Trao đổi với Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn về 2 môn tích hợp của chương trình mới

11/08/2017 13:15
Nguyễn Cao
(GDVN) - Chúng tôi nghĩ rằng việc gộp các đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Lịch sử, Địa lí thành 2 môn học mới là điều chưa hẳn cần thiết và hiệu quả.

LTS: Bày tỏ những lo ngại trong việc triển khai mô hình "1 thày 3 sách" sẽ lâm vào tình trạng như mô hình VNEN hiện nay, thầy giáo Nguyễn Cao đưa ra một số trao đổi với Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn về hai môn học mới của chương trình trung học cơ sở.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước khi trao đổi với Phó giáo sư - Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn, chúng tôi xin quay lại một chút về chương trình VNEN - một chương trình học đã có không biết bao nhiêu bàn cãi, phản ứng của dư luận.

Buổi đầu rầm rộ phát động, đầu tư thì những người thực hiện dự án đều nói hay, nói tốt nhưng cuối cùng nhiều địa phương phải dừng dự án.

Nhưng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa muốn dừng lại. Nhiều người có trách nhiệm với dự án VNEN vẫn tiếp tục nói về ưu điểm để duy trì chương trình VNEN.

Ngày 7/8/2017, ông Đặng Tự Ân - nguyên chuyên gia trưởng dự án VNEN đã chia sẻ với Báo Tuổi trẻ: “VNEN bị phản ứng là có thể giáo viên chưa biết dạy, là do giáo viên hiểu sai về VNEN".

Ông còn cho biết thêm: “Chúng tôi được biết Nhà xuất bản Giáo dục đang tập hợp các nhà khoa học, các nhà giáo dục và quản lý giáo dục để xây dựng bộ sách giáo khoa Trường học mới.

Tôi tin rằng với triết lý của VNEN và với kinh nghiệm (cả ưu điểm và hạn chế) triển khai VNEN sẽ là cơ sở cho sự ra đời bộ sách giáo khoa Trường học mới Việt Nam phù hợp nhất, đáp ứng giai đoạn phát triển mới của giáo dục nước nhà”.

Các giáo viên trung học cơ sở còn thắc mắc với mô hình "3 thày 1 sách". (Ảnh: Báo Nhân dân)
Các giáo viên trung học cơ sở còn thắc mắc với mô hình "3 thày 1 sách". (Ảnh: Báo Nhân dân)

Qua cách trao đổi của người đã từng là chuyên gia trưởng dự án VNEN, chúng ta có thể tin một điều chắc rằng: Mai này, nếu mô hình “3 thày 1 sách” không thành công là cũng tại “giáo viên chưa biết dạy” mà thôi.

Và, bộ sách mới của những năm tới đây, đặc biệt là hai môn học mới Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí sẽ được kế thừa từ sách của chương trình VNEN hiện nay.

Quay lại với chuyện hai môn học: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí - 2 môn học có tên mới trong chương trình Trung học cơ sở sắp được thực hiện nhưng hình như tất cả giáo viên “chưa thông” về cách trả lời của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới và Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn – Điều phối viên chương trình giáo dục Trung học cơ sở, Trưởng nhóm chương trình môn Khoa học tự nhiên.

Sự “chưa thông” của giáo viên bởi một cuốn sách phổ thông biên soạn ra nó ảnh hưởng trực tiếp đến người dạy và người học.

Gây nên những khó khăn, rối rắm cho người thực hiện mà bản chất của sự thay đổi lại… không thay đổi.

Đối với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chúng tôi đã có bài “Đôi điều trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về chuyện 3 giáo viên dạy 1 môn” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Vì thế, trong bài này, chúng tôi xin mạn phép trao đổi vài điều cùng Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn về những gì ông đã chia sẻ với phóng viên qua 2 bài báo gần đây đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn đã cho rằng: “Riêng với môn Địa lý và Lịch sử thì có thể thấy rằng: Mọi sự kiện lịch sử đều diễn ra trong một thời gian và không gian nhất định (không gian địa lý).

Do vậy khi đặt các kiến thức lịch sử và địa lý gần nhau, lồng vào nhau thì học sinh sẽ nhìn nhận vấn đề một cách tự nhiên và thực tiễn”.

Trao đổi với Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn về 2 môn tích hợp của chương trình mới ảnh 2

“3 thầy 1 sách, dạy một môn”, kế hoạch do giáo viên và nhà trường chủ động

Thế nhưng, cũng trong câu trả lời này ông lại nói:

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, việc bố trí kế hoạch dạy học cho mỗi môn học là do giáo viên và nhà trường chủ động (theo kế hoạch/ chương trình dạy học nhà trường), miễn sao hết thời gian (học kỳ hoặc năm học) là học sinh được học hết nội dung chương trình”.

Rõ ràng, chỉ trong phần trả lời 1 câu hỏi của phóng viên, chúng ta đã thấy được sự mâu thuẫn.

Nếu như ý trên là sự bố trí các đơn môn lại thành một môn nhưng bố trí dạy các đơn môn trong cùng thời điểm gần nhau để soi sáng sự “tích hợp” với nhau thì câu dưới lại là sự “chủ động” của nhà trường và giáo viên mà “miễn sao hết thời gian (học kỳ hoặc năm học) là học sinh được học hết nội dung chương trình”.

Với cách trả trả lời còn chung chung như vậy nên chưa tạo được thuyết phục và đồng thuận của giáo viên.

Lâu nay, ngành giáo dục nói nhiều đến “tự chủ” thế nhưng nhà trường có được tự chủ được không lại là một câu chuyện dài.

Nhiều khi Phòng, Sở về thanh tra cứ hoạch họe, ép cơ sở phải thực hiện máy móc kế hoạch này đến sổ sách khác. Soi từ cái đề kiểm tra định kì, đến giáo án của giáo viên.

Thậm chí soi cả từng lời phê của giáo viên trong các bài kiểm tra định kì.

Vì vậy, sự “tự chủ” nửa vời chỉ làm khổ thêm giáo viên mà thôi. Mỗi ông lãnh đạo, mỗi vị thanh tra nói một cách, gợi ý một kiểu, giáo viên chúng tôi không biết phải nghe ai.

Bộ chỉ đạo có mấy loại sổ sách nhưng về đến Sở, đến Phòng, Trường thì sổ sách ấy ít nhất cũng phải tăng đến 2 lần.

Trao đổi với Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn về 2 môn tích hợp của chương trình mới ảnh 3

Tích hợp “1 sách 3 thày”, Ban soạn thảo càng ngày càng rối

Như vậy, sự “tự chủ” có thật là đã tự chủ chưa?

Trong khi các trường Trung học cơ sở hiện nay, các đơn môn Lí, Hóa, Sinh giảng dạy độc lập, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm riêng rẽ, bây giờ gộp lại thành môn Khoa học tự nhiên thì dĩ nhiên các đơn môn này trở thành một môn học mới.

Điều này cũng đồng nghĩa ba tổ chuyên môn trước đây trở thành một tổ chuyên môn.

Đã là một tổ chuyên môn, cùng dạy 1 môn học với nhau nhưng lại “môn của ai người đó dạy” và “ai sẽ ghi sổ đầu bài và vào điểm. Việc này do hiệu trưởng nhà trường phân công”; “Phân công hiệu quả là vì lợi ích và chất lượng học tập của học sinh, ai dạy tốt thì nên dạy”.

Như thế ai dạy không tốt thì sao?

Cũng theo Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn thì “Môn tích hợp Khoa học tự nhiên ở cấp Trung học cơ sở, lên đến cấp Trung học phổ thông sẽ tách ra 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học”.

Với cách làm như vậy sẽ dẫn đến sự suy đoán của giáo viên cũng như dư luận xã hội: Có lẽ cấp Trung học cơ sở cần “tích hợp” nên gộp các đơn môn lại, còn lên cấp Trung học phổ thông thì không “tích hợp” nữa nên lại tách nó ra?

Làm như thế để làm gì nhỉ?

Trao đổi với Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn về 2 môn tích hợp của chương trình mới ảnh 4

Đề nghị Giáo sư - Tổng chủ biên giải thích thêm về tích hợp 1 sách 3 thày

Bởi nếu chúng ta giữ nguyên các đơn môn ở cấp Trung học cơ sở thì không chỉ tạo sự thuận lợi cho nhà trường và giáo viên mà còn tạo cho các em học sinh làm quen với các tên môn rõ ràng từ cấp học này, khi lên cấp 3 các em sẽ thuận lợi cho việc định hướng học và thi cử vào một số chuyên ngành của mình sau này.

Trong khi thời gian thay sách đã đến gần nhưng theo Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn thì “Hiện nay chương trình môn học cấp trung học cơ sở đang trong quá trình xây dựng và góp ý, chưa có chương trình chính thức nên chưa có số lượng các chủ đề”.

Thời gian ban hành và thực hiện sách giáo khoa mới đã ấn định mà đến thời điểm này ban biên soạn môn học mới đang còn “trong quá trình xây dựng và góp ý, chưa có chương trình chính thức” thì rõ ràng càng khiến cho dư luận băn khoăn, nghi ngại.

Với tầm nhìn “hạn hẹp” của mình, chúng tôi nghĩ rằng việc gộp các đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Lịch sử, Địa lí thành 2 môn học mới là điều chưa hẳn cần thiết và hiệu quả.

Bởi cấp 2 “tích hợp” lại rồi lên cấp 3 lại tách nó ra thành môn học như lâu nay thì chỉ là chuyện “mèo lại hoàn mèo” chứ có thay đổi được gì đâu. Vô tình, gây áp lực cho cán bộ và giáo viên dưới cơ sở.

Một lần nữa, chúng tôi mạn phép đề nghị là nên giữ nguyên các môn học như tên gọi đã có mà chỉ cần chỉnh sửa, sắp xếp các bài học, các chủ đề cho hợp lí thì mục đích “tích hợp” của người viết sách cũng đạt được mà không tốn kém và gây khó khăn cho giáo viên và học sinh sau này.

Nguyễn Cao