Vì sao Chương trình mới lại thay đổi tên một số môn học so với dự thảo trước đó?

04/08/2017 07:24
Thùy Linh
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn MInh Thuyết cho rằng, các môn học được lấy lại tên đang sử dụng trong chương trình hiện hành để đỡ gây thắc mắc cho giáo viên.

So với dự thảo công bố hôm 12/4 để lấy ý kiến chuyên gia và các tầng lớp nhân dân, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được thông qua không thay đổi mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, hệ thống môn học và hoạt động giáo dục, những điểm căn bản về kế hoạch giáo dục, định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục,.... 

Chỉ có một số thay đổi về chi tiết ở kế hoạch giáo dục, cụ thể là: sử dụng lại tên một số môn học trong chương trình Tiểu học hiện hành, nhấn mạnh hơn yêu cầu giáo dục hướng nghiệp ở cấp Trung học cơ sở và thực hiện dạy học phân hóa từ lớp 10. 

Vì sao Chương trình mới lại thay đổi tên một số môn học so với dự thảo trước đó? (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)
Vì sao Chương trình mới lại thay đổi tên một số môn học so với dự thảo trước đó? (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho hay: 

Ở cấp Tiểu học, các môn học được lấy lại tên đang sử dụng trong chương trình hiện hành để đỡ gây thắc mắc cho giáo viên”, ông Thuyết nói. 

Bên cạnh đó, môn Tin học và Công nghệ trước đây dự kiến dạy từ lớp 1 (với tên môn là Thế giới công nghệ) nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nhưng sau khi khảo sát thực tế, Ban soạn thảo Chương trình thấy rằng nếu dạy ngay từ lớp 1 thì các trường ở một số vùng nhất định khó có thể đảm bảo được cơ sở vật chất cũng như giáo viên. 

Vì vậy, trong Chương trình vừa được thông qua, môn Tin học và Công nghệ được bắt đầu dạy từ lớp 3.

Ở cấp Trung học cơ sở, nội dung giáo dục hướng nghiệp được quy định rõ hơn:

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8 và lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục của địa phương  có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp”.

Vì sao Chương trình mới lại thay đổi tên một số môn học so với dự thảo trước đó? ảnh 2

Chi tiết số tiết học của từng cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Với quy định như vậy, nội dung giáo dục hướng nghiệp chắc chắn sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.

Ở cấp Trung học phổ thông, theo dự thảo ngày 12/4, lớp 10 là lớp dự hướng, có 14 môn và 1 hoạt động giáo dục bắt buộc. Một số chuyên gia giáo dục và giáo viên cho rằng học như thế sẽ quá tải và nông.
 
Tiếp thu ý kiến này, Ban soạn thảo đã sửa đổi kế hoạch giáo dục để thực hiện phân hóa ngay từ lớp 10. Sửa đổi như vậy cũng phù hợp hơn với tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội là kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản ở lớp 9 và bắt đầu giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10.

Ngoài ra, Chương trình mới được thông qua cho thấy thời lượng học nhìn chung giảm so với trước. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên tăng thời lượng học để nâng cao chất lượng. 

Về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho hay: “Theo dõi dư luận kể từ ngày 12/4 đến nay, tôi vẫn thấy có hai luồng ý kiến trái chiều nhau:

Một đằng muốn tăng thời lượng học để nâng cao chất lượng, còn một đằng muốn giảm thời lượng học nhiều hơn nữa để giảm tải cho học sinh.

Mỗi luồng ý kiến đều có lý nhất định. Trong trường hợp này, chỉ có thể lấy thực tế làm trọng tài phân xử”. 

Tổng Chủ biên phân tích, theo các tài liệu của một số tổ chức quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), thời lượng giáo dục của Việt Nam đang thuộc loại thấp.

Nếu tiếp tục giảm giờ học, giáo dục Việt Nam càng ít có điều kiện để bắt kịp các nước, kể cả một số nước trong khu vực. 

Vả lại, việc giảm thời lượng học không những không giúp “giảm tải” như nhiều người lầm tưởng mà có thể làm cho học sinh bị “quá tải” thêm. Bởi vì để học cùng một khối lượng kiến thức như nhau thì càng có ít thời gian càng bị nhiều áp lực hơn. 

Vì sao Chương trình mới lại thay đổi tên một số môn học so với dự thảo trước đó? ảnh 3

Chương trình phổ thông mới sẽ tạo ra học sinh có phẩm chất, năng lực gì?

Tuy nhiên, việc tăng thời lượng học, tăng số môn học như một số người đề nghị cũng khó thực hiện. Ở nước ta, hầu hết các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông hiện nay đều học 1 buổi/ngày. 

Ở cấp Tiểu học, vẫn còn gần 30% số trường chưa tổ chức học được 2 buổi/ngày, thậm chí có không ít trường chỉ học được 5 buổi/tuần.
 
Trong tình hình đó, chương trình mới phải quy định thời lượng giáo dục thích hợp để, một mặt, các trường có thời lượng học ít nhất cũng thực hiện được nội dung giáo dục bắt buộc thống nhất trong cả nước. 

Mặt khác, các trường dạy học 2 buổi/ngày có thể sử dụng thời lượng giáo dục tăng thêm so với trường dạy học 1 buổi/ngày để hướng dẫn học sinh tự học, dạy học các môn học tự chọn, tổ chức phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, hoạt động xã hội tại địa phương, hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao,…

Một thực tế nữa cũng cần biết là việc tăng hay giảm số môn học, số giờ học liên quan rất chặt chẽ đến đội ngũ giáo viên”, ông Thuyết chỉ rõ nguyên nhân. 

Chẳng hạn, có ý kiến chê chương trình mới không biết đưa vào dạy các môn Tâm lý học, Xã hội học, Tôn giáo,… ở cấp trung học như một số chương trình nước ngoài hoặc bố trí giờ học ngoại ngữ chỉ có 3 tiết/tuần. 

Nhưng chỉ cần tăng thêm 1 môn học và tăng số giờ học ngoại ngữ ở các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông từ 3 tiết lên 6 tiết/tuần như những ý kiến này thì phải tăng một số lượng rất lớn giáo viên ở gần 11.000 trường Trung học cơ sở và gần 3.000 trường Trung học phổ thông.

"Đây là một đòi hỏi bất khả thi không phải chỉ trong hoàn cảnh hiện nay mà trong cả năm, mười năm nữa. 

Chương trình cũng không thể quy định dạy những môn mà các trường sư phạm chưa đào tạo, thậm chí chưa có cả mã ngành đào tạo
", Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới lý giải. 

Thùy Linh