Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phân công trả lời thắc mắc về chương trình mới

15/08/2017 06:47
Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã phân công Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng trả lời. Tổng chủ biên sẽ tiếp tục trả lời, phân công trả lời các thắc mắc khác.

LTS: Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về chương trình, sách giáo khoa mới, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi tới Tổng Chủ biên – Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, một số câu hỏi liên quan đến khái niệm chương trình giáo dục phổ thông tổng thể / chương trình khung ở các nước giáo dục phát triển, tuổi thọ của một chương trình, quá trình "thí điểm" chương trình và sách giáo khoa mới...

Trong vấn đề đầu tiên về sự giống và khác nhau của khái niệm "chương trình giáo dục phổ thông tổng thể" / chương trình khung của Việt Nam và một số nước có nền giáo dục phát triển, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã phân công Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng trả lời. Tổng chủ biên sẽ tiếp tục trả lời, phân công trả lời các thắc mắc khác của bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng đang công tác tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Điều phối viên chính của Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông. Ông có bài viết đầu tiên gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn xin giới thiệu đến quý bạn đọc nội dung bài viết này và trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cùng Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng. 

Tòa soạn hy vọng tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp, phản biện cho Chương trình giáo dục phổ thông mới để công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nước nhà thực sự hiệu quả. 


Theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội, một yêu cầu quan trọng của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là phù hợp với xu thế quốc tế. Vì vậy, nghiên cứu toàn diện và tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo lý luận và kinh nghiệm quốc tế là một định hướng chủ đạo của việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Với sự hợp tác và giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ một số nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử các nhóm chuyên gia nước ta đi khảo sát, tập huấn ở các nước tiên tiến; tổ chức nghiên cứu, tham khảo nhiều công trình khoa học về giáo dục và chương trình, sách giáo khoa nước ngoài, tập trung vào các nước có nền giáo dục phát triển và tiêu biểu cho các khu vực khác nhau (một số tài liệu tham khảo quan trọng đã được trình bày trong phần Tài liệu tham khảo chính của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể);

Đồng thời mời các chuyên gia từ Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Israel, Mỹ, Nhật Bản, Phần Lan,… đến Việt Nam để trao đổi, bồi dưỡng cho đội ngũ chuyên gia trong nước về xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa phổ thông. 

Nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục nước ta, thông qua các quỹ học bổng và chương trình giao lưu quốc tế, cũng đã có được cơ hội nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa phổ thông tại một số nước tiên tiến. 

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng đang công tác tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Điều phối viên chính của Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông, ảnh do tác giả cung cấp.
Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng đang công tác tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Điều phối viên chính của Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông, ảnh do tác giả cung cấp.

Có thể nói, so với lần trước, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này có điều kiện tiếp cận với xu thế quốc tế nhiều hơn. 

Các định hướng cơ bản về phát triển giáo dục và xây dựng chương trình giáo dục phổ thông của thế giới thể hiện rất rõ nét trong chương trình giáo dục phổ thông mới:

Thứ nhất, về mục tiêu giáo dục
:

Để soạn thảo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã dựa trên quy định về mục tiêu giáo dục trong Luật Giáo dục hiện hành của Việt Nam, đồng thời tham khảo mục tiêu giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông của nhiều quốc gia và định hướng giáo dục của các tổ chức quốc tế lớn, trong đó có Tuyên bố của UNESCO về “bốn  trụ cột của giáo dục” (Pillars of Learning) – Học để biết, Học để làm, Học để chung sống, Học để tự khẳng định mình. 

Các ý tưởng cơ bản trong tuyên bố này được coi là mục tiêu giáo dục chung mà nhân loại hướng đến và đã được thể hiện đầy đủ trong phần mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Thứ hai, về mô hình chương trình giáo dục phổ thông

Mô hình giáo dục truyền thống, phổ biến ở Việt Nam và trên toàn thế giới trong hàng nghìn năm qua là “truyền thụ kiến thức”.

Cách tiếp cận này lấy kiến thức làm mục tiêu tự thân của giáo dục, biến người học thành đối tượng tiếp nhận thụ động. 

Khi khối lượng tri thức của nhân loại tích lũy được đã quá lớn và nhân lên từng ngày mà thời gian học tập lại có hạn, trong khi người học cần có khả năng giải quyết vấn đề và thích ứng với những thay đổi không lường trước được trong tương lai thì mô hình giáo dục truyền thống không còn thích hợp, thậm chí trở thành lực cản của sự tiến bộ xã hội. 

Vì vậy mà nhiều tổ chức quốc tế lớn như EU, OECD, WEF và nhiều quốc gia phát triển như Anh, Australia, Mỹ, Phần Lan, Singapore,… đã nghiên cứu và xây dựng khung các năng lực cơ bản, thiết yếu mà bất kỳ ai cũng cần phải có để sống, học tập và làm việc hiệu quả, làm cơ sở để hoạch định chính sách và cách tiếp cận đối với giáo dục, trong đó có xây dựng chương trình giáo dục phổ thông.

Mô hình chương trình phát triển năng lực được phổ biến trong bối cảnh đó.

Ban xây dựng chương trình mới đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế như thế nào? (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)
Ban xây dựng chương trình mới đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế như thế nào? (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực là xu thế chung, phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới trong mấy thập niên gần đây. 

Tuy trong văn bản chương trình một số nước không dùng thuật ngữ “năng lực” (competency) mà dùng “kỹ năng” (skill) và không gọi tên “chương trình theo mô hình phát triển năng lực” (competency-based curriculum) một cách hiển ngôn, nhưng thực chất đều là mô hình chương trình chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức vào học tập và đời sống ngay trong quá trình học, nhờ đó học sinh có được những năng lực cần thiết để sống và làm việc suốt đời. 

Các năng lực cần thiết này được thiết kế như là điểm xuất phát, cơ sở để lựa chọn các kiến thức cần dạy học trong chương trình.

Chương trình giáo dục phổ thông của nhiều quốc gia thể hiện rõ nét và có hệ thống những năng lực năng lực cơ bản, thiết yếu đó với những tên gọi khác nhau. 

Chẳng hạn: 

Chương trình của Australia có 7 năng lực chung (general capabilities): 1) giao tiếp; 2) tính toán; 3) ICT; 4) tư duy phản biện và sáng tạo; 5) cá nhân và xã hội; 6) thấu hiểu về đạo đức; 7) hiểu biết liên văn hóa. 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phân công trả lời thắc mắc về chương trình mới ảnh 3

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn giải thích 4 khái niệm tích hợp trong chương trình mới

Chương trình của Phần Lan có 7 năng lực chung (transversal competencies): 1) năng lực tư duy và học cách học (thinking and learning skills); 2) năng lực văn hóa, tương tác và biểu hiện bản thân; 3) năng lực chăm sóc bản thân và quản trị đời sống hằng ngày; 4) năng lực giao tiếp đa phương thức; 5) năng lực ICT; 6) năng lực làm việc và lập nghiệp, kinh doanh; 7) năng lực tham gia và xây dựng một tương lai bền vững (bảo vệ môi trường, tuân thủ luật lệ, đàm phán và giải quyết xung đột, hiểu tầm quan trọng của các lựa chọn,…).

Mô hình chương trình phát triển năng lực và hệ thống các năng lực cốt lõi trong chương trình giáo dục phổ thông mới thể hiện xu thế chung đó của thế giới. 

Tuy nhiên, cần nói rõ, các năng lực này không thể hình thành và phát triển ngoài hệ thống kiến thức trong các môn học.

Việc kết nối kiến thức và những năng lực có thể có từ việc học những kiến thức này là yêu cầu có tính chất nguyên tắc của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ ba, về hệ thống các cấp học và các giai đoạn giáo dục

Tuy số lượng năm học trong chương trình giáo dục phổ thông của các nước không hoàn toàn giống nhau, nhưng thường kéo dài 12 năm và phân chia thành 3 cấp học, tương đương với tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông ở nước ta. 

Đó cũng là số năm học và cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và trong chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phân công trả lời thắc mắc về chương trình mới ảnh 4

Rồi mai này ta sẽ có môn chung

Điểm khác biệt đáng kể so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và cũng là kết quả tiếp thu kinh nghiệm quốc tế là trong chương trình giáo dục phổ thông mới, quá trình 12 năm học được chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn giáo dục cơ bản bao gồm cấp tiểu học (5 năm), cấp Trung học cơ sở (4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, tương ứng với cấp Trung học phổ thông (3 năm). 

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tất cả học sinh đều học những nội dung giáo dục về cơ bản giống nhau. 

Ở giai đoạn giáo dục sau Trung học cơ sở, học sinh được phân luồng và được lựa chọn môn học theo sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp.

Số năm ở tiểu học trong chương trình của nhiều nước là 6 năm, số năm học ở giai đoạn giáo dục cơ bản là 10 năm (hoặc 11 năm với những nước có chương trình giáo dục phổ thông 13 năm). 

Tuy cách phân chia số năm học này có nhiều nét ưu việt, nhất là kéo dài thêm thời gian của giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng xét trên điều kiện thực tế, trong đó có điều kiện đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, chương trình giáo dục phổ thông của nước ta chưa thể học theo cấu trúc này mà vẫn phải duy trì cấu trúc 5 – 4 – 3 như lâu nay.

Thứ tư, về kế hoạch giáo dục và nội dung giáo dục


Ngoài việc kế thừa nhiều điểm còn phù hợp trong kế hoạch giáo dục và nội dung giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng kế hoạch giáo dục và nội dung giáo dục, đặc biệt là thông qua các tài liệu về giáo dục của OECD chẳng hạn The Learning Environ- ment and Organisation of Schools (xem tại https://www.oecd.org/education /skills-beyond-school/48631122.pdf) và chương trình giáo dục phổ thông của nhiều nước như Anh, Australia, Hàn Quốc, Mỹ, Phần Lan,… 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phân công trả lời thắc mắc về chương trình mới ảnh 5

Tích hợp “1 sách 3 thày”, Ban soạn thảo càng ngày càng rối

Việc thiết kế một số môn tích hợp mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở Trung học cơ sở; phân hóa bằng lựa chọn các môn học thuộc ba nhóm môn bên cạnh một số môn học bắt buộc, có tính chất công cụ như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ ở Trung học phổ thông;

Đưa một số môn mới vào chương trình như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Nghệ thuật ở Trung học phổ thông và phát triển Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong chương trình hiện hành thành Hoạt động trải nghiệm (hoặc Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) đều có dấu ấn của xu thế quốc tế.

Nội dung giáo dục trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục được thiết kế dựa trên sự tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài. 

Định hướng chung là “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”, đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội và cũng phù hợp với cách thiết kế nội dung giáo dục trong chương trình của nhiều nước tiên tiến. 

Định hướng dạy học tích hợp không chỉ thể hiện rõ nét qua những môn học tích hợp như Tự nhiên và xã hội, Khoa học/Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý mà còn được quán triệt trong từng môn học và hoạt động giáo dục. 

Định hướng dạy học phân hoá được thực hiện ở cả ba cấp học, theo đó học sinh tiểu học và Trung học cơ sở được tự chọn một số nội dung trong một số môn học và hoạt động giáo dục, học sinh Trung học phổ thông tự chọn nội dung trong môn học (tương tự ở tiểu học và Trung học cơ sở) và tự chọn môn học, chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của bản thân. 

Định hướng dạy học phân hóa được chứng minh là đúng đắn bằng thực tiễn giáo dục của nhiều quốc gia tiên tiến và phù hợp với lý thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner.

Tuy nhiên, hình thức và mức độ dạy học phân hóa thì tùy thuộc vào điều kiện thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia.

Ở các nước phát triển, chương trình giáo dục phổ thông được phân chia thành 3 cấp độ: chương trình quốc gia, chương trình địa phương, chương trình nhà trường. 

Việc phân chia này đòi hỏi tính mở của chương trình quốc gia và tạo điều kiện tăng quyền và trách nhiệm tự chủ của địa phương và nhà trường. 

Xây dựng chương trình theo hướng mở (được nêu ở mục 5 trong phần Quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông) là phù hợp với xu thế quốc tế và đáp ứng yêu cầu của bản thân mô hình chương trình phát triển năng lực. 

Tuy nhiên, do điều kiện xây dựng chương trình địa phương và chương trình nhà trường của nước ta còn tương đối hạn chế, tính mở của chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ thể hiện ở mức độ:

Một là, bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục;

Hai là, tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình. 

Để tránh tình trạng nội dung giáo dục chậm đổi mới theo yêu cầu của xã hội, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được phát triển theo cách như nhiều nước tiên tiến đang áp dụng: thường xuyên đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong quá trình thực hiện nhằm làm cho chương trình vừa bảo đảm tính ổn định và vừa có khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu của thực tế.

Thứ năm, về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập

Các định hướng chung trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và những định hướng cụ thể trong các chương trình môn học đều là kết quả của những đổi mới, thử nghiệm về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập được tiến hành trong nhiều năm qua ở các trường phổ thông cả ba cấp trên cả nước, đồng thời có tham khảo lý luận và kinh nghiệm quốc tế. 

Như đã trình bày, các lý thuyết tâm lý học và giáo dục học có ảnh hưởng sâu rộng đến việc xây dựng chương trình và tổ chức hoạt động giáo dục ở nhiều nước tiên tiến như Lý thuyết kiến tạo của Jean Piaget, Lev Vygosky, John Dewey,…;

Lý thuyết về “vùng phát triển gần nhất” của Lev Vygotsky; Lý thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner cũng như bài học kinh nghiệm từ chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa của các nước và từ chia sẻ của các chuyên gia quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế phương pháp dạy học và phương pháp giáo dục nói chung trong chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Cùng với những bài học rút ra từ những kỳ khảo sát quốc tế nhằm đánh giá năng lực học sinh như PISA, TIMSS và từ thực tế thử nghiệm đổi mới đánh giá tại các nhà trường phổ thông của nước ta trong những năm qua, các lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế này cũng là cơ sở tham khảo quan trọng để đổi mới mục tiêu và phương pháp đánh giá kết quả học tập của học sinh. 

Ngoài ra, cấu trúc văn bản chương trình giáo dục phổ thông, quy trình và cách thức tổ chức xây dựng và thử nghiệm chương trình, chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa và đa dạng hóa tài liệu giáo dục,… cũng được học tập từ kinh nghiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của các nước có nền giáo dục phát triển.

Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng