Đại học bây giờ không còn là con đường duy nhất để trưởng thành

18/02/2019 06:30
Vũ Ninh
(GDVN) - Sau Tết, gia đình Vũ Thu Hà (học sinh lớp 12) đã bắt đầu suy nghĩ đến việc lo cho Hà đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Học Đại học không còn là con đường duy nhất

Tại những làng quê thuộc các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh...nhiều năm qua phong trào xuất khẩu lao động như một làn sóng làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương.

Từng lớp người, già trẻ, trai gái rủ nhau đến những miền đất hứa với khát vọng đổi đời.

Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh đặc biệt là học sinh lớp 12.

Đại học bây giờ không còn là con đường duy nhất để trưởng thành ảnh 1Tôi cho rằng, đi xuất khẩu lao động cũng là một nghề

Vũ Thu Hà, học sinh lớp 12 tại tỉnh Nam Định.

Ngay từ khi bước chân vào năm học mới, gia đình em đã định hướng việc đưa Hà đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Hà sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo.

Nhà đông con, bố mẹ quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

Anh trai Hà, Vũ Minh Đức, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2015 nhưng không xin được việc làm.

Ở nhà một năm, Đức chạy chọt, vay mượn tiền để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Đến nay, sau hai năm Đức đã trả hết số nợ vay mượn đi xuất khẩu lao động và dư dả một khoản để phụ giúp gia đình.

Nhìn thấy tấm gương của anh trai, ngay từ khi bắt đầu năm học lớp 12, Hà đã vận động bố mẹ cho em được đi xuất khẩu lao động sang Nhật sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Điều bất ngờ cả gia đình đều ủng hộ quyết định của Hà mặc dù nhiều năm trước việc con cái đỗ đạt đại học là niềm tự hào lớn nhất của gia đình.

Hà tâm sự: "Em quan niệm rằng học Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công mà còn có rất nhiều ngã rẽ khác.

Trước đây vài năm, ở quê em học sinh đi học là phải đỗ đại học và học đại học nếu không gia đình sẽ mang tiếng với hàng xóm láng giềng.

Nhưng vài năm trở lại đây em nhận thấy có một sự thay đổi rất lớn trong quan niệm học đại học của các bạn cũng như của người lớn.

Chẳng hạn như trong gia đình em, việc anh trai tốt nghiệp đại học và không có việc làm khiến bố mẹ em hiểu ra rằng học đại học không phải là con đường duy nhất.

Bản thân em cũng mong muốn nối gót anh trai đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản vì em nghĩ như thế sẽ tốt hơn cho em".

Thế hệ 8X, 9X chắc hẳn nhiều người bị ám ảnh với cụm từ "phải đỗ đại học".

Có một thời gian dài việc thi đỗ đại học, học đại học trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá gia đình và học sinh tại nhiều nơi.

Học đại học đã không còn là sự lựa chọn và con đường duy nhất của học sinh lớp 12 (Ảnh: Vũ Ninh)
Học đại học đã không còn là sự lựa chọn và con đường duy nhất của học sinh lớp 12 (Ảnh: Vũ Ninh)

Vũ Thành Minh bồi hồi nhớ lại: "Tôi thi đại học năm 2013, năm đầu tiên tôi bị trượt do thiếu 0,5 điểm.

Những ngày sau khi trượt đại học là những ngày tháng kinh khủng và tồi tệ.

Sức ép từ gia đình, từ làng xóm, họ hàng, bạn bè khiến nhiều lúc tôi cảm thấy quá áp lực và muốn tự tử.

Trong cả nhà nội và ngoại tôi khi đó chỉ có tôi là học hành cao cho nên ai cũng kỳ vọng tôi sẽ đỗ đại học.

Chính vì thế khi tôi trượt đại học không chỉ tôi mà gia đình tôi chịu rất nhiều sức ép.

Tôi nhớ nhiều lần mẹ tôi khóc một mình.

Tết năm đầu tiên tôi không dám về quê vì sợ phải đối mặt với những câu hỏi, những ánh mặt của mọi người, hàng xóm, họ hàng.

Năm sau tôi quyết tâm ôn thi và đỗ cùng lúc cả 2 trường.

Thế nhưng bây giờ dù đã ra trường được nửa năm nhưng tôi không nhận thấy mình có bất cứ cơ hội nào để xin việc làm.

Tôi đang tính đến chuyện đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản".

Đã đến lúc cần thay đổi quan niệm về định hướng nghề nghiệp

Cô Nguyễn Thị Vui là một giáo viên có thâm niên 17 năm công tác trong ngành giáo dục, 12 năm làm công tác chủ nhiệm.

Chính vì thế cô rất thấu hiểu tâm lý của học sinh và đặc biệt là công tác hướng nghiệp của gia đình, nhà trường.

Cô Vui nhận định: "Nhiều năm trước khi tôi tiếp xúc với các em học sinh và gia đình các em nguyện vọng của họ nhất nhất là phải thi đỗ đại học.

Đặc biệt tại những vùng quê thì việc đỗ đại học mang rất nhiều ý nghĩa. Đôi khi còn vì danh dự của cha mẹ, dòng họ.

Thế nhưng vài năm trở lại đây tôi nhận thấy có sự biến chuyển rất tích cực trong công tác định hướng nghề nghiệp.

Tư tưởng của các gia đình hiện nay thoáng hơn, các em học sinh lớp 12 hiện nay có rất nhiều ngã rẽ không chỉ nhất nhất thi đại học.

Đại học bây giờ không còn là con đường duy nhất để trưởng thành ảnh 3Bắt cá phải leo cây, bắt khỉ phải lội nước trong giáo dục là sai lầm

Nhiều gia đình định hướng cho con đi xuất khẩu lao động, đi làm nghề, học nghề tại các trung tâm sau đó xin một công việc ở tỉnh hoặc ở Hà Nội.

Nói chung việc định hướng nghề nghiệp hiện nay không quá gò bó cũng như cứng ngắc như trước kia mà đã thoáng và mở hơn rất nhiều".

Đánh giá về sự thay đổi này cô Vui cho biết: "Tôi đánh giá cao suy nghĩ này.

Xã hội ngày càng phát triển mở ra rất nhiều cơ hội cho các em không nhất thiết phải học đại học.

Bên cạnh đó trong thời buổi này chuyện xin việc sau khi ra trường cũng không phải đơn giản.

Cho nên các em học sinh cũng phải tự lượng sức mình, lựa chọn một ngã rẽ phù hợp với năng lực bản thân cũng như điều kiện kinh tế của gia đình".

Trường Trung học Phổ thông Quang Trung (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) là một trong những ngọn cờ đầu trong công tác hướng nghiệp cho học sinh lớp 12.

Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Điện tử Việt Nam, cô Bùi Thị Nga, phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Công tác hướng nghiệp dành cho học sinh cần phải sâu sát và nhận được sự quan tâm của nhà trường cũng như gia đình.

"Một vài năm trở lại đây công tác hướng nghiệp theo tôi cũng có sự thay đổi nhất định.

Nếu như trước đây Đại học là con đường gần như duy nhất thì nhiều năm qua trong tư tưởng các em học sinh và gia đình cũng có cho mình những sự lựa chọn riêng.

Nhiều em chúng tôi định hướng thi Đại học, có những em thì học nghề hoặc đi xuất khẩu lao động. Nhiều gia đình thì cho con đi du học.

Nói chung công tác hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 hiện nay theo hướng mở hơn, đa dạng hơn".

Công tác hướng nghiệp cho học sinh cần đến sự sát sao của nhà trường, gia đình (Ảnh: Vũ Ninh)
Công tác hướng nghiệp cho học sinh cần đến sự sát sao của nhà trường, gia đình (Ảnh: Vũ Ninh)

Để đạt được hiệu quả trong công tác hướng nghiệp ngay từ năm lớp 10 nhà trường đã tổ chức cho các em học sinh đăng ký vào những lớp định hướng:

"Năm lớp 10 các em sẽ đăng ký vào những lớp định hướng dựa theo lực học cũng như sự định hướng công việc của các em.

Công tác hướng nghiệp thực sự quyết liệt được nhà trường tổ chức bắt đầu từ học kỳ 2 năm học lớp 11.

Nhà trường cũng thường xuyên liên kết, mời gọi những công ty, trung tâm hoặc các trường dạy nghề trong tỉnh về nói chuyện, hội thảo và định hướng công việc dành cho các em".

Như vậy trong công tác định hướng nghề nghiệp dành cho học sinh phổ thông đang có những sự chuyển biến lớn.

Điều này đòi hỏi phải hình thành những chính sách cũng như đào tạo được một hệ thống giáo viên, tư vấn viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn làm công tác hướng nghiệp tốt, tư vấn tâm lý, chuẩn bị hành trang về vốn sống, kiến thức cho học sinh tự tin bước vào đời.

Vũ Ninh