Cô bé tật nguyền dùng chân viết chữ, ước mơ được làm cô giáo

13/09/2017 06:09
Bài, ảnh: Trần Toản
(GDVN) - Đối với những đứa trẻ bình thường, khi mới bắt đầu tập viết chữ đã khó, nhưng với bé Linh vì không có tay nên tập viết bằng chân lại càng khó khăn hơn.

Khi thấy cô bé nỗ lực tập viết bằng chân để có thể được đi học, mọi người trong gia đình đều rơi nước mắt xót thương nhìn những giọt mồ hôi ướt đầm đìa trên áo, trên mặt.

Nhưng rồi, bằng tất cả sự nỗ lực phi thường, cô bé ấy đến trường trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, thầy cô, xóm làng.

Cô bé mà chúng tôi nhắc đến ở đây là Nguyễn Như Linh (sinh năm 2010) ở thôn Trung, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội.

Bé Linh đang làm bài tập với sự hướng dẫn của bố.
Bé Linh đang làm bài tập với sự hướng dẫn của bố.

Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay

Theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của bà lão đầu thôn, men theo con đường đất sâu hun hút cuối xóm, chúng tôi tìm về gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1985) và chị Nguyễn Thị Nương (sinh năm 1989).

Trong căn nhà nhỏ, vừa rót chén nước trà mời chúng tôi, anh Tuấn bắt đầu kể về cô con gái bé nhỏ nhưng có đôi chân kỳ diệu của mình.

Anh Tuấn kể, năm 2009, đồng cảm vì cùng cảnh nghèo với nhau, anh Tuấn và chị Nương đến với nhau giữa cuộc sống nhọc nhằn mưu sinh.

Một năm sau, chị Nương sinh hạ được cô con gái đầu lòng là Nguyễn Như Linh (sinh năm 2010).

Thế nhưng, niềm vui đó nhanh chóng vụt tắt khi đôi vợ chồng trẻ đau đớn phát hiện con gái bị cụt tới khuỷu tay.

Lần mang thai thứ hai, anh chị khấp khởi mừng thầm, hy vọng cuộc sống luôn có luật “bù trừ”.

Năm 2012, bé gái thứ hai sinh ra lành lặn, bụ bẫm, đến khi tròn tháng hai vợ chồng anh Tuấn đặt tên con là Nguyễn Như Ngọc với ước nguyện đời con tươi sáng như viên ngọc quý, phú quý không còn cơ cực, khốn khổ, bệnh tật như chị gái của mình.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn chị Nguyễn Thị Nương cùng con gái Nguyễn Như Linh
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn chị Nguyễn Thị Nương cùng con gái Nguyễn Như Linh

“Lúc tôi mang thai cháu Linh tháng thứ 7 thì lên bệnh viện tỉnh siêu âm. Lúc đó, các bác sỹ có nói cái thai bị dị tật ở hai bàn tay.

Mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý nhưng khi sinh cháu Linh ra thấy cả hai bàn tay cháu đều không có bàn tay lại còn cụt hẳn lên tới khuỷu tay mà tôi quay cuồng, ngất lịm”, chị Nương ngậm ngùi nói.

Không chỉ bị dị tật bẩm sinh, bé Linh còn rất yếu, thường xuyên đau ốm. Quyết không lùi bước, hai vợ chồng anh Tuấn bắt đầu chuỗi ngày ôm con gái gõ cửa khắp các bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng ở khắp nơi với mong muốn bù đắp một phần thiệt thòi cho cô con gái bé bỏng của mình.

Thế nhưng bệnh tình của bé Linh vẫn không hề thuyên giảm. Và cho đến nay, cô bé vẫn thường xuyên đau ốm. Linh đã lên 7 tuổi nhưng chỉ nặng 14 kg.

Cũng vì dị tật và sức khỏe yếu nên Linh rất buồn mỗi khi nhìn thấy các bạn được đến trường, đến lớp, còn mình cứ lủi thủi ở nhà. 

Lúc Linh lên 5 tuổi vẫn chưa thể đến trường, hàng ngày chị Nương bế Linh vẫn đều đặn mang tấm bảng, viên phấn trắng đến bên cửa sổ lớp mầm non của thôn nhìn vào bên trong lớp học.

Thầy cô giáo, bà con lối xóm chứng kiến cảnh cô bé với ánh mắt thơ dại khao khát con chữ đứng ngoài cửa sổ lớp học ê a theo các bạn, nhưng không được đến trường đến lớp bình thường như bao đứa trẻ khác mà ngậm ngùi, thương cảm.

Không có bàn tay nên mọi sinh hoạt của Linh đều phụ thuộc vào đôi chân.
Không có bàn tay nên mọi sinh hoạt của Linh đều phụ thuộc vào đôi chân.

Chị Nương ngậm ngùi: “Năm 2015, cháu Linh tròn 5 tuổi, tôi đưa cháu đi xin học mầm non, mới đầu nhà trường từ chối vì con tôi là trẻ khuyết tật, có lẽ rất khó chăm sóc.

Năn nỉ mãi, sau khi kiểm tra trí nhớ, khả năng viết chữ bằng chân của Linh thì trường đã quyết định đồng ý tiếp nhận cho học tập”.

Bé Linh khiếm khuyết về cơ thể, nhưng bù lại em có nghị lực phi thường. Ai đã từng chứng kiến đều phải trầm trồ thán phục Linh tự xúc cơm, tự sắp xếp trò chơi ghép hình và viết chữ nhanh nhẹn bằng đôi chân nhỏ bé.

“Chiến thắng chính mình là chiến thắng tất cả”

Nghị lực đã giúp bé Linh làm nên điều kỳ diệu. Nhưng để làm được điều kỳ diệu ấy, Linh đã phải vượt qua không biết bao nhiêu vất vả.

Chị Nương kể, khi Linh lên 4 tuổi, thấy ai trong nhà làm gì, Linh cũng để ý làm theo. Khi thấy vở của anh nhà bên cạnh đi học về để ở bàn, Linh tò mò xem và xin anh cây bút chì, cuốn vở để tập viết chữ bằng chân.

Vì chưa quen nên lúc bắt đầu tập viết nét chữ còn méo mó, không thẳng hàng, có khi nắn nót mỏi chân mà cả buổi mà chưa viết được chữ nào hoàn chỉnh.

Mặc dù không có bàn tay và phải viết chữ bằng chân nhưng cháu Linh luôn chăm ngoan, học giỏi và được các cấp bộ ngành tặng giấy khen.
Mặc dù không có bàn tay và phải viết chữ bằng chân nhưng cháu Linh luôn chăm ngoan, học giỏi và được các cấp bộ ngành tặng giấy khen.

Ngày đầu tập viết, cô bé cứ cong lên theo từng nét chữ, những giọt mồ hôi chảy dài trên má.

Khó khăn hơn khi hai ngón chân kẹp bút rướm máu, nhưng Linh nhất định không chịu dừng lại, mà quyết tâm viết cho bằng được.

Sự kiên trì, khổ luyện của Linh đã không uổng công. Dần dần, Linh luyện cầm bút bằng chân thành thạo, viết chữ đẹp, gọn nét và thẳng hàng hơn.

Thấy con ham học, chị Nương đã dò hỏi các giáo viên tiểu học mua sách về hướng dẫn cho con tập đọc, tập viết bằng chân trên tấm bảng đen ở một góc nhà.

Bé Linh kể: “Ngày nào cháu cũng tập viết bằng chân, hai tay cháu bị tật nhưng chân cháu có thể viết được mà. Cháu viết đẹp lắm đấy”.

Nói rồi Linh đưa bàn chân phải kẹp chiếc bút cong người cần mẫn tập viết trên những trang giấy trắng, từng nét từng nét, đều đặn, thẳng hàng.

Dù viết bằng chân nhưng Linh vẫn viết chữ rất đẹp, nét chữ thẳng hàng, ngay ngắn và mềm mại.
Dù viết bằng chân nhưng Linh vẫn viết chữ rất đẹp, nét chữ thẳng hàng, ngay ngắn và mềm mại.

Cô giáo Lê Thị Hằng – Giáo viên chủ nhiệm của Linh tại Trường Tiểu học Thượng Lâm bùi ngùi cho biết: “Ngày đầu em Linh mới đi học, chúng tôi lúng túng không biết bố trí em ngồi chỗ nào cho thích hợp.

Lúc đầu nhà trường bố trí em Linh ngồi ở góc phòng, dưới nền xi măng lót áo mưa vì bàn học cao quá không phù hợp khi em viết bằng chân.

Khi học, hễ gặp chữ nào khó thì em Linh đều cố gắng rèn cho bằng được. Em Linh tuy viết chữ bằng chân nhưng chữ rất đẹp, rõ nét, mềm mại. Em học giỏi môn Toán và môn Tiếng Việt, vẽ cũng rất đẹp...”.

Nghe cô giáo chủ nhiệm khen ngợi, Linh nở nụ cười hồn nhiên!

Đối với những đứa trẻ bình thường, khi mới bắt đầu tập viết chữ đã khó, với cô bé Linh không có tay, việc tập viết bằng chân lại càng khó khăn hơn.

Linh khéo léo xếp đồ chơi bằng đôi chân.
Linh khéo léo xếp đồ chơi bằng đôi chân.

Hàng ngày, Linh tự đến trường, khi lên lớp, em được cô giáo sắp xếp cho mình một chỗ và có bàn học riêng. Tất cả các môn học từ Tiếng Việt, Toán… cho đến phần kỹ thuật cắt dán Linh đều làm rất thuần thục bằng đôi chân.

Cô giáo Hằng cho hay, chính nghị lực, lòng ham muốn đến trường khát khao con chữ tột bậc của Linh đã thôi thúc cô không ngừng cố gắng đồng hành cùng Linh trong từng nét bút.

Mỗi lần nhìn thấy Linh viết bài toát mồ hôi hột là mỗi lần tôi thấy thương em nhiều hơn.

Mỗi lần nhìn thấy Linh cười khi được điểm 10 cũng là mỗi lần tôi vô cùng xúc động. Trên đời này đâu có nhiều người làm được điều đó”, cô Hằng chia sẻ.

Bây giờ, ngày ngày không quản ngày nắng hay mưa, cô bé khuyết tật hai tay Nguyễn Như Linh vẫn đều đặn đến trường.

Chẳng đếm xuể những lần Linh vấp ngã, mình mẩy tứa máu bởi những bước đi xiêu vẹo. Nhưng chẳng hề gì, vì trường học luôn là mục tiêu để bé Linh đứng dậy và bước đi đầy niềm đam mê.

Ngã đau lắm, nhưng cháu thích đi học để tương lai trở thành cô giáo, cháu không nghỉ ở nhà đâu”, khát vọng đến trường chất chứa trong câu nói không tròn tiếng của cô bé khuyết tật Nguyễn Như Linh.

Điều tuyệt vời là dù bị khuyết cả hai tay, nhưng nhờ nghị lực phi thường, năm học 2016 – 2017 vừa qua, Như Linh đạt học sinh giỏi toàn diện khối 1.

Và cũng trong năm học vừa qua, Linh vinh dự được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức tặng giấy khen vì đã có thành tích vượt khó vươn lên học giỏi.

Ông Nguyễn Võ Luyện – Trưởng thôn Trung bày tỏ: “Cháu Linh là tấm gương nghị lực vượt khó để cho các chọc sinh khác trong thôn và trong vùng noi gương và học tập”.

Các bài viết về tấm gương vượt khó trong giảng dạy, học tập của các thầy cô và học trò, xin vui lòng gửi về: toasoan@giaoduc.net.vn
Bài, ảnh: Trần Toản