Bộ trưởng Nhạ khẳng định “không giảm biên chế giáo dục kiểu cơ học”

22/04/2018 07:48
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Bộ trưởng Nhạ, hiện định mức ở bậc mầm non là 2,2 cô/ lớp nhưng có địa phương chỉ bố trí 1,7 cô/ lớp. Chính điều này đã dẫn đến lao động mầm non quá tải.

Tại Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ tâm huyết liên quan đến hoạt động công đoàn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đội ngũ nhà giáo.

Đánh giá cao báo cáo Đại hội với những nhận định được minh chứng bằng số liệu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng tình với tổng kết những mặt đã làm được của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong các hoạt động ở nhiệm kỳ vừa qua. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình với nhận định còn nhiều việc chưa làm được, chưa thực sự sâu sát theo đúng mong muốn; trong đó có bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà giáo.

Tổng tư lệnh ngành giáo dục khẳng định “giảm biên chế không phải là giảm cơ học” (Ảnh: Ngọc Nam)
Tổng tư lệnh ngành giáo dục khẳng định “giảm biên chế không phải là giảm cơ học” (Ảnh: Ngọc Nam)

“Tôi đồng ý với đánh giá của Công đoàn, việc chăm lo đã làm được nhiều, nhưng bảo vệ quyền lợi hợp pháp thì đâu đó chưa đầy đủ, dẫn đến nhiều công đoàn viên cảm thấy hoang mang, thiếu chỗ dựa” – Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng nói: “Hiện nay, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con do đó trẻ được ông bà quan tâm, bố mẹ quan tâm nhưng chính sự quan tâm quá của phụ huynh đôi khi đã trở thành áp lực đối với đội ngũ thầy cô dẫn tới hàng loạt vấn đề xưa chưa từng có thì nay đã xảy ra”. 

Và chính những phản ứng của phụ huynh đã khiến nhiều cô lúng túng, băn khoăn, thậm chí lo sợ. 

 Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất

Thời gian qua, nhiều vấn đề xảy ra tạm gọi là bạo lực học đường tuy không phải phổ biến nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới là do việc thực hiện dân chủ cơ sở chưa tốt, đâu đó chưa sát sao, giáo viên, cán bộ quản lý, hiệu trưởng chưa thực sự chia sẻ với nhau, học sinh cũng vậy.

Từ đó dẫn đến một bộ phận phản ứng cực đoan. 

Ngoài ra, Bô trưởng cũng nêu, cùng với đó là cơ chế quản lý, chỉ đạo của hệ thống công đoàn, nhất là đối với ngành Giáo dục có nhiều thay đổi; công đoàn giáo dục cấp huyện đã bị giải thể;

Sự phối hợp chỉ đạo hoạt động giữa Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Liên đoàn Lao động các địa phương trong cả nước còn có những vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động công đoàn ngành Giáo dục và tâm tư đội ngũ cán bộ công đoàn…

Lúc này Bộ trưởng đặt câu hỏi: “Vậy công đoàn bảo vệ hơn 1,4 triệu thầy cô như thế nào cho đúng?”. 

Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu để có những chỉ đạo sát sao hơn, thực tế và thiết thực hơn, cùng chia sẻ với các thầy cô giáo; đặc biệt nhấn mạnh không chỉ chủ trương, định hướng mà là hành động.

Về phương hướng nhiệm kỳ tới, Bộ trưởng gợi ý phương châm thiết thực, khả thi, hiệu quả, gắn bó với công đoàn viên toàn ngành, không dừng lại ở khẩu hiệu; chương trình cụ thể phải thể hiện được ước nguyện của công đoàn viên; phân công rõ nhiệm vụ; chi tiết, sát sao hơn qua quy chế phối hợp Công đoàn Giáo dục với Tổng liên đoàn Lao động qua tuyến Liên đoàn Lao động cấp huyện...

Hai Bộ không muốn “lương nhà giáo cao nhất” là thể hiện thái độ gì?

Nội dung thảo luận, theo Bộ trưởng, ngoài những công việc đã thống nhất theo chương trình Đại hội, cần quan đến việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công đoàn viên, trước hết là về chế độ, chính sách.

Trong đó, thảo luận, góp ý cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục mà trọng tâm là chương về Nhà giáo.

Cùng với đó, thảo luận đưa ra giải pháp chủ động làm công tác tư tưởng cho đội ngũ nhà giáo; hỗ trợ giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; tư vấn cho địa phương để hài hòa trong thực hiện dồn điểm trường, tinh giản đầu mối với điều kiện học tập của học sinh, nhất là học sinh vùng dân tộc…

Bộ trưởng lưu ý, thực hiện Nghị quyết Trung ương 19, các địa phương tinh giản bộ máy biên chế vì hiện nay có chỗ thừa chỗ thiếu tuy nhiên tinh giản như thế nào để đảm bảo quyền lợi của giáo viên thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm. 

Tránh tình trạng, định mức ở bậc mầm non là 2,2 cô/ lớp nhưng có địa phương chỉ bố trí 1,7 cô/ lớp. Chính điều này đã dẫn đến lao động mầm non quá tải. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Giảm biên chế không phải là giảm cơ học”. 

Điều chuyển giáo viên “miếng mồi” béo bở cho nhiều lãnh đạo

“Gần đây, dù việc xảy ra là số nhỏ, nhưng lại tác động mạnh đến dư luận nên nhiều thầy cô trong tâm trạng lo âu. Công đoàn Giáo dục cần có những cuộc vận động để khơi dậy niềm tự hào, tạo niềm tin cho các thầy cô trong sự nghiệp đổi mới” – Bộ trưởng đề nghị.

Bộ trưởng Nhạ thừa nhận, một thời gian dài các trường sư phạm chú trọng tới dạy chữ trong khi dạy người có mức độ, chưa tương xứng với yêu cầu trong khi giáo dục phổ thông đặc biệt bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì việc dạy người phải là trung tâm. 

Do quá chú trọng tới dạy chữ dẫn đến áp lực thi cử. Cụ thể, môn Đạo đức ở bậc Tiểu học, môn Giáo dục công dân ở bậc Trung học cơ sở chỉ có thời lượng 1 tiết/ tuần hơn nữa, vị thế các môn này trong trường sư phạm đào tạo giáo sinh còn “mức độ”. Đây chính là lỗ hổng lớn của ngành giáo dục. 

Từ đó, Bộ trưởng cho rằng, phải có giải pháp căn cơ, từ nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đến quy chế, quy tắc ứng xử trong nhà trường… để đẩy lùi, hạn chế đến mức nhỏ nhất tiêu cực không đáng có. 

Riêng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học với yêu cầu không chung chung, cần cụ thể, dễ nhìn, dễ thực hiện, dễ theo dõi, giám sát… - các nhà trường cần phải có vào năm học mới.

Về chuyên môn nghiệp vụ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây Bộ sẽ ban hành thông tư sửa đổi bổ sung về chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên để các thầy cô tự soi, tự sửa, tự học, tự bồi dưỡng…, gắn đổi mới chương trình, sách giáo khoa. 

Thùy Linh