hộ việc này. (Ảnh minh họa: VTV) |
Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì việc “Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt” cùng với việc “thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học “như quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH 13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội (Nghị quyết 88) là phù hợp.
Được như thế sẽ mang lại nhiều lợi ích, rõ nhất là:
- Tiết kiệm cho Nhà nước, cho nhân dân. Nhà nước không phải bỏ nhiều ngân sách vào chuẩn bị bản thảo, chăm sóc tác giả, trả nhuận bút. Người học, nhà trường có thể dùng nhiều lần những sách đã xuất bản, hàng năm tiết kiệm cho xã hội nhiều tỷ đồng.
- Đem đến tự do sáng tạo đối với thầy và trò. Nhà giáo, nhà khoa học khắp đất nước cùng với nhiệm vụ giảng dạy có thể tự nghiên cứu viết sách, đổi mới phương pháp dạy học. Học sinh không chỉ chăm chú vào cuốn sách giáo khoa duy nhất mà thay vào đó là tự tìm tòi lý lẽ, giải quyết vấn đề bằng việc tìm đọc nhiều sách khác nhau.
Luật Giáo dục sửa đổi lần này đã chuẩn bị theo hướng một chương trình, nhiều sách giáo khoa mà Nghị quyết 88 của Quốc hội đã thông qua. Dư luận chung của xã hội cũng như Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ủng hộ việc này.
Thứ tư, về vấn đề sử dụng tài nguyên giáo dục mở
Ở Việt Nam, đến thời điểm này cụm từ “tài nguyên giáo dục mở” mà tiếng Anh viết tắt là OER (Open Educational Resources) đã trở nên quen thuộc với những người quan tâm đến giáo dục.
Có độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục |
Liên hệ trực tiếp vào giáo dục Việt Nam thì trong thời đại kỹ thuật số này những học liệu (điển hình như sách giáo khoa, chương trình giảng dạy, kế hoạch học tập, các tư liệu khóa học hoặc các ghi chép bài giảng, các bài tập, các bài kiểm tra, âm thanh, video và hoạt hình…) do tập thể hoặc cá nhân các nhà giáo dục tạo ra thông qua các hợp đồng công việc có sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước đều nên được cấp phép mở một cách thích hợp để các học liệu đó trở thành tài nguyên giáo dục mở.
Bằng cách này người học, người dạy, hay bất kỳ ai sử dụng chúng đều có quyền tự do không mất tiền để truy cập.
Quan trọng hơn, họ còn có quyền tùy biến và sửa đổi chúng cho phù hợp với nhu cầu, mục đích sử dụng của bản thân họ, miễn là họ vẫn thừa nhận ghi công cho các tác giả tạo ra các học liệu đó đúng như những gì các tác giả đó mong muốn.
Làm như thế, quyền lợi của các tác giả vẫn được tôn trọng, cả về vật chất (thông qua hợp đồng biên soạn các học liệu bằng ngân sách nhà nước), lẫn về tinh thần (được thừa nhận ghi công cho các học liệu họ đã tạo ra), nhưng đồng thời các tác giả, thông qua các hợp đồng biên soạn, có bổn phận trao một số quyền bản quyền cho những người sử dụng đủ để họ truy cập tới học liệu đó không mất tiền và không phải xin phép các tác giả nếu họ muốn tùy biến và sửa đổi chúng cho phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng của bản thân họ.
Và như vậy, quyền lợi của những người đóng thuế cũng sẽ được tôn trọng, vì họ không phải trả tiền lần thứ 2 để có được các học liệu cùng với các nội dung bên trong mà họ mong muốn.
Cách thức nêu trên rất cần được định chế bởi luật pháp.
Hiện nay, nhiều nhà giáo dục, nhà khoa học am tường về OER đã lên tiếng đề nghị Nhà nước quy định sử dụng các học liệu giáo dục có nguồn gốc hình thành từ ngân sách nhà nước đều là tài nguyên giáo dục mở.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có chung tiếng nói với đội ngũ trí thức trên.
Hiệp hội mong Luật Giáo dục sửa đổi có quy định về tài nguyên giáo dục mở trong điều quy định về chính sách phát triển giáo dục thường xuyên.
Chẳng hạn, tại Điều 43 Luật Giáo dục sửa đổi (10/8/2018) bổ sung thêm một khoản: “Nhà nước phát triển các tài nguyên giáo dục mở. Chính phủ quy định cụ thể về tài nguyên giáo dục mở để sử dụng cho cộng đồng”.
Được như vậy, chương trình, sách giáo khoa đã có trước đây và chương trình sách giáo khoa “đổi mới”, các học liệu dùng chung khác có nguồn gốc đầu tư bởi ngân sách nhà nước sẽ được sử dụng rộng rãi, hỗ trợ cho việc học tập suốt đời, góp phần tích cực làm nên một xã hội học tập và cung cấp giáo dục toàn diện nhằm phát triển giáo dục bình đẳng, bền vững như kỳ vọng của Nhà nước ta cũng như mục tiêu của Liên hiệp quốc.
Trên đây là một số ý kiến của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhằm góp phần đóng góp ý kiến của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV.