Xung quanh các ý kiến góp ý cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới còn nhiều quan điểm trái ngược, các địa phương và học sinh ủng hộ phương án 1, đây là phương án “an toàn” nhất và không có thay đổi nhiều so với hiện tại. Các chuyên gia lại chọn phương án 2 và cho rằng, đây mới là phương án đổi mới, tiến bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với phương án 3 hầu hết các ý kiến nhận định trong điều kiện đất nước hiện nay chưa thể áp dụng, phương án này thích hợp nhất trong vài năm tới.
Đưa ra một gợi ý cho kỳ thi quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đề xuất phương án thi quốc gia của riêng mình.
Để có cái nhìn tổng quan GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo của ĐHQGHN trao đổi với chúng tôi về phương án này.
Phương án một buổi thi
PV: Thưa GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, được biết ĐHQGHN có đề xuất phương án cho kỳ thi quốc gia vào năm tới, ông có thể cho biết mức độ cần thiết cần thực hiện một kỳ thi?
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức: Ở nước ta trong nhiều thập niên qua, học sinh ở cuối bậc trung học phổ thông (THPT) phải tham gia 2 kỳ thi quan trọng: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cả hai kỳ thi này tuy có mục đích đánh giá khác nhau, nhưng có cùng bản chất khoa học, tức là đều dựa trên nền tảng tâm trắc học trong giáo dục, hay còn gọi là Khoa học Đo lường và Đánh giá (ĐL&ĐG) trong giáo dục. Về mặt khoa học hoàn toàn có thể tích hợp hai loại dạng thức câu hỏi này vào một bài thi tổng hợp. Hơn thế, việc áp dụng các thành tựu của khoa học ĐL&ĐG trong giáo dục và công nghệ thông tin còn giúp chúng ta từng bước thực hiện được mục tiêu “đánh giá năng lực” người học thay cho “đánh giá kiến thức”đơn thuần.
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức trong một buổi Tọa đàm về giáo dục tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Ảnh Xuân Trung |
Việc thiết kế và triển khai một kỳ thi hợp nhất đơn giản, khách quan có độ tin cậy cao là một nhu cầu thực tiễn cấp bách. Nó không chỉ nhằm mục tiêu xét tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, mà qua đó dần dần thúc đẩy sự đổi mới về chương trình, việc dạy và học ở bậc phổ thông theo hướng từ “trang bị kiến thức” sang “phát triển năng lực”.
Đã có nhiều nước trên thế giới thực hiện các kỳ thi chung, kỳ thi hợp nhất. Pháp có kỳ thi Baccalauréat, gọi tắt là Le Bac, khoảng gần 20 quốc gia Châu Âu khác có kỳ thi chung gọi là kỳ thi Matura.
Gần đây, các nước Đông âu, nhất là Nga, Ucraina cũng chuyển sang áp dụng kỳ thi hợp nhất. Kế quả các kỳ thi này được thí sinh sử dụng làm căn cứ xét nhận bằng tốt nghiệp THPT và đồng thời đăng ký vào học đại học. Vì là kỳ thi chung, hợp nhất, cho nên số số lượng thi sinh rất lớn, hầu hết các quốc gia đều sử dụng các bài thi chuẩn hóa (standardized test) với câu hỏi trắc nghiệm khách quan (TNKQ).
Việc quyết định tổ chức kỳ thi chung, hợp nhất ở Việt Nam hiện nay có thuận lợi cơ bản là công nghệ thông tin, truyền thông của nước ta đã tương đối phát triển, ngày càng có nhiều chuyên gia về công nghệ đo lường đánh giá hiện đại trong giáo dục đáp ứng tổ chức thành công các kỳ thi với qui mô lớn. Bên cạnh đó, học sinh đã được làm quen với hình thức thi TNKQ đã được áp dụng cho các môn lý, hóa, sinh trong kỳ thi “ba chung” giúp cho thí sinh và xã hội dễ dàng thích ứng với các loại đề thi này.
Tranh luận gay gắt cũng chưa rõ kỳ thi quốc gia sẽ như thế nào
Ngày 23/8, Hội khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý về một kỳ thi quốc gia, tại đây các ý kiến tỏ ra còn chưa thống nhất.
Như vậy, có thể khẳng định hoàn toàn có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn để triển khai kỳ thi quốc gia: kỳ thi hợp nhất.
Thời gian qua rất nhiều ý kiến góp ý cho kỳ thi chung quốc gia, cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Phương án của ĐHQGHN sẽ như thế nào để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục theo khung đánh giá năng lực người học?
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức: Chúng tôi đề xuất phương án bài thi Tổng hợp được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, gồm 4 hợp phần: (i) Toán; (ii) Ngữ văn; (iii) Khoa học Tự nhiên; và, (iv) Khoa học Xã hội. Các hợp phần Toán và Ngữ văn mỗi hợp phần có 50 câu trắc nghiệm khách quan. Hai hợp phần tổng hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) mỗi hợp phần gồm 40 câu TNKQ. Tổng số toàn đề thi có 180 câu. Tổng số thời gian làm bài là 215 phút, làm gọn trong một buổi thi.
Cơ cấu câu hỏi sẽ theo nội dung các môn Toán và Ngữ văn và hai hợp phần khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ bao phủ chương trình cơ bản của bậc THPT. Bài thi có 20% câu hỏi dễ (mức năng lực thấp), 60% câu hỏi trung bình (mức năng lực trung bình) và 20% câu hỏi khó (mức năng lực cao).
Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, sai hoặc bỏ qua không bị trừ điểm. Tổng số điểm tối thiểu là 0, tối đa là 180.
Thí sinh có thể thi thử trên mạng
Thưa GS. Đức, với phương án này tính khả thi nằm ở đâu?
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức: Về nguyên tắc tách “thi/đánh giá” ra khỏi “xét tốt nghiệp hay tuyển sinh”. Việc này giúp thí sinh tránh áp lực “đỗ/trượt”, cũng tạo điều kiện các thí sinh tự phân loại, sàng lọc để đăng ký vào các trường đại học theo kết quả thi.
Thi tất cả các kiến thức mà học sinh đã được học, thi để khuyến khích, tạo động lực cho việc học toàn diện, học thực chất. Với phương án này đơn giản về tổ chức; tổng hợp và dần dần tiến đến tích hợp trong nội dung đánh giá; từng bước chuyển từ “đánh giá kiến thức” sang “đánh giá năng lực”.
Ngoài ra thuận tiện cho thí sinh trong việc xem đề mẫu, làm thử, luyện thi trên mạng tránh hoàn toàn việc luyện thi phức tạp tốn kém. Khách quan và đảm bảo độ tin cậy cao; công bằng; thí sinh được chọn ngày thi, thời điểm thi, số lần thi; Coi thi đơn giản, dễ triển khai trên diện rộng, cho số đông.
Vậy thời gian và địa điểm sẽ thống nhất như thế nào, thưa ông?
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức: Kỳ thi có thể tổ chức nhiều lần trong năm. Riêng năm 2015 tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh nào có kết quả bài thi tổng hợp đạt yêu cầu sẽ không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp như thông lệ, từ năm 2016 chỉ còn tồn tại một kỳ thi hợp nhất. Kỳ thi có thể tổ chức nhiều đợt trong tháng 5 để thí sinh không đạt yêu cầu hoặc mong muốn có kết quả cao hơn có thể thi lại.
Để bền vững, các trường đại học nên chuyển sang phi lợi nhuận
Đây là quan điểm của GS. Trần Phương, Nguyên Phó thủ tướng, hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Thí sinh có thể thi tại các điểm thi/phòng thi đủ điều kiện tại các tỉnh thành. Vì vậy, sẽ không gây áp lực với các đô thị lớn, tạo tính an sinh xã hội cao.
Việc đăng ký thi sẽ thực hiện qua mạng internet. Học sinh được làm quen với dạng thức thi qua mạng. Việc hướng dẫn ôn tập, ôn luyện, thi thử cũng sẽ thực hiện trực tuyến trên các trang web được chỉ định với các dạng thức bài thi, các bài thi mẫu, v.v sẽ làm giảm thiểu tình trạng học thêm, dạy thêm.
Vấn đề quan trọng khác đối với học sinh là sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi này như thế nào để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng?
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức: Ở đây phiếu điểm được thiết kế và sử dụng cho các mục đích làm căn cứ xác nhận trình độ tốt nghiệp THPT (cùng với điểm học tập các môn trong 3 năm) và cung cấp kết quả cho xét tuyển đại học, cao đẳng.
Phiếu điểm của bài thi sẽ cung cấp kết quả riêng rẽ của 4 hợp phần: (i) Toán; (ii) Ngữ văn; (iii) Khoa học Tự nhiên (iv); Khoa học Xã hội. Điểm sẽ quy đổi về điểm trên thang 0-10, với 2 số thập phân. Kết quả thi sẽ dùng lại nhiều lần trong khoảng thời gian 2 năm tính từ ngày thi.
Căn cứ vào điểm bài thi tổng hợp và điểm các môn học, thí sinh được chọn xét tốt nghiệp theo các yêu cầu được quy định trước. Các trường đại học khi sử dụng kết quả các hợp phần điểm của bài thi quốc gia, có thể lấy điểm của một, nhiều hoặc cả 4 hợp phần để đặt điểm sàn sàng lọc; có thể nhân hệ số cho điểm các hợp phần tùy theo ngành tuyển chọn.
Các trường cũng có thể tổ chức thêm 1 bài thi đơn môn với dạng thứ trác nghiêm hoặc tự luận, câu hỏi mở, hoặc thi năng khiếu để có thêm thông tin đánh giá về thí sinh tuyển chọn vào các chương trình có những đòi hỏi đặc thù.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư.
10 ưu thế và tính khả thi của phương án.
- Chỉ một bài duy nhất, thi trong một buổi, gọn nhẹ, dễ triển khai, đơn giản, thiết thực tiết kiệm dễ được xã hội đồng tình ủng hộ.
- Đề thi dạng trắc nghiệm khách quan gồm 180 câu hỏi (gồm kiến thức toán, ngữ văn, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội), thi trên máy tính với đề thi được tổ hợp khác nhau, thí sinh không thể nhận trợ giúp từ bên ngoài.
- Cấu trúc đề thi định hướng học sinh cần học toàn diện, học thực chất, tránh học tủ, học lệch, học cái thiết thực.
- Đề thi có phổ rộng theo độ khó dễ, cho phép học sinh trung học với trình độ trung bình có thể đỗ tốt nghiệp. Các trường đại học, cao đẳng với các lĩnh vực ngành nghề khác nhau có căn cứ xác đáng để chọn được người học.
- Có thể tổ chức nhiều lần trong một đợt thi, nhiều đợt trong năm, thí sinh chưa đạt yêu cầu có thể thi lại. Điểm kì thi hợp nhất có thời hạn sử dụng 2 năm và có thể học và thi cải thiện, nâng cao, thuận lợi cho thí sinh.
- Thí sinh có thể xem đề mẫu công khai và làm thử trên mạng, nên không lạ lẫm, làm quen nhanh chóng.
- Bộ đề được thiết kế bao quát chương trình phổ thông hiện nay, chú trọng kiến thức lớp 12, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy phổ thông chưa điều chỉnh.
- Phần mền thiết kế giao diện đơn giản, dễ sử dụng, cần đọc và tích vào là xong. Thí sinh vùng dân tộc miền núi có thể dễ dàng làm quen. Coi thi đơn giản, thuận tiện, chấm thi đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm nhân lực.
- Năm 2015 tổ chức thi tích hợp trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp như hàng năm. Thí sinh đạt yêu cầu không cần tham gia kỳ thi sau. Số chưa đạt có thể thi lại bài thi tổng hợp hoặc tham gia kỳ thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ sau đó.
- Phù hợp với thông lệ quốc tế, thể hiện được sự đổi mới trong kiểm tra đánh giá.