LTS: Vấn đề “Có học trò dốt hay không?” đang được rất nhiều thầy cô giáo đưa ra ý kiến tranh luận trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Bàn thêm về vấn đề này, cô giáo Phan Tuyết với kinh nghiệm hơn 20 năm dạy tiểu học nêu lên thực trạng học tập của học sinh hiện nay.
Cô Phan Tuyết cũng đặt vấn đề liệu có phải bệnh thành tích chính là nguyên nhân có học trò dốt?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trong bài “Có học trò dốt không?” của tác giả Trần Trí Dũng đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, sau rất nhiều lý giải và dẫn chứng, tác giả kết luận “Không có học trò nào dốt, mà chỉ có những thầy giáo chưa biết cách giảng dạy cho học sinh của mình”.
Lời khẳng định có phần chủ quan và không thuyết phục vì thiếu tính thực tế.
Với vai trò là một giáo viên tiểu học đã giảng dạy trên 20 năm cùng với vô vàn cuộc tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp khắp nơi, tôi xin được trao đổi cụ thể về vấn đề này.
Ở bài viết này, tôi xin nêu lên thực trạng học tập của học sinh hiện nay ở nhiều trường tiểu học trong cả nước để mọi người có cái nhìn khách quan và từ đó tự mình trả lời cho câu hỏi “Có học trò dốt không?”.
Học sinh dốt có phải do bệnh thành tích? (Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn) |
Lớp 1 thầy cô đánh vật với trò từng con chữ
Một lớp học có 35 em chí ít cũng có khoảng vài em học trước quên sau, học không nhớ bài và không thể tiếp thu kiến thức dù ở mức thấp nhất.
Chẳng hạn chỉ là âm A, có em vừa được thầy cô hướng dẫn đọc nhưng khi hỏi lại vẫn không thể trả lời đó là âm gì. Âm còn thế, vần thì sao?
Rồi ghép thành tiếng, thành từ, nói thành câu... Giáo viên sau khi hướng dẫn chung cả lớp đọc, viết sẽ đến bên những học sinh này để hướng dẫn một cách chi li hơn, tỉ mỉ hơn.
Thôi thì thầy cô áp dụng đủ các biện pháp nào là trực quan sinh động, nào là làm mẫu... nhưng những học sinh này vẫn chẳng tiến bộ gì hoặc tiến bộ vô cùng chậm.
Thời gian trên lớp ít, thầy cô tranh thủ từng phút như giờ ra chơi, giữa thời gian chuyển tiết, thậm chí xin hẳn những tiết học Âm nhạc, Kĩ thuật, Mĩ thuật... để kèm các em đọc mà kết quả cũng chẳng tới đâu.
Điều này không thể nói như thầy Trí Dũng rằng thầy cô chưa biết cách giảng dạy cho học sinh mình.
Theo Bách khoa toàn thư, trẻ nhỏ cũng có chứng khó đọc (tiếng Anh: Dyslexia) là chứng tật bẩm sinh.
Người bị tật này thiếu khả năng đọc và viết mặc dầu đã phát triển đầy đủ trí thông minh, hiểu biết.
Khoảng 2–8% trẻ em học cấp 1 bị ít nhiều chứng khó đọc. Chứng này không phải do mắt kém mà là do bất thường tại tầng lớp trên của vỏ não - làm trẻ mất khả năng ghi nhận và hiểu đường nét của chữ và ký hiệu.
Trẻ bị chứng này có thể không hiểu vần điệu khi nghe câu ca dao hay bài thơ, nhiều trẻ kém khả năng phân tách các âm thanh trong câu nói.
Những khả năng này rất quan trọng trong quá trình học hỏi của trẻ em, do đó trẻ mắc chứng khó đọc thường bị thua kém bè bạn trong lớp.
Rõ ràng đây là một căn bệnh mà đã là bệnh cần phải có công sức, có thời gian để chữa trị.
Lúc này trách nhiệm không chỉ đổ dồn về phía thầy cô mà vai trò của phụ huynh lại rất lớn.
Khổ nỗi, những học sinh thuộc dạng này phần lớn sinh trong gia đình khó khăn, ba mẹ mải làm ăn nên bỏ bê con cái. Vậy nên mọi việc chỉ nhà trường và giáo viên gánh chịu.
Giáo viên dù cố gắng cũng lực bất tòng tâm
Một lớp học nơi ít 35 em, nơi nhiều có khi lên tới gần 50 em.
Một tiết học chỉ có 35-40 phút nếu chia ra mỗi em cũng chưa tới 1 phút được thầy cô hướng dẫn cụ thể.
Vậy mà để giúp đỡ những học sinh dạng này, giáo viên chỉ còn cách bớt thời gian chung của cả lớp để kèm cặp, hướng dẫn riêng cho các em.
Kiến thức cũ chưa thuộc, kiến thức mới lại chồng lên nên học sinh có lực học yếu kém càng học càng dốt cũng chẳng có gì lạ.
Thay vì học yếu so với bạn, những học sinh này sẽ phải lưu ban. Các em sẽ được học lại chính lớp ấy một năm nữa, chắc chắn lực học sẽ được cải thiện rất nhiều.
Đã có trường hợp do được ở lại nên cuối năm có em đã nhận được giấy khen vì thành tích học tập vượt trội.
Bệnh thành tích góp phần làm trẻ dốt hơn
Nhiều năm trở lại đây, học sinh không phải lưu ban và phải lên lớp do vướng chỉ tiêu của nhà trường.
Điều này đã làm cho trẻ đã dốt lại càng dốt hơn và góp phần tước đi cơ hội học tập của trẻ khi các em lên tới cấp 2 mà vẫn không biết đọc.
Một học sinh học xong lớp 1 chưa thuộc nổi các âm vần nhưng vẫn buộc lên lớp 2. Thử hỏi, giáo viên lớp 2 phải dạy kiểu gì để các em biết đọc?
Trong khi lớp 2 lại không có môn học vần? Nhiều thầy cô đã phải vừa dạy lớp 2 vừa tranh thủ dạy kèm luôn lớp 1 cho trò nhưng cũng chỉ “được chăng hay chớ’ vì làm gì có nhiều thời gian để kèm cặp?
Thế rồi, những học sinh này hàng năm đều được thầy cô đẩy lên lớp, cứ thế cho hết năm lớp 5 là xong trách nhiệm.
Nhiều em cũng chấm dứt quãng đời học sinh từ lúc này vì làm sao có thể học được lớp 6?
Thế là tương lai chờ các em là đi bán vé số, đi biển, đi chạy quán cà phê, số khác ở nhà lêu lổng, rong chơi, quậy phá.
Chúng ta chỉ có toàn học sinh khá giỏi, giáo dục đã cất cánh rồi chăng? |
Giáo viên thường nói “việc lùa học sinh lên lớp kiểu này là làm hại cả một thế hệ”. Nhưng dù biết thế, họ cũng không thể làm khác.
Giải pháp nào cho học sinh yếu?
Học yếu, không đủ chuẩn kiến thức theo yêu cầu đương nhiên các em phải ở lại lớp.
Muốn thế, ngành giáo dục cần phải bỏ gấp các chỉ tiêu đang áp xuống các trường học hiện nay như chỉ tiêu lên lớp thẳng, hiệu quả sau 5 năm đào tạo, chuẩn phổ cập đúng độ tuổi...
Không áp chỉ tiêu để xét thi đua giáo viên, xét thi đua trường học hàng năm như hiện nay vẫn làm. Giảm sĩ số học sinh trong các lớp khoảng 20-25 học sinh là phù hợp.
Đừng vì chạy theo chỉ tiêu mà làm hại cả một thế hệ. Những đứa trẻ cần được học thật sự chứ không phải dạy cho xong và quẳng chúng ra ngoài đường là hết trách nhiệm.